Không bấm vùng phía trên kẻo mất tiền nhé!

Những ngày giáp Tết, Sài Gòn bỗng rực rỡ lên với trăm màu hoa thật, hoa giả, bày bán khắp phố chợ. Trong khi ấy, những đợt sóng ngầm từ hậu trường chính trị vẫn đang cuồn cuộn dưới lớp vỏ đã không còn hào nhoáng của chế độ Ngô Đình Diệm.
Cậu út Ngô Đình Cẩn ở Huế được giao trọng trách nuôi mẹ già thay năm anh chị em lo nắm quyền lực quốc gia, coi sóc giỗ Tết phụng thờ ông cha, thế mà năm nay cậu tuyên bố dứt khoát không tổ chức Tết long trọng như mọi năm. Cậu giận vợ chồng cố vấn Ngô Đình Nhu đã "vạch áo em ruột mình cho thiên hạ coi lưng", bêu xấu cậu. Cậu phân trần với anh, tổng thống Ngô Đình Diệm:
- Bảy năm qua tui chẳng gởi được đồng tiền mô ra nước ngoài. Lần ni, nghe lời bọn bên dưới khuyên tôi phòng xa, mới chuyển được ít chục triệu đô-la dành dụm được qua ngân hàng Ý, trong khi mụ Lệ Xuân mỗi năm mỗi gởi, bảy năm liền có hàng mấy trăm triệu, chẳng ai dám nói. Đã rứa, Tết năm nay để cho mụ ta lo liệu cúng kiếng, nếm mùi vất vả mà tui đã chịu lâu nay.
Tưởng cậu Út dọa thôi, không ngờ cậu làm thật. Cận Tết, ông Diệm mới được tin báo từ Huế, nhà thờ họ Ngô vẫn đóng cửa im lìm, không một cành hoa trang trí. Bà Nhu khinh khỉnh cười mỉa mai, khi ông Diệm hoảng hốt gọi bà tới giao cho bà phải lo làm. Chẳng có gì khó khăn, vất vả như cậu Út dọa, bà cố vấn lệnh cho bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần chuẩn bị ba máy bay vận tải quân sự, chỉ thị cho số phu nhân trong Hội phụ nữ liên đới, thu gom các loại đặc sản quí hiếm còn tươi, rượu bánh, trà tàu không thiếu loại danh tiếng sản xuất ở châu Âu, Đài Loan, Hương Cảng... Riêng một máy bay đưa hai chục đầu bếp tên tuổi ở Chợ Lớn Sài Gòn ra Huế. Chỉ trong ba ngày chuẩn bị, bà cố vấn đã đại diện gia đình tổng thống sẵn sàng đãi tiệc mừng Tết cổ truyền. Trên 2000 khách, ngoại giao đoàn, các nhân vật quân dân chính quốc nội lũ lượt trảy về cố đô chúc thọ tổng thống, hai vị cố vấn, và tế sống cố bà Ngô Đình Khả. Nhóm người có khuynh hướng chống đối ông Diệm, Nhu năm nay thêm nhiều người vắng mặt trong buổi lễ.
Về vụ Ngô Đình Cẩn chuyển đô-la qua Ý bị lộ. Báo chí Âu, Mỹ khai thác lan sang vụ tổng giám mục Ngô Đình Thục chuyển ngân qua nhờ chương mục của một giáo sĩ người Ý bị lừa gần 100 ngàn đô-la, người ta phát hiện thêm những triệu đô-la trước đó đức cha Thục gởi ra nước ngoài, không kém hơn ai. Bác sĩ Trần Kim Tuyến từ Hồng Kông đã gởi đơn từ chức Đại Sứ, không đi Ai Cập, mà đi sang Anh trình diện cơ quan tình báo Anh, rối tham quan Ý, Pháp.... Ông ta đã gửi cho đại tá Mậu những tài liệu liên quan đến chính quyền Ngô Đình Diệm, không còn uy tín, không được sự ủng hộ của bên ngoài. Trong số tài liệu, còn một bản kê khai bí mật của cơ quan tình báo Anh về con số cả tỷ đô-la mà anh em ông Diệm đã thu vén được trong tám năm cầm quân, so với tổng số tiền gửi ở nước ngoài của những nhà tư sản Việt Nam thì lớn gấp bội. Bản tin của bác sĩ Tuyến được truyền nhanh trong nhóm Tâm Huyết, khích động mạnh tâm tư của mỗi thành viên trong lực lượng quân sự của đại tá Mậu, lực lượng Cần Lao ly khai của cụ Hà Huy Liêm, và lực lượng chính trị của cụ Nguyễn Văn Lực. Tất cả hạ quyết tâm, không chỉ diệt Nhu, Cấn, mà còn mạnh hơn, hạ bệ tổng thống Ngô Đình Diệm, cứu nguy chế độ.
