Không bấm vùng phía trên kẻo mất tiền nhé!

Paris - 1941



Đối với một số người, Paris của năm 1941 là một kho của cải và cơ hội may mắn, còn với một số khác thì lại là một địa ngục trần gian. Gestapo trở thành một từ gieo rắc nỗi khủng khiếp và những chuyện về các hoạt động của họ trở thành đề tài chính cho những cuộc mạn đàm nho nhỏ.
Lúc đầu những cuộc tiến công nhằm vào người Pháp gốc Do Thái chỉ đơn thuần là việc phá phách một số tủ kính bày hàng của họ, sau đó được Gestapo tổ chức thành một hệ thống các hoạt động tịch thu, bài xích và cuối cùng là tiêu diệt họ.
Ngày 29 tháng Năm người ta ban bố một lệnh: "… Một ngôi sao hình sáu cánh với kích thước bằng bàn tay có một gờ màu đen. Hình đó phải làm bằng vải mang dòng chữ đen JUDEN(1). Mọi người từ sáu tuổi trở lên phải mang hình đó trên phía ngực trái, khâu chắc chắn và rõ ràng vào vải áo…"
Không phải mọi người Pháp đều dễ dàng chấp nhận đất nước họ bị gót giầy quân Đức chà đạp. Những người Maquis trong Phong trào kháng chiến bí mật Pháp đã chiến đấu ngoan cường khôn khéo và mỗi khi bị bắt, họ bị người ta giết bằng nhiều cách rất tinh vi.
Một bà Bá tước trẻ, dòng họ bà có một lâu đài ở ngoại ô Chartres, đã bị người ta ép phải cho các sĩ quan của Bộ chỉ huy Đức địa phương lập trụ sở ở mấy phòng tầng trệt trong nửa năm trời, trong khi đó bà lại giấu năm thành viên của Maquis đang bị truy nã ngay ở tầng trên của lâu đài.
Hai nhóm người này không bao giờ chạm trán nhau, song chỉ trong có ba tháng mà mái tóc bà Bá tước bạc trắng hoàn toàn.
Bọn Đức sống đúng phong cách của kẻ đi chinh phục, trong khi đó người dân Pháp bình thường thì thiếu đủ mọi thứ, trừ sự đói rét, bần cùng. Hơi đốt phải mua theo định suất vì vậy không có đủ nhiệt sưởi ấm. Người dân Paris sống qua các mùa đông lạnh lẽo bằng cách mua mùn cửa theo tấn, chưa đầy một nửa căn hộ của họ và họ dùng những bếp đun mùn cưa đặc biệt để giữ cho nửa nhà còn lại được ấm áp.
Mọi thứ đề là ersatz(2) từ thuốc lá, cà phê cho tới đồ da. Người Pháp nói đùa rằng ăn uống cũng chẳng thành vấn đề gì, vị giác đối với thứ nào mà chẳng thế. Phụ nữ Pháp, theo truyền thống vốn là những người ăn mặc đỏm dáng nhất thế giới, vậy mà nay phải vận áo làm bằng đa cừu rách sờn thay cho len, họ đi những đôi guốc gỗ cho nên bước chân phụ nữ vang trên đường phố Paris nghe lóc cóc như tiếng vó ngựa nện xuống mặt đường.
Thậm chí đến những lễ rửa tội cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu kẹo hạnh nhân bọc đường là thứ kẹo truyền thống dùng trong lễ rửa tội. Các hiệu bánh kẹo quảng cáo mời khách vào mua nhưng cũng chỉ đăng ký tên cho khách kẹo hạnh nhân mà thôi. Trên đường phố chỉ có đôi ba chiếc taxi chạy, hình thức phổ biến nhất bây giờ là loại xe có hai chỗ ngồi được kéo bằng xe đạp ở đằng trước.
Cũng như trong mọi thời gian có những cuộc khủng hoảng kéo dài, hoạt động nhà hát càng trở nên phát đạt. Người ta tìm cách chạy trốn khỏi thực tại đau buồn nhức nhối của cuộc đời hàng ngày trong các rạp chiếu bóng và nhà hát.
