Polly po-cket
Không bấm vùng phía trên kẻo mất tiền nhé!

Thủ đô Sài Gòn có lệnh giới nghiêm từ 12 giờ đêm, nhưng từ 9 giờ tối một số đơn vị quân đội đã lặng lẽ hành quân rải khắp các khu được phân công. Và chỉ trong khoảng ba tiếng đồng hồ, tất cả các sư sãi ni cô ở mọi chùa chiền đều bị công an chìm nổi, cảnh sát dã chiến, lực lượng đặc biệt vây bắt hết, đánh đập nếu chống cự, còng tay, đẩy lên hàng chục xe bịt bùng đưa đi. Các sư sãi ni cô bị tập trung giam giữ theo phân loại, số quan trọng nhốt ở Tổng nha cảnh sát, trại mật vụ Lê Văn Duyệt. Số khác ở khu an dưỡng đường Phú Lâm, ở trại gia binh Rạch Cát Bình Đông. Danh sách đã được kê khai từ trước, gồm tổng số 1400 người khắp nội ngoại đô, Sài Gòn không sót một ai, chỉ trừ có ba vị sư lọt lưới.
Anh em ông Diệm đã chủ quan, vì ngay sau cuộc họp bí mật đó trở về, tướng Trần Văn Đôn đã thông báo với trung tá Lucien Conein, nhân vật CIA quan trọng đã ở cạnh tướng Đôn từ lâu, và cả đại tá Đỗ Mậu cũng được thông tin sớm nhất. Ông Mậu đã giải thích với Vũ:
- Ông Diệm đã hành động đúng như ý của những người Mỹ ở đây, họ đã có lý do chính đáng để thuyết phục tổng thống Kennedy nhanh chóng phế bỏ chính phủ Ngô Đình Diệm.
Rõ ràng Vũ cũng nhận thấy CIA không can thiệp để ngăn chặn đợt đàn áp của chính quyền, mà chỉ bí mật, trước vài giờ xảy ra vụ tấn công các chùa, đưa Thượng tọa Thích Trí Quang, đại đức Nhật Thiện, đại đức Bửu Phương đến cơ sở của cơ quan Viện trợ quân sự Mỹ, và sau đó chuyển vào tòa đại sứ Mỹ, rồi loan tin các vị sư này xin tị nạn chính trị. Đại tá Đỗ Mậu cho biết Thượng tọa Trí Quang phải cạo râu hóa trang thành nhà sư Phái Nam Tông khoác áo vàng. Hai nhà sư trẻ Nhật Thiện, Bửu Phương, đã từng được đào tạo ở nước ngoài cũng theo hệ phái Nam Tông, có nhiệm vụ hộ tống thượng tọa Thích Trí Quang ra khỏi chùa Xá Lợi an toàn.
Dư luận cho rằng Mỹ cố ý không chặn bàn tay tưới dầu vào lửa của anh em ông Diệm. Báo chí ở Mỹ hầu như tất cả đều đưa tin trang nhất vụ ông Diệm bắt bớ tăng ni, tấn công và chiếm giữ chùa chiền. Chỉ vài ngày tạm ổn, sau đó phong trào đấu tranh không chỉ dừng ở chống kỳ thị tôn giáo, chuyển qua khẩu hiệu đòi tự do dân chủ, thay đổi chiến hào lan rộng từ chùa chiền sang trường học. Sinh viên đại học, học sinh trung học tập họp khá nhanh, vùng lên còn mạnh mẽ hơn nhiều.
Cố vấn Ngô Đình Nhu ra lệnh Tòa án quân sự đặc biệt vùng III đưa số nhân vật chính trị quốc gia chống đối ra xét xử, kết án tù, đày ra Côn Đảo tiếp tục răn đe. Nhưng lại vấp thêm vụ nhà văn Nhất Linh, tục danh Nguyễn Tường Tam, một trong các lãnh tụ Quốc dân đảng, không chịu ra tòa, uống độc dược tự tử. Nhất Linh để lại chúc thư, tuyên cáo lấy cái chết chống chế độ độc tài, độc tôn, tàn ác của Diệm. Sài Gòn lại sục sôi hơn, không chỉ trong lực lượng Phật tử, mà cả lực lượng sinh viên học sinh, văn nghệ sĩ rầm rộ biểu tình phản đối. Tình thế buộc Nhu phải tiếp tục đàn áp quyết liệt. Trong một cuộc biểu tình nữ sinh Quách Thị Trang bị cảnh sát bắn chết - điểm báo hiệu ngày tàn của chế độ đã cận kề. Sài Gòn sôi động và căng thẳng cao độ.
