Không bấm vùng phía trên kẻo mất tiền nhé!

>>cá rô nghệ
Trời đại hạn đã lâu. Bà con nông dân ra sức tát nước vào những đám ruộng lúa đang thì con gái. Có một lão nhà giàu không muốn bỏ sức lao động ra, đêm đêm rình mò để tháo trộm xung quanh vào đám ruộng mình. Người ta nói, lão nạt:

- Ta đâu thèm tháo nước ruộng của các ngươi. Đấy là mấy hôm trước có mấy con cá rô nghệ vẫy đuôi, nước ở ruộng các ngươi bắn sang ruộng ta đấy chứ. Có trời đất ta thề với các ngươi là chính mắt ta trông thấy như thế.

Bà con có ruộng xung quanh nhà lão tức lắm. Họ chờ dịp. Trời vẫn nắng hạn. Một đêm tối trời, lão lại tháo trộm nước. Lúi húi từ ruộng nọ qua ruộng kia, lão tưởng như không có ai ngoài ruộng giữa đêm khuya khoắt này. Nhưng lúc lão ngẩng mặt lên thì một bác nông dân đang sừng sững đứng đó, tay cầm cái nơm, mắt chăm chăm nhìn vào mặt. Lão sợ quá, nhào đầu vào ruộng lúa, lấy tay vọc nước "lách tách" giả tiếng cá rô quẫy. Bác nông dân giơ nơm ra, úp mạnh vào đầu lão :

- Bắt được con các rô nghệ đây rồi.

>>vật quý
Anh kia là học trò chữ nghĩa văn vật mà nghèo phải đi vay tạm của ông nhà giàu kia hết ít chục quan tiền, tới kì hẹn không có trả, nên bị bắt tới ở xó nhà lão nhà giàu.

Bữa ấy có ông nhà giàu khác quen tới thăm ông chủ nhà giàu ấy. Ngồi nói chuyện nói: "Ðây anh nhà giàu có tiếng, mà anh có vật chi quý không biết, chớ tôi, tôi có một vật thật quý".

- Vật gì vậy, anh nói tôi nghe thử?

- Tôi có một con gà nó thường gáy: "Giàu có kho! Giàu có kho!"

Ông kia nghe vậy thì nói: "Giàu hú! Giàu hú!"

Chú học trò bị bắt nợ nghe gai lỗ tai, chạy vô xen rằng: "Thưa với hai ông tôi nghèo thì nghèo, tôi cũng có một cái cối đạp quý lắm".

- Quý làm sao mà kêu là quý, nói nghe thử?

- Quý là hễ khi giã gạo, nhứt là khi giã lia thì nó kêu ngộ lắm.

- Nó kêu làm sao?

- Nó kêu: "Láo xược! Láo xược! Láo xược".

>>khôn ra
Một lão nhà giàu đi dạo chợ quê xem có món hàng nào hời sẽ mua tích trữ. Thấy một chú bé cứ nhai mãi mấy hột táo, bèn hỏi:

- Này nhóc, mày nhai mãi mấy hột táo ấy để làm gì?

- Thưa ông, để cho khôn người ra.

- Thế à? Bán cho tao vài hột được không?

- Thưa ông, mười đồng hai hột.

- Ðược, tiền đây.

Lão ta đưa luôn mười đồng và cầm hai hột táo bỏ ngay vào miệng nhai lấy nhai để. Nhai mãi, một lúc sau lão ta hỏi chú bé:

- Này nhóc! Tao nhai từ nãy đến giờ chả thấy khôn ra tí nào. Trong khi đó với mười đồng, tao có thể mua hàng rổ táo của những người khác.

- Ðấy! Ðấy! Ông khôn ra rồi đấy! - Chú bé đắc chí kêu lên.

>>thần bia trả nghĩa
Có một ông lãnh binh, lúc nào trên lưng cũng đeo súng kè kè, nhưng lại bắn rất tồi. Có cái bia sau nhà, đứng cách mấy sải tay mà tập mãi vẫn chưa được phát nào tin. Chẳng may cho quan, bắn chưa thạo thì đã có lệnh gọi ra đánh giặc.