Chẳng mấy chốc Noelle Page đã trở thành một ngôi sao rực rỡ, những người diễn viên đầy đố kỵ trong ngành kịch nghệ cho rằng sở dĩ nàng nhanh chóng được như vậy chẳng qua là nhờ sức mạnh và tài năng của Armand Gautier, song một mặt, quả thực cũng phải kể đến sự nâng dắt của Gautier cho nàng khi mới bước vào nghề, song một mặt khác, một điều hiển nhiên mà bất cứ ai trong ngành sân khấu cũng đều biết chỉ có công chúng mới xác định được diễn viên nào là minh tinh đích thực, mà khán giả thì muôn hình muôn vẻ, quan điểm bất thường, hay thay đổi, khi thẩm định số phận của một diễn viên. Vậy mà công chúng hâm mộ Noelle.
Còn về phần Armand Gautier, ông lấy làm tiếc là đã góp phần đưa Noelle vào sự nghiệp. Bây giờ nàng không còn yêu cầu gì ở ông nữa, mối quan hệ gắn nàng lại với ông chỉ có tính chất tùy hứng. Ông sống trong tình trạng nơm nớp lo sợ đến một ngày nào đó nàng sẽ bỏ rơi ông. Gautier đã từng làm việc ở nhà hát gần suốt cuộc đời, thế nhưng ông chưa từng gặp một người nào như Noelle cả. Nàng như một chiếc bọt biển hút nước không biết dừng, nàng học hết mọi thứ ông dạy cho nàng mà vẫn cứ đòi hỏi nhiều thêm. Thật hết sức lý thú khi ông được theo dõi sự hoá thân của nàng từ lúc ban đầu còn ngỡ nàng chỉ nắm được những biểu hiện bề ngoài của vai kịch cho đến khi nàng nắm chắc nhân vật một cách đầy tự tin. Ngay từ đầu ông Gautier đã nhận ngay ra rằng Noelle sẽ trở thành một ngôi sao (Điều này không còn gì là nghi ngờ nữa). Song ông càng hiểu nàng hơn, ông càng thấy ngạc nhiên rằng mục tiêu của nàng lại không phải trở thành minh tinh. Thực ra Noelle cũng không quan tâm đến kịch nghệ chút nào.
Lúc đầu Gautier thấy không thể tin được chuyện đó. Việc trở thành ngôi sao chính là bậc thang danh vọng cao nhất, là sine qua non(3). Thế mà đối với Noelle kịch nghệ cũng chỉ là một hòn đá để đặt bước mà thôi. Gautier không có một chút cơ sở nào để tìm ra mục tiêu cuối cùng của nàng là gì. Nàng đúng là một câu đố hóc hiểm, và Gautier càng tìm hiểu sâu, ông càng thấy câu đố thêm phức tạp, chẳng khác gì một chiếc hộp của Trung Quốc lại phát hiện ra bên trong còn vô số những chiếc hộp khác. Gautier tự phụ rằng ông nắm rất nhanh tâm lý người, đặc biệt là phụ nữ, thế mà ông hoàn toàn không biết gì về người đàn bà mà ông chung sống và yêu tha thiết, điều đó khiến ông phát điên lên. ông ngỏ ý cưới Noelle thì nàng đáp: "Đồng ý anh Armand ạ". Song ông biết là nàng không chú ý gì trong đó cả, cũng giống như trường hợp nàng hứa hôn với Philippe Sorel trước đây, hoặc Chúa biết có bao nhiêu người đàn ông đã qua trong đời nàng. Ông biết rằng cuộc hôn nhân của ông sẽ không bao giờ xảy ra. Khi Noelle đã đủ lông đủ cánh, nàng sẽ bay vù đi tiếp.
Gautier tin rằng gã đàn ông nào từng gặp nàng cũng cố tìm cách gạ gẫm nàng ngủ với hắn. Qua những người bạn đầy đố kỵ, ông được biết rằng chưa một ai thành công.
