Old school Easter eggs.
Không bấm vùng phía trên kẻo mất tiền nhé!

Về những dự định tức thời, ông ta nói “biến đi một lúc” và du lịch thám hiểm các vùng xa xôi ở ngoài. Rõ ràng là ông ta không còn ở Liên Xô nữa.
Ít ra là tương đối rõ ràng.
Nói cho cùng, đó là những gì chính ông ta khẳng định, cũng như cô nhan viên xinh đẹp của hãng hàng không Barry martin có chi nhánh tại Meidounarodnaia khẳng định. Cô ta nói: “Ông Scott Blair đã quyết định di Lisbonne thay vì đi Luân Đôn. Một nhân viên của cơ quan VAAP đã đem vé của ông Blair đến, tôi đã đổi cho ông ta một vé trên chuyến bay của Aeroflot rời Matxcơva vào ngày thứ hai lúc 11h20, và đáp xuống Lisbonne lúc 15g30, sau khi dừng lại ở Prague”.
Quả thật, cái vé ấy đã được một người nào đó dùng. Một người cao lớn, không nói chuyện với ai hết, và giống Blair như hai giọt nước, hay gần như thế. Có thể đó là một trong hai người đàn ông mà các trinh sát viên của chúng tôi đã trông thấy trong tiền sảnh của cơ quan VAAP. Dù sao thì đường dây cũng đã được kiểm tra và đi thẳng đến Tina, nữ quản gia của Barley ở Lisbonne. Trả lời các câu hỏi của Merridew, Tina đã nói: “Có, có! Tôi có nhận được tin của ông ta. Một bưu thiếp rất đẹp gửi cho tôi từ Matxcơva nói rằng ông Barley đã gặp một bà quý phái và đi du lịch với bà ta”.
Trong các tháng tiếp theo sau đó, đường dây của chúng tôi lại có được những tin tức mơ hồ như sau:
Một người Tây Đức buôn lậu ma tuý, trong lúc bị giam tại một nhà lao gần Kiev nói rằng ông ta có biết một người mà theo ông ta tả thì giống như Barley. Người ấy có biệt tài làm cho người ta vui nhộn, rất được lòng các tù nhân khác. Tuy ông ấy cũng bị giam giữ, nhưng rất được tự do. Ngay cả các cai ngục thỉnh thoảng cũng phải mỉm cười với ông ấy.
Một cặp vợ chồng người Pháp sống cuộc đời phiêu bạt, nay trở về nước, đã nhận được sự giúp đỡ của một “người Anh cao lớn, khả ái”. Người Anh ấy đã nói chuyện với họ bằng tiếng Pháp, sau khi xe của họ đụng một chiếc limusin Nga, gần Smolenk. Không có ai bị thương. Người Anh ấy cao một mét tám mươi, tóc nâu bờm xờm, rất nhã