Vừa ra trận buổi đầu đã thua, bỏ mặc quân lính đấy chạy tháo thân. Nhưng giặc đuổi riết cố bắt cho được. Quan sắp đến đường cùng, bỗng có một vị thần ở đâu hiện ra, cõng quan chạy vào rừng. Vào đến giữa rừng, quan biết mình đã chạy thoát, mới hoàn hồn hỏi vị thần kia:

- Xin cho biết người ở đâu? Chẳng hay vì sao mà có lòng tốt cứu tôi như vậy?

Vị thần trả lời:

- Ta là thần bia ở trong vườn nhà ông. Trong bấy nhiêu năm ở nhà ông, nhờ ông có lòng nhân đức nên mới sống được đến ngày nay. Cảm cái ơn ấy, hôm nay ông lâm nạn, tôi cứu ông để trả nghĩa vậy!

>>hai kiểu áo
Một ông quan lớn đến hiệu thợ may may một cái áo thật sang để tiếp khách. Biết quan xưa nay nổi tiếng luồn cúi quan trên, hách dịch với dân, người thợ may hỏi:

- Xin quan lớn cho biết ngài may chiếc áo này để tiếp ai ạ?

Quan chạm lòng tự ái, cau mày lại:

- Nhà ngươi muốn biết như thế để làm gì?

Người thợ may liền đáp:

- Thưa ngài, con hỏi để may cho vừa. Nếu ngài mặc hầu quan trên thì vạt
đằng trước phải may ngắn đi dăm tấc, còn nếu ngài mặc để tiếp dân đen, thì
vạt đằng sau phải may ngắn lại.

Quan ngẫm nghĩ một hồi, gật gù cho là chí lý, truyền:

- Thế thì nhà ngươi may cho ta cả hai kiểu.

>>trả ơn con lợn
Có hai anh kết nghĩa đèn sách. Một anh gặp may thi đỗ, ra làm quan, liền trở mặt. Bạn đến thăm nhiều lần, lần nào cũng cho lính ra bảo, khi thì ngài giấc, ngài ngơi, khi thì ngài bận việc công không tiếp. Năm bảy phen như thế, anh này giận lắm.

Một hôm, anh ta mua một con lợn, quay vàng, để lên mâm bưng tới. Lính lê vào bẩm, một lát trở ra, niềm nở mời vào.

Vào đến nơi, quan chào hỏi vồn vã rồi sai lính lệ mang trầu ra mời. Anh ta cầm lấy miếng trầu, đút vào miệng con lợn, vái nó mấy vái mà rằng.

- Tao giả ơn mày! Nhờ mày tao mới lại lọt vào đến cửa quan để nhìn lại mặt bạn cũ!

>>trung thần nghĩa sĩ cả
Nhà vua vi hành, gặp một ông lão đang cày ngoài đồng. Nhà vua dừng lại hỏi thăm về ruộng nương, lúa má, rồi lân la hỏi đến chính sự, tư cách quan trong địa hạt thế nào.

Ông lão nói:

- Ối chà! Các quan ở đây đều là những bậc trung thần nghĩa sĩ cả.

Nhà vua hỏi:

- Làm sao mà lão biết?

Ông lão đáp:

- Tôi xem hát xưa nay, thấy những vai nịnh như Ðổng Trác, Tào Tháo đều mặt trắng mà các quan ở đây tôi chưa thấy ông nào mặt trắng như thế bao giờ! Ông nào mặt mũi cũng hồng hào béo tốt cả!

>>phê xin đơn li dị
Hai vợ chồng nhà nọ xích mích với nhau đã lâu. Thấy khó lòng chung sống, chị vợ vác đơn lên quan huyện xin li dị để lấy chồng khác. Xem đơn, quan thấy việc xin li dị của chị vợ này không chính đáng, hơn nữa thấy chị ta cũng chẳng có lễ lạt gì, nên quan liền phê một câu vào đơn bằng chữ Hán "Phố hồi cải giá bất đắc phu cựu", nghĩa là "Cho về lấy chồng không được, cứ chồng cũ".

Chị ta không hiểu gì, vội mang đơn về nhờ thầy đồ trong xóm giảng hộ. Xem qua lời phê, thầy đồ biết ý quan huyện, song muốn nhân dịp này vạch cái dốt mà sính chữ của quan cho thiên hạ thấy. Ông bảo chị kia:

- Thế là chị toại nguyện rồi đấy nhé. Lời quan phê, rành rành ra đây này.