Một người bạn ông thuật rằng:
- Anh thật là một thằng khốn nạn đầy may mắn. Anh đáng bị treo lên như un taureau(4)Tôi đã gợi ý tặng nàng một chiếc thuyền buồm, một tòa nhà lâu đài và cả một đội đầy tớ ở Cap d Antibes, thế mà nàng chỉ cười và chế nhạo tôi.
Một người bạn khác là chủ nhà băng có kể cho ông nghe.
- Cuối cùng tôi đã phát hiện ra có một thứ tiền bạc không thể mua được.
- Noelle?
Chủ nhà băng gật đầu.
- Chính thế. Tôi bảo nàng cứ đặt giá đi, thế mà nàng vẫn phớt đều. Vậy anh sẽ tặng cho nàng cái gì, anh bạn?
Chính Armand Gautier cũng không biết đó là cái gì?
Gautier nhớ mãi lần đầu tiên ông tìm cho nàng một vở diễn đọc chưa hết mười trang kịch bản, ông nhận ra ngay đây đúng là vở kịch ông đang định tìm cho nàng. Vở kịch gây ấn tượng mạnh, kể lại người đàn bà có chồng đi chiến trận. Một hôm có một người lính xuất hiện ở nhà chị ta, cho biết y là một chiến hữu của chồng chị, y đã phục vụ mặt trận ở bên Nga. Chuyện kịch mở rộng dần, người đàn bà đâm ra yêu gã lính kia và không biết y là một tên tâm thần, thích chém giết người và tính mạng chị bị đe doạ nghiêm trọng. Đây là một vai diễn lớn cho ai đóng người vợ kia. Gautier nhận làm đạo diễn vở kịch này ngay lập tức với điều kiện là Noelle Page sẽ sắm vai chính. Các ông bầu không muốn đưa một diễn viên vô danh tiểu tốt vào vai chính, song cũng đồng ý để nàng đóng thử cho họ xem.
Gautier vội về báo ngay Noelle biết tin đó Noelle chỉ ngẩng lên nhìn ông nói:
- Tuyệt quá, cảm ơn anh Armand Gautier - Vẫn bằng cái giọng mà nàng thường ngỏ lời cảm ơn ông khi ông cho nàng biết chính xác là mấy giờ hoặc khi ông châm thuốc lá cho nàng.
Gautier ngắm nhìn nàng hồi lâu, ông có một cảm giác kỳ lạ là Noelle không được bình thường, rằng những cảm xúc trong nàng hoặc đã chết dần hoặc không ai làm chủ được nàng. Ông cảm thấy như vậy, tuy nhiên ông cũng không thực tin, bởi vì đứng trước ông là một thiếu nữ kiều diễm, khả ái, sẵn sàng chiều theo mọi tình cảm thất thường của ông và không hề đòi hỏi được đền bù cái gì. Bởi yêu nàng quá nên Gautier đã dẹp mọi hoài nghi sang một bên và họ bắt tay vào tập vở kịch.
Noelle rất xuất sắc trong buổi biểu diễn thử và được nhận vai không còn ai gây khó dễ gì nữa, đúng như Gautier đã đoán. Hai tháng sau vở kịch được công diễn tại Paris, chẳng mấy chốc Noelle trở thành minh tinh vô cùng rực rỡ ở nước Pháp. Các nhà phê bình đã lập trận tuyến để công kích vở kịch và Noelle, bởi họ biết rằng Gautier đã đưa cô nhân tình của mình, một diễn viên còn non nớt vào vai chính. Họ chắc mẩm rằng họ dễ dàng nắm được cơ hội rồi. Thế nhưng chính nàng lại hoàn toàn thu hết hồn vía của họ. Họ phải cất công tìm những mỹ từ mới mẻ thật kêu để miêu tả tài nghệ và sắc đẹp của nàng. Nhà hát bán hết sạch vé.
Tối nào, sau buổi diễn buồng hoá trang của Noelle cũng chật ních khách đến chào mừng. Nàng gặp đủ mọi loại người, từ chủ tiệm giày dép cho đến các binh lính, nhà triệu phú, cô bán hàng. Với ai nàng cũng giữ một thái độ kiên nhẫn, lịch thiệp. Gautier thường quan sát và lấy làm lạ. Nàng thật chẳng khác gì một Công chúa đón tiếp các thần dân vậy, ông nghĩ.
