Không bấm vùng phía trên kẻo mất tiền nhé!

>>quả trầu không
Có bốn anh thợ cưa xẻ gỗ cho một ông nhà giàu dưới vườn cây vào tiết tháng năm. Mít vừa độ chín, mùi hương thơm toả khắp khiến bốn anh thợ cưa thèm rỏ dãi. Chủ nhà lại là một lão hà tiện và keo kiệt, trưa nào cũng ra rình và đếm lại những quả mít đã chín. Bốn anh thợ cưa vừa thèm vừa ghét lão chủ, tìm cách lấy mít ăn cho bõ thèm.

Một anh giựt hai quả nơi cây mít có bụi trầu không leo quanh và bảo cả bọn cùng ăn rồi sẽ có cách xử trí.

Trưa, lão chủ ra đếm mít, thấy mất hai quả bèn nổi giận, định đến bắt đền bốn anh thợ cưa. Lão vừa đến thì anh chàng đã hái mít nói ngay:

- Ðó, nhờ ông ra phân xử cho xem ai đúng, ai sai.

- Ðúng sai thế nào không biết chứ các anh phải trả tiền hai quả mít ở cây kia cho tôi.

- Chính hai quả ấy đó ạ. Tôi thì bảo là quả mít, còn bọn kia thì lại nhất định là quả trầu không. Chúng cãi với tôi đã ngót mười hôm nay. Ðến lúc hạ xuống ăn thì rõ rằng là quả mít, đúng như tôi nói. Ấy thế mà chúng nó vẫn gân cổ lên cãi. Chúng bảo rằng quả trầu không cũng thơm và ngọt như quả mít. Bây giờ, may nhờ có ông ra, nhờ ông nói cho một lời.

- Một lời làm sao?

- Dạ, là quả mít hay quả trầu không ạ.

Ông chủ keo kiệt lặng thinh đi vào.

>>đừng có nói dối
Một thầy đồ hay ngủ ngày, nhưng lại bắt học trò phải thức, nếu ngủ là thầy đánh. Học trò tức quá, mới hỏi:

- Con học chữ và phải học cả tính nết của thầy. Thầy hay ngủ ngày, sao thầy không cho con ngủ ngày?

Thầy trả lời liều:

- Ta đâu có ngủ ngày, đấy là ta nằm chiêm bao để nói chuyện với ông Chu Công và Khổng Tử đấy chứ!

Một buổi kia, thầy ngủ, trò cũng ngủ theo. Thầy thức dậy trước, liền lay trò dậy, mắng:

- Sao mày dám bỏ học mà nằm ngủ?

Trò thưa:

- Thưa thầy, con có ngủ đâu! Con nằm chiêm bao để ra mắt ông Chu Công và ông Khổng Tử đấy chứ ạ!

Thầy tức giận nói:

- Mày phải ra mắt ông Chu Công và ông Khổng Tử, vậy thì hai ông ấy nói gì với mày?

Trò trả lời:

- Hai ông ấy bảo sao lâu nay không thấy thầy mày đến thăm. Con trình rằng mới hôm qua thầy có đến thăm ông. Hai ông thấy nói vậy có vẻ giận lắm bảo con rằng: "Mày về bảo cái thằng thầy mày đừng có nói dối".

>>nhân đức
Có người hay nói nịnh. Một hôm, đến thăm quan huyện, vừa vào dinh, đã khen rối rít:

- Quan lớn nhân đức thật. Thú dữ cũng phải lánh đi nơi khác. Hôm qua, vừa bước chân vào địa hạt ta tận mắt tôi thấy cọp kéo nhau từng bầy đi sang huyện bên cạnh.

Quan nghe, cũng chối tai, nhưng vẫn cười gượng. Một lúc, dân tới báo đêm qua cọp bắt mất ba mạng người, xin quan đưa lính về bắn trừ đi, kẻo nó ăn hết thiên hạ.

Quan huyện quay lại hỏi khách:

- Sao ngài bảo trông thấy cọp bỏ đi cả rồi !

Người kia bí quá, nói liều:

- Chắc quan huyện bên cạnh cũng nhân đức chẳng kém gì quan lớn, nên nó không có chỗ trú chân, đành phải quay trở lại huyện nhà.

>>con vịt 2 chân
Có anh lính hay nịnh quan, hễ trông thấy cái gì khác thường một tí là vơ lấy tán luôn.

