Không bấm vùng phía trên kẻo mất tiền nhé!

Ở Luân Đôn, các tin tức diễn biến một cách đều đặn trên các màn hình. Barley đã rời khách sạn Mej. Còn tiếp. Họ đã đến trạm tàu điện ngầm. Còn tiếp. Họ đã đi ra khỏi bệnh viện. Barley dìu Katia. Còn tiếp. Con người có thể nhầm, nhưng máy điện toán không thể nhầm được. Còn tiếp.
- Nhưng vì sao lại là Barley lái xe? - Ned hỏi.
Sheriton đang trầm ngâm suy nghĩ nên không trả lời, nhưng Bod, đứng ở phía sau Sheriton, có một ý kiến.
- Này Ned, đàn ông không muốn để cho đàn bà lái xe. Thói quen cho rằng đàn bà là phái yếu vẫn đang còn.
- Cám ơn, - Ned trả lời một cách lịch sự.
Clive mỉm cười tán thưởng ý kiến của Bod.
Nhưng Ned lại hỏi.
- Vì sao Barley lại ôm Katia trong vòng tay từ bệnh viện cho đến tận bãi đậu xe?
- Có thể là cô ta đã bị một hạt bụi bay vào mắt, - Sheriton giải thích.
- Và rồi chính Barley lái xe, - Ned nhấn mạnh. - Ông ta không có quyền lái xe ở bên đó, nhưng ông ta đã lái. Ông ta đã để cho Katia lái xe trong suốt cuộc đi chơi dã ngoại cũng như lúc về và cả trong chuyến đi đến bệnh viện. Và đột ngột khi trở về, ông ta lại giành cầm tay lái. Vì sao?
Sheriton nói:
- Thôi được rồi, Ned, thế thì theo ông, Chim Xanh có gọi điện thoại hay không?
Ned suy nghĩ một lát rồi mới trả lời.
- Chắc chắn là có. Nếu không thì Barley và Katia phải chờ đợi chứ.
- Có thể Katia đã nghe được một điều gì chẳng lành, - Sheriton nói - thí dụ những thông tin xấu.
Ned lại hỏi:
- Barley làm cái trò quỷ quái gì trong nhà Katia mà lâu đến như thế? Tất cả công việc của ông ta là hỏi cô ấy giờ và địa điểm Chim Xanh hẹn gặp Barley. Dù sao đi nữa thì ông ta cũng không cần đến hai giờ để làm việc ấy, phải không nào?
- Có thể chàng và nàng có thong dong một chút cũng được thôi, - tôi nói.
- Nếu chỉ có thế mà thôi, thì làm gì tôi phải lo âu.
- Chắc là Barley còn đang mua một cái nón, - Johnny nói đùa.
- Bây giờ Barley đã rời căn hộ của Katia! - Sheriton kêu lên.
Trên bản đồ thành phố Matxcơva, một chấm đỏ chỉ căn hộ của Katia. Địa điểm hẹn gặp để Barley báo cáo công tác đã được chỉ định cách đó ba trăm mét về hướng đông, nơi góc đông nam của hai đại lộ, được đánh dấu bằng màu xanh lục. Barley phải đi dọc theo lề đường hướng về phía nam và đi chậm đến chỗ đã quy định, làm như thể đang kiếm một chiếc xe taxi. Xe của chúng tôi sẽ dừng lại gần chỗ ông ta đứng. Barley phải cất cao giọng nói cho tài xế biết khách sạn của ông ta và mặc cả giá của cuốc xe với tài xế bằng cách ra dấu.
Đến ngã tư thứ hai, xe phải đổi hướng để vào trong một công trường xây dựng, nơi xe cam-nhông của chúng tôi đậu, tất cả đèn đều tắt hết và tài xế giả vờ ngủ. Nếu thấy có ăngten rađio kéo cao lên, xe chở Barley phải chạy một vòng về phía tay phải và trở lại nơi xe cam-nhông đậu.
Nếu không thấy ăngten thì coi như cuộc hẹn đã bị bãi bỏ.