Tết này, Linh Phương người bạn gái thân thiết nhất của Vũ, biết nhau ngay từ những buổi đầu anh có mặt ở Sài Gòn, không chỉ gởi thơ, quà như mọi năm, mà còn đích thân thay chồng về Huế báo cáo công việc làm ăn với cố vấn Ngô Đình Cẩn. Trở về Sài Gòn, nàng đã dành cho Vũ và cô em gái Phù Ninh Đa ba ngày vui Tết với nhau, thật hạnh phúc. Qua những câu chuyện của Linh Phương, Vũ mới biết cái công ty xuất nhập khẩu của cố vấn Ngô Đình Cẩn tại Hồng Kông chỉ với số vốn hơn một tỷ đô-la nhưng hoạt động kinh doanh hàng chục tỷ không thua gì các công ty danh tiếng địa phương. Cẩn đã thu lợi tức hàng năm nhiều trăm triệu, nhờ làm ăn công khai, nhưng lại hoàn toàn lậu thuế xuất nhập vào trong nước.
Linh Phương vẫn còn mặc cảm với Chợ Lớn, Sài Gòn, nơi đã gây ra những vết thương tinh thần mà nàng thú nhận không làm sao lành được. Nàng rủ Ninh Đa cùng lên Đà Lạt sống riêng với nhau hai ngày. Không có Vũ, vì anh đã cùng đại tá Mậu đi công tác ở miền Tây. Chỉ còn lại một ngày, Vũ đưa hai chị em đi Vũng Tàu tắm biển. Tối hôm đó, Linh Phương đưa cho Vũ những bức hình của Sài Kinh Đông, bốn tuổi, con trai nàng, đang ở với bà nội ở Hương Cảng, mỉm cười hỏi Vũ:
- Anh xem kỹ đi, đố anh biết có gì đặc biệt ở thằng bé con em không?
Với một bức hình đứa bé 4 tuổi, dù đã được phóng lớn, rõ nét, Vũ chỉ thấy bé đẹp trai, tươi vui bụ bẫm, chẳng biết có gì đặc biệt. Anh tế nhị im lặng ngắm nghía không dám vội trả lời nàng. Linh Phương nhìn Vũ với ánh mắt đằm thắm, tâm sự giọng nàng như làn hơi thở nhẹ:
- Cho đến ngày gặp anh, em đã qua những năm tháng sống buông trôi theo dòng người thấp hèn ti tiện, thủ đoạn, tàn bạo... Quả tình em không nghi, không hiểu, không biết chút gì về tình yêu nam nữ. Thật bất ngờ gặp anh! ...
Linh Phương ngừng nói, ghé đầu lên vai Vũ, nàng tiếp:
- Không hiểu sao lúc ấy cảm nhận ở ánh mắt của anh có cái gì lạ lùng khiến em thấy em được yêu và biết yêu...
Vũ không trả lời, siết chặt bàn tay Linh Phương, và gật đầu. Giọng Linh Phương dạt dào:
- Từ cuộc sống thể xác không cảm xúc, em như bước sang lãnh vực tình yêu tinh thần. Cứ nhìn vào mắt anh, em cảm nhận được ngay sự an lạc trong lành, tin cậy, trân trọng, tình người, mà từ bao năm qua em không hề có được. Rồi từ đó hễ được anh nhìn thẳng vào mắt, được anh cầm tay, em đã cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện, như mình được yêu, tình yêu của thần linh thật huyền diệu, bí ấn. Nếu như...
Linh Phương ngồi thẳng lên, mỉm cười thật dễ thương với Vũ, ngập ngừng:
- Nếu như... vâng, nếu anh cũng sáp lại em như những người khác, những người đàn ông bình thường, em nghĩ chắc cảm xúc tình yêu thiêng liêng đó sẽ tắt trong em.
