Insane
Không bấm vùng phía trên kẻo mất tiền nhé!

>>quan lớn mua vàng
Theo lệ ngày xưa, ai làm quan thì mua món gì chỉ phải trả nửa giá tiền, trừ mua vàng phải trả đủ.

Một ông quan nọ vừa đến nhậm chức, bảo hiệu bán vàng đem hai lạng đến bán cho ngài. Chủ hiệu vàng nghe tiếng quan dữ như cọp, mới bẩm:

- Vàng mỗi lạng thực giá sáu chục đồng, song quan lớn thì trả một nửa cũng được.

Quan cầm hai lạng vàng xem, rồi ung dung bỏ một lạng vào túi. Chủ hiệu tưởng quan chỉ mua có một lạng, còn lạng kia trả lại, nên khi quan vào nhà trong, anh ta vẫn đứng đấy đợi trả tiền. Hồi lâu quan ra, thấy vậy mới hỏi:

- Mua bán xong rồi còn đứng đấy làm gì?

Chủ hiệu vàng đáp :

- Con chờ quan lớn trả tiền cho.

Quan bảo:

- Tiền trả rồi, còn đòi gì nữa?

Chủ hiệu vàng đáp:

- Hai lạng, quan trả lại một lạng, lấy một lạng.

Quan nổi giận:

- Nhà người lạ thật! Nhà ngươi bảo ta trả một nửa cũng được. Ta mua hai lạng, nhưng chỉ lấy một, trả lại một chẳng phải là đã trả một nửa là gì!

>>bức thư lạ
Có anh lính đi xa, nhân có bạn ghế thăm, nhờ bạn đem về cho vợ ở nhà trăm quan tiền và một bức thư.

Giữa đường, anh bạn tò mò giở thư ra xem, không thấy biên số tiền gửi bao nhiêu cả, chỉ thấy vẽ bốn con chó, một hình bát quái, hai con dê và một cái chũm choẹ, nên nảy ra cái ý ăn bớt. Về đến nơi, anh ta chỉ giao cho vợ bạn bức thư và bốn chục quan thôi.

Người vợ xem thư biết thiếu tiền, lên quan nhờ phân xử. Quan hỏi :

- Chồng mày gửi người ta bốn mươi quan tiền, người ta mang về đưa tận tay cho, còn kiện nỗi gì?

Người vợ đáp :

- Bẩm quan lớn, anh ta ăn bớt ạ! Chồng con gửi cho những một trăm quan kia ạ!
- Sao mày biết?

- Bẩm quan lớn, thư chồng con viết rành rành ra đấy xin quan xem thư, sẽ rõ!

Quan giở bức thư quái gở kia ra xem, không hiểu gì cả liền hỏi:

- Thế là thế nào? Bức thư không có chữ nghĩa gì cả, sao mày lại biết chồng mày gửi một trăm quan?

- Bẩm quan lớn, chồng con biến rõ ràng ra đấy. Bốn con chó là tứ cẩu, cẩu là cửu, tứ cửu tam thập lục, là ba mươi sáu. Bát quái có tám cạnh, bát bát vị chi lục thập tứ, là sáu mươi tư. Sáu mươi tư với ba mươi sáu chả là một trăm quan đó sao?

Quan cho phải, bắt anh kia trả số tiền. Nhưng ngài còn hỏi chị kia:

- Thế còn hai con dê và cái chũm choẹ là ý thế nào?

Chị ta sượng sùng không nói. Quan hỏi mãi mới thưa:

- Ðấy là nhà con vẽ đùa.

- Ðùa thế là có ý gì, phải nói ra.

- Bẩm quan lớn, hai con dê và cái chũm chọe là nhà con muốn hẹn con rằng, đến Tết Trùng dương (ngày 9 tháng 9) thì nhà con sẽ về thăm nhà... đấy ạ!

>>anh hai vợ
Một anh chàng hai vợ, tối đến phải ngủ chung với vợ lớn ở nhà trong, còn vợ bé thì nằm nhà ngoài.