*

Bản tường trình của Paddy xuất hiện trên các màn hình lúc 1 giờ sáng, giờ Luân Đôn. Sau đó bản tường trình ấy được phân tích, xem xét một cách kỹ càng. Theo bản tường trình ấy, trước tiên Paddy lấy làm ngạc nhiên về độ chính xác của các sự kiện khi Barley báo cáo công tác.
Paddy cũng lấy làm cảm kích vì Barley tỏ ra hăng hái và tận tụy với nhiệm vụ của mình. Ngoài ra, báo cáo của Barley khớp với tất cả những sự kiện mà Paddy đã thu thập được từ các trinh sát theo dõi Barley, kể từ khi ông ta và Katia từ trạm tàu điện ngầm đến bệnh viện, rồi ngồi chờ trên một chiếc ghế dài và tiếng chuông điện thoại reo lên nhưng chấm dứt rất nhanh. Barley giải thích rằng Katia đã đứng ngay trước máy điện thoại khi chuông reo. Chính ông ta cũng hầu như không nghe được gì cả. Do đó Paddy không lấy làm lạ rằng Anastasia, người trinh sát chốt tại bệnh viện, cũng đã không nghe được gì cả. Chuông điện thoại vừa mới reo lên là Katia bắt máy ngay, nhanh như chớp.
Cuộc điện đàm giữa Katia và Chim Xanh rất ngắn. Theo Barley, hai phút là tối đa. Chúng tôi cho thêm một điểm tốt. Chúng ta biết rằng Goethe rất ghét nói dài dòng trong khi điện đàm.
Với báo cáo chính xác và rõ ràng Barley thoải mái như một con cá ở trong nước, làm sao sau đó có thể tán thành ý kiến cho rằng đáng lẽ Paddy nên dẫn Barley thẳng đến đại sứ quán, bịt miệng và trói gô ông ta lại rồi tống cổ về Luân Đôn? Tuy nhiên, đó là ý kiến của Clive, và nhiều người đã tán thành.
Chúng ta hãy trở lại với ba điều bí mật làm cho Ned đau đầu: Barley ôm choàng Katia và dìu nàng đi từ bệnh viện đến bãi đậu xe, Barley cầm lái thay cho Katia, và Barley ở lại hai giờ trong căn hộ của Katia trước khi đến chỗ hẹn để báo cáo công tác. Chúng ta hãy tưởng tượng cái cảnh tượng trong xe cam-nhông: Barley cúi xuống trên bàn, ánh sáng chiếu vào mặt. Hai người cầm ống nghe. Barley thì thầm nói vào ống nói, và nói với Paddy.
Cy ngồi trong bóng tối mờ mờ với một cặp ống nghe thứ ba.
- Và rồi, vì quá xúc động, nàng đã bắt đầu run, đứng không vững, - Barley nói. - Suốt cả một tuần, nàng mừng khấp khởi, đợi chờ cú điện thoại ấy. Và bây giờ Goethe chỉ nói chưa đầy hai phút là hết. Nhưng như thế cũng đã đủ đối với nàng. Nghe được giọng nói của người tình, biết được chàng sẽ có mặt tại Matxcơva trong hai ngày nữa. Quá xúc động, nàng đã khóc sướt mướt.
Kể từ đó, mọi sự tiếp diễn một cách tự nhiên. Các lời lẽ dối trá trở thành lôgíc, Barley nói rằng ông ta đã làm hết sức mình để trấn anh Katia, nhưng cô ta ở trong một trạng thái quá xúc động, đến nỗi ông ta phải choàng vai cô ấy, dìu cô ra xe và lái xe đưa cô về nhà.
Dọc đường, cô ta còn khóc đôi chút, nhưng về đến nhà thì cô đã dịu đi. Barley đã phải đun nước sôi để pha cho cô ta một chén trà nóng và cầm tay cô ta cho đến khi chắc chắn cô ta đã hoàn toàn trấn tĩnh.
- Ông đóng vai trò của ông giỏi lắm, - Paddy khen.
Cuối cùng, còn có câu hỏi của Barley, một câu hỏi đã buộc Cy phải ra mặt.
- Danh sách các câu hỏi đâu? Đến khi nào ông mới đưa cho tôi? - Barley hỏi Paddy lúc sắp rời xe cam-nhông.
- Để làm gì? - Cy bước ra khỏi bóng tối và hỏi Barley.
- Để làm gì à? Để, có lẽ tôi cũng nên nghiên cứu sơ qua một chút, phải không nào?
- Chẳng có gì phải nghiên cứu cả, - Cy đáp. - Đó là những câu hỏi trắc nghiệm mà Chim Xanh phải trả lời có hay không. Và điều cốt yếu là ông không nên biết trước một câu hỏi nào hết. Cám ơn nhiều.
- Thế thì lúc nào tôi mới có được bản kê ấy?
- Luôn luôn thì người ta soạn thảo bản kê các câu hỏi ấy càng chậm càng tốt, - Cy đáp.
Còn ý kiến của Cy về tâm trạng của Barley, người ta có thể nhớ câu nhận xét sai lầm một cách kỳ cục này của ông ta: “Đối với người Anh, dù sao đi nữa thì người ta cũng không thể biết được những gì họ nghĩ trong đầu”.
Ít ra trong lần này, Cy đã không hoàn toàn sai lầm.

