Snack's 1967
Không bấm vùng phía trên kẻo mất tiền nhé!

Như đã bàn với Lê Nguyên Vũ tại Lái Thiêu, thiếu tướng Mai Hữu Xuân không chờ xong tang lễ đại tá Hoàng Thụy Năm, đã cử thiếu tá Thăng đi tìm thiếu tá Ngô Kim Long tùy viên thông dịch của đại tá Năm. Tướng Xuân tin chắc rằng, thiếu tá Long đã từng phục vụ dưới quyền ông, tình thầy trò còn đủ tin cậy, anh ta sẽ cung cấp cho ông đầu mối về hoạt động của đại tá Năm trong ủy hội quốc tế kiểm soát đình chiến. Tướng Xuân không quá ngạc nhiên khi nhận được tin bước đầu: Thiếu tá Long đã bị thuyên chuyển về quân đoàn 4 ở Cần Thơ, dưới quyền tướng Huỳnh Văn Cao mới được vài tuần. Càng tin tưởng hướng điều tra này là chính xác, tướng Xuân khuyên khích thiếu tá Thăng nhanh chóng bám sát mục tiêu.
May mắn thay, Thăng đã kịp gặp thiếu tá Long, trao đổi trọn một buổi chiều, nhưng ngay đêm đó Long đã chết. Ban an ninh Quân đoàn 4 báo về Sài Gòn, thiếu tá Long đã tự tử bằng chính khẩu súng của anh ta. Đạn xuyên thái dương, nguyên nhân do xung đột vợ con trong gia đình. Vừa nhận xác chồng về, vợ thiếu tá Long bèn khiếu oan với Tòa án đệ đơn lên Quốc hội, tới cả tổng thống, rằng chồng bà bị mưu sát! Báo chí được dịp tung tin. Trả lời phỏng vấn, vợ thiếu tá Long thuyết phục được dư luận: Chồng bà là người tu xuất gia đình gốc đạo, đức tin truyền đời, biết giữ điều răn Thiên Chúa nên không tự hủy mình, chuốc tội như vậy. Bài phóng sự giật gân chỉ lọt lưới kiểm duyệt một kỳ rồi im lặng.
Phần thiếu tá Thăng dù chỉ tiếp xúc với Long một buổi nhưng đã mang về cho thiếu tướng Xuân khá nhiều chứng cớ, đặc biệt là bức thư tay của thiếu tá Long kể lại chi tiết hai buổi gặp gỡ giữa đại tá Năm với trưởng phái đoàn Ba Lan thuộc ủy hội Quốc tế kiểm soát đình chiến, cả hai trao đổi về việc cố vấn Ngô Đình Nhu sẵn sàng thương thảo với Hà Nội. Tướng Xuân rất bằng lòng với mình, chính ông ta đã tìm ra nguyên nhân đưa đại tá Năm đến cái chết. Tướng Xuân đã hoàn thành hồ sơ vụ án, nhưng quyết định không trình lên bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần, mà tự tay giao hồ sơ cho Tổng giám đốc An ninh quân đội. Xuân nghĩ, nếu lộ ra, Xuân có cớ nói cần giao lại cơ quan đủ chức năng thẩm tra để kết luận. Nhưng tướng Xuân đã nói thẳng với đại tá Đỗ Mậu:
- Đại tá Hoàng Thụy Năm, sĩ quan cao cấp của quân lực Việt Nam Cộng hòa, lại là bạn từng chiến đấu chung chiến hào của tôi và cả của đại tá đã bị những người chúng ta "tôn thờ" giết chết. Hồ sơ này có đủ chứng cớ, đại tá Năm mất mạng vì đã cáo giác với CIA về âm mưu của tổng thống Diệm và cố vấn Nhu muốn bắt liên lạc với Cộng sản Hà Nội, chống Mỹ. Tôi quả không cam lòng về cái chết oan ức của một sĩ quan cao cấp, một chiến hữu thân thiết, chắc chắn đại tá cũng nghĩ vậy. Thời điểm này, chúng ta chẳng làm gì được dù đã tìm ra nguyên nhân, đã biết được thủ phạm là ai. Món nợ lương tâm, tạm gác?