Ngày 5 tháng 10 nhà sư trẻ Thích Quảng Hương tự thiêu trước cửa chợ Bến Thành, tiếp theo là đại đức Thích Thiện Mỹ cũng tự thiêu trước nhà thờ Đức Bà, cảnh sát dã chiến đã cố gắng ngăn lại được ba vụ tự thiêu khác. Biến cố diễn biến ngày một xấu hơn đã hỗ trợ cho đại tá Mậu vận động được tướng Tôn Thất Đính ngả theo phe đảo chính. Mậu đã khéo léo nhắc nhở đến ân tình cũ, ngày mà Đính thất nghiệp lang thang ở Huế được ông ta cấp tiền trang trải, đưa vào lính bảo an kiếm sống, giới thiệu cho đi học khóa sĩ quan lấy đà ra nước ngoài du học... Đính không quên sự nghiệp của Đính ngày nay có phần công lao của Mậu. Tướng Đính đã xúc động nhận lời, nhưng băn khoăn về thái độ của Mỹ. Tướng Đôn đã trưng bằng cớ cho Đính thấy, Lucien Conein đã nhờ chuyển cho Đính tờ ngân phiếu 300 ngàn đô-la để tỏ rõ quyết định của chính phủ Mỹ phế bỏ Diệm. Đại tá Mậu xoa hai bàn tay vào nhau theo thói quen mỗi khi niềm hân hoan có được cao nhất, xuýt xoa với Vũ:
- Vị thần hộ mạng của Nhu đã quay mặt đi rồi. Chướng ngại cuối cùng đã được dọn sạch.
Suốt mấy tháng đại tá Mậu lo nghĩ khi nhận trách nhiệm tranh thủ tướng Đính. Ai cũng có thể nhận ra, nếu Đính quyết sống chết bảo vệ cho anh em ông Diệm, cuộc đảo chính chỉ kéo dài thời gian cần thiết cho tướng Huỳnh Văn Cao và Nguyễn Khánh đưa quân về kịp, thì thắng bại quả khó lường. Chính điều này đã làm cho Kennedy chần chừ là vậy. Từ bên Hoa Thịnh Đốn hai bức điện mật được gởi riêng cho đại sứ Lodge và tướng Harkins lần cuối cùng, buộc mỗi người phải thẩm định mức độ thành công của cuộc đảo chính. Vừa lúc có tin tướng Đính đã nhận lời đại tá Mậu, cả hai nhân vật chủ chốt của Mỹ ở Sài Gòn không còn ngần ngại cam kết với tổng thống Kennedy: Thắng lợi đã trong tầm tay.
Mỹ công khai tuyên bố cắt mọi nguồn viện trợ cho chính phủ Ngô Đình Diệm, cũng là công khai bật đèn xanh cho kế hoạch "thay ngựa". Tướng Trần Văn Đôn đã kín đáo khuyên bà cố vấn Trần Lệ Xuân nên đi Mỹ và châu Âu trấn an dư luận đang tạo khó khăn cho Diệm. Bản thân bà ta cũng nhận thấy hiểm họa đã cận kề, bố trí gởi con cái lại nhờ Đôn giúp đỡ, bay sang Pháp. Tòa thánh Vatican cũng đánh điện khẩn cấp gọi tổng giám mục Ngô Đình Thục đi tức khắc sang Roma.