*

- Không có một tin tức xấu nào, - Ned nhấn mạnh, trong lúc Brock chiếu lại cuốn băng ghi âm của xe cam-nhông, lần thứ ba, hay lần thứ ba mươi.
Chúng tôi trở về. Rạng đông ló dạng, nhưng chúng tôi quá bực bội, nên không nghĩ đến việc đi ngủ.
- Không có những tin tức xấu. Chỉ hoàn toàn là những tin tức tốt, - Ned lặp lại. “Anh khỏe mạnh. Anh bình an. Anh đã thuyết trình rất xuất sắc. Anh đi máy bay. Chúng ta sẽ gặp nhau thứ sáu. Anh yêu em” và cô ta khóc.
- Tôi, tôi không biết vì sao. - Tôi nói một cách miễn cưỡng. - Còn ông, ông chưa bao giờ khóc vì sung sướng sao?
- Nhưng cô ta khóc đến nỗi ông ta phải dìu cô ta suốt dọc hành lang. Cô ta khóc đến nỗi không còn lái xe được nữa. Và một khi đã về đến nhà, cô ta nhào vào nhà, như thể không biết có Barley ở đó, vì cô ta quá sung sướng về việc Chim Xanh sẽ đến Matxcơva bằng máy bay theo đúng ngày đã định trước. Và Barley an ủi cô ta. Cần thiết phải an ủi cô ta, với tất cả các tin tức tốt đẹp ấy!
Chúng tôi nghe lại một lần nữa tiếng nói được ghi âm của Barley.
- Và Barley rất bình tĩnh, - Ned bình phẩm. - Bình tĩnh một cách hoàn toàn. Không có một chút lo âu nào. “Tuyệt vời, Paddy. Mọi sự đều tốt đẹp. Vì thế mà Katia khóc”. Tốt thôi!
Ned ngồi chễm chệ trong chiếc ghế bành, nhắm mắt lại. Tiếng nói thật thà và trung thành của Barley vẫn luôn luôn phát ra từ cái máy ghi âm. - Barley không còn là của chúng ta nữa rồi! - Ned khẳng định. - Ông ấy đã từ giã chúng ta rồi.
Ned, theo cách của ông ta, cũng đã từ giã chúng tôi. Ông ta đã tổ chức một chiến dịch tuyệt vời. Và bây giờ, nếu tin lời ông ta nói, ông ta chỉ còn việc nhìn nó tiêu tan thành mây khói một cách nhanh chóng.