Ngừng lại giây lát, giọng nàng sôi nổi hẳn:
- Về sau này em được đọc cuốn Phân Tâm Học của Freud, em tìm ra lý giải. Con người anh được nhìn qua lăng kính thần linh bất diệt trong em, vì đó là tình yêu của em. Em mới càng hiểu cụ Nguyễn Du đã diễn đạt tâm trạng của nàng Kiều nói với chàng Kim "Chứ trinh còn lại chút này mà thôi!" và em nhận chân rằng, khi yêu ai, người ấy trở thành một vị thần linh trong tim mình chớ không phải một xác thịt bên cạnh mình. Em đã nghĩ, một cách hoàn toàn không ý thức, anh đã để lại trong em một cảm nhận làm người, nhân chi vạn vật chi linh. Anh đã đỡ em dậy để làm người, từ đó giúp em ổn định hai mặt cuộc sống, sống như mọi người làm vợ, làm mẹ, đồng thời sống trong tình yêu thầm lặng mà thiêng liêng trong tim em. Chính sự sống tinh thần này lại là điểm tựa vững chắc cho hạnh phúc của gia đình em. Ánh mắt của anh đã ám ảnh em suốt một thời gian dài trong giấc ngủ, trong nhớ nhung, tạo nên bản sao cho đôi mất của con trai em là thế.
Linh Phương cầm bức hình con trai nàng hướng ra ánh sáng để Vũ nhìn kỹ hơn, nàng tiếp, giọng như hơi gió thoảng:
- Thăm thẳm, nhân ái, tự tin là cặp mắt của anh đấy, không phải là của ba nó, anh nhận ra chưa?
Vũ giật mình, nhìn kỹ đôi mắt của bé trai. Anh hết sức cảm động về mối chân tình của Linh Phương. Giọng anh cũng run run:
- Anh cảm ơn em về những gì em đã dành cho anh. Cầu chúc cho con trai em sẽ là nguồn hạnh phúc bền bỉ suốt đời em.
Linh Phương nắm chặt bàn tay Vũ. Anh cảm thấy hơi ấm kỳ lạ, thanh thoát. Hai bàn tay cứ để nguyên như thế, cả hai nhìn nhau, lặng lẽ, trong tiếng sóng biển dặt dìu xa xăm...
Thế rồi ngày chia tay đã đến, Ninh Đa và Vũ đưa Linh Phương ra sân bay Tân Sơn Nhất, hai chị em ghì chặt lấy nhau khóc, như không muốn rời nhau. Vũ không khỏi xúc động. Vũ yêu quý cả hai chị em. Chuyện về họ, quả không ít điều đáng nhớ, không chỉ liên quan tình cảm cá nhân, mà nó đã gắn liền đến sự nghiệp cách mạng Đảng giao cho anh trong những năm dài phục vụ. Vũ nghĩ chắc sẽ có lúc mọi người sẽ biết chuyện về Linh Phương, Ninh Đa, hai nàng Kiều - nạn nhân của thời cuộc, của chiến tranh, biết vùng dậy bảo vệ lòng trung trinh bằng nghị lực phấn đấu của chính mình. Cũng như người anh kết nghĩa của Vũ, anh Huỳnh Văn Trọng, chính anh tự giải thoát mình ra khỏi quá khứ. Anh từng xác nhận, khi tìm ra nhân sinh quan mới, anh thấy mình trẻ hơn, và lớn lên. Vũ không đủ lý luận để phân giải, anh chỉ cảm nhận được rằng, tư tưởng cách mạng đã phát huy từ chân lý cuộc sống.
Bác sĩ Trần Kim Tuyến lúc này đã trở thành một nguồn tin tức của Vũ qua những thư riêng ông ta gửi cho Vũ. Đồng chí Thành Minh đánh giá cao những thông tin Tuyến gửi cho Vũ sau chuyến đi du lịch ba nước châu Âu về. Tuyến còn gửi thư về cho đại tá Đỗ Mậu, cho nhóm Cần Lao ly khai, những thư này Vũ cũng được biết nội dung. Vũ hiểu tâm trạng của bác sĩ Tuyến, ông ta không còn con đường nào khác, phải bám chặt nhóm đại tá Mậu, hy vọng khi lật đổ được anh em ông Diệm, gia đình Tuyến mới còn đường trở lại quê hương. Đơn từ chức làm đại sứ Việt Nam ở Ai Cập của Tuyến đã gửi về Bộ ngoại giao, coi như một quyết định đoạn tình với chế độ - với người thày một thuở, cũng là một thách đố sinh tử với Ngô Đình Nhu rồi.