Một hôm, quan đang ngồi ở công đường, anh ta đứng hầu bên cạnh, trông thấy con vịt đứng ngủ, co một chân lên. Anh ta liền bẩm:

- Bẩm quan lớn, con vịt...

Không ngờ con vịt thức dậy, buông nốt chân kia xuống.

Quan quay lại hỏi:

- Con vịt làm sao ?

Anh ta luống cuống không biết nói sao, đáp liều :

- Bẩm, con vịt... hai chân ạ !

Quan nghe câu nói vớ vẩn mới mắng :

- Vịt chẳng hai chân thì mấy chân ?

>>thối quá, thối thật
Hai anh đại nịnh ngồi hầu chuyện cụ lớn. Bất thần, cụ đánh một cái trung tiện. Một anh giả vờ lắng nghe, rồi nói:

- Y hi ! Quản huyền chi âm (Ôi ! Nghe như tiếng đàn, tiếng sáo).

Một anh hếch mũi lên ngửi, rồi nói:

- Phảng phất ngọc lan chi vị (Thoang thoảng như mùi hoa ngọc lan).

Cụ lớn có ý buồn, bảo:

- Ta nghe nói trung tiện là uế khí, nó ra ngoài mùi nó thối mới phải, chứ nó thơm thì ta e rồi không thọ được bao lâu nữa.

Một anh nghe nói vậy, vội đưa tay lên như bắt hơi, hít đi hít lại, rồi bẩm:

- Bẩm, bây giờ đã có mùi thối ạ.

Anh kia cũng vờ vịt khịt luôn hai ba cái, nói tiếp:

- Bẩm bây giờ thì thối thật, thối quá ! Thối kinh khủng !

>>chết một ngàn năm
Một anh có tính hay nịnh kẻ quyền quý. Một hôm đến nhà ông quan nọ nói nịnh:

- Hôm qua con nằm chiêm bao thấy ngài sống một ngàn năm, mừng quá, sang báo tin ngài rõ.

Ông quan nghe xong có vẻ buồn, nói:

- Sách nói chiêm bao thấy sống là chết, thấy chết là sống, vì người ta thức là thuộc "dương" mà ngủ thì thuộc "âm", âm dương trái nhau, anh chiêm bao như thế thì tôi khó lòng toàn vẹn được.

Anh kia nghe, sợ quá, vội nói chữa:

- Bẩm vâng, đúng như thế đấy ạ ! Con nói lộn, chứ thực là chiêm bao thấy
ngài chết một ngàn năm cơ ạ !

>>nói khoác gặp nhau
Có một anh đi làm ăn xa, lâu ngày về làng, bà con đến thăm, hỏi anh ta đi xa thế hẳn biết nhiều chuyện lạ. Xin kể cho nghe. Anh nọ được dịp nói khoác:

- Tôi được thấy có nhiều cái lạ lắm, nhưng lạ nhất là có một chiếc thuyền, dài không lấy gì mà đo cho xiết, có người thuở hai mươi tuổi đứng ở đằng mũi bắt đầu đi ra đằng lái, đi đến giữa cột buồm thì đã già, râu tóc bạc phơ, cứ thế đi, đến chết vẫn chưa tới lái.

Trong làng cũng có một anh nói khoác nổi tiếng, nghe vậy liền kể ngay một câu chuyện:

- Như thế đã lấy gì làm lạ ! Tôi đi rừng thấy có một cây cao ghê gớm. Có một con chim đậu trên cành cây ấy, đánh rơi một hạt đa. Hạt đa rơi xuống lưng chừng gặp mưa, gặp bụi rồi nảy mầm, đâm rễ thành cây đa. Cây đa lớn lên, sinh hoa, kết quả, hạt đa ở cây đa đó lại rơi vãi ra, đâm chồi, nẩy lộc thành nhiều cây đa con, đa con cũng như cây đa mẹ lớn lên, sinh hoa kết quả, lại nẩy ra hàng đàn cây đa cháu. Cứ thế mãi cho đến khi rơi tới đất thì đã bảy đời tất cả.

Anh đi xa về nghe thế gân cổ lên cãi:

- Làm gì có cây cao thế ! Chả ai tin được.

Anh kia cười ranh mãnh:

- Ấy không có cây cao như thế thì lấy đâu ra gỗ mà đóng chiếc thuyền của anh?

