Old school Swatch Watches
Không bấm vùng phía trên kẻo mất tiền nhé!

>>sợ sét bà
Xưa có một thầy đồ ngồi dạy học ở một nhà người đàn bà goá. Bữa nào ăn cơm, bà cũng chỉ cho thầy ăn vừa sét bát thì thôi.

Một hôm, trời mưa sấm sét dữ lắm. Người đàn bà sợ run cầm cập, còn thầy đồ thì thản nhiên như không.

Người đàn bà thấy vậy hỏi:

- Thầy không sợ sét ư?

Thầy đồ đáp:

- Tôi không sợ sét của trời, tôi chỉ sợ sét của bà thôi. Cứ mỗi ngày ba sét ba lượt thì tôi cũng chết đói mất.

>>đậu phụ mắm tôm
Hai ông đồ rủ nhau vào hàng đánh chén. Nhìn vào đĩa đậu phụ trên mâm, một ông nói:

- Tôi ra một câu, ông đối được cho thông thì tôi chịu tiền cả, đối không thông thì ông chịu tiền cả.

Ông kia bằng lòng.

- Nướng đậu phụ cho cha ăn. Ðối đi!

Ông kia ngẫm nghĩ một lát, rồi đọc:

- Sắc ích mẫu cho mẹ uống. Ông trả tiền nhé!

Ông ra câu đối hơi hoảng. Nhưng rồi ông ta trấn tĩnh được thong thả nói:

- Ðối sát đấy. Phụ là cha đối với mẫu là mẹ, uống đối với ăn. Có điều thông thì chưa thông.

- Thông thế nào nữa?

- Ðậu phụ không có mắm tôm thì ăn vói gì? Ăn với ích mẫu được ư? Ðối thế này mới thông: Lấy mắm tôm cho mẹ chấm. Ông trả tiền chứ!

>>sĩ diện
Một anh đồ kiết đi tìm nơi dạy học. Ðường xa, người mệt, còn trong túi vài đồng, thầy vào quán ăn vài củ khoai cho đỡ đói. Thầy vừa ăn vừa uống nước ra vẻ ung dung lắm. Ăn hết củ thứ nhất, rồi củ thứ hai, thầy muốn chén củ nữa nhưng lại sợ hết mất tiền. Cái miệng vẫn thòm thèm. Nhân lúc cô hàng vào bếp, thầy vội vơ nắm khoai vắt lại bỏ vào mồm. Không ngờ, cô hàng quay ra, nhìn thấy. Thầy cố ra vẻ thản nhiên bảo:

- Ta ăn thêm vắt xôi đậu.

Cô hàng thừa hiểu, nhưng tảng lờ như không biết gì, bảo thầy:

- Vậy xin thầy giả tiền cả vắt xôi đậu.

Thầy bấm bụng đưa nốt đồng cuối cùng.

>>nói sao cũng được
Ngày trước, có một người rất thích uống rượu, có rượu là uống không biết chán, cho nên sinh ra nghiện nặng. Một lần, anh ta đến kinh thành làm ăn, tình cờ gặp người quen. Oái oăm là người quen này rất keo kiệt. 

Sau khi gặp người quen, anh nghiện rượu nêu ý kiến : 

- Lâu lắm rồi chúng ta mới gặp nhau, hiện giờ tôi đang thèm chén rượu. Chúng ta về nhà anh chơi, có chén rượu cho tôi giải sầu thì hay quá. 

Người quen nói : 

- Nhà tôi ở cách đây xa lắm, chẳng nỡ để anh vất vả vậy.

Anh nghiện nói :

- Không sao, xa lắm cũng chỉ hai ba mươi lý chứ mấy. 

Người quen nói : 

- Nhà tôi chật chội không dám mời anh. 

Anh nghiện rượu nói : 

- Chẳng hề gì, chỉ cần rộng bằng cánh cửa mở là được. 

Người quen nói : 

- Tôi không chuẩn bị cốc chén uống rượu, nên không uống được. 

Anh nghiện rượu nói ngay : 

- Xem anh nói đến mức nào nào, bao năm chúng ta là tri kỷ, không có chén cũng chẳng sao, bê cả lọ tu cũng được.

>>xin chịu
Có anh chàng kia, vốn ngốc đại là ngốc, mà lại phải đi làm rể nên trong bụng rất lo. Biết tính con, nên trước khi đi bố mẹ gọi vào dặn dò:

- Ở rể thì khó gì mà ngại. Chỉ cần bố vợ làm gì thì mình làm nấy, cho khỏi mất lòng ông là được.