Trong thời gian một năm Noelle nhận được ba lá thư từ Marseille gửi tới. Nàng cứ để nguyên không mở mà xé tan những lá thư đó đi, cuối cùng không thấy thư nào gửi đến nữa.
Đến mùa xuân Noelle đóng vai chính trong một bộ phim do Armand Gautier đạo diễn. Khi phim được đưa ra chiếu, tiếng tăm của nàng càng nổi như cồn. Gautier rất lạ vì Noelle giữ kiên nhẫn trong khi trả lời phỏng vấn và để cho người ta chụp hình. Đa số các ngôi sao thích làm việc này, mà có làm thì chẳng qua cũng chỉ muốn tạo cơ hội tăng thêm số khán giả hoặc vì lý do muốn quảng cáo cho cá nhân họ. Trong trường hợp của Noelle nàng tỏ ra thờ ơ với cả hai động cơ trên. Nàng lảng tránh câu chuyện khi Gautier gặng hỏi nàng về việc tại sao nàng lại sẵn sàng bỏ qua một cơ hội đi nghỉ ở vùng miền nam nước Pháp, ở lại Paris trong những ngày lạnh lẽo mưa gió để cho các báo Le Matin, La Petite Parisienne hoặc tờ L Illustration săn chụp những tư thế hết sức chán ngán. Động cơ của việc làm Noelle hết sức giản đơn, mà nếu Gautier biết chắc ông sẽ vô cùng sửng sốt.
Tất cả những việc nàng làm đều vì Larry Douglas.
Khi Noelle làm điệu bộ trước ống kính để chụp ảnh, nàng tưởng tượng ra người tình cũ cầm lên một tạp chí và nhận ra hình của nàng. Mỗi khi nàng đóng một trong cảnh phim, nàng lại như thấy Larry Douglas một đêm nào đó sẽ ngồi trong một phòng khán giả ở một nước nào đó rất xa xôi và ngắm nàng. Công trình của nàng là nhắc lại cho chàng nhớ, là một thông điệp từ quá khứ, một tín hiệu để đến một ngày nào đó sẽ mang chàng trở về với Noelle. Nàng chỉ muốn đạt được điều đó thôi, chàng sẽ quay lại với nàng để rồi nàng sẽ tiêu diệt chàng.
Nhờ có Christian Barbet, Noelle ngày một thu thập được nhiều tin tức về Larry. Ông thám tử bé nhỏ đã chuyển những văn phòng tồi tàn, sang một nơi rộng rãi, sang trọng ở phố Richer, gần Folies - Bergère. Lần đầu tiên Noelle gặp ông trong dãy văn phòng mới, Barbet toét miệng cười khi thấy nàng ngạc nhiên lộ rõ trên nét mặt:
- Tôi mua được chỗ này rất rẻ. Trước đây dãy phòng này là của một gã Do Thái.
- Ông nói ông đã kiếm được thêm tin tức cho tôi - Noelle hỏi thẳng thừng.
Vẻ vui mừng vụt biến mất trên nét mặt Barbet.
- À, phải rồi.
Quả là ông ta có tin mới. Việc tìm kiếm tin tức từ nước Anh là một việc làm không dễ dàng gì ngay trước mũi bọn Nazi, song Barbet đã tìm được trăm phương ngàn kế. Ông đã mua chuộc được những thủy thủ trên các con tàu của những nước trung lập lén chuyển các thư từ của một công ty thu thập tin tức ở London. Song đó cũng chỉ là một nguồn tin của ông. Ông còn kêu gọi lòng yêu nước của các tổ chức hoạt động ngầm người Pháp, kêu gọi lòng nhân đạo của Hội chữ thập Đỏ quốc tế và sự hám lợi của bọn buôn bán chợ đen có quan hệ với nước ngoài. Đối với từng loại người khác nhau ông kể ra một chuyện khác và dòng thông tin về Larry liên tiếp chảy về.