Đỗ Mậu kể tỉ mỉ buổi gặp gỡ trao đổi với tướng Mai Hữu Xuân cho Vũ nghe, rồi ngồi chết lặng để nghe Vũ kể lại việc cố vấn Ngô Đình Nhu cử linh mục Bửu Dưỡng đại diện cho ông ta qua Paris gặp đại diện của Hà Nội. Đại sứ Lalouette làm môi giới, tất nhiên vì quyền lợi của Pháp nên khá tích cực. Đỗ Mậu nhảy nhổm, thét lên:
- Anh em Diệm đã phản bội chúng ta. Họ âm mưu bán đứng đất nước này cho Cộng sản. Thật bất nghĩa, bất nhân. Chẳng còn nghi ngờ chi nữa, chúng ta phải tự cứu thôi.
Thái độ dứt khoát của đại tá Mậu đến tai toàn nhóm Tâm huyết ly khai rất nhanh, rồi từ đây vọng đến các nhân sĩ các chính trị gia đảng phái chống Cộng. Trong những cuộc bàn thảo nội bộ, người ta không còn tách rời cố vấn Nhu với tổng thống Diệm nữa mà gộp chung "Anh em ông Diệm". Uy tín Tổng thống Diệm lao xuống rất mau, một vài người châm biếm mỉa mai khi phải nhắc đến ông Diệm, bóp méo khẩu hiệu "Ngô tổng thống muôn năm" ra "Ngô tổng thống muốn nằm". Bác sĩ Trần Kim Tuyến chỉ huy Phủ đặc ủy tình báo, cái bóng quyền lực khủng khiếp của cố vấn Nhu, có lần cười buồn thú với Vũ:
- Cả năm rồi, tôi biến thành thuộc viên của Dương Văn Hiếu. Cố vấn Nhu chỉ gặp tôi dăm ba lần để sai vặt. Anh biết không? Công việc chính của tôi bây giờ là nhận nhiệm vụ của CIA theo dõi ngược lại vợ chồng Ngô Đình Nhu. Tôi làm tận tình đấy, để đánh đổi sự bảo đảm của trung tá Conein cho tính mạng của vợ con và của chính tôi. Còn một ngày ở cạnh ông Nhu, tính mạng tôi còn treo bằng sợi chỉ. Tôi hy vọng ông Nhu chấp nhận cho tôi ra nước ngoài. Lạy Chúa? Xin cho con được bằng an trong vòng tay của đức Mẹ nhân từ.
Rõ ràng Tuyến đã bị loại, bị rúng động trước những cái chết, nhất là cái chết của đại tá Hoàng Thụy Năm. Vũ nhớ lại trong đám tang Hoàng Thụy Năm, người ta làm đúng như lệnh của tổng thống, có xe kéo pháo đặt quan tài, quốc kỳ phủ linh cữu, đại diện các binh chủng, các tướng lãnh tham dự, nhưng tất cả không quan tâm đến tiếng loa phát bài điếu văn kích động căm thù Cộng sản noi gương tinh thần hy sinh vì Tổ quốc của cố đại tá mà người ta chỉ quan tâm lắng nghe tiếng thì thầm truyền miệng: "Anh em ông Diệm" muốn rửa hai bàn tay vấy máu, dù đã được bọc lớp nhung đen. Thành Minh sau khi nghe báo cáo của Vũ, về diễn biến trong nội bộ đảng Cần Lao Trung ương, trong hàng ngũ tướng lãnh quân lực Việt Nam cộng hòa, với vẻ trang trọng ông ngửa bàn tay dùng ngón tay cái bấm như kiểu Gia Cát Khổng Minh:
- "Lưu liên" chiếu "đại an", "Xích khẩu" xâm "Tiểu cát", đạt đến "không vong"...