Anh ta nghe nói vững dạ vội khăn gói đi sang nhà vợ. Hôm ấy cũng ngồi ăn cơm với bố vợ, thấy bố vợ gắp thịt, anh cũng gắp thịt; bố vợ chấm rau cũng chấm rau, bố bợ cầm đũa tay trái anh cũng đổi đũa sang tay trái. Bố vợ vô ý đánh vãi mấy hạt cơm ra chiếu, anh cũng bỏ mấy hạt cơm ra chỗ mình ngồi. Bố vợ đang ăn canh miến thấy thế không nhịn cười được, bật phì cười, nào ngờ bị sặc. Một sợi miếng lòng thòng thò ra ngoài lỗ mũi. Anh ta nhìn bố vợ, ngẩn người ra, rồi đứng dậy chắp tay vái dài:

- Thưa thầy, mấy trò khác thì con còn cố được, chứ trò này thì con xin chịu!

>>sân quạ
Ở Phong Lưu, Cạnh Đền có một sân chim, mỗi lần người ta bắt hàng vạn con còng cọc, cò long bong, cò quắm, vạc, diệc mốc... chở ra chợ bán. Sau hậu đất tui thì có "sân quạ", chuyện mới lạ đời! 

Số là mùa hạn năm đó, nắng khô hết đìa bàu. ao vũng xứ này. Trâu bò phải đi kiếm nước uống ở những cái giếng giữa đồng xa.

Tui có bầy trâu tất cả là tám con. Nhưng chiều bữa đó, chúng đi ăn về lại lạc mất con đực pháo. Sau đó mấy tháng lăng xăng chạy kiếm đủ chỗ, tui mới gặp nó đứng chổng khu uống nước ở một cái giếng trong đầu ngàn hậu đất.

Gần đi tới, tui thấy con đực pháo rùng mình lúc lắc, mặc dù bốn cái chân nó còn lún sâu dưới thềm đìa. Tới thêm chút nữa, tui thấy con trâu như nghe được tiếng động, nó cựa mình vùng lên. Gần lại nữa, tui thấy nó run run, giật giật. Lấy làm lạ, tui đi gần lại xem. Con trâu làm như hoảng hồn, lúc lắc nhổ bốn cái chân lên, nhưng bốn chân nó ngay đơ không làm sao nhúc nhích được. Con trâu lại cất tiếng kêu "ọa ọa". Rồi nó trân mình đứng dựng tại chỗ, run rẩy. Thấy đít con trâu lủng một lỗ, tui vội quơ nùi rơm nhét nó lại, rồi đưa tay với sợi dây định dẫn nó về. Nhưng con trâu cố giãy giụa, mà vẫn đứng tại chỗ. Cuối cùng tui phải về, kêu bả ra lôi tiếp con trâu về nhà.

Sau đó, tui với bả bàn mài dao xẻ con trâu. Nào ngờ phèo phổi, ruột gan, thịt thà bên trong con trâu đều bị lũ quạ khoét đít chui vô hồi nào mà ăn sạch trọi. Tui với bả bắt ra được ba trăm hai mươi sáu con quạ vừa lớn vừa nhỏ. Hông tin hả? Hỏi bả thử coi!

>>cần gì phải trông
Ngày hội, một tên nhà giàu cưỡi ngựa, muốn vào chỗ đám hội, nhưng sợ ngựa đi hoặc ai dắt mất ngựa. Hắn đến chỗ một bé trai khoảng mười hai, mười ba tuổi, bảo bé trông ngựa, rồi sẽ cho tiền. Bé hỏi:

- Ngựa của ông có đá người không?

- Nó dữ lắm đấy, người lạ đến gần là nó đá đấy,

- Thế nó có hay bỏ trốn không?

- Không bao giờ !

- Vậy thì cần gì phải trông nữa!...

>>mô đất biết đi
Đang mùa phát đất, mà nước đầy ắp cánh đồng. Cái năm gì thiệt kỳ cục! Nước Sông Đốc màu ngà dâng lên, nước U Minh đen cuộn tràn xuống. Gió nam thổi hù hù. Trên ruộng mà sóng bủa ba đào. Chuột bọ, rắn rít hết chỗ dựa, trôi tấp vào các ngọn cây đeo có đùm. Nước U Minh đỏ thẫm như nước trà, chảy ngập tới đâu thì cây cỏ èo ọp tới đó. Lợi dụng lúc này phát đất là tốt nhất. 