Một buổi tối tổng thống Diệm đích thân đến tìm Cabot Lodge tại Tòa đại sứ, chỉ báo trước có một giờ. Ông Diệm cảm thấy rõ rệt ở viên tân đại sứ không còn chính sách mềm dẻo của Nolting trước đây. Lodge đón tổng thống Diệm ở ngoài hành lang, cả hai bách bộ chuyện trò. Viện đại sứ Mỹ cao quá khổ, ông Diệm ngược lại quá lùn, Lodge cúi nhìn xuống đỉnh đầu vị nguyên thủ quốc gia:
- Xin ngài hiểu cho, không còn cách nào khác, tổng thống của tôi đã ra lệnh cắt mọi khoản viện trợ cho chính phủ Việt Nam Cộng hòa của ngài rồi.
Ngập ngừng giây lát giọng Lodge bớt lạnh lùng:
- Trước mắt, cá nhân tôi có thể giúp ngài thuyết phục được Hoa Thịnh Đốn, nếu ngay lúc này, ngài đuổi tức khắc ông Nhu, ông Cẩn xuất ngoại.
Nụ cười ngoại giao lúc đầu buồn buồn của ông Diệm vụt tắt, khi ý thức địa vị tổng thống một nước đã chịu đích thân đến cầu cứu viên đại sứ Mỹ, lại được nghe lệnh hắn truyền cất đứt tình máu mủ anh em. Mặt ông tái xanh vì giận và vì nhục... Ông lặng lẽ quay lưng đi nhanh trở lại, bóng tối hành lang dài hun hút. Lodge bất ngờ, hắn thương hại, nói với theo:
- Tôi sẵn sàng giúp đỡ ngài với khả năng của cá nhân tôi, khi ngài cần gọi điện tới.
Ông Diệm chắc nghe rõ, nhưng im lặng rảo bước lao vào xe đóng sầm cửa.
*
Bộ Tư lệnh hành quân đảo chính ra quyết định 13 giờ ngày 1-11-1963 khởi sự. Tổng thống Kennedy đã điện cho đại sứ Lodge, giao toàn quyền cho Lodge chỉ đạo cuộc đảo chính phế bỏ chính phủ do Diệm cầm đầu. Viên tân đại sứ đưa cho ba tướng cầm đầu Bộ Tư lệnh đảo chính đọc bức điện tối mật, đó là tướng Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn và Đỗ Mậu. Lodge muốn họ đặt quyết tâm hành động. Chỉ có thành công, không có phần trăm nào thất bại. Lodge còn cử trung tá CIA Lucien Conein công khai có mặt cạnh Trần Văn Đôn, sau khi duyệt và đã chấp thuận bản kế hoạch hành quân của các tướng trình báo. Phần lớn chi tiết quan trọng trong kế hoạch đã có ý kiến chỉ dẫn của Lodge. Viên đại sứ đã nắm việc phân bố thời gian chương trình đón tiếp đô đốc Felt dẫn đầu phái đoàn Tư lệnh hải lục không quân Thái Bình Dương qua thăm Sài Gòn. Sắp đặt thời gian giữ cả hai anh em Diệm buộc phải có mặt trong dinh Gia Long chờ tiếp phái đoàn Felt, từ 10 giờ đến 12 giờ trưa, đó là khoảng an toàn dành cho tướng Đỗ Mậu, cố vấn an minh của tướng Đính tư lệnh vùng III chiến thuật tung các đơn vị đã được phân công triển khai bao vây các điểm trọng yếu toàn đô thành với danh nghĩa bảo vệ an ninh cho phái đoàn đô đốc Felt. Hai tiếng đòng hồ Nhu Diệm bị đoàn khách giữ chân vừa xong. Đoàn khách ra sân bay, tướng Đôn, tổng tham mưu trưởng mời tất cả các tướng, tá có mặt ở dinh Độc Lập chào mừng phái đoàn Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ trở về Bộ Tổng tham mưu ăn cơm trưa, thực chất là để là để bắt đầu cuộc họp quyết định.
Trung tưởng Dương Văn Minh lúc này mới xuất hiện, tự giới thiệu là chủ tịch Hội đồng quân cách mạng, đọc bản tuyên bố chung:
Xét vì Tổ quốc Việt Nam đang trải qua một giai đoạn lích sử cực kỳ nghiêm trọng quyết định sự tồn vong của đất nước. Xét vì nhiệm vụ của chính phủ là lãnh đạo toàn dân trong công cuộc cứu nước bảo vệ tự do an ninh cho nhân dân đem lại hạnh phúc cho giống nòi. Chính quyền của tổng thống Diệm đã bất lực trong nhiệm vụ, đã phản bội quyền lợi thiêng liêng của toàn dân. Các cơ cấu quyền lực do ông Diệm thiết lập đều mục nát, phản dân chủ, cần phải thay đổi từ cội rễ.
