XtGem Forum catalog
Không bấm vùng phía trên kẻo mất tiền nhé!

Chúng tôi phải chờ đợi ba ngày và tóc tôi đã bạc thêm mấy sợi. Chúng tôi đã phân công mỗi người làm nhiệm vụ của mình tùy theo sự quan trọng của chức vụ mình giữ: Sheriton đi Langley với Bob và Clive, Ned ở lại đảo với Barley và tôi. Barley đã trở nên lãnh đạm, như mất hết khí vị hoạt kê. Tính kiêu hãnh của ông ta đã bị tổn thương.
Thế là chúng tôi chờ đợi. Chúng tôi chơi cờ một cách lơ đễnh, ít khi chơi hết ván cờ. Chúng tôi nghe Randy nói về chiếc du thuyền của ông ta. Chúng tôi đợi tiếng chuông điện thoại.
Mười hai giờ trưa ngày thứ ba, trong lúc tôi đang đọc tờ Washington Post, thì nghe tiếng Randy bảo các nhân viên bảo vệ báo ngay cho Ned rằng có người đang muốn gặp ông ta qua điện thoại. Tôi xoay người lui thì thấy Ned đang từ ngoài vườn đi tới, băng qua tiền sảnh và đi vào phòng điện thoại. Ngước mắt lên, tôi thấy bóng dáng bất động của Barley nơi bậc đầu cầu thang có cửa sổ cuốn vòng bán nguyệt trông ra biển.
Đứng quay lưng lại, hai chân hơi dang ra một chút, một tay cầm một quyển sách, tay kia đưa lên ngang đầu như một cử chỉ tự vệ, Barley nhìn đại dương. Chắc chắn ông ta nghe được tất cả những gì đã xảy ra: những tiếng thét của Randy, những bước chân vội vã của Ned trong tiền sảnh, và tiếng của cánh cửa đóng sập lại nhau sau khi Ned bước vào. Tôi nghe tiếng chân của Ned từ trong phòng điện thoại đi ra, bước lên vài bậc thang và đứng lại.
- Harry, Barley ở đâu?
- Ở đây, - Barley trả lời một cách điềm tĩnh.
- Họ bật đèn xanh cho ông đó! - Ned la to lên, phấn khởi như một đứa trẻ. - Họ ngỏ lời xin lỗi ông. Tôi đã nói chuyện với Bob, Clive và Haggarty. Tin chính thức! Họ tin Goethe một trăm phần trăm. Họ đã quyết định một cách dứt khoát rồi. Ông đã vượt qua được tất cả các rào cản rồi!
Bây giờ Ned đã quen với những lúc đăm chiêu, xa vắng của Barley, đáng lẽ không nên lấy làm ngạc nhiên về thái độ thờ ơ của ông ta. Barley vẫn đăm đăm nhìn biển cả. Có thể ông ta chợt thấy một chiếc thuyền nhỏ bị đắm chăng? Điều đó xảy ra với mọi người ở đây. Nếu người ta nhìn kỹ biển cả, ở ngoài khơi bang Maine, cuối cùng rồi người ta luôn luôn thấy một mảnh buồm, một mảnh vỏ tàu, một cái đầu của một người bị đắm tàu, hay một bàn tay giơ lên cầu cứu, để rồi chìm lỉm dưới các đợt sóng không còn trồi lên nữa. Phải thời gian sau mới ý thức được rằng thật sự đó là những con cò trắng và những con chim cốc bói cá.
Nhưng Ned trong lúc bồng bột, cảm thấy khó chịu vì sự thờ ơ của Barley.
- Barley, ông lại trở qua Matxcơva! Đó là điều ông mong muốn không phải sao? Hãy đi cho đến tận cùng của công việc này.
Đến lúc ấy, Barley mới ý thức được rằng mình đã làm mất lòng Ned, nên mới quay người lại để mỉm cười với ông ta.
- Vâng, ông bạn thân mến, đó đúng là những gì tôi ao ước.

Chú thích:
(1) West Point: Trường đào tạo sĩ quan bộ binh và không quân Mỹ - ND.


