Lamborghini Huracán LP 610-4 t
Không bấm vùng phía trên kẻo mất tiền nhé!

Chiếc máy bay chở chúng tôi tới đảo, là phi cơ riêng của một nhóm người có thế lực, nhưng không ai biết hòn đảo mà chúng tôi sắp đáp xuống là tài sản của người nào. Đảo hẹp, có nhiều cây cối, dài khoảng ba kilomét, ở giữa trũng xuống, mỗi đầu có một hòn núi nhọn nhô lên. Chúng tôi thấy ở một đầu có một ngôi nhà theo kiểu Anh mới, và ở đầu kia là một cái cầu tàu nhỏ màu trắng. Về sau tôi biết được ngôi nhà ấy là do một nhà triệu phú ở Boston cho xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ, và người ta gọi là nhà nghỉ hè, vì mùa đông không ai đến ở đó cả. Chúng tôi cảm thấy các cánh máy bay rung động, và chúng tôi hít gió biển qua các cửa sổ tròn bằng kính ở thân máy bay. Ánh mặt trời lấp lánh trên làn sóng biển nhấp nhô như những bó đuốc trong một cuộc rước đuốc, và các con chim cốc đang đương đầu với gió. Phi cơ bay dọc theo bờ biển bang Maine được năm mươi tám phút, thì đột ngột các cây cối trên đảo như mọc cao lên, bầu trời biến mất, và phi cơ đáp xuống trên một bãi cỏ. Randy và êkíp của ông ta đợi chúng tôi bên một chiếc xe jeep.
- Kính chào quý vị. Tôi là chủ nhà được hân hạnh tiếp đãi quý vị trong suốt thời gian quý vị tham quan hòn đảo bé nhỏ của chúng tôi.
Randy bắt tay Barley trước hết. Chắc ông ta đã được cho xem các tấm ảnh của Barley.
- Ông Brown, thật là một vinh hạnh lớn cho tôi. Chào Ned, chào Harry.
Brown là tên của Barley trong suốt thời gian ông ta ở đây.
- Hân hạnh! - Barley đáp.
Chiếc xe jeep của chúng tôi chạy xuống theo sườn đồi.
Xe chạy vào một con đường dẫn đến ngôi nhà nghỉ hè.
- Ông Brown, tôi nhận được lệnh đưa ông vào phòng tân hôn, - Randy nói đùa.
- Cám ơn ông, không có điều gì làm cho tôi thích thú hơn. - Barley đáp một cách lịch sự.
Randy đưa chúng tôi đi ngang qua một tiền sảnh để vào một phòng giống như một cabin của thuyền trưởng: một cái giường gọng đồng ở một góc, một cái bàn viết bằng gỗ tùng bên cửa sổ, và trên tường treo những đồ vật giống như những thứ mà người ta thường dùng trên tàu thủy. Phía sau căn phòng ấy là một phòng nhỏ dùng làm bếp, ở đó Barley để ý ngay đến cái tủ lạnh. Ông ta mở tủ lạnh ra và nhìn vào bên trong.
- Randy, ông Brock muốn có một chai rượu uýt-ki trong phòng của ông ấy. Nếu ông có thứ rượu đó trong kho, thì ông ta sẽ vô cùng tán thưởng đấy!
Ngôi nhà nghỉ hè giống như một nhà bảo tàng các cổ vật. Nơi mái hiên có những cái vồ bằng gỗ để trẻ con chơi trò đánh cầu. Những cái vồ ấy được đặt dựa vào một cái xe kéo có trần đầy bụi bặm, trên xe chất những cái phao tiêu màu đỏ lượm được trên bãi biển. Trong không khí phảng phất mùi sáp ong. Trong tiền sảnh, trên tường có treo những bức chân dung của các nhà quý phái và vợ của họ đội những chiếc mũ rộng vành, bên cạnh là những bức tranh vẽ những chiếc tàu đánh cá voi. Chúng tôi theo Randy đi lên cái cầu thang đồ sộ bằng gỗ đánh xi láng bóng. Chúng tôi đi theo một hành lang hai bên có những gian phòng màu xanh, phòng lớn hơn hết được dành cho Clive. Từ các bao lơn, người ta có thể ngắm nhìn các khu vườn đến tận cầu tàu.