Hội đồng quân nhân cách mạng họp tại Bộ Tổng tham mưu quân đội Việt Nam Cộng hòa ngày 1-11 1963 quyết định: Truất phế ông Ngô Đình Diệm và bãi bỏ chế độ tổng thống, giải tán chính phủ do ông Diệm lãnh đạo, quyền hành pháp từ trước do chính phủ nắm nay tạm thời do Hội đồng quân nhân cách mạng đảm đương. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Ngừng lại giây lát, trung tướng Minh nhìn quét một lượt kháp hội trường đang im phăng phắc chỉ nghe tiếng thở, ông nhấn giọng rõ từng tiếng một:
- Yêu cầu các vị hiện diện, ai tán thành quyết định của hội đồng? Xin tự đứng lên xưng danh, cấp bậc để ghi âm, chúng ta công nhận như lời tuyên thệ.
Những viên tướng bận lễ phục lần lượt bật đứng dậy, và hầu hết đều xưng danh, tự biểu quyết chấp thuận. Không khí hội trường căng thẳng khẩn trương tột độ, đã uy hiếp tinh thần những ai có ý nghĩ từ chối không thuần phục. Nhưng trung tướng Trần Văn Đôn vẫn ra lệnh, bằng giọng lạnh lùng chưa từng có:
- Những vị có tên sau đây ra khỏi hàng, lên trình diện Hội đồng quân nhân cách mạng. Các đại tá Lê Quang Tung, Cao Văn Viên, Nguyễn Văn Y. Các trung tá Khôi - lữ đoàn phòng vệ, Trần Văn Tư - giám đốc cảnh sát đô thành, và thiếu tá Lê Nguyên Khang - tư lệnh thủy quân lục chiến.
Sáu sĩ quan đã xếp hàng ngang trước bàn chủ tọa. Tướng Đôn cho lệnh còng tay đưa ra khỏi hội trường. Cũng vừa lúc viên trung tá trực thông báo với trung tướng Minh: bản án tử hình đại tá Hồ Tấn Quyền đã được thi hành xong, tư lệnh hải quân đã có người thay thế, và quân cách mạng đã hoàn toàn làm chủ đài phát thanh Sài Gòn. Dương Văn Minh cho lệnh tấn công dinh Gia Long. Lúc đó đã 13 giờ 30, thời hạn dành cho anh em ông Diệm ra đầu hàng đã hết, đồng lúc tin báo về sư đoàn 5 của đại tá Nguyễn Văn Thiệu, lữ đoàn Thủy quân lục chiến của trung tá Nguyễn Bá Liên vừa thay Lê Nguyên Khang, với sự hỗ trợ của 12 thiết giáp đã chiếm lĩnh xong các điểm trọng yếu.
Hai anh em ông Diệm rút xuống hầm ngầm, Diệm lo lắng nhưng cố vấn Nhu vẫn còn tin ở kế hoạch đảo chính giả được gọi là "Bravo I", đặt hết lòng tin vào tướng Đính, tướng Khiêm trung thành nhất mực. Nhưng khi đạn cối nã rào rào hướng vào trong dinh, rung chuyển cả mặt đất, Nhu điện liên lạc nhiều lần nhưng cả Đính lẫn Khiêm đều vắng mặt, Nhu tỉnh ra và hiểu rằng, tất cả đều thất bại không còn gì cứu vãn nổi. Nghe lời Cao Xuân Vỹ khuyên, hai anh em ông Diệm rời khỏi dinh Gia Long trước khi quân đảo chính tiến vào được khu giới hạn an toàn. Vỹ đã sử dụng chiếc xe chở hàng nhỏ, có mui che bít bùng, lợi dụng lúc còn lộn xộn đưa hai anh em ông Diệm và ba cận vệ rời khỏi dinh không bị chú ý. Ông Diệm bàn nên đến ẩn tại một khu công giáo, chắc chắn sẽ được che chở. Ông Nhu gạt ngay, lệnh cho Vỹ lái xe chạy thẳng vào Chợ Lớn. Nhu cho rằng nhóm đảo chính dư sức đoán ra hướng trốn đi, đã chăng lưới sẵn chờ rồi. Phải tính điều bất ngờ, Nhu hướng Vỹ đưa thẳng đến nhà Mã Tuyên, một thương gia cơ sở kinh tài trung thành của ông.