Cả hai không nhin được cười, nhưng ngay sau đó Thành Minh lấy lại vẻ nghiêm nghị, nói chậm rãi:
- Chắc chắn không bỏ lỡ cơ hội bằng vàng này, nhóm Đỗ Mậu, Võ Văn Trưng sẽ bén nhạy tận dụng khai thác vụ Nhu "ve vãn Hà Nội". Thật giả không cần biết, nhưng chứng cớ là có thật, tự nó tạo cơ hội cho nhóm Cần Lao ly khai quy tụ thêm lực lượng. Họ sẽ hè nhau giương lưỡi hái của tử thần trên đầu anh em Nhu-Diệm. Cậu nghĩ coi, nếu vài năm trước cuộc đảo chánh mà Nhu-Diệm xin hợp tác với Hà Nội để cùng chống Mỹ thì dù chưa thật sự giác ngộ quyền lợi dân tộc họ vẫn còn hy vọng tồn tại. Hồi đó, uy thế của anh em Diệm đang vững vàng, thực lực nắm được trong tay, đủ sức chế ngự bọn chống cộng của Mỹ, và thuyết phục lớp cơ hội nghe theo. Còn lúc này, Nhu-Diệm còn gì nhỉ? Mỹ nghi ngờ, đa số tướng lĩnh quay lưng, mà Nhu đưa ra kế hoạch "ve vãn Hà Nội " không khác nào tạo cớ hợp lý cho Mỹ thay ngựa, cho đối lập quyết tâm hơn. Nhu-Diệm không phải đi, mà là chạy, đang chạy cuống cuồng đến cửa huyệt đấy.
*
Đến cuối năm 1961 bác sĩ Trần Kim Tuyến giám đốc Sở nghiên cứu chính trị, tiền thân là cơ quan mật vụ, chỉ còn hữu danh vô quyền. Sau sáu năm nắm trong tay một tổ chức siêu quyền lực công cụ ghê gớm, bảo vệ chế độ trấn áp mọi phe phái đối lập. Hồi ấy Tuyến nắm toàn quyền điều phối ba hệ thống mật vụ hợp đồng rất chặt chẽ là Đoàn công tác đặc biệt miền Trung của Dương Văn Hiếu, lực lượng cảnh sát đặc biệt của Trần Bá Thành, và các tiểu đoàn đặc nhiệm chống đảo chính của Lê Quang Tung. Nhưng từ sau chính biến Thi-Đông, Dương Văn Hiếu được Nhu nâng lên Phó Tổng giám đốc Cảnh sát quốc gia, nắm cả đoàn công tác đặc biệt miền Trung lẫn lực lượng cảnh sát đặc biệt. Hiếu nhận lệnh trực tiếp của cố vấn Nhu và giám đốc Tổng Nha Nguyễn Văn Y, mặc nhiên Tuyến mất quyền chi đạo. Lực lượng đặc biệt của đại tá Lê Quang Tung đã hợp thức hóa thành quân chính quy của Bộ quốc phòng, có sự viện trợ đặc cách của Bộ tư lệnh Mỹ tại Sài Gòn, cũng tự nhiên nằm ngoài ảnh hưởng của bác sĩ Tuyến. Chức năng của Lê Quang Tung đặc trách chống đảo chánh trong hệ thống tổ chức của bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần.
Xem xét lại toàn bộ sự phân công mới, Lê Nguyên Vũ xác nhận lời phàn nàn của bác sĩ Tuyến là đúng sự thật. Anh quan tâm đến hiện tượng phân hóa mỗi ngày thêm trầm trọng, giữa hai thế lực có lực lượng vũ trang tương đương. Một bên, Tổng nha An ninh quân đội có Nha An ninh, Quân khu Thủ đô cùng bốn quân khu địa phương, các đơn vị có lực lượng an ninh gọi là phòng hai quân báo. Bên kia gồm lực lượng của Nguyễn Văn Y, Dương Văn Hiếu và Lê Quang Tung. Cả hai tuy cùng danh nghĩa bảo vệ sự sống còn của chế độ, nhưng đang ngấm ngầm đối đầu nhau, chỉ có điều anh em ông Diệm chưa lường hết mối nguy hiểm này. Mới cách đây vài ba tháng đã xảy ra năm vụ giết người. Năm nhân viên của Dương Văn Hiếu xâm nhập vùng kiểm soát của An ninh quân khu Thủ đô đã bị sát hại. Thiếu tá Trần Văn Thăng học được cách làm của Hiếu, gài lên xác mỗi nạn nhân một bản án của Việt cộng.