Trong một phòng ăn, một cô đầu bếp xinh đẹp của Langley dọn cho chúng tôi món tôm hùm biển Maine, rưới rượu vang trắng, nhưng cô ta không nhìn chúng tôi. Trong lúc ăn, Randy giải thích cho chúng tôi biết thể lệ áp dụng ở đây:
“Chúng tôi yêu cầu quý vị đừng tiếp xúc với các nhân viên ở đây. Nếu quý vị có cần một điều gì, xin vui lòng đến gặp tôi. Các nhân viên bảo vệ luôn luôn có mặt để bảo đảm an ninh cho quý vị. Tôi xin quý vị đừng đi ra ngoài khu nhà này. Xin cám ơn quý vị trước”.
Ăn tối xong, Randy đưa Ned đến phòng liên lạc vô tuyến, còn tôi đưa Barley về phòng của ông ta. Các người bảo vệ mang máy bộ đàm nhìn chúng tôi đi qua.
- Hay là chúng ta chơi một ván cờ? - Tôi đề nghị với Barley khi đến ngưỡng cửa phòng của ông ta. Nhưng tôi cảm thấy một cái bóp tay thân mật ở cánh tay tôi, tiếp theo là lời “Chúc ngủ ngon” của ông ta.
Cánh cửa mở ra, rồi đóng lại, và tôi đủ thì giờ để nhìn thấy có bóng dáng như ma của người lính canh núp trong bóng tối, chỉ cách chúng tôi chưa đầy hai mét.
*
- Harry, ông là một luật gia thận trọng và là một sĩ quan giỏi, - Russel Sheriton nói với tôi một cách kính cẩn sáng hôm sau. - Đúng là một ông lớn, - ông ta nói thêm và siết tay tôi một cách nhiệt tình - Công việc tiến triển như thế nào rồi?
Một nhóm phụ tá trẻ tuổi cung kính đứng riêng ra một nơi. Clive và Bob đi theo Sheriton như hai người cận vệ.
Cuộc hỏi cung mà về sau người ta gọi là cuộc họp cho được đẹp đẽ theo lối uyển ngữ sắp bắt đầu.
Có một điều lạ lùng hơn hết là Barley, tuy là người bị chất vấn, nhưng không bao giờ ác cảm với người Mỹ ở đây, không bao giờ bất bình với họ về tất cả những gì đã xảy đến với ông ta kể từ ngày hôm ấy. Nói chung, ông ta chửi người Mỹ thậm tệ, nhưng khi đã quen biết từng người một, ông ta nói họ là những người rất trung hậu. Ông ta vui lòng uống rượu với bất cứ người nào trong bọn họ. Và ông ta thừa nhận tính xác thực của các bằng chứng mà họ đưa ra để biện bác với ông ta, cũng như ông ta đánh giá đúng công việc họ làm.
*
Các cuộc hỏi cung diễn ra trong phòng bida. Nhưng người ta đã sơn lại sàn nhà bằng màu đỏ thẫm, và đã thay thế cái bàn bida bằng một dãy ghế xếp thành một vòng tròn. Ánh sáng từ ngọn đèn treo sát trần nhà chiếu xuống tạo thành một quầng sáng ở chính giữa phòng, nơi mà Barley ngồi. Ned đã đến tìm Barley tại phòng ngủ của ông ta để đưa ông ta đến đây.
- Ông Brown, tôi rất hân hạnh được bắt tay ông. Tôi vừa quyết định rằng tên của tôi là Haggarty trong suốt thời gian ông ở đây, - Sheriton tuyên bố. - Ngay từ lúc mới thấy ông, tôi đã cảm nhận được trong các mạch máu của ông dòng máu Xcôtlen của tôi. Tôi không hiểu vì sao.
Ông ta dẫn Barley đi vào trong phòng.
- Ông Brown, trước hết tôi xin có lời ngợi khen ông. Ông có tất cả những phẩm chất tốt: trí nhớ, năng khiếu quan sát, sự can đảm và ông còn biết chơi cả saxophone.