*

Do thám là chờ đợi.
Do thám là lo âu.
Do thám là vượt trội chính mình.
Những công thức phù phép của Walter, người đã chết, và của Ned, người còn sống nhưng coi như đã chết, vang dội trong tai của Barley. Người học trò đã học được các phù phép của thầy, nhưng bây giờ còn tỏ ra cao tay ấn hơn cả thầy dạy cho mình. Tất cả những lời dạy bảo của Walter và của Ned tỏ ra rất hữu hiệu. Bây giờ Barley quay lại lừa dối thầy. Tuy nhiên ông ta không phải là một tên bịp bợm. Barley không phải là một tên phản bội. Nhưng ông ta không phí thời giờ để nghĩ đến những sự thống khổ mà Goethe phải chịu dưới địa ngục, nơi mà chắc chắn chính Barley sẽ sớm đến đó để gặp Goethe. “Ta sẽ khóc Goethe khi nào ta có thì giờ”. Barley tự nhủ. “Còn bây giờ đây, chỉ có một công việc đáng kể, đó là mạng sống của Katia mà Goethe đã đưa vào vòng hiểm nguy một cách vô liêm sỉ, đến phút chót mới cố gắng cứu nàng bằng cách thú nhận tất cả những gì ông đã làm.”
Barley lý luận:
Katia biết. Katia biết là Goethe đã sa lưới, đã bị bọn họ bắt rồi. Nhưng họ không biết rằng Katia biết.
Ngoài Katia và Goethe ra, ta là người duy nhất trên cõi đời này biết rằng Katia biết Goethe đã bị bắt.
Katia vẫn luôn luôn được tự do.
Vì sao?
Người ta đã không bắt con của Katia, không bắt Matvei, không lục soát nhà của Katia. Họ đã không áp dụng một phương pháp tế nhị nào dành cho một phụ nữ Nga tiếp tay cho một nhà vật lý học để tiết lộ những bí mật quốc gia cho một nhà xuất bản phương Tây.
Vì sao?
Bởi vì họ không biết rằng chúng tôi biết họ biết.
Thế có nghĩa là họ muốn cái gì khác.
Họ muốn được chúng ta, và muốn được thêm cái gì khác nữa.
Nhưng cái gì khác ấy là cái gì?
Vì sao họ kiên nhẫn chờ đợi mà không ra tay ngay? Đó là một điều bí mật mà ta phải suy nghĩ cho kỹ.
Cuối cùng rồi mọi người cũng phải khai thôi, Ned đã tuyên bố như thế một cách lạnh lùng. Với các phương pháp hiện đại, tất cả mọi người đều phải khai thôi. Vì thế Ned đã khuyên Barley đừng tỏ ra mình là anh hùng nếu bị bắt. Nhưng Barley không còn nghĩ đến bản thân mình nữa. Barley chỉ nghĩ đến Katia.
Mỗi ngày, mỗi đêm liên tiếp sau đó, Barley tính toán trong đầu các nước cờ mà ông phải đi, và như chúng tôi, ông ta chờ đợi cuộc gặp mặt với Chim Xanh vào ngày thứ sáu.
Ngay sau khi ăn điểm tâm xong, Barley đã sẵn sàng để đi dự tiệc rượu bế mạc hội chợ triển lãm sách. Một nhà xuất bản và một gián điệp mẫu mực. Mỗi ngày từ sáng đến chiều, Barley là linh hồn của hội chợ triển lãm.
Goethe, tôi không thể làm bất cứ điều gì để cứu bạn được nữa rồi. Không có một sức mạnh nào ở cõi đời này có thể cứu bạn ra khỏi nanh vuốt của bọn họ được. Katia và hai con của nàng thì có thể được cứu, nếu tất cả mọi người cuối cùng rồi cũng phải cung khai. Nếu Goethe cũng phải cung khai.
Còn về phần ta: không thể nào cứu được nữa rồi.
Goethe đã cho ta lòng can đảm, và Katia đã cho ta tình yêu, Barley thầm nghĩ, kế hoạch dự tính của ông đã thành hình.
Không. Katia đã cho ta cả lòng can đảm lẫn tình yêu. Và nàng đang tiếp tục cho ta cả hai điều ấy.
Và thứ sáu đến, một ngày như các ngày khác, màn hình của chúng tôi hầu như im lặng. Barley chuẩn bị một cách chu đáo để đi dự tiệc rượu trọng thể do Nhà xuất bản Potomac and Blair tổ chức.
Và một ngày bình thường, với một phong thái ung dung giả vờ, Barley hỏi thăm sức khỏe của Katia. Ông tranh thủ gọi điện thoại cho Katia lúc nào có thể gọi được để nói chuyện. Nàng dùng chữ “thích hợp” có nghĩa là nàng vẫn luôn luôn khỏe mạnh, mọi sự đều tốt đẹp đối với nàng. Còn ông thì dùng chữ “một cách thành thực” để đáp lại. Ông và nàng không trao đổi với nhau những vấn đề quan trọng, không nói với nhau về tình yêu, về chết chóc, hay về các nhà thơ lớn của nước Đức, mà chỉ nói:
Em có mạnh khỏe không?
Hội chợ triển lãm sách không làm cho em quá mệt mỏi chứ? Cho anh biết một cách thành thực đi.
Hai đứa con sinh đôi của em mạnh khỏe không?
Matvei vẫn luôn luôn tỏ ra thích thú với cái ống điếu của bác ấy chứ?
Tất cả những điều ấy có nghĩa là anh yêu em, anh yêu em, anh yêu em và anh yêu em một cách thành thực.
Để biết rõ hơn Katia có được bình an vô sự không, Barley nhờ Wicklow đến thăm dò gian hàng của Nhà xuất bản Tháng Mười.
- Phong độ của cô ta hoàn toàn ung dung, - Wicklow mỉm cười cho Barley biết và ông ta bớt lo âu.
- Cám ơn, cám ơn bạn.
Lần thứ hai, Barley lại nhờ vả Henziger đến thăm dò một lần nữa mới yên tâm. Nàng vẫn luôn luôn còn sống, vẫn luôn luôn còn thở, nàng đã thay áo để sẵn sàng đi dự tiệc.
Nhưng trong tất cả thời gian ấy và ngay cả khi trở về thành phố trước các khách mời để có thể đón tiếp họ, Barley không ngớt kiểm điểm trong đầu óc tất cả những sự kiện một cách khách quan.



***Xem trang:
[1][2][3][4][5][6][7][8][9][10][11][12][13][14][15][16][17][18][19][20]
[21][22][23][24][25][26][27][28][29][30]

TOP WAP WORLDWIDE


mobiV trang ch

© GIAITRI102.TK
Thanks to XTGEM

Lamborghini Huracán LP 610-4 t