Sáng Chủ nhật lúc 10 giờ, Katia đến đón Barley trước cửa khách sạn đồ sộ Mejdounarodnaia, mà người Tây phương gọi là khách sạn “Mej”. Ngồi trong tiền sảnh lộng lẫy, Wicklow và Henziger chứng kiến đôi bạn gặp lại nhau sau một thời gian xa cách.
Hôm ấy là một ngày mùa thu tuyệt đẹp. Barley đến trước để đợi Katia. Ông đang đi bách bộ trong sân trước tiền sảnh và quan sát những chiếc xe limusin không ngớt ra vào để chở đến hay rước đi các nhà lãnh đạo quốc gia của các nước thế giới thứ ba. Cuối cùng rồi chiếc xe Lada màu đỏ của Katia cũng đã đến. Bé Anna huơ huơ bàn tay trắng trẻo như một chiếc khăn mù-xoa của nó, và bé Serguei ngồi bên cạnh Anna, cầm trong tay một cái vợt gỗ.
Trước hết, Barley phải để ý đến hai đứa nhỏ. Sau khi suy nghĩ kỹ, ông đã quyết định làm như vậy, vì bây giờ ông phải thận trọng đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất, không được làm gì một cách ngẫu nhiên, tự phát. Chỉ sau khi có những cử chỉ vồn vã với Anna và Serguei, Barley mới nhìn đến hàng ghế trước, ở đó ông thấy bác Matvei ngồi chững chạc, mặt rám nắng, mắt long lanh, diện bộ đồ bảnh nhất của ông ta để đi đón nhà quý tộc nước Anh. Matvei hạ cửa kính xe và đưa tay ra cho Barley bắt. Sau đó Barley mới nhìn đến Katia. Có một khoảng thời gian ông do dự, như thể ông đã quên bài bản hay vai trò của mình, nhưng cuối cùng ông chỉ mỉm cười hớn hở.
Katia không giữ ý tứ đến như thế. Mặc quần ngắn, nàng nhảy ra khỏi xe và nhào tới phía Barley, kêu to tên ông, tươi cười hớn hở. Nàng ôm choàng lấy Barley, siết chặt ông một cách hồn nhiên. Tuy nhiên, chỉ một lát sau, nàng đẩy nhẹ ông ra, nhưng vẫn nắm hai tay ông và nhìn vào mặt ông, nàng nói luôn một mạch những lời ngọt ngào mừng rỡ.
- Ôi, Barley, thật là tuyệt vời! Thật là sung sướng được gặp lại ông! Hoan nghênh ông đến tham dự hội chợ sách. Hoan nghênh ông đến Matxcơva một lần nữa. Bác Matvei đã không thể tin cú điện thoại ông gọi từ Luân Đôn đến. Bác ấy đã nói: “Người Anh luôn là bạn của chúng ta. Ngày nay chúng ta làm gì có tàu bè nếu người Anh không dạy cho Pierre kỹ thuật đi biển.” Ông hiểu không, Matvei nói Pierre tức Pierre Đại Đế (1) đó. Chiếc xe của Volodia thật lộng lẫy phải không? - Tôi rất bằng lòng, cuối cùng rồi anh ta cũng có được một cái gì để yêu.
Katia buông tay Barley ra và Barley, với vẻ mặt vô cùng hân hoan, kêu lên: “Chút nữa là tôi quên”. Rồi ông chạy đi tìm các túi xách bằng chất dẻo mà ông đã để dựa vào tường khách sạn gần cửa ra vào. Khi ông trở lại, Matvei liền ra khỏi xe để nhường chỗ cho Barley nhưng ông nhất định từ chối.
- Không, không, không và không! Tôi sẽ ngồi rất thoải mái với Anna và Serguei. Bác Matvei, dù vậy, tôi cũng xin cám ơn bác.
Rồi ông leo lên ngồi ở ghế sau và phân phát quà cho hai đứa con sinh đôi của Katia, giữa những tiếng trầm trồ thán phục của chúng: “Ôi! Cái ông già Tây phương này ngộ thật! Ông đem cho chúng ta sôcôla Ănglê, bút chì màu Thụy Sĩ, vở tập vẽ, sách của Beatrix Potter bằng tiếng Anh và cho ông bác Matvei một cái ống điếu đẹp tuyệt, mới toanh, còn thêm một bịch thuốc lá Ănglê nữa.”