Chiếc xe tải chở đồ nhỏ, xấu xí, đã qua mặt quân đảo chính an toàn, và cả nhóm đến được địa điểm đã định hoàn toàn vô sự. Sau một giờ ổn định chỗ tạm ẩn trong nhà Mã Tuyên, Nhu mới hỏi ý ông Diệm:
- Nghe họ tuyên xưng tên họ trên đài, chỉ còn lại không quá mươi người, hoặc còn trung thành với chúng ta, hoặc đã bị họ sát hại. Em thấy không còn hy vọng vào thực lực của chúng ta nữa, tình trạng của chúng ta đã bị đe dọa thực sự rồi. Em tính, chúng ta phải đi thôi.
Ông Diệm thất thần đến ngơ ngác, hỏi lại:
- Chú tính đi mô đây?
- Đi Hương Cảng bằng tàu buôn của người Hoa. Em cho Mã Tuyên đi lo ngay, đó là con đường duy nhất có khả năng thoát hiểm.
Lặng đi khá lâu, ông Diêm mới mở lời:
- Bằng cách như chú nói, mười lăm năm trước con đường vượt biển này đã đưa tôi đến Dòng Thừa sai Hoa Kỳ Maryknoll, đức cha (Thục) đã đi theo đưa chân tôi tới Hương Cảng mới trở về. Những dằn vặt, lo âu, cả tủi nhục gắn với tôi suốt nhiều năm lưu lạc. Được nuôi ở dòng tu, rồi được đưa đi khắp nơi vận động, không khác gì món hàng chào rao ngã giá. Tôi đã phải hứa và đã quyết phải thành công. Và tôi đã thành công... Tôi quá mệt mỏi rồi, không còn sức, cũng không dám nhìn lại vết xe ngựa nguyên dấu....
Ông Nhu xúc động cúi đầu, lại rít hên tục những hơi thuốc dài, trong khi ông Diệm ngước mắt nhìn khoảng không, đôi mắt nhiều lòng trắng hơn đen, không còn sắc lạnh, dịu đi nhiều như mỗi lần nguyện cầu trước tượng Chúa. Khá lâu, ông lại tiếp lời:
- Tôi hứa với những người Mỹ, cũng để hứa với lòng mình phải thành công thôi, để gia đình không lụn bại, dòng họ còn chi mô? Bây giờ lại mất tất cả, tôi quá tin ở Người Mỹ để "cạn tàu ráo máng" với người Pháp, chẳng còn nơi để dựa. Đi mô đây khi chính người Mỹ đã bỏ ta rồi? Có điều tôi tin họ không thể xuống tay, Mỹ và Vatican sẽ dành cho anh em ta đường sống.
Ông Nhu vẫn im lặng. Ông Diệm đứng lên đi lại phía bàn có đặt máy điện thoại, quay số chầm chậm. Đồng hồ trên tường chỉ 5 giờ 20 chiều. Ông Diệm nói tiếng Anh rành rọt từng tiếng:
- Tòa đại sứ Mỹ?... Cho tôi được nói chuyện với ngài đại sứ Cabot Lodge. Vâng, tổng thống Ngô Đình Diệm.... Chào ngài đại sứ, tôi xin báo để ngài biết, có vài đơn vị quân đội làm loạn, tôi muốn được ngài cho biết thái độ của chính phủ ngài.... Tôi hiểu, nhưng cũng nên cho tôi nghe ý kiến riêng của ngài chứ?... Được, tôi chờ... Tôi đã tạm lánh ở nhà riêng của một bang trưởng Triều Châu khu Hoa kiều Chợ Lớn... Hiện tôi vẫn bình an...