Bữa đó tui vác phản ra đồng như thường lệ. Nghĩa là nghe cúm núm kêu chừng hết canh tư thì tui đã có mặt ngoài ruộng. Đồng nước mênh mông ngập tới ba đì lạnh run lên, không tìm được một mô đất mà để viên đá mài phản. Tui lội vòng vo cho tới hừng đông, may thang gặp được một mô đất thật cứng, cao hơn mặt nước độ hai gang tay. Tui rề lại, để viên đá mài lên, ngồi mài phản. Mài "nước lớn", tui lại mài "nước ngót" rồi liếc mép. Xong đâu đó, tui còn mở gói thuốc giồng ra vấn một điếu hút phì phèo. Đến khi trời sáng rõ mặt, tui trực nhìn lên:

- Ủa ! Ở đâu mà vườn tược rậm rạp, trông lạ vậy kìa! Quái lạ ! Tại sao lại ở ngay hè nhà mình?

Rõ ràng, bên tay phải tui là cái chuồng trâu, tay trái chuồng heo, chính giữa có bếp nấu cơm. Bà vợ tui đang lom khom chụm bếp. Thiệt là như chiêm bao, tui không tài nào hiểu được. Cuối cùng tui phải cất tiếng kêu bả để hỏi sự tình. Chẳng ngờ bả chạy ra, ngẩng lên, vụt la oi ói :

- Bớ người ta ơi! Làm ơn cứu chồng tui!

Tui bật cười hỏi :

- Bộ bà điên rồi hả ?

Bả đứng nhìn tui mà mặt mày tái mét, đưa tay ngoắc:

- Ông ơi! Ông phóng xuống đây, chạy lại đây, mau đi!

Tui cười hề hề, thủng thỉnh bịt khăn đầu rìu qua trán, lấy cục đá mài, vác phản lên vai, bước xuống mô đất đi lại bên vợ tui. Bả nắm vai tui xoay ngược lại:

- Ông ngó trở lại coi, kìa !

Tui nhìn lại cái mô đất mình mới vừa bước xuống. Úy trời đất, thánh thần, thổ võ ơi! Con rùa! Con rùa vàng lớn quá trời! Té ra tui ngồi mài phản trên lưng nó hồi hôm tới giờ mà hỏng hay.

>>đánh thế còn nhẹ
Có một anh nông dân về nhà ăn cơm trưa, thấy món rau xào hôm nay rất ngon, liền hỏi vợ:

- Rau xào hôm nay sao ngon thế?

Vợ đắc ý khoe:

- Hôm nay có hai người mua chung một miếng mỡ lợn, trên đường đi qua nhà mình đã mượn dao để chia, em đã rửa con dao dính mỡ lợn vào chảo, nên rau mới ngon như thế đấy!

Anh chồng nghe xong, tiện tay tát cho vợ một cái, mắng:

- Tại sao không rửa vào vại nước để mà ăn mấy ngày?

Vợ rất uất ức chạy sang bên cạnh mách tội của chồng với ông chú. Chú nghe xong quát tướng lên:

- Đánh thế hãy còn nhẹ, sao không rửa dao dưới ao, để chúng tao cũng được ăn?

>>đố nhau
Mấy anh đố nhau. Anh thứ nhất nói:

- Càng đắp càng bé là gì?

Mọi người nghĩ mãi, rồi đành chịu. Anh này tự trả lời:

- Người ta đào ao, lấy đất đắp vào bờ bên trong. Càng đắp thì cái ao càng bé lại.

Anh thứ hai đố:

- Càng kéo càng ngắn là gì?

Mọi người cũng chịu cả. Anh ta giải thích:

- Là điếu thuốc lá. Cứ kéo một hơi là nó lại ngắn đi một chút.

Anh thứ ba hỏi:

- Thế càng vặn càng vẹo là gì?

Mọi người càng chịu, cho là anh ta chơi chữ. Anh này cười bảo:

- Đâu mà chơi chữ! Chỉ là hai người cùng giặt một cái chăn. Đến lúc vắt nước, mỗi người cầm một đầu chăn bằng hai tay thật chặt, vặn xoắn vào. Được một lúc thì cả hai đều vẹo mình đi, mỗi người về một phía.

Đến lượt anh thứ tư, anh này lửng khửng bảo:

- Càng to càng bé là gì?

Mọi người cười bò ra, phán đoán đủ kiểu. Anh ta chỉ lắc đầu, mãi sau mới nói:

- Con cua nó có hai càng. Một càng to, một càng bé.

>>có bán thuốc lào không hử?
Tư Ếch từ ngày biết hai câu thơ:

Trúc xinh trúc đứng hàng rào
Em xinh em hút thuốc lào... cũng xinh!

cho nên bị lên cơn ghiền sâu mắt đã hai hôm, mà đợi đến phiên chợ làng thì còn những một tuần nữa, nên bèn lân la vào ngõ cô gánh hàng xén:

- Cô mình có bán thuốc lào không hả?