Barley mỉm cười ngồi vào chỗ danh dự.
Ned đã ngồi vào chỗ của mình, vòng tay lại, trong lúc Clive kéo ghế của ông ta thụt lùi một chút, như muốn ở vào hàng ghế thứ hai dành cho các phụ tá của Sheriton.
Sheriton đứng trước mặt Barley, nói mà không rời con mắt khỏi ông này, ngay cả khi ông ta nói với một người nào khác.
- Clive, ông cho phép tôi quấy nhiễu ông Brown với những câu hỏi tò mò tọc mạch của tôi chứ? Ned, ông có muốn giải thích cho ông Brown rằng ông ta bây giờ đang ở Hoa Kỳ, và ông ta không bị bắt buộc phải trả lời nếu ông ta không muốn, nhưng sự im lặng của ông ta sẽ được coi là một bằng chứng quả tang ông có tội?
- Ông Brown đã khá hơn để tự xoay xở một mình, - Barley mỉm cười nói.
- Ông Brown, có thật sự chắc chắn không? Thật phi thường! Bởi vì, trong những ngày sắp tới, đó chính là những gì chúng tôi mong muốn chứng kiến ông thực hiện.
Sheriton đi đến cái bàn để thức ăn và tự rót cho mình một ly cà phê rồi cầm về chỗ cũ trước khi nói tiếp với một giọng điềm tĩnh hơn, giọng của lý trí.
- Ông Brown, giả sử chúng ta mua một bức tranh của Picasso, đồng ý? Tất cả các người trong phòng này đều muốn mua bức tranh ấy. Nhưng đây có phải đích thực là một tác phẩm của Picasso hay là của một anh chàng J.P Duchmol Junior nào đó, ở South Bend, bang Indiana, hay ở Omsk bên Liên Xô đã làm giả mạo? Ông đừng quên một điều: chúng ta không thể đem bán lại nó. Chúng ta không phải ở Luân Đôn mà ở Washington. Và ở Washington các tin tức tình báo phải có ích, nghĩa là chúng phải được đem ra sử dụng, chứ không phải để nhìn ngắm.
Ông ta hạ thấp giọng, nói tiếp:
- Ông Brown, và bây giờ ông là người bán tranh. Dù muốn hay không, ông là mối dây liên lạc gần gũi hơn hết của chúng tôi với nguồn gốc cung cấp tin tức, cho đến ngày người ta có thể thuyết phục được người mà ông gọi là Goethe thay đổi lề lối làm việc và liên lạc trực tiếp với chúng tôi... điều mà theo tôi ít có cơ may xảy ra, rất, rất ít có cơ may xảy ra.
Sheriton đi quanh một vòng rồi nói tiếp:
- Ông Brown, ông là rường cột trong công việc này. Ông viết kịch bản, ông đạo diễn, ông đóng vai chính, ông sản xuất phim? Hay ông chỉ là một vai phụ?
Sheriton thở dài rồi nói tiếp:
- Ông Brown, lúc này ông có một người tình cố định, hay ông hôn bất cứ ai ông tìm được?
Ned chưa kịp đứng lên thì Barley đã trả lời:
- Còn ông thì sao, ông lớn? Haggarty phu nhân làm tròn bổn phận của bà ta hay ông lớn phải lang thang tìm bồ bịch?
- Ông Brown, người ta mua bức tranh Picasso của ông, chứ không phải mua bức của tôi. Washington không thấy nhân viên tình báo la cà các quán rượu dành cho những anh chàng độc thân.
- Tôi không thấy đời tư của ông Brown có liên hệ gì đến công việc này hết! - Ned cắt ngang.
- Coi kìa, Ned! Ông đừng giả vờ ngây thơ như thế, - Sheriton phản đối. - Này ông Brown, điều gì thúc đẩy ông đi qua nước Nga như đi chợ thế? Ông mua đất ở bên đó à?
Barley vẫn mỉm cười. Sheriton dụng ý bắt đầu làm cho Barley bực tức.