Điện thoại số 37.301. Trong khi chờ đợi, yêu cầu ngài đại sứ không cho bất cứ ai biết tôi đang ở đây. Cám ơn ngài.
Ông Diệm đặt ống nghe xuống, quay lại với ông Nhu:
- Lodge mới biết có bạo động thôi, còn chờ báo cáo của CIA nên chưa hiểu rõ nội vụ. Hắn sẽ báo về Hoa Thịnh Đốn, nhưng rất ít hy vọng được Kennedy giải quyết sớm vì lúc này ở Mỹ là nửa đêm. Đến sáng mới có thể triệu tập hội nghị. Bàn rồi mới có chỉ thị chính thức, vậy là phải từ 6 đến 10 tiếng đòng hồ sau Lodge sẽ thông báo lại cho tôi. Phần cá nhân hắn không dám có ý kiến, vấn đề nội bộ của Việt Nam hắn nói tôi tự giải quyết lấy. Tôi đã cho hắn biết chỗ ẩn của chúng ta và số điện thoại.
Nhu thở dài:
- Anh đem tính mạng ra đánh cá với Lodge?
- Tôi tin hắn có liêm sỉ, biết tự trọng.
Đúng lúc ấy Cao Xuân Vỹ vào thông báo: "Dinh Gia Long đã đầu hàng, quân đảo chính đã biết chúng ta đã rời khỏi dinh từ trước nhiều giờ. Họ ra lệnh bao vây thành phố, chặn các đường ra, và truy lùng khẩn cấp". Ngừng lại giây lát, không thấy anh em ông Diệm phản ứng gì, Vỹ với giọng nói run run:
- Họ đã làm chủ hoàn toàn thủ đô.
Căn biệt thự của Mã Tuyên ở đường Phùng Hưng im ắng chìm trong bóng tối, anh em ông Diệm và mười người tùy tùng ở hai phòng sát nhau phía trong vẫn còn an toàn, quân đảo chính chưa kịp phát hiện. Gia đình bang trưởng Mã Tuyên phục vụ rất chu đáo, bàn ăn đã dọn lên từ chiều, nhưng tất cả không ăn, chỉ uống trà, hút thuốc. Trong căn phòng ngủ dành cho anh em ông Diệm đèn rực sáng, ông Nhu vẫn nằm trên ghế dựa, ông Diệm ngồi xếp bằng hơi ngả lưng dựa thành giường. Cả hai yên lặng khá lâu, mắt nhìn vào khoảng không, vẻ suy tư hằn sâu trên vầng trán. Ông Nhu đã ra lệnh tắt đài thu thanh từ chiều, không ai còn muốn nghe lại tin thắng lợi của quân đảo chính. Bất ngờ ông Nhu lên tiếng:
- Đức cha (Thục) đã có mặt ở Roma, còn nhà em đã đến Mỹ rồi. Cả Vatican và Hoa Thịnh Đốn phải quan tâm đến anh em mình. Anh không nên lo nghĩ nhiều. Dù đã mất hết, nhưng chúng ta vẫn còn mạng sống.
Ông Diệm hơi quay đầu đưa mắt nhìn ông em, hai má rung nhè nhẹ:
- Hy vọng là rứa!
Thời gian trôi chậm chạp, nặng nề, ông Diệm và ông Nhu không hề chợp mắt. Ở phòng ngoài số tùy viên cận vệ dưới sự chỉ huy cua Cao Xuân Vỹ không thể ngả lưng, tất cả ngồi trên ghế, ngồi trên nền, dựa lưng vào tường, im lặng. Thỉnh thoảng vài tiếng xì xào nổi lên, rồi lắng xuống.