- Không có bác ơi!

Qua hôm sau, chưa bảnh mắt, Tư Ếch lại ra ngõ ấy vừa ngáp lia lịa vừa hỏi:

- Cô mình có bán thuốc lào không?

Cô hàng xén mới mở hàng đang ế, phát cáu:

- Này, này... em bảo cho bác biết nhá, em chưa từng bán thuốc lào, em không có bán thuốc lào, và em sẽ không bao giờ bán cái ngữ thuốc lào! Bác còn dấm dớ hỏi nữa là em búa cho bác mấy búa đấy...!

Qua tờ mờ sáng hôm sau nữa, đang lúi húi dọn hàng ra thì cô hàng xén đã thấy Tư Ếch lò dò đến:

- Này, cô mình có bán búa không hử?

Cô hàng xén chưng hửng:

- Làm gì có búa mà bán!? Rõ chán cái bác này!...

Tư Ếch mừng ra mặt:

- Thế... có bán thuốc lào không hử!?

>>chuyện ở thôn
Ông trưởng thôn nhận được thơ tay của ông chủ tịch xã gởi xuống nguyên văn như vầy:

"Sắp tới, đoàn cán bộ huyện về thăm và chọn thôn ta làm điểm. Vì vậy mà các đồng chí nên duy trì thật tốt vấn đề TTVSNCC. Ký tên..."

Cả một đêm dài mày mò dịch những chữ viết tắt, sáng hôm sau, ông trưởng thôn gởi thơ tay lại:

" Xin đồng chí chủ tịch cứ yên tâm, không sợ chó điên cắn đoàn cán bộ bởi mùa mưa rất ít bệnh dại, chẳng cần tiêm vắc - xin... ".

Ông chủ tịch xã ngớ người chẳng hiểu trời trăng gì, mới cho người phóng xe máy vào thôn hỏi. Bấy giờ mới vỡ lẽ, ông chủ tịch thì bảo: "Duy trì tốt vấn đề "Trật tự vệ sinh nơi công cộng", còn ông trưởng thôn lại dịch thành... duy trì tốt vấn đề "tiêm thuốc vắc-xin ngừa cho chó"?! Quả là... khéo dịch!

>>làm theo
Bà mẹ dặn con trai mới dạm vợ:

- Sang nhà bên ấy, thấy bố vợ làm gì thì phải làm theo nghe con!

- Vâng! Con nhớ rồi!

Ðến nơi, thấy bố vợ đang ngồi tréo mảy uống trà, anh ta liền đến kéo ghế, ngồi tréo mảy bên cạnh, rót nước uống tự nhiên. Ông bố vợ nổi giận, vừa lúc thấy con chó đến gần, ông ta giơ chân đá nó một cái. Con chó kêu "oẳng" một tiếng rồi chạy đi. Chàng rể vội kêu lên:

- Ðứng lại cho tao đá, rồi hãy chạy!Bà mẹ dặn con trai mới dạm vợ:

- Sang nhà bên ấy, thấy bố vợ làm gì thì phải làm theo nghe con!

- Vâng! Con nhớ rồi!

Ðến nơi, thấy bố vợ đang ngồi tréo mảy uống trà, anh ta liền đến kéo ghế, ngồi tréo mảy bên cạnh, rót nước uống tự nhiên. Ông bố vợ nổi giận, vừa lúc thấy con chó đến gần, ông ta giơ chân đá nó một cái. Con chó kêu "oẳng" một tiếng rồi chạy đi. Chàng rể vội kêu lên:

- Ðứng lại cho tao đá, rồi hãy chạy!Bà mẹ dặn con trai mới dạm vợ:

- Sang nhà bên ấy, thấy bố vợ làm gì thì phải làm theo nghe con!

- Vâng! Con nhớ rồi!

Ðến nơi, thấy bố vợ đang ngồi tréo mảy uống trà, anh ta liền đến kéo ghế, ngồi tréo mảy bên cạnh, rót nước uống tự nhiên. Ông bố vợ nổi giận, vừa lúc thấy con chó đến gần, ông ta giơ chân đá nó một cái. Con chó kêu "oẳng" một tiếng rồi chạy đi. Chàng rể vội kêu lên:

- Ðứng lại cho tao đá, rồi hãy chạy!



TOP WAP WORLDWIDE


mobiV trang ch

© GIAITRI102.TK
Thanks to XTGEM