Barley đáp:
- Nói cho đúng, đó là một điều mà tôi đã thừa hưởng của bố tôi. Lúc bố tôi còn sống, ông luôn luôn yêu chuộng Liên Xô hơn nước Mỹ, và ông đã hy sinh rất nhiều để xuất bản các tác phẩm văn học của Liên Xô. Ông thuộc thành phần Fabian Society, hơi giống như New-dealers của các ông. Nếu là ở bên nước của các ông, chắc chắn người ta đã nhanh chóng ghi tên ông vào danh sách đen rồi.
- Tôi có đọc hồ sơ của bố ông. Thật là kinh khủng! Ông Brown, hãy cho chúng tôi biết đôi chút về ông cụ. Ông cụ đã để lại cho ông những gì?
- Nhưng điều ấy nào có liên quan gì đến vấn đề này! - Ned kêu lên.
Nhưng Barley đã nói tiếp, với một giọng điềm tĩnh hơn trước:
- Trong những năm của thập niên ba mươi, chắc ông cũng đã biết, bố tôi có sáng lập một Câu lạc bộ đọc sách Liên Xô, nhưng Câu lạc bộ ấy đã không tồn tại được bao lâu. Và trong thời kỳ chiến tranh, khi nào ông cụ tìm được giấy, ông cụ in những tài liệu tuyên truyền ủng hộ Liên Xô, tán dương Staline.
- Và sau chiến tranh ông cụ làm gì? Có phải cuối tuần nào ông cụ cũng sang bên ấy để giúp họ xây bức tường Berlin không?
- Bố tôi có những ước mơ, nhưng rồi ông cụ đã thất vọng.
Sheriton thở dài, rồi nói:
- Ông Brown, còn đây là hồ sơ của ông: bố ông là một phần tử thân Cộng, nhưng về sau đã thất vọng. Trong tám năm tiếp theo cái chết của bố ông, ông đã sáu lần sang Liên Xô và ở đó một thời gian. Ông đã bán được cho người Nga bốn quyển sách của ông, đúng là bốn quyển. Và ông đã xuất bản được ba quyển sách của họ, đúng là ba quyển. Ông đã gần phá sản, nhưng người ta đã ước tính chi phí của ông trong các chuyến đi là mười hai ngàn đồng bảng Anh, và các chuyến về chỉ một ngàn chín trăm bảng mà thôi. Ông ly dị vợ, không có những sự ràng buộc, và ông học một trường tư. Ông uống rượu như uống nước, và có bạn bè trong giới nhạc jazz. Nhìn từ Washington, ông là một kẻ vớ vẩn hiền lành. Nhìn gần, ông là một con người hấp dẫn, nhưng làm sao tôi có thể biện minh với Ủy ban Lưỡng viện Quốc hội sắp tới mà các ủy viên nhất quyết cho rằng các tài liệu của Goethe làm cho pháo đài Mỹ lâm nguy?
- Vì sao lại lâm nguy? - Barley hỏi.
- Xin lỗi, ông nói gì?
- Vì sao các tài liệu của Goethe làm cho họ sợ? Nếu người Nga không có một trục bắn tốt, thì pháo đài Mỹ phải mừng rỡ mới phải chứ?
- Ôi, người ta mừng rỡ chứ sao! Ông Brown, hãy suy nghĩ đi! Người ta đắm mình trong hoan lạc. Mặc kệ Tư lệnh tối cao Quân lực Mỹ tin chắc như đinh đóng cột rằng vũ khí nặng của Liên Xô có một độ chính xác đáng sợ. Mặc kệ tất cả vấn đề của chúng ta là phải biết sự tác xạ của họ chính xác đến mức nào; khi người ta có sự chính xác, người ta có thể phá hủy các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của địch. Mặc kệ ưu thế quân sự của Liên Xô, đến nay vẫn còn là lý do chính để người ta nghiên cứu chiến tranh giữa các vì sao.
Đột ngột, Sheriton thay đổi giọng nói và nói giọng đặc sệt của một nông dân miền Nam:
- Ông Brown, hay là đã đến lúc chúng ta tiêu diệt quân khốn nạn ấy trước khí chúng tiêu diệt chúng ta. Ông Brown, hành tinh này không đủ lớn để cho hai siêu cường cùng sống chung. Thế thì, ông sẽ đứng về phe nào, ông Brown, khi tất cả sắp nổ rền?