Hiếu biết vậy nhưng dễ gì chứng minh, đành im lặng, vả lại Hiếu sợ Diệm-Nhu cho là bất lực về trật tự an ninh. Đại tá Đỗ Mậu cũng biết rõ vụ thanh toán là do sĩ quan thuộc quyền, nhưng không la rầy khiển trách mà chỉ im lặng, một cử chỉ ngầm khuyến khích.
Vũ nghĩ, hai đối thủ đã xắn tay áo hè nhau nhảy lên vũ đài. Đại tá Đỗ Mậu tỏ ra tự tin vì phía sau ông ngày càng có thêm tướng tá nắm các quân binh chủng. Kể tháng chứ không tính năm, bản danh sách được điền thêm tên những người tự nguyện tham gia "cách mạng". Căn biệt thự số 11 đường Gia Long, tư gia của Tổng giám đốc Nha an ninh quân đội Đỗ Mậu, lúc này là vị trí an toàn không thua dinh Độc lập. Mọi người coi đây là căn cứ chỉ huy đầu não, bộ tham mưu của lực lượng tâm huyết, ly khai chế độ Diệm-Nhu. Phía hướng ra sông có lực lượng an ninh hải quân án ngự, mặt sau biệt thự, thiếu tá Trần Văn Thăng cho từng nhóm an ninh quân khu thủ đô chia ô đóng chốt. Các chính khách tướng tá đến họp hành bí mật, rất yên tâm không bị mật vụ Ngô Đình Nhu nhòm ngó. Mọi di chuyển của đại tá Đỗ Mậu đều được bảo vệ tối đa, nhất là trong khu vực quanh văn phòng Tổng nha an ninh, từ các ngã tư dọc Hai Bà Trưng, rồi các ngã ba phía công binh xưởng Hải quân đều có bố trí quan sát thường trực. Chính năm thủ hạ của Dương Văn Hiếu đã mất mạng ở vùng này. Vũ có phần lo ngại, khi cả Trần Kim Tuyến lẫn Đỗ Mậu đều chủ quan khinh suất. theo anh an toàn của cả hai nhân vật này là nhờ CIA, đại tá Colby và trung tá Conein đã trực tiếp bảo vệ, nên Nhu chưa dám đụng tới.
Một buổi chiều, sau giờ tan sở, đại tá Mậu giữ Vũ ngồi lại và cho anh biết, ông ta có hẹn tiếp một chính khách ở ngoài Trung vào, muốn Vũ về ăn cơm với ông rồi cùng dự gặp. Nhân vật này, theo ông Mậu, cả Nhu lẫn Cẩn đều coi là kẻ thù nguy hiểm, có ý chờ cơ hội loại trừ từ lâu nhưng vì uy tín, vì không có chứng cớ phạm pháp, nên họ chưa làm gì được. Đỗ Mậu kể thêm:
- Hồi tôi còn là Tư lệnh vùng duyên hải rồi bí thư tỉnh Đảng bộ Khánh Hòa của đảng Cần Lao Nhân Vị, ông ta là kẻ thù của chính phủ, của Nhu và Cần, mặc nhiên tôi đặt ông ta ở phía đối thủ của Đảng. Nay tình thế đã thay đổi rồi, ông ta thừa nhận chỉ chống gia đình họ Ngô, không chống chế độ quốc gia. Với quan điểm đó, ông ta trở thành bạn tốt của tôi, cũng là của chúng ta. Tháng vừa rồi cụ Hà Huy Liêm mời tôi cùng ra Qui Nhơn dự cuộc gặp mặt với cả chục nhân sĩ trí thức, tất cả đều là thành viên lãnh đạo của đảng Đại Việt miền Bắc, đảng Quốc Dân Quảng Đà. Hai đảng đã hợp nhất lấy đảng danh là Đại Việt Quốc Dân Đảng. Tình hình ngoài đó hoạt động rất mạnh, phát triển được vài nghìn đảng viên. Họ tin tôi, thông báo cho biết có vài trăm đảng viên là cấp sĩ quan chỉ huy trong quân lực Việt Nam Cộng hòa. Nhân vật mà chúng ta đón tối nay chính là cụ Nguyễn Văn Lực, ngang tầm cỡ với Nhất