>>xin tiền tiêu
Hai anh chàng hay nói láo. Một hôm, cùng đi tắm với nhau, anh nọ muốn loè anh kia, nên mang theo năm tiền của mình rồi lặn xuống nước, lúc ngoi lên chìa năm tiền ra, nói:

- Tao lặn xuống gặp hai ông tiên đang đánh cờ. Tao vào xem thì hai ông ấy cho tao năm tiền bảo đi chỗ khác. Tao mừng quá bơi lên đây.

Anh kia biết anh này nói láo, định xỏ lại. Anh ta giả bộ tin là thật, hỏi:

- Thế à ! Thế thì để tao lặn xuống xem, may ra xin được mấy tiền nữa thì hay.

Nói rồi liền lặn xuống. Một lát bơi lên:

- Tao gặp hai ông tiên đánh cờ. Tao mon men đến định xin tiền , thì hai ông ấy mắng, bảo: "Thằng trước xuống đây, đã cho năm tiền bảo về chia nhau. Vậy còn xuống quấy rầy gì nữa ?".

Biết là bị xỏ, nhưng anh nọ cũng đành phải chia cho anh kia hai tiền rưỡi.

>>mẹo bắt hổ
Anh chàng nọ tính hay nói khoác. Một hôm, một con chim ri bị thương bay qua nhà, rơi xuống. Anh ta bắt lấy, cắm mũi tên của mình vào rồi ném sang nhà cô gái bên cạnh. Cô này rất thích săn bắn. Nhặt được mũi tên, có con chim, cô ta rất phục anh chàng nọ bắn giỏi, rồi đem lòng yêu mến anh ta.Sau đó hai người thanh vợ chồng.

Năm ấy, có một con hổ dữ thường về làng bắt bò, trâu, dê, có khi bắt cả người nữa. Làng liền cử anh chàng nọ đi săn cho bằng được. Anh ta rất lo, nhưng không biết làm thế nào, đành phải đi, muốn ra sao thì ra.

Vào đến rừng, anh ta tìm một cái hang thật kín trốn ở đây, sợ đến nỗi không dám ra ngoài ỉa đái nữa, phải bậy bạ ngay trong hang.

Vợ ở nhà chờ không thấy chồng về, sợ có chuyện gì xảy ra, liền vác cung nỏ vào rừng. Gặp hổ chị ta bắn một phát, tên trúng chỗ phạm hổ chết ngay. Rồi chị ta đi tìm chồng khắp mọi nơi. Cuối cùng thấy chồng trốn ở trong hang, xung quanh cứt đái bẩn thỉu. Chị ta kể chuyện bắn hổ, rồi hỏi chồng vì sao lại ở đây và phóng uế bừa bãi như thế. Anh chồng tỏ ý không bằng lòng, nói:

- Thôi mình làm hại tôi rồi. Hai ba ngày nay tôi chỉ chờ nó vào ăn cứt rồi bắt sống đem về nộp làng. Bây giờ mình bắn chết rồi, uổng công tôi quá!

>>tài bắn giỏi
Tại vùng nọ có một anh, hễ ngồi đâu là khoe tài bắn giỏi, đi săn giỏi của mình. Một lần ngồi uống chè chát bên nhà hàng xóm, anh khoe với bà con một bận đi săn hổ hết sức li kì như sau:

- Tối hôm ấy, tôi có vào rừng săn hổ. Rình mãi, lần mò mãi, đến bên bờ suối thì thấy bên kia bờ cát trắng có một con hổ đang nằm ngủ dưới ánh trăng. Bà con có biết tôi làm gì không?

- Lấy súng ngắm hổ chứ gì? - Có người nói.

Anh ta cười:

- Bắn làm gì cho phí đạn. Nó đang nằm ngủ kia mà. Tôi liền nhẹ nhàng lội qua suối, đi quành ra phía sau nó, rồi nhảy tới đạp một chân lên bụng nó và ngay lập tức lấy dao cắt phăng cái đuôi nó nhanh như cắt.

Một người khác ngạc nhiên hỏi:

- Tại sao anh không cắt cái đầu hổ cho nó oai ?

Với giọng không sôi nổi nhiệt tình như trước nữa, anh ta đáp:

- Cái đầu hổ ấy à ? Thằng cha nào đã cắt mất từ lúc nào rồi.

>>con rắn vuông
Anh chàng nọ tính khoác lác đã quen. Bữa kia đi chơi về bảo vợ:

- Này mình ạ! Hôm nay tôi đi vào rừng trông thấy một con rắn, chao ôi, to đến là to, dài đến là dài. Bề ngang thì chắc chắn là bốn mươi thước rồi, còn bề dài thì dễ đến hơn trăm thước.