Sheriton ngừng lại một lát rồi mới nói tiếp:
- Điều tệ hại hơn hết, đó là việc tôi tin Goethe. Tôi tin ông ta ngay từ ngày ông xuất đầu lộ diện. Tôi tin rằng giờ vinh quang của Goethe đã điểm. Và ông có biết điều đó có ý nghĩa rằng tôi cũng phải tin ông Brown có mặt ở đây và rằng ông Brown phải tỏ ra hoàn toàn trung thực đối với tôi, nêu không tôi chết mất.
Sheriton trịnh trọng đặt bàn tay phải lên trên trái tim mình và tuyên bố:
- Tôi tin ông Brown, tôi tin Goethe, tôi tin các tài liệu của ông ta. Và chết vì khiếp đảm.
Có những người thay đổi ý kiến, tôi nghĩ thầm. Có những người khác thay đổi tôn giáo. Nhưng chỉ có Russel Sheriton dám tuyên bố rằng ông ta đã thấy Chân lý làm cho ông ta đột ngột đổi ý, đổi quan niệm một cách hoàn toàn. Ned nhìn ông ta với vẻ hoài nghi, và Clive thích ngắm cái túi đựng các cây gậy chơi bida còn để tựa vào chân tường. Sheriton ngắm ly cà phê của ông ta và bĩu môi. Một phụ tá của ông ta nhìn đăm đăm mũi giày da của mình, còn một phụ tá khác nhìn ngắm đại dương qua cửa sổ.
Nhưng rõ ràng không ai dám nhìn Barley, ngồi không nhúc nhích trên ghế của ông ta, vẻ ngay thật.
Tôi nói với Barley:
- Đây là những gì Haggarty muốn biết. Ông có chấp nhận để cho người Mỹ hỏi cung ông theo lối trắc nghiệm không? Ông có quyền từ chối. Phải không, Clive?
Tất cả mọi người đều quay mặt về phía Barley, như hoa hướng dương quay về phía mặt trời.
Barley im lặng một hồi, vẻ buồn bực, rồi nhún vai. Ông ta nghĩ gì trong đầu óc của ông ta. Một tiếng “không” của ông ta sẽ ngăn cách vĩnh viễn ông ta với Goethe, với Katia? Ông ta mỉm cười để che giấu sự bối rối của mình.
Cuối cùng Barley chấp nhận.
*
Phái đoàn đầu tiên vừa mới tới đảo bằng máy bay. Ngồi trong phòng bida sàn nhà sơn màu đỏ, chúng tôi đợi Barley đến. Quinn, tốt nghiệp trường West Point (1) chủ tọa, hai bên có hai phụ tá là Todd và Larry. Họ còn rất trẻ.
Sheriton đã có nói với chúng tôi: Quinn bay trong thiên cầu. Ông ta nói chuyện với các người có trách nhiệm ở Bộ Quốc Phòng, ông ta nói chuyện với các nhà lãnh đạo, ông ta nói chuyện với Chúa trời.
Quinn cao một mét chín mươi lăm, to con, vai rộng và tai lớn. Ông ta mặc một bộ comlê giống như áo giáp, nhưng không đeo huy chương, cũng không mang lon.
Ned và Barley đi vào. Sau khi Sheriton giới thiệu mọi người xong, Larry bắt đầu cuộc hỏi cung:
- Ông Brown, chúng tôi bị bắt buộc phải ngồi vào chỗ những người công kích ông một cách dữ dội. Trong nghề nghiệp của chúng tôi, có những tin tức xác thực và những tin tức không xác thực. Chúng tôi mong muốn làm cho các tin tức của ông trở thành xác thực. Đó là công việc của chúng tôi, người ta trả lương cho chúng tôi là để chúng tôi làm công việc ấy, vì thế xin ông đừng coi việc này như là một sự công kích cá nhân ông. Phép phân tích là một khoa học mà chúng tôi phải tuân theo các phương pháp của nó.