Đại tá Đỗ Mậu rất phấn khởi khi nhận được tin của Tuyến, nhanh chóng phổ biến trong nội bộ, phương pháp động viên khá hiệu quả. Đó là những tin Tuyến thu thập được từ cơ quan tình báo Anh ở Luân Đôn, ở chi nhánh tình báo Anh tại Hương Cảng, mà Tuyến đã là thành viên của khối điệp báo địa bàn Việt Nam. Một nhân viên như Tuyến quả là quí hiếm với bất cứ tổ chức tình báo nước ngoài nào vớ đưọc.
Bức thư gần nhất gửi cho đại tá Đỗ Mậu, Tuyến thông báo: Tổng thống Kennedy và tập thể cố vấn đoàn Nhà Trắng đang lo lắng về diễn biến tình hình ở Nam Việt Nam. Cơ quan tình báo Anh nhận định, Kennedy đã chủ quan kéo dài, vì tin cậy quá đáng tập đoàn quân sự Harkins ở Sài Gòn cho là họ đã nắm chắc quyền hành ở Nam Việt Nam, cho nên ông bị bất ngờ khi phát hiện hai thế lực thân Pháp và thân Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng miền Nam đã liên kết tạo thành lực đẩy anh em Diệm đang lao vào quĩ đạo của De Gaulle, trung lập hóa Nam Việt Nam, đòi phải chấm dứt can thiệp từ bên ngoài. Nếu anh em ông Diệm tuyên bố chống lại can thiệp Mỹ, thì thế lực của Diệm đang yếu sẽ thành mạnh, Nam Việt Nam sẽ lọt vào tay Hà Nội, trong đó có quyền lợi của Pháp theo tinh thần hiệp định Genève, Mỹ sẽ rất khó khăn duy trì sự có mặt của mình ở vùng này để khỏi bị hất ra ngoài.
Cơ quan tình báo Anh cũng xác nhận bản phân tích của nhóm CIA ở Sài Gòn rằng, lực lượng của chính quyền Diệm đã phân hóa, uy tín suy giảm trầm trọng. Ông Diệm dựa vào khối công giáo lúc đầu. Ông ta quên rằng các đảng phái chính trị chống cộng ở Sài Gòn đều trông vào các tôn giáo để có thực lực, để tồn tại. Cả lực lượng quân sự cũng không ngoài qui luật đó. Nay một phần cộng đồng công giáo chống cộng ở Bắc di cư vào Nam vẫn hướng về phía Pháp, lớp mới ủng hộ Mỹ thì chưa đủ mạnh hơn; lực lượng đảng phái, cả quân lực Việt Nam cộng hòa, cũng từ đó mà phân hóa làm hai phe: ủng hộ Mỹ hoặc thân Pháp. Các tôn giáo khác, đặc biệt là Phật giáo, anh em Diệm đã đẩy về phía Mặt trận hoặc các nhóm đối lập tự do khai thác, anh em ông Diệm rõ ràng đã bỏ mất thời cơ, nay cứu gỡ không còn kịp. Cơ quan CIA đánh giá, các tôn giáo gốc đạo Phật ở miền Nam Việt Nam vốn có quyết tâm chống cộng hơn lúc nào hết, Mỹ phải hỗ trợ cho họ, để phá vỡ ý đò trung lập hóa miền Nam Việt Nam mà Pháp, Hà Nội và cả anh em ông Diệm đang tính toán.