Một đêm, trời đã về khuya, cô vợ bé hát:

Ðêm khuya, gió lặng sóng yên,
Lái kia có muốn, ghé thuyền sang chơi.

Anh chồng muốn ra với vợ bé nhưng bị vợ cả ôm giữ, mới đáp rằng:

Muốn sang bên ấy cho vui,
Mắc đồn lính gác khó xuôi được đò.

Nghe thấy vậy, chị vợ cả liền hát:

Sông kia ai cấm mà lo,
Muốn xuôi thì nộp thuế đò rồi xuôi.

Cô vợ bé đáp:

Chẳng buôn chẳng bán thì thôi,
Qua đồn hết vốn, còn xuôi nỗi gì.

Chẳng hiểu sau đó anh chồng có "xuôi" được không?

>>có nhẽ đâu thế
Hai anh bạn chơi với nhau rất thân, nhưng hay bắt bẻ nhau. Khi anh nọ nói câu gì, thì anh kia bảo "Có nhẽ đâu thế!".

Một hôm, hai anh bàn với nhau rằng:

- Từ rày hai chúng ta phải chừa cái thói ấy đi. Ðứa nào còn nói "Có nhẽ đâu thế", thì phải chịu phạt hai quan tiền và hai đấu gạo.

Hôm sau, anh kia gặp anh nọ, liền bảo:

- Ðêm qua, nhà tôi mất trộm...

Anh nọ hỏi:

- Mất những gì?

Anh kia trả lời:

- Mất cái giếng đằng sau vườn.

Anh nọ gân cổ lên, nói :

- Có nhẽ đâu thế !

Anh kia thích chí:

- Ðấy nhé ! Lại nói rồi đấy nhé ! Mai tôi sang nhà lấy tiền lấy gạo đấy !

Anh nọ tức lắm, về nhà thuật chuyện cho vợ nghe. Vợ bảo:

- Không lo, mai cứ giả chết, lấy giấy phủ lên mặt, anh ấy sang đã có tôi đối đáp cho.

Hôm sau, anh kia sang, vừa bước vào cửa đã nghe tiếng khóc. Vào giữa nhà thì thấy bạn mình nằm sóng sượt trên giường, chị vợ rũ rượi ngồi cạnh, giọt ngắn giọt dài.

Anh kia liền hỏi dồn:

- Anh làm sao thế ? Anh làm sao thế ?

Vợ anh nọ vừa khóc vừa nói:

- Nhà tôi chết rồi anh ơi ! Hôm qua không biết đi đâu về, vừa bước vào đến sân thì bị con vịt đá một cái chết tươi.

Anh kia buột miệng bảo:

- Có nhẽ đâu thế !

Anh nọ nhổm phắt dậy:

- Ðấy nhé ! Lại nói rồi đấy nhé ! Còn đòi lấy tiền lấy gạo nữa hay thôi?

>>quan sắp đánh bố
Một anh lính lệ tính cương trực, thấy quan huyện làm nhiều điều trái mắt, thường hay chế nhạo. Quan vẫn định bụng trị. Một hôm, có người đến vu cho anh ta ăn tiền ở ngoài chợ. Quan mừng thầm có có dịp báo thù, liền cho đi bắt về.

Anh lính lệ về, dắt cả thằng con đi theo. Quan vừa trông thấy, đập bàn, thét:

- Ðánh! Ðánh! Ðánh cho nó chừa cái tật ăn hối lộ đi!

Anh lính lệ ngoảnh lại thủng thỉnh bảo con:

- Con đứng lui ra. Quan sắp đánh bố đấy!

>>Thạch Học sĩ
Tiến sĩ Thạch Mạn Khanh là người điềm tĩnh, hay pha trò. Một lần, ông ta cưỡi ngựa đi chơi. Người hầu dắt ngựa, không cẩn thận, nên làm cho Thạch Mạn Khanh bị ngã từ trên lưng ngựa xuống đất. 

Quan viên tùy tùng vội chạy lại đỡ Thạch Mạn Khanh dậy phủi bụi đất, rồi đỡ ông ta lên ngựa. Thạch Mạn Khanh cười mà nói với mọi người. 