- Vì thế, chúng tôi sắp coi việc này như là sự xếp đặt một cách thầm kín, - Todd nói.
- Ông Brown, ai đã có ý kiến đi đến Peredelkino ngày hôm ấy? Mùa thu, hai năm trước đây? - Larry hỏi.
- Tôi.
- Ông có chắc như thế không?
- Lúc chúng tôi quyết định đi Peredelkino, tất cả chúng tôi đều say rượu. Nhưng gần như chắc chắn là chính tôi đã đưa ra ý kiến đầu tiên.
- Ông uống rượu nhiều lắm, phải không ông Brown?
- Vâng, tôi uống không ít.
- Rượu có làm cho ông mất trí nhớ không?
- Thỉnh thoảng có.
- Nhưng không luôn luôn. Ông đã lặp lại từng chữ cuộc nói chuyện dài dòng của ông với Goethe vào cái đêm mà hai ông đều say mèm. Trước đó ông đã có đến Peredelkino?
- Có.
- Có thường đi không?
- Hai hay ba lần. Có thể bốn lần.
- Ông đã gặp bạn bè trong cái xó xỉnh ấy?
- Trong cái làng ấy, tôi có gặp lại bạn bè của tôi, - Barley trả lời với vẻ khó chịu vì ngôn từ của anh chàng người Mỹ này.
- Bạn bè người Nga?
- Lẽ dĩ nhiên.
Larry ngừng lại một lát rồi mới hỏi tiếp:
- Ông có muốn cho chúng tôi biết tên những người bạn ấy được không?
- Một nhà văn, một nhà thơ nữ, một viên chức làm việc trong một nhà xuất bản.
- Ngày các ông đi du ngoạn Peredelkino, chúng ta hãy gọi là ngày N, ông có ý nghĩ đến thăm bạn bè cũ của ông không? Để xem ai vẫn luôn luôn còn ở đó? Để chào hỏi nhau một tiếng?
Barley hình như không còn nhớ lúc bấy giờ ông có ý nghĩ ấy hay không. Ông nhún vai, trả lời:
- Lúc đó tôi không muốn bắt buộc họ phải tiếp Jumbo. Vả lại, chúng tôi quá đông. Không, thú thật, tôi không có ý nghĩ ấy.
- Chắc chắn là như thế rồi, - Larry nói.
Ba lý do. Tôi buồn rầu nghĩ thầm. Ba trong khi một lý do thôi cũng đủ. Tôi thấy Todd ghé miệng vào tai Quinn nói thầm điều gì đó.
- Ông Brown, có phải ông đã đề xuất việc đi thăm mộ Pasternak không?
- Phải, chính tôi. Tôi tin là các người khác không hề biết ở đó có một của Pasternak.
- Và đi thăm ngôi nhà của Pasternak nữa?
- Đúng.
- Nhưng cuối cùng ông đã không đi thăm ngôi nhà ấy?
- Lúc đó trời mưa.
- Ông có một chiếc xe hơi và một người tài xế?
Larry ngừng lại một lát trước khi tiếp tục với một giọng hờn dỗi.
Ông Brown, như thế ông là người đã tổ chức cuộc du ngoạn ngày N. Ông đã cầm đầu đoàn du ngoạn và dẫn họ lên trên đồi để thăm mộ của Pasternak. Và khi ở trên đồi đi xuống, ông Nejdanow đã nói với ông chứ không nói với ai khác. Ông ta đã hỏi ông có phải các ông là người Mỹ không, và ông đã trả lời: “Không, nhờ ơn Chúa, chúng tôi là người Anh”. Ông Brown, và cũng chính ông, hoàn toàn ngẫu nhiên, đã có thể ngâm thơ của Pasternak. Ông đã chia tay một cách rất tài tình với đoàn du ngoạn do ông cầm đầu, để rồi sau đó chỉ một mình ông ngồi ăn bữa trưa bên cạnh người mà chúng ta gọi là Goethe. Ông Brown, chúng tôi có một bản báo cáo từ Luân Đôn liên quan đến Magda làm việc tại nhà xuất bản Penguin. Madga có cảm tưởng rằng ông muốn nói chuyện một mình với Nejdanov. Ông có thể giải thích cho chúng tôi biết thêm về sự việc ấy không?