Kennedy đã phải tổ chức những cuộc họp với các cố vấn để có quyết định của Bộ ngoại giao. Ngoại trưởng George Ball ký bức điện gửi cho đại sứ Nolting ở Sài Gòn: "Chính phủ Hoa Kỳ không thể dung dưỡng thêm nữa vai trò đầy quyền lực của vợ chồng Ngô Đình Nhu. Chúng ta mong dành cho ông Diệm cơ hội cuối cùng, hợp lý, để ông ta phái loại ông Nhu. Nhưng nếu ông Diệm vẫn ngoan cố, chúng ta sẵn sàng nói thằng cho ông ta hiểu, Hoa Kỳ không ủng hộ ông ta thêm nữa. Ông đại sứ có thể thông báo các Tư lệnh quân sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn biết, không yểm trợ nữa nếu ông Diệm ngoan cố. Và cũng phải nói thẳng với các tướng lĩnh Việt Nam mà chúng ta tin cậy, tất nhiên không để anh em ông Diệm biết rằng đòi hỏi của chúng ta trước hết là không có vợ chồng ông Nhu bên cạnh ông Diệm. Như vậy, chúng ta sẵn sàng chấp nhận ông Diệm để giữ tình hình ổn định." Tuyến thông báo thêm, tổng thống Mỹ đã cho phép cơ quan tình báo CIA tại Sài Gòn tạo một áp lực buộc ông Diệm không thể ù lì, như phát động đấu tranh trong giới hạn chỉ nhằm đạt đúng mục đích yêu cầu, không đi xa hơn đề phòng cả hai mặt gây bất lợi.. Đại tá Mậu giải thích "hai mặt" Mỹ e ngại, tức là hai thế lực chủ trương trung lập miền Nam mà ông Nhu đã toan tính nhảy vào đó.
Một đoạn điện văn, Tuyến ghi lại, của tướng Harkins điện về Tòa Bạch ốc khi ông ta nhận được lệnh của Kennedy hỗ trợ hành động cảnh cáo ông Diệm: "Tôi đề nghị lúc này, chúng ta cố gắng đừng thay ngựa quá sớm, e làm cho chủ trương trung lập sẽ phát triển mạnh lên." Vũ thấy được vấn đề đã xác định ý đồ quyết liệt của Mỹ phải nắm vững Nam Việt Nam sớm hơn, không thể nhân nhượng thêm nữa, khi cần tính sổ cả với Diệm. Đại tá Đỗ Mậu tỏ ra tâm đắc về mẫu điện văn của tướng Harkins cũng giống như ý ông chỉ cần giết vợ chồng Nhu, Diệm chẳng còn gì để gây nguy hiểm cả. Tình cảm đối với ông Diệm vẫn còn chiếm một chỗ đứng trong lòng đại tá Mậu.
Trong lúc đó, công ty phát hành phim ảnh tung ra cuốn phim "Cuộc đời Đức Phật Sakya" về cuộc đời của Siddharta Gautama, luân phiên chiếu khắp các rạp ở Sài Gòn, Nha Trang rồi Huế trước kỳ lễ Phật Đản. Những cây viết phê bình hầu như chờ sẵn, rất nhanh tung ra những luận điệu kích động cộng đồng Phật tử. Tuần tự, Thượng tọa Thích Tâm Châu tức khắc cho ra mắt ủy ban Liên Phái Phật Giáo, chỉ nhằm mở một đợt chiến dịch chống cuốn phim dám bôi bác xuyên tạc Đức Phật, cho rằng chiếu cuốn phim đó là kỳ thị tôn giáo. Bộ thông tin tức khắc ra lệnh cắt đoạn Đức Phật hồi còn là Hoàng tử và sinh hoạt của cung tần phi nữ trong cung đình. Thượng Tọa Tâm Châu chỉ cần có vậy, tập họp, thực tập rồi chuyển vào chiều sâu, chờ đợi ủy ban Liên Phái Phật Giáo ra đời và tồn tại.
Tình hình bề ngoài có vẻ ổn định nhưng trong dân chúng xuất hiện một câu ca dao truyền miệng khắp chợ búa, khắp chốn đông người, nhanh không kém chi truyền thông điện tử:
"Nhà Ngô có bốn gian hùng. Diệm ngu, Nhu ác Cẩn khùng, Thục điên". Giọt nước đã làm tràn ly ấm ức của người dân bị đòn nén lâu rồi, nay có chủ trương từ một phía quyền lực, báo hiệu sức bùng lên sẽ nhanh và sẽ rất mạnh!