Và Barley đã cho Katia tất cả những gì mà một người đàn bà có thể mơ ước: son phấn, nước hoa, một chiếc áo pun và một chiếc khăn quàng bằng lụa tuyệt đẹp.
Ra khỏi sân khách sạn Mej, bây giờ chiếc xe màu đỏ đang chạy trên một xa lộ có nhiều vùng lầy mà Katia cố tránh trong lúc nàng vẫn nói chuyện về hội chợ triển lãm sách sẽ khai mạc vào ngày hôm sau.
Xe chạy về hướng đông, vượt qua ngoại ô thành phố để đi vào cánh đồng quê. Ngồi ở ghế trước, Matvei làm mọi người ngạt thở vì mùi thuốc lá.. Nhưng Katia cũng không tỏ ý bất bình,vì nàng đang bận với nhiệm vụ hướng dẫn viên.
- Barley, phía sau cái đồi kia, có những lò đúc gì đó. Vì cái nhà ximăng ở bên trái, là trụ sở một nông trường tập thể.
- Tuyệt vời! - Barley kêu to. - Phi thường thật!
Bé Anna đã lấy các cây bút chì màu của nó ra, và Barley vẽ trên quyển vở của nó những thú vật, để nó tô màu.
- Ôi, con bé ngây ngô, đừng tô màu lục! - Barley nói với nó. - Con, con có thấy một con bò cái màu lục bao giờ chưa? Này Katia, con gái của bà, nó tưởng các con bò cái có màu lục đấy!
- Anna là một họa sĩ vẽ theo trí tưởng tượng của mình! - Katia cười to đáp.
Xe đột ngột rời đường cái, chạy băng qua một cánh đồng và leo lên một ngọn đồi mà chẳng cần đi theo một con đường mòn nào cả.
- Ông thấy không? - Katia nói với Barley với một giọng hãnh diện. Ở đây chúng ta có thể đi đâu tùy thích, chừng nào chúng ta không đi vào trong các vùng đất của các nhà tỷ phú!
Xe leo lên đỉnh đồi, rồi đi xuống theo sườn đồi phía bên kia, đến một con đường nhỏ dọc theo một dòng suối, để đến một khu rừng phong. Katia cho xe dừng lại và nói:
- Bây giờ chỉ còn chúng ta ở chốn thiên đường này. Ở đây có một con suối để chơi xây dựng một cái đập, một bờ suối để cắm trại, và một chỗ đủ rộng để chơi môn lapta, với quả bóng và cây vợt gỗ mà Serguei đã có đem theo xe. Tất cả mọi người phải đứng thành vòng tròn, một người cầm cái vợt gỗ và một người khác liệng quả bóng cho người kia.
Vừa đặt các dụng cụ ấy xuống đất, Katia giải thích thêm:
- Bác Matvei nói quả quyết với tôi rằng môn lapta là nguồn gốc của môn bóng chày và môn crikê ở Tây phương. Bác ấy nói chính các di dân người Nga đã nhập môn ấy vào các nước phương Tây, và chắc chắn môn lapta cũng là do Pierre Đại Đế sáng chế ra.
Nằm dài trên bãi cỏ, ông già Matvei vừa hút thuốc vừa nói chuyện thao thao bất tuyệt với Barley. Katia đi băng qua bãi cỏ, nhốt mình vào trong xe một lát. Khi ở trong xe bước ra, nàng đã mặc một chiếc quần soóc, tay cầm một giỏ đồ ăn gồm có xăng uých, thịt gà và patê, trứng và món kotleti do nàng làm. Nàng cũng có đem theo bia và Barley đem theo rượu uýt-ky.
Bé Serguei, đứng trên bờ suối, lấy cái vợt gỗ của nó cào cào quơ quơ dưới nước. Mơ ước của nó, Katia giải thích với Barley, là bắt cho được một con cá, nướng chín và đãi ông đấy. Anna thì miệt mài vẽ. Nó muốn tặng Barley bức chân dung tự vẽ của nó đê ông treo trong phòng của ông ở Luân Đôn.
- Nó hỏi ông có vợ không? - Katia phiên dịch, vì Anna muốn hỏi cho bằng được.
- Trong lúc này thì không, nhưng tôi luôn luôn sắp sửa có.