Chuông đồng hồ điểm bốn tiếng, anh em ông Diệm mở cửa phòng đi ra, cả hai đã thay đồ lớn màu xanh lợt trang trọng như mỗi lần tiếp khách. Ông Nhu sai Vỹ và Đỗ Thọ đưa anh em ông đến nhà thờ Cha Tam dự lễ misa. Vỹ bảo Đỗ Thọ lấy chiếc xe Land Rover của anh ta, anh em ông Diệm ngồi ghế sau, Thọ lái, Vỹ ngồi ghế trước cạnh Thọ. Xe lăn bánh ra đường, chuông nhà thờ đã gióng lên một thôi dài. Xe chạy bình yên đến nhà thờ vẫn không ai hay biết. Vỹ đưa anh em ông Diệm vào cả hai quì ở hàng ghế đầu sát cung thánh. Giáo dân ở đây hầu hết là Hoa kiều. Lễ misa sáng sớm vào giờ này thường dành cho nhưng người già lớn tuổi, họ không mảy may quan tâm và cũng chẳng ai nhận được mặt anh em ông Diệm có thể đi dự lễ sáng ở ngôi nhà thờ xa, nhỏ bé này. Buổi lễ diễn ra khoảng 30 phút do linh mục chánh xứ người Pháp, tên thường gọi là cha Jean làm chủ lễ. Lễ xong, giáo dân ra về, anh em ông Diệm đi vào phía trong, nơi ở của linh mục, lúc này cha Jean mới nhận ra, đón cả hai vào phòng riêng tiếp đãi.
Ông Diệm sai Đỗ Thọ gọi điện thoại cho tướng Trần Thiện Khiêm, báo cho Khiêm tới gặp tại nhà thờ. Thọ làm theo lệnh. Nhưng không lâu sau không phải Khiêm, mà là hai chiếc thiết giáp M-113 đã rền rĩ nghiến đường lao thẳng đến sát cửa nhà thờ. Đại tá Dương Văn Lắm và hai viên đại úy đi kèm, đại úy Dương Văn Nghĩa, em ruột Lắm, đại úy Nguyễn Văn Nhung sĩ quan cận vệ của trung tướng Dương Văn Minh, nhảy xuống xe, lao vào phòng cha Jean. Lắm đọc to lệnh bắt hai em ống Diệm của Hội đồng quân nhân Cách mạng. Chẳng hề nhẹ nhàng, họ thẳng tay kéo, đẩy hai anh em ông Diệm vào một chiếc thiết giáp, còn chiếc kia chở cả một tiểu đội lính vũ trang đi áp tải.
Xong xuôi, Lắm bước đến báo cáo với tướng Mai Hữu Xuân ngồi sẵn trên xe Jeep đậu ở phía ngoài. Xuân ra lệnh cho hai xe thiết giáp quay về Bộ Tổng tham mưu tức khắc.
Nhưng khi đoàn xe về đến nơi, anh em ông Diệm chỉ còn là hai cái xác đẫm máu, người ta đã hạ sát ở dọc đường bằng súng và cả bằng dao đâm nhiều nhát.
Một số tướng có ý muốn dành mạng sống cho ông Diệm, trong đó có tướng Đỗ Mậu, Trần Thiện Khiêm, đã ngỡ ngàng, hỏi lý do, hỏi lệnh của ai? Không một ai trả lời. Tướng Dương Văn Minh hỏi lại:
- Anh nào thắc mắc về cái chết của hai tên đao phủ? Đi tìm ngay những oan hồn đã bị anh em họ chặt đầu mà chất vấn.
Mọi người im lặng.
*
Tướng Đỗ Mậu, trong bộ quân phục quân hàm cấp tướng rủ Vũ đi ra xe cùng ngồi xe của ông ở băng sau, băng trước là tài xế và sĩ quan cận vệ. Thiếu tá Thăng với ba sĩ quan cấp úy đi xe Jeep tùy tùng. Hai chiếc xe nối đuôi nhau chạy thẳng đến cổng bộ tổng tham mưu. Nhận ra xe của tướng Mậu - nhân vật thứ ba trong Hội đồng quân nhân cách mạng, viên hạ sĩ đứng nghiêm chào, ra lệnh cho lính mở rào cản. Cả hai xe đi vào chạy qua nhiều con đường rẽ trái, rồi phải, sau cùng dừng lại ở một bãi cỏ sát hàng rào, bên kia xa hơn là cư xá gia binh Chí Hòa. Ánh hoàng hôn xuyên qua rặng cây cao phía trái tràn xuống, điểm những vũng sáng vàng long lanh trên đám cỏ có gió lay nhè nhẹ. Vũ theo tướng Mậu rời xe, đến trước một đống đất xám trắng vun cao còn mới. Vừa lúc một đại úy đơn vị hộ vệ lái xe tới, bước xuống, đứng nghiêm chào tướng Mậu, và báo cáo:
- Thưa thiếu tướng, nơi đây chôn thi hài ông Diệm và ông Nhu hồi sáng nay.