"Phó hồi cải giá" nghĩa là cho về lấy chồng khác", còn "bất đắc phu cựu" nghĩa là "không được trở về với chồng cũ".

Ðược lời như cởi tấm lòng, chị kia lấy chồng ngay. Tự nhiên mất vợ, người chồng cũ phát đơn lên tỉnh kiện về việc quan huyện vô cớ phê chuẩn cho vợ mình đi lấy chồng khác. Bị quan trên quở trách là không nắm vững luật lệ, là ngu xuẩn, quan huyện tắc họng không dám cãi nửa lời. Ra khỏi tỉnh đường, quan huyện chửi đổng:

- Cha cái lão thầy đồ nào đã bày cho nó cách ngắt câu!

Từ đó quan cạch đến già không dám phê đơn bằng chữ Hán nữa.

>>đánh quân ngũ sách
Lính huyện đi tuần đêm, bắt được đám đánh tổ tôm. Sáng hôm sau đem lên công đường để tâng công.

Quan chưa biết việc gì, cứ bảo nọc ra đánh. Lính cầm roi, hỏi:

- Bẩm quan đánh bao nhiêu ạ?

Quan đang dở ngủ dở thức mơ màng đến quân bài đánh cho cụ thượng ù lúc gà gáy, bảo:

- Ðánh quân ngũ sách!

>>phép lạ của nàng dâu
Thấy con dâu mới cưới về được vài tháng đã xanh xao vàng vọt, bố mẹ chồng để ý theo dõi mới biết nàng dâu vì giữ lễ phép với mình, phải nhịn đánh rắm nên mới như thế.

- Thì con cứ việc đánh đi tội gì mà nhịn cho nó khổ!

Bố chồng bảo thế, nhưng cô dâu cho biết cái rắm của cô đánh đâu phải bình thường, mọi đồ đạc phải khuân ra hết và mọi người phải lánh xa không thì hư hại. Ông bèn bảo mọi người làm theo y lời. Và cuối cùng một tràng rắm phát ra như tiếng sấm, căn nhà nghe tiếng răng rắc như có một trận gió mạnh lướt qua. Một hồi lâu mới mở cửa, người ta còn thấy cái hũ treo ở xà nhà vì quên khuấy, mà vẫn còn lúc lắc dữ dội. Từ đó bố chồng nhìn nàng dâu bằng con mắt khác trước, nếu không muốn nói là... kính nể.

Một hôm trên đường đi chợ ông thấy có toán lính chừng vài trăm người đang ra sức đẩy một chiếc thuyền rồng bị mắc cạn trên bãi lầy. Nhưng bao lần tiếng "Hò khoan" cất lên, thuyền vẫn không nhúc nhích. Sốt ruột, ông buột miệng: "Hò khoa hò uậy, không bằng rắm dậy dâu tôi!"

Bị bắt về tội ngạo mạn ông đành cho biết "cái lạ" của nàng dâu. Lập tức, họ bảo ông đưa về để mời cô ra giúp kẻo chậm trễ việc quan. Thế rồi trước mũi thuyền rộng, chị con dâu chổng mông làm một tràng rắm. Chiếc thuyền lao vùn vụt xuống nước. Quan lính nhìn nhau lác mắt.

>>quan rẻ thối
Có một ông quan huyện thấy cần phải đi hành hạt để xem dân tình trong huyện đối với mình ra sao. Chọn ngày lành tháng tốt quan lên đường.

Ðể cho oai, quan bắt dân phi phải khiêng mình bằng một chiếc võng đòn con thật đẹp. Lại thêm một chiếc lọng xanh do một cậu lính vác cho ra vẻ.

Ngày ấy là phiên chợ huyện. Quan muốn dạo chợ. Sắp đến đầu chợ, quan nghe
trong một nhà bên phố, tiếng chồng bảo vợ:

- Bà mày hôm nay không mua thịt chớ thịt rẻ lắm. Một quan phải hai người gánh. Quan thịt rẻ thối như thế không biết đường mà mua.

Nói xong anh ta còn đay lại: "Quan rẻ thối".