Bé Anna hỏi một câu khác, khiến Katia đỏ mặt và mắng yêu nó.
Nàng mỉm cười âu yếm và đôi mắt nàng bắt gặp đôi mắt của Barley, như để nói: “Bây giờ chúng ta có thể nói chuyện với nhau rồi đó!”.
*
Chiếc xe tải màu xám đã quay trở về. Ngang qua vai của Katia, Barley đã nhìn thấy nó một lúc trước đó rồi. Ông cảm thấy nhẹ nhõm khi thấy nó đi ra đến đường cái và biến mất. Dù sao thì nó cũng phải để cho Barley nói chuyện thoải mái với Katia chứ.
- Ông ta mạnh khỏe, - Katia nói. - Ông ta có viết cho tôi một bức thư dài. Ông ta bị bệnh, nhưng bây giờ đã lành hẳn rồi,tôi chắc chắn như thế. Ông ta có rất nhiều điều muốn thảo luận với ông, và ông ta sẽ đến Matxcơva trong thời gian hội chợ triển lãm sách, để gặp ông và để biết quyển sách của ông ta đến đâu rồi. Ông ta mong muốn sớm thấy bản in thử cuối cùng của quyển sách, một trang của bản in ấy cũng được. Theo tôi, như thế thật hết sức nguy hiểm, nhưng ông ta nôn nóng quá.
Katia lục lọi trong cái túi xách của mình. Một chiếc xe màu đỏ ngừng lại ở phía bên kia rừng phong, nhưng Katia không thèm để ý đến.
- Theo ý tôi, các tài liệu của ông ta sẽ sớm bị coi là thừa, - Katia nói tiếp, - Nhờ các cuộc hội nghị về tài giảm binh bị có những bước tiến bộ nhanh chóng và Katia khí hợp tác quốc tế mới, tất cả các điều khủng khiếp kia sẽ thuộc về dĩ vãng. Lẽ đương nhiên, người Mỹ ngờ vực chúng tôi. Và lẽ đương nhiên, chúng tôi cũng ngờ vực họ. Nhưng nếu hai bên hợp lực lại, hai bên sẽ có thể giải trừ binh bị một cách hoàn toàn và tránh được các cuộc xung đột khác trên thế giới.
Katia nói với giọng thuyết giáo, không chấp nhận một sự phản biện nào.
Tuy nhiên, Barley bắt bẻ:
- Làm sao chúng ta có thể tránh được các cuộc xung đột khác trên thế giới, nếu chúng ta không còn vũ khí?
Sự dại dột của Barley đã làm cho ông ta phải lĩnh một nét nhìn giận dữ của Katia.
- Barley, ông tỏ ra là một người mâu thuẫn với chính mình, - Katia vừa nói vừa rút cái phong bì ra khỏi túi xách. - Chính ông chứ không phải tôi, đã nói với Yakov rằng chúng ta cần một cuộc nghiên cứu về nhân tính.
Barley để ý thấy phong bì không có dán tem và cũng không có dấu bưu điện. Chỉ có chữ “Katia”, hình như là do Goethe viết. Nhưng lấy gì làm chắc? Đột nhiên Barley có một linh cảm kỳ lạ rằng mình đang bị gài bẫy.
- Ông ta bị bệnh gì mà bây giờ đã lành bệnh một cách hoàn toàn như thế? - Barley hỏi.
- Ông ta có vẻ lo lắng không yên khi gặp ông ở Leningrad.
- Cả hai chúng tôi đều cảm thấy không yên... vì thời tiết, - Barley đáp. - Ông ta cảm thấy hơi chếnh choáng, hay có lẽ đã ăn một chút gì đó không tiêu.
- Bởi vì ông ta bệnh. Sau khi gặp ông, ông ta bị suy nhược nặng về cả thể xác lẫn tinh thần. Ngay các đồng nghiệp của ông ta cũng không biết ông ta biến đi đâu mất. Họ sợ đã có điều tệ hại hơn hết xảy ra. Một người đáng tin cậy đã nói với tôi rằng họ sợ ông ta đã chết.



***Xem trang:
[1][2][3][4][5][6][7][8][9][10][11][12][13][14][15][16][17][18][19][20]
[21][22][23][24][25][26][27][28][29][30]

TOP WAP WORLDWIDE


mobiV trang ch

© GIAITRI102.TK
Thanks to XTGEM