Chiều thứ bảy, đại tá Mậu giữ Vũ ở lại cùng ăn cơm, có cả thiếu tá Thăng, trung tá Độ. Ông mời mọi người cùng đi thăm cụ Nguyễn Văn Lực ở chùa Suối Tiên. Trời sụp tối, hai chiếc xe nối đuôi nhau phóng lên Biên Hòa. Không chỉ cụ Lực có mặt, mà có cả thượng tọa Thích Tâm Châu và một đại đức trẻ cao lớn, được giới thiệu là Thích Thiên Ân. Mọi người vui vẻ đón tiếp đại tá Mậu, Vũ, và hai sĩ quan tùy tùng. Thượng tọa Thích Tâm Châu tỏ vẻ hài lòng thông báo cho các vị khách biết về hoạt động của ủy ban Liên Phái Phật Giáo phản đối chiếu phim "Siddharta Gautama" mà ông cho rằng đã đánh cho Nhu Diệm một đòn bất ngờ rất thành công.
Trong khi Nhu chưa kịp phản ứng, thì thượng tọa Thích Tâm Châu thấy rằng mục đích đã đạt, đã tức khắc thu hồi lực lượng, để không dành cho Nhu cơ hội phản công, đồng thời làm tăng thêm sự chủ quan của ông Diệm về uy lực của chế độ. Thế nhưng nhân sự kiện này, báo chí Mỹ lại tung ra chiến dịch tấn công tổng giám mục Ngô Đình Thục về việc ông tổ chức lễ Ngân Khánh 25 năm giám mục, không ở phạm vi giáo phận Huế và Vĩnh Long mà tổ chức trong toàn quốc. Báo chí Mỹ đặt câu hỏi: "Phải chăng ông muốn gây ảnh hưởng tới Tòa thánh Vatican sẽ chấp thuận phong Hồng Y trong dịp này cho ông ta chăng?" Đúng là nhờ sự trùng hợp giữa lễ Ngân Khánh và việc chiếu cuốn phim "Siddharta Gautama" khiến ông Nhu cũng không muốn, và không thể mạnh tay với cái ủy ban Liên Phái Phật Giáo vừa ra mắt đã rút ẩn vào các chùa, thực chất vẫn còn đó với danh xưng ra đủ.
Qua câu chuyện, Vũ được biết đại đức Thích Thiên Ân, tu học tại Nhật Bản từ nhỏ, có bằng cao học Phật học, mới về nước được vài tuần nay cùng với vài chục đại đức cùng trang lứa, họ tu học ở Đài Loan, ở Nam Hàn và Nhật. Các đại đức này đã được các vị thượng tọa thu nhận về, một số đông đã được đưa ra Huế, Nha Trang. Theo thượng tọa Tâm Châu, đây là lực lượng có khả năng làm đòn xeo cho giáo hội Phật giáo sau này.
Vũ nghĩ đến một thế lực có tầm cỡ chiến lược, có trong tay một kế hoạch qui mô, nhưng anh không có cơ hội tìm hiểu vào lúc này. Những ngày sau đó, tình hình Phật giáo đã có sự chuyển biến, đôi nơi sôi động không khí âm ỉ chống chế độ lan ra tới Huế, Nha Trang, không chỉ ở Sài Gòn... Cố vấn Ngô Đình Nhu vẫn không mấy quan tâm về phong trào quần chúng, mà chú trọng đến bạo lực, sức mạnh của vũ trang. Đề phòng phe quân sự làm liều, ông Nhu lo vạch kế hoạch chống đảo chính, rồi kế hoạch giả đảo chính, để diệt bọn âm mưu đảo chính, duyệt lại các lực lượng bố phòng. Chỉ riêng xung quanh khu vực dinh Gia Long, có 8 tiểu đoàn, phân nửa là cảnh sát dã chiến, phân nửa là lực lượng đặc biệt của Lê Quang Tung, chiếm hết các cao ốc, các vị trí thuận lợi có khả năng kiểm soát mọi sự xâm phạm vào khu vực cấm quanh dinh, khu vực cần có an ninh tuyệt đối, bảo đảm sự sống còn của lãnh tụ của cấp lãnh đạo chế độ.