Quan huyện biết lão này chửi xỏ mình, tức quá nhưng không biết trị làm sao được. Thấy lính hầu và dân phu có vẻ đắc ý cười tủm, quan tức quát chạy thẳng, không dạo chợ nữa.

>>canh bí đao
Một nhà nọ mời gia sư về dạy con học, ăn uống hàng ngày cho gia sư thật là đơn giản, mỗi bữa chỉ có một bát canh bí đao. Gia sư hỏi chủ nhà:

- Ông thích canh bí đao lắm à ?

- Vâng, đúng vậy, Bí đao ăn rất ngon, lại có tác dụng làm sáng mắt. Ăn bí đao rất có lợi cho mắt.

Một hôm chủ nhà vào phòng học, thấy gia sư đứng dựa cửa sổ nhìn ra xa xăm, cố ý làm như không biết chủ nhà vào. Chủ nhà bước đến phía sau gia sư mà chào, gia sư mới quay lại nói:

- Tôi đang xem trong thành phố diễn kịch, không biết ông vào, mong ông thông cảm.

Chủ nhân ngạc nhiên:

- Trong thành phố diễn kịch mà ông ở đây nhìn thấy được à, nhìn như thế nào vậy?

Gia sư nói:

- Từ ngày ăn canh bí đao của nhà ông đến nay, mắt tôi càng ngày sáng ra.

>>chiếm hết chỗ
Một người ăn mày hom hem, rách rưới, đến cửa con nhà giàu xin ăn. Người nhà giàu không cho, lại còn mắng:

- Bước ngay! Rõ trông như người dưới địa ngục mới lên ấy!

Người ăn mày nghe nói, vội trả lời:

- Phải, tôi ở dưới địa ngục lên đây! 

Người giàu nói:

- Đã xuống địa ngục, sao không ở hẳn dưới ấy còn lên đây làm gì cho bẩn mắt?

- Không ở được nên mới phải lên. Ở dưới ấy các nhà giàu chiếm hết chỗ rồi.

>>thi nói khoác
Một hôm được nghỉ, bốn quan họp nhau đánh chén, nhân lúc cao hứng liền mở một cuộc thi nói khoác. Quan thứ nhất nói:

- Tôi còn nhớ, ngày tôi trọng nhậm ở huyện nọ, tôi được trông thấy một con trâu to lắm, nó liếm một cái hết cả sào mạ!

Quan thứ hai nói:

- Thế đã lấy gì làm lạ. Tôi còn trông thấy một sợi dây thừng to gấp mười cái cột đình làng này!

Quan thứ nhất biết ông kia nói lỡm mình, bèn chịu thua và giục quan thứ ba lên tiếng:

Quan thứ ba nói:

- Tôi đã từng thấy một cây cầu dài lắm, đứng đầu này không thể trông thấy đầu kia. Chỉ biết rằng có hai bố con nhà nọ, kẻ ở bên này, người ở bên kia mà chẳng bao giờ gặp nhau được. Lúc ông bố chết, người con nghe tin, vội vã sang đưa đám ma, nhưng khi qua cầu sang đến nơi thì đã đoạn tang được ba năm rồi!

Đến lượt quan thứ tư:

- Thế kể cũng đã ghê đấy. Nhưng tôi lại còn trông thấy một cái cây cao khủng khiếp lắm! Cứ biết rằng trứng chim ở ngọn cây rơi xuống mới đến nửa chừng, chim đã nở đủ lông đủ cánh và đã bay đi rồi.

Quan thứ ba hiểu ý, muốn nói cây dùng để làm cái cầu mình nói, đành chịu thua.

Bốn ông quan đắc ý, vỗ đùi cười ha hả.

Bỗng có tiếng thét thật to làm các quan giật bắn người:

- Đồ nói láo cả! Lính đâu? Trói cả chúng nó lại cho ta!

Các quan sợ run cầm cập, ngơ ngác nhìn trước nhìn sau xem ai thì té ra là anh lính hầu. Lúc ấy, quan mới lớn giọng:

- Thằng kia, mày định trói ai thế?

- Bẩm quan, con thấy các quan thi nhau nói khoác thì con cũng nói khoác chơi đấy ạ!



TOP WAP WORLDWIDE


mobiV trang ch

© GIAITRI102.TK
Thanks to XTGEM

Snack's 1967