- Phía nào đặt thi hài ông Diệm?
- Thưa, chính tôi có nhiệm vụ đưa hai quan tài đến chôn ở đây, lúc đó thi hài đã nhập quan, không làm dấu ghi tên, chúng tôi không biết quan tài nào là của ông Diệm, hoặc của ông Nhu. Người ta đã đào sẵn một huyệt lớn, chúng tôi đặt hai quan tài sát bên nhau và lấp lại.
Thiếu tá Thăng đã đốt xong một bó nhang, đưa tận tay cho tướng Mậu. Một sĩ quan cận vệ đưa từ xe xuống một khay trái cây, một tập giấy vàng mã, đặt sẵn trên mồ. Thiếu tướng Mậu cúi nhìn bó nhang cháy đỏ bốc khói nghi ngút. Vũ cho rằng, ông Mậu chi muốn bái vọng tổng thống Diệm, người đã tình nghĩa gắn bó với ông suốt 40 năm, còn với ông Nhu trong lòng ông Mậu chưa nguôi giận đã đối xử xấu với cá nhân ông, chưa hết thù vì ông Nhu đã phá hoại sự nghiệp của người anh trong đó có công lao phục vụ của tướng Mậu. Ông Mậu im lặng hồi lâu rồi bước lên vài bước cắm bó nhang giữa phía đầu mô đất, ông khấn lớn tiếng:
- Thưa cụ, tôi Đỗ Mậu đau buồn thương tiếc, đứng trước vong hồn cụ để kính bài. Suốt chặng đường theo phò cụ vì nghĩa vụ quốc gia, vì hạnh phúc của muôn dân, tôi đã giữ lòng trung với cụ. Chỉ một khoảng cuối đời cụ đã vấp sai lầm nghiêm trọng không chịu nghe chính ngôn can gián, để sự nghiệp suy đồi, cho nên vì tổ quốc tôi phải chống lại cụ. Cho đến lúc này tôi không hề oán hận cụ, chỉ thương cụ, tôi thề có Trời Phật chứng giám, tôi không tham gia giết cụ. Tôi đã cố sức bảo vệ mạng sống cụ đến cùng, nhưng lực bất tòng tâm. Mong cụ hiểu cho lòng tôi. Tôi xin được lập theo lời cụ sinh tiền thường xuyên cầu nguyện "Xin Chúa cứu rỗi linh hồn cụ". Còn riêng tôi cầu Trời Phật phù hộ vong hồn cụ tiêu diêu cực lạc.
Vĩnh biệt cụ.
Tướng Mậu rất thành kính, chậm rãi vái năm lần thật sâu. Thiếu tá Thăng đốt số vàng mã rải cạnh mộ. Mọi người im lặng đứng nhìn buổi tiễn đưa. Ánh lửa từ nhóm giấy vàng sáng rực hơn, khi hoàng hôn vừa xuống.
Vũ theo tướng Mậu lên xe, anh quay lại nhìn một lần nữa, một nấm mồ, một cụm hương le lói, anh nhớ lại lời Thành Minh hôm nào: "Chúng ta sẽ chứng kiến chính bọn Mỹ ở đây tự đào mồ chôn cái "chế độ thực dân mới" của đế quốc xâm lược ngay tại miền Nam Việt Nam này. Không còn lừa bịp được ai nữa!"

Hết



Xem trang:
[1][2][3][4][5][6][7][8][9][10][11][12][13][14][15][16][17][18][19][20]
[21][22][23][24][25][26][27][28][29][30][31][32][33][34][35][36][37][38][39][40]
[41][42][43][44][45][46][47][48][49][50][51][52][53][54][55][56][57][58][59][60]

TOP WAP WORLDWIDE


mobiV trang ch

© GIAITRI102.TK
Thanks to XTGEM