Ông cầm ở bàn lên một bản tường trình:
- Người bạn của cô đã bị bắn rơi trên biển Manche - Ông nói không một lời mào đầu.
Ông vẫn ngầm quan sát nét mặt của Noelle, trông chờ cái phút giây và thái độ hững hờ của nàng phải tan biến và ông sẽ khoái trá trước nổi đau khổ ỏng đã gây ra cho nàng. Song vẻ mặt của Noelle không mảy may thay đổi.
Nàng nhìn thẳng vào ông và nói đầy tự tin:
- Người ta đã cứu thoát hắn?
Barbet chăm chú nhìn lại, nuốt nước bọt và miễn cưỡng đáp:
- Đúng thế. Anh ta đã được một tàu cứu sinh của Anh vớt lên - Rồi ông lại thắc mắc không hiểu là thế quái nào mà cô ả lại biết được điều đó.
Người đàn bà này đã làm ông nản lòng về mọi phương diện, dù là khách hàng của ông chăng nữa ông cũng căm ghét. Ông đã định bỏ rơi cô ả, song Barbet lại nhận thấy nếu ông làm như vậy thì ông thật ngu xuẩn.
Đã có lần ông định gạ gẫm nàng bằng cách gợi ý là ông sẽ giảm bớt tiền thù lao dịch vụ cho nàng song Noelle đã cự tuyệt thẳng thừng khiến cho ông cảm thấy mình trở thành vụng về và ông sẽ không bao giờ tha thứ cho nàng về chuyện này. Barbet đã rủa thầm rằng cô ả khó chơi này sẽ có ngày phải trả giá.
Lúc này Noelle đang đứng trong văn phòng của ông, khuôn mặt đẹp của nàng lộ ra vẻ ghê tởm, Barbet đọc tiếp bản báo cáo với ý đồ mau tống khứ nàng đi.
- Phi đoàn của y đã chuyển về Kirton ở Lincolnshire. Họ đang bay loại phi cơ Hurricane…
Noelle quan tâm đến một chuyện khác kia, nàng hỏi:
- Việc anh ta đính hôn với con gái của viên Đô đốc đã hoãn rồi phải không?
Barbet ngạc nhiên nhìn nàng, ấp úng.
- Phải. Cô ta đã phát hiện ra hắn còn dan díu với nhiều phụ nữ khác.
Hình như Noelle đã đọc bản tường trình kia. Tất nhiên, nàng chưa đọc song điều đó cũng không thành vấn đề. Mối uất hận đã gắn Noelle với Larry Douglas mãnh liệt đến mức dường như không một sự việc quan trọng nào xảy ra với chàng mà nàng không hay biết.
Noelle cầm lấy bản báo cáo rồi ra về. Về đến nhà, nàng đọc lại chậm rãi, sau đó cẩn thận xếp vào trong đám những bản báo cáo khác và cất kỹ một nơi không ai tìm ra được.
Một buổi tối thứ Sáu, sau buổi diễn, Noelle đang ngồi trong phòng hoá trang nhà hát để tẩy trang, có một tiếng gõ cửa. Bác già Marius gác cửa sân khấu tập tễnh bước vào.
- Xin lỗi tiểu thư Page, có một ông yêu cầu tôi mang đến cho cô cái này.
Noelle liếc nhìn vào gương, thấy bác ta đang ôm một bó hoa hồng đỏ rực đặt trong một chiếc lọ rất đẹp.
- Cứ đặt ở đó, bác Marius ạ - Nàng bảo bác ta, rồi nhìn bác thận trọng đặt lọ hồng trên bàn.
Lúc này vào cuối tháng mười một, đã hơn ba tháng nay chẳng ai còn thấy một bông hồng nào ở Paris cả. Bó hoa này phải có đến bốn chục bông, cuống rất dài, màu đỏ thắm, ướt đẫm sương. Noelle thấy lạ, tiến lại gần, cầm tấm thiếp lên đọc. "Thân tặng Fraulein(5) Page khả ái. Mời tiểu thư đến dự bữa ăn đêm với tôi. Tướng Hans Scheider".