- May mà tôi là Thạch Học sĩ (thạch là đá) chứ nếu là Ngõa học sĩ (ngõa là ngói) thì đã tan xác rồi nhỉ.

>>Xiển vào dinh tổng đốc xin tiền
Gặp lúc hỏng thi, Xiển và mấy anh em bạn đồng môn ngồi buồn mới giở trò bù khú với nhau. Anh em biết Xiển có tài ứng đối, thách Xiển vào xin tiền quan tổng đốc.

Bấy giờ tổng đốc Thanh Hóa khét tiếng là một người hiếu sát. Xiển bắt anh em giao kèo: nếu xin được tiền thì anh em cứ tính một đền thành ba, nghĩa là anh em sẽ phải trả cho Xiển một số tiền gấp ba số tiền Xiển xin được của quan. Bằng không dám xin, hoặc xin không được thì Xiển phải thết anh em một bữa no say. Tưởng đùa vui, nào ngờ Xiển vào tận dinh quan. Ai nấy chắc phen này Xiển sẽ làm ma không đầu.

Một buổi sáng nọ, quan vừa mở mắt ra công đường đã thấy Xiển quỳ ở ngoài sân. Quan quắc mắt hỏi:

- Thằng kia! Mày tới đây có việc gì?

Xiển thưa:

- Bẩm cụ lớn, con muốn nhờ tay cụ lớn hóa kiếp cho con.

Quan quát: - Thằng này muốn chết à?

Xiển trịnh trọng nói:

- Bẩm chính thế à. Con nghe nói lưỡi gươm cụ lớn sắc lắm, nên muốn xin cụ lớn một nhát để hồn về chín xuối cho được mát mẻ.

Quan gắt:

- Thật là đồ điên, cuồng, ngu, ngộ. Vì sao mày lại muốn chết?

Xiển đáp:

- Bẩm cụ lớn, con là học trò thi hỏng, nhà lại nghèo, nghiệp đèn sách chẳng ra sao, nghĩ tủi thân hổ phận chả muốn sống nữa.

Quan thấy Xiển dáng người học trò nho nhã, lại đối đáp đâu ra đấy một cách bình tĩnh liền bảo:

- Nếu học trò học giỏ mà hỏng thi thì cũng còn đáng thương. Nếu dốt mà hỏng lại đòi chết thì chết cũng đánh đời. Vậy hãy ứng khẩu một bài thơ lấy đề là "điên cuồng ngu ngộ" ta xem.

Xiển vâng lời, ứng khẩu đọc một hơi, mối câu có một trong bốn chữ của đầu đề:

Cao Tổ điên hào kiệt
Võ Ðế ngộ thần tiên.
Tặng Ðiểm cuồng thiên địa
Nhan Tử ngu thánh hiền

Nghe nói xong, quan biết Xiển có ý xỏ ngọt mình, song thấy Xiển là kẻ xuất khẩu thành chương, kính điển lau làu, văn thơ hàm súc, tỏ ra là người học thức rộng, lại có khí phách, liền thưởng cho ba chục quan tiền và bảo lui về.

Thế là từ đó, ngoài cái tên Xiển Bột còn có một cái tên nữa là Xiển Ngộ.

>>tên nhà giàu bị chơi khăm
Tại vùng nọ có tên nhà giàu lúc nào cũng vênh vang tự đắc cho là trong thiên hạ không ai lắm của, thông minh bằng mình. Một hôm nhà nó có giỗ, những khách được mời lại phỉnh phờ thêm làm hắn càng kiêu hãnh. Ðể chứng thực điều đó trước mọi người đang ăn uống, hắn cho đầy tớ đi gọi một người nghèo nhất trong làng đến bảo:

- Nhà ngươi hãy kể cho ta nghe một chuyện gì mà ta cho là nói khoác, ta sẽ cho nhà ngươi nửa gia sản và gả con gái cho, Bằng không, nhà ngươi phải đi ở không công cho ta suốt đời.