Linh Nguyễn Trường Tam thuộc Trung ương Quốc dân Đảng, và là bạn thân thiết của cụ Nguyễn Xuân Chữ, lãnh tụ đảng Đại Việt. Thời Pháp, cụ Lực hoạt động ở vùng biển Hải Phòng, Quảng Ninh, Kiến An, danh tiếng rất nổi. Đã có vài ba năm cụ hợp tác với Ngô Đình Nhu. Hồi đó Quốc Dân Đảng phát triển mạnh ở vùng công giáo Bùi Chu, Phát Diệm, qua linh mục Nguyễn Văn Dũng, hiện nay là Chánh xứ nhà thờ Ba Ngôi, cụ Lực đã từng tích cực trong kế hoạch vận động cho Ngô Đình Diệm về nước chấp chánh, lật đổ Bảo Đại. Nhưng khi anh em ông Diệm củng cố được quyền lực vững rồi, Ngô Đình Cẩn quay mặt tàn sát hết lực lượng Quốc dân Đảng ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, quét sạch chiến khu Ba Lòng của Đại Việt, cụ Lực thoát hiểm nhờ công lao quá lớn với chế độ nên cả ông Diệm lẫn ông Nhu kịp chặn tay Cẩn. Từ đó cụ Lực góp nhặt từng người tập họp lực lượng chờ thời, cụ tiên liệu những hành động bất nhân sẽ mất lòng dân, họ Ngô sớm muộn cũng nhận lấy luật gieo gió gặt bão. Có thể nói trong lực lượng chống Diệm, không ai kiên nhẫn, quyết liệt như cụ Lực. Cụ đã giới thiệu với tôi ba con trai của cụ hiện đang tại ngũ là đại úy Nguyễn Văn Tâm phục vụ tại Bộ Tổng tham mưu, trung úy Nguyễn Văn Đính ở Ban tác chiến không quân, trung úy Nguyễn Văn Cử phi công chiến đấu. Rất giống cha, cả ba vừa trẻ vừa dũng cảm hơn người. Hôm nay cụ Lực gặp chúng ta chắc để bàn kế hoạch hành động, mà cụ rất tin sẽ thành công. Lát nữa cụ Lực lại, chúng ta sẽ nghe cụ trình bày, cụ đã nói trước rằng, cần phải có sự hợp đồng của chính tôi mới thực sự hoàn chỉnh kế hoạch.
Vũ như say như mê, khi lắng nghe Đỗ Mậu kể. Anh cảm thấy như được biểu dương công trình vận dụng trí tuệ suốt một năm dài anh quên ăn mất ngủ. Nghe như có một dòng chảy của thành quả công tác thấm vào tâm hồn theo từng diễn biến trong câu chuyện của vị đại tá. Cảm xúc này, anh nghĩ, chắc chỉ có được với những chiến sĩ tình báo chiến đấu trực diện ngay trong lòng địch.
Cả hai đang uống cà phê sau bữa ăn thì Nguyễn Văn Lực đến. Tuổi cổ lai hy, râu tóc dù đã bạc, nhưng cụ Lực còn đầy vẻ quắc thước, tráng kiện với nước da miền biển ửng nâu. Ông cụ thật đẹp lão giọng nói sang sảng mạnh hơi, thường có ở những người nóng nảy, tự tin:
- Anh em ngoài đó cử tôi vào trình bày công việc với đại tá..
Ông nhấn mạnh tiếng "đại tá", ngừng lại, nhìn qua Vũ vẻ ngần ngại. Đại tá Mậu mỉm cười vui vẻ:
- Xin cụ yên tâm, ông Vũ phụ tá của Tổng nha, cũng là bạn tâm huyết của anh em chúng tôi trong này.



Xem trang:
[1][2][3][4][5][6][7][8][9][10][11][12][13][14][15][16][17][18][19][20]
[21][22][23][24][25][26][27][28][29][30][31][32][33][34][35][36][37][38][39][40]
[41][42][43][44][45][46][47][48][49][50][51][52][53][54][55][56][57][58][59][60]

TOP WAP WORLDWIDE


mobiV trang ch

© GIAITRI102.TK
Thanks to XTGEM