Vợ không tin, nhưng cũng định trêu chồng một mẻ:

- Tôi nghe người ta nói có rắn dài đã nhiều. Nhưng làm gì có giống rắn dài như anh nói thế. Tôi nhất định không tin.

Chồng làm như thật:

- Thật quả có rắn như thế. Dài hơn một trăm thước thì chẳng đến, nhưng tám mươi thì nhất định.

Vợ bĩu môi:

- Cũng chẳng đến!

Chồng cương quyết:

- Tôi chắc chắn là nó dài sáu mươi thước chứ không ngoa.

Vợ vẫn khăng khăng:

- Vẫn không dài đến nước ấy đâu!

Chồng rút lui một lần nữa:

- Lần này tôi nói thật nhé. Con rắn dài đến bốn mươi thước, không kém một phân.

Vợ bò lăn ra cười:

- Con rắn anh thấy, bề ngang đã chắc chắn là bốn mươi thước, bề dài cũng lại đến bốn mươi thước không kém một phân thì chẳng hoá ra là con rắn vuông à?

>>chuyện lạ phương xa
Trên một chiếu rượu, bốn cụ đã ngà ngà say liền đem chuyện lạ phương xa tán với nhau.

Cụ thứ nhất bắt đầu:

- Một bận đi tôi sông Bồ Ðề, thấy một con trâu to lù lù như quả núi, đứng bên này sông vươn cổ sang bên kia sông ăn hết ba mẫu lúa.

Cụ thứ hai tủm tỉm tiếp lời:

- Thế thì đã lấy gì làm lạ. Tôi từng thấy một cây mây to và dài bằng dãy núi Trường Sơn.

Cụ thứ nhất nói kháy:

- Chắc hẳn thân cây phải to bằng cái đình làng, cụ nhỉ?

Cụ thứ hai thản nhiên đáp:

- Hẳn chứ lị ! Không thì thừng chão nào xỏ được vừa mũi con trâu của cụ kể?

Cụ thứ ba vội ngắt lời:

- Thế mà các cụ đã cho là lạ à? Tôi còn thấy một cái cây, chao ôi ! Nó cao đâu mà cao thế ! Tưởng chọc thủng trời, đi vòng quang gốc cây một vòng phải mất nửa tháng.

Hai cụ kia cãi:

- Vô lí, vô lí !

Cụ thứ ba gắt:

- Chứ không thì lấy cọc đâu mà mà buộc được dây xỏ mũi con trâu của hai cụ !

Cụ thứ tư nói giọng lè nhè:

- Các cụ đều có lí cả, cãi nhau làm gì... Tuy thế mà cũng chưa lạ lắm. Tôi còn thấy một cái trống to vô cùng, đánh một tiếng vang chuyển một phương trời...

Ba cụ kia nhao nhao hỏi :

- Trống ấy to bằng ngần nào mà kêu thế ?

- Ấy, các cụ cứ lượng ra mà đoán khắc biết, lột da con trâu đứng bên sông Bồ Ðề làm mặt trống, lấy cây gỗ cao chọc thủng trời làm tang trống, còn cây mây to dài suốt dãy Trường Sơn làm đai trống.

Biết cụ này xỏ, ba cụ kia hỏi vặn lại:

- Thế này khí không phải, chứ trống ấy của cụ thì treo vào đâu mà đánh nhỉ?

Cụ thứ tư đang luống cuống chưa tìm ra câu trả lời, may sao có người đứng hầu rượu ngay sau lưng vội đỡ lời:

- Bẩm, xin các cụ cho phép con nói.

Các cụ quay lại nhìn người ở, rồi gật gù nói:

- Ðược, cứ nói.

Người ở gãi tai, thưa :

- Bẩm cái trống ấy treo cái cầu mà hai bố con đã đi qua. Bẩm, đứng trên cầu mà nhìn xuống, con trâu vươn cổ qua sông Bồ Ðề chỉ bằng con rận, cây mây dài suốt dãy Trường Sơn bằng một sợi tóc còn cái cây cao chọc trời thì không bằng cây nấm... Chao ôi ! Bố con mải nhìn chóng mặt quá lộn cổ xuống sông, Con khóc sướt mướt, về để tang ba năm, khi đoạn tang đi qua vẫn thấy bố con lơ lửng giữa trời chứ chưa rơi xuống nước.



TOP WAP WORLDWIDE


mobiV trang ch

© GIAITRI102.TK
Thanks to XTGEM

The Soda Pop