Chiếc lọ cắm hoa kia là loại sứ Hà Lan, hoa văn tinh xảo và rất đắt tiền. Tướng Scheider đã tốn nhiều công sức mới sưu tầm được.
- Ông ta muốn cô cho biết ý kiến - Bác gác của hỏi.
- Bác bảo cho ông ta biết rằng tôi không bao giờ ăn bữa đêm và ông ấy mang đám hoa này về mà tặng vợ ông ta.
Bác gác cửa trợn tròn mắt nhìn nàng:
- Nhưng tướng…
- Có vậy thôi nhé!
Marius gật đầu, cầm lọ hoa lên và bước vội ra khỏi phòng. Noelle biết thế nào bác ta cũng sẽ lao đi khắp đó đây tung cái tin nàng đã khinh miệt một ông tướng Đức cho mọi người biết. Trước đây sự việc tương tự như vậy cũng đã từng xảy ra với nhiều sĩ quan Đức khác. Người Pháp coi nàng cũng là một dạng nữ anh hùng có kém gì đâu. Kể cũng nực cười. Thực ra Noelle không có gì để chống lại những người Nazi, chỉ có điều là nàng thờ ơ đối với họ, thế thôi. Họ không tham gia vào phần cuộc đời cũng như những kế hoạch của nàng. Nàng dung thứ cho họ và chỉ ngong ngóng đến ngày nào đó họ sẽ rút hết về nước. Nàng hiểu rằng nếu nàng dính líu với bất kỳ người Đức nào nàng chỉ chuốc vạ vào thân. Có lẽ bây giờ thì chưa, không phải con người Noelle hiện tại dính líu vào mà chính là trong tương lai kia. Nàng cho rằng cái quan điểm Đệ tam Reich sẽ thống trị lâu dài đến hàng ngàn năm là cái thứ merde(6)
Bất kỳ một học sinh học lịch sử đều biết rõ là cuối cùng những kẻ đi chinh phục sẽ bị chinh phục. Trong lúc nàng sẽ không có một hành động nào khả dĩ để cho các đồng bào Pháp của nàng sẽ đập lại nàng một khi cuối cùng quân Đức đã bị quân đội Nazi chiếm đóng đụng tới và mỗi khi vấn đề ách chiếm đóng đặt ra mà thường xuyên là như vậy - Noelle tìm mọi cách lảng tránh việc thảo luận chuyện đó.
Armand Gautier rất thích thú với thái độ của nàng, ông cố tìm cách lôi kéo nàng vào vấn đề.
- Thế em không quan tâm đến việc những người Quốc xã đã chinh phục nước Pháp? - Ông thường hỏi.
- Thế em không quan tâm thì đã sao nào?
- Vấn đề không phải như vậy. Nếu ai cũng có cảm giác như em thì chúng ta là một lũ khốn nạn.
- Dù sao chúng ta cũng là lũ khốn nạn.
- Không đâu, nếu như chúng ta tin ở ý chí tự do. Em có cho rằng cuộc đời chúng ta đã phải tuân theo số mệnh ngay từ lúc chúng ta chào đời không?
- Chừng mực nào đó thôi. Chúng ta được trao cho một thân xác, một nơi sinh, một bến đỗ trong cuộc đời, song như thế không có nghĩa là chúng ta không thể đổi thay.
- Chúng ta có thể trở thành bất kỳ loại người nào như chúng ta muốn.
- Quan điểm của anh đúng là như vậy. Chính vì thế chúng ta phải chống lại bọn Quốc xã.
Nàng nhìn thẳng vào ông.



***Xem trang:
[1][2][3][4][5][6][7][8][9][10][11][12][13][14][15][16][17][18][19][20]
[21][22][23][24][25][26][27][28][29][30][31][32][33][34][35][36][37][38][39][40][41][42][43][44]

TOP WAP WORLDWIDE


mobiV trang ch

© GIAITRI102.TK
Thanks to XTGEM

XtGem Forum catalog