- Quả thật, có thể tôi đã muốn chia tay với họ. Sau một tuần tham dự hội chợ triển lãm, bất cứ người bình thường nào cũng không còn muốn tiếp đãi các nhà xuất bản nữa.
- À, ra thế, - Larry nói trước khi giao Barley cho Todd hỏi cung tiếp.
- Ông Brown, xin ông vui lòng cho chúng tôi biết những sự giao tiếp giữa ông và Niki Landau.
- Tôi không có tiếp xúc với ông ta. Người ta đã cấm chúng tôi không được gặp lại nhau cho đến Ngày phán xét cuối cùng. Tôi đã phải ký một giấy cam kết không còn được nói chuyện với ông ấy. Ông hãy hỏi Harry.
- Nhưng trước khi ký giấy cam kết ấy?
- Chúng tôi đã nốc với nhau vài gô-đê.
- Xin lỗi?
- Chúng tôi đã uống rượu uýt-ki với nhau. Ông ta là một anh chàng dễ thương.
- Nhưng ông ta chắc chắn không phải là cùng đẳng cấp với ông. Ông ta đã không được học ở Harrow hay ở Cambridge.
- Thử hỏi, điều đó có thay đổi gì không?
- Ông Brown, có phải ông làm như thế để gián tiếp công kích cấu trúc xã hội của nước Anh không?
- Theo tôi, đó là một trong những tai họa lớn hơn hết của thế giới hiện đại.
- “Một anh chàng dễ thương”, như thế có nghĩa là ông mến ông ta lắm, phải không?
- Ôi, ông ta là một người hay quấy rầy như quỷ sứ, nhưng tôi đã mến ông ta và bây giờ vẫn còn mến.
- Ông đã có những áp-phe làm chung với ông ta?
- Ông ta làm cho các nhà xuất bản khác. Chúng tôi không thể có những áp-phe làm chung với nhau.
- Ông không bao giờ mua gì của ông ta?
- Không, vì sao?
- Xin ông vui lòng cho tôi biết về các cuộc giao tiếp mà ông đã có với Niki Landau khi cả hai người có mặt ở đâu đó, thường là tại các thủ đô của các nước xã hội chủ nghĩa.
- Ông ta khoe khoang với tôi về các bà các cô mà ông ta đã cám dỗ được.
- Có bao giờ ông ta nói với ông về bà chị của ông ta không? Cái bà chị còn ở bên Ba Lan ấy.
- Không.
- Ông ta có tâm sự với ông về việc ông ta hận thù các nhà chức trách Anh quốc, vì họ đã trục xuất bố ông ta về Ba Lan không?
- Không.
- Lần cuối cùng ông gặp riêng Niki Landau xảy ra khi nào?
Tới đây Barley đã để lộ vẻ bực bội.
- Nghe ông nói, như thể ông cho chúng tôi là một cặp đồng tính luyến ái! - Barley bắt bẻ.
- Ông Brown, tôi đã hỏi ông gặp Niki Landau lần cuối cùng vào lúc nào? Ông hãy vui lòng trả lời câu hỏi của tôi, - Todd nói với giọng của người mà sự kiên nhẫn có những giới hạn.
- Tôi nhớ hình như là ở Francfort. Năm ngoái.
- Chắc ông muốn nói là nhân dịp cuộc hội chợ triển lãm sách ở Francfort.
- Không ai đến Francfort để du hí cả, ông bạn ạ.
- Sau lần ấy ông đã không gặp lại Landau chứ?
- Theo tôi nhớ thì không.
- Ngay cả ở Luân Đôn, nhân dịp hội chợ triển lãm sách mùa xuân năm nay?
Hình như Barley moi óc cố nhớ lại.



***Xem trang:
[1][2][3][4][5][6][7][8][9][10][11][12][13][14][15][16][17][18][19][20]
[21][22][23][24][25][26][27][28][29][30]

TOP WAP WORLDWIDE


mobiV trang ch

© GIAITRI102.TK
Thanks to XTGEM