Anh nhà nghèo đứng nghĩ một lúc rồi xin kể : "Có một cái nhà tranh bị cháy, chỉ cháy rui mà không cháy tranh". Mọi người cho đó là chuyện nói khoác, nhưng tên nhà giàu bảo :"Khoác lác gì, cố Bợ thường làm được chuyện ấy".

Anh xin kể chuyện thứ hai :"Chắc ông đây cũng như bà con đều biết vợ tôi chết cách đây đã hai năm. Năm qua, hai con tôi cũng chết. Hôm vừa rồi vợ tôi sống lại về thăm tôi và bảo tôi, nếu thong thả thì đi thăm hai con. Tôi đi ngay, Vợ tôi liền chắp cho tôi đôi cánh và bảo tôi bay đi. Tôi bay lên trời. Ðiều kì lạ là tôi thấy hai con tôi đều mạnh khoẻ và giàu sang...".

Nghe đến đây, tên nhà giàu chen lời vào, hỏi:

- Thế anh có gặp cha ta không ? Chắc cha ta cũng sống nhàn hạ lắm nhỉ ?

Anh nhà nghèo vẫn thủng thẳng kể tiếp: "Vợ tôi bảo tôi hãy ở đây vài ngày với vợ con. Vừa lúc đó ông thân sinh của ông chạy ra. Ông thân sinh của ông thong thả lắm, chỉ làm công việc giặt giũ quần áo cho vợ con tôi thôi".

Tên nhà giàu nghe đến đây giận tím mặt:

- Ðồ lếu láo, thằng nói khoác !

Nhưng quát xong hắn biết là dại mồm, song biết nói sao, đành phải chia đôi gia tài và gả con gái cho anh nhà nghèo.

>>Tú Xuất dành mền ông Huyện
Cũng là Tú Suất, bữa kia, đi lỡ đường trọ nhà quán. Ông huyện đâu cũng vô
ngủ.

Nghề con nhà học trò làm quen với nhau mau lắm. Trò chuyện trà lá với nhau. Ai dè anh ta định tâm sẵn, lừa khi ông huyện đi ra ngoài mà làm dấu nơi góc mền, hòng xỏ ông huyện chơi.

Nằm kề nhau, khuya lại giả đò ngủ mê, giựt mền ông huyện mà đắp. Ông huyện tưởng cơn mê ngủ cũng để cho đắp. Sáng ông huyện dậy sớm ra đi kêu Tú Suất dậy. Anh ta đáp: "Quan huyện ngài có gấp ngài đi trước đi, tôi thong thả vậy" rồi nhắm mắt ngủ lại. Ông huyện nói: "Không thì trả cái mền cho trẻ nó bỏ vô xiểng cho rồi đặng có đi sớm chứ" Tú Suất nổi xung lên: "Ủa, ngài làm quan mà ngài nói cái mới lạ cho chớ, nầy! Mền của tôi đang đắp sờ sờ, ngài nói ngài đòi, thật ngài làm bỉ mặt tôi quá. Mền tôi có dấu của tôi đây rõ ràng...". Cãi không lại miệng, ông huyện nhịn thua bỏ đi.

>>rắm của con đấy ạ
Một bà huyện đến chơi nhà chị em, cùng đi có anh đầy tớ theo hầu. Ðương ngồi trò chuyện đông đủ, bà huyện bỗng vãi rắm ra. Anh đầy tớ đứng hầu sau lưng, vội bưng miệng cười. Lúc bấy giờ bà lớn tẽn lắm, nhưng cũng không dám nói gì.

Về đến dinh, bà mới gọi anh đày tớ vào buồng mắng một thôi một hồi:

- Ðồ ngu! Ðồ ăn hại! Không ra thể thống gì cả! Như người ta thì mày nhận là của mày, có được không? Ðằng này mày lại nhe răng ra mà cười như con khỉ! Bà lại đánh tuốt xác ra bây giờ!

Anh đầy tớ sợ mất vía, vội lui ra, rồi chạy một mạch đến nhà kia, thanh minh với mọi người:

- Bẩm các bà! Cái rắm bà con đánh lúc nãy là của con đấy ạ!



TOP WAP WORLDWIDE


mobiV trang ch

© GIAITRI102.TK
Thanks to XTGEM