Sau vụ ủy ban Liên Phái Phật Giáo ra mắt, ông Nhu đưa ngay hai lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến và Dù về thủ đô tăng cường phòng vệ. Đây là hai binh chủng thiện chiến, tin cậy của chính quyền ông Diệm. Sài Gòn lúc này như một trại lính. Vũ nhận thấy đại tá Mậu, người chủ trương tập hợp lực lượng của nhóm Tâm Huyết, không tỏ vẻ lo âu. Một buổi chiều, đại tá Mậu rủ Vũ cùng đi thăm lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến, do trung tá Lê Nguyên Khang chỉ huy. Bộ chỉ huy lữ đoàn đóng tại văn phòng của Viện Đại học Sài Gòn góc đường Duy Tân - Trần Quí Cáp. Không có mặt trung tá Khang. Trung tá phó tư lệnh Nguyễn Bá Liên đại diện lữ đoàn đón tiếp đại tá Mậu, và Vũ, không phải trong phòng, mà ở một góc vườn mát mẻ, có sẵn bàn nước dành cho ba người.
Trung tá Nguyễn Bá Liên theo đạo Tin Lành, là một sĩ quan được đào tạo ở Mỹ, có căn bản, tinh thần chiến đấu cao, có khả năng chỉ huy, binh lính phục tùng. Anh ta kể lại những năm tháng hành quân chiến đấu khắp các chiến trường rồi lan man qua những chứng cứ, chứng minh sự suy thoái của chế độ, nông thôn mất an ninh, nạn cường hào ác bá hoành hành, dân chúng đã mất lòng tin ở chế độ và cả ông Diệm. Liên tỏ vẻ lo âu nghi ngờ sự lãnh đạo quốc gia của anh em ông Diệm. Bất chợt, đại tá Mậu hỏi Nguyễn Bá Liên:
- Anh có nghĩ rằng tình hình suy thoái như thế kéo dài, quân đội có thể đứng lên làm binh biến lật đổ ông Diệm không?
Vũ giật mình, lo ngại đại tá Mậu nóng vội có thể làm cho Liên nghi ngờ. Nhưng ngay sau đó Vũ lại không khỏi ngạc nhiên khi thấy trung tá Liên vẫn bình tĩnh, khẽ nhún vai, đáp:
- Tôi cho là có thể, thưa đại tá. Trong lữ đoàn chúng tôi, trừ đại úy Bằng gốc Công Giáo Bắc di cư, các sĩ quan khác đều tỏ ra bất bình hành động của ông bà Ngô Đình Nhu. Cụ thể như đại úy Nguyễn Phúc Quế, tay này đã đậu y khoa bác sĩ tại Pháp, vẫn tình nguyện vào quân đội chiến đấu cho đến bây giờ. Rồi các đại úy Trần Văn Nhật, Lê Hoàng Minh em ruột Lê Minh Đảo, đều là những tiểu đoàn trưởng dây tài năng, chiến đấu rất can trường, dám sống chết vì tự do, vì chế độ, quyết diệt Cộng sản, sắn sàng bảo vệ mảnh đất miền Nam này. Tất cả đều tỏ ra thất vọng về cụ Diệm.
Mậu trầm ngâm đốt thuốc, suy nghĩ giây lát, rồi ông ngẩng mặt nhìn thẳng vào mắt viên tư lệnh phó lữ đoàn:
- Anh biết đấy, tôi đá có 20 năm phò ông Diệm, nếu nay lại đứng lên phế bỏ ông ta thì có bị người đời chê trách thiếu thủy chung không?
Nguyễn Bá Liên tỏ vẻ khẳng khái:
- Thưa đại tá, ba tôi cũng là chiến hữu một thời của ông Diệm, đến đời tôi vẫn tiếp tục chiến đấu vì ông Diệm, như vậy ông Diệm còn mắc nợ đại tá nợ cha con tôi, chúng ta có mang ân nghĩa gì ở ông ta? Huống chi đối với quốc gia dân tộc, nếu đại tá hành động vì cái nghĩa chung thì ai có thể trách nhỉ?



Xem trang:
[1][2][3][4][5][6][7][8][9][10][11][12][13][14][15][16][17][18][19][20]
[21][22][23][24][25][26][27][28][29][30][31][32][33][34][35][36][37][38][39][40]
[41][42][43][44][45][46][47][48][49][50][51][52][53][54][55][56][57][58][59][60]

TOP WAP WORLDWIDE


mobiV trang ch

© GIAITRI102.TK
Thanks to XTGEM

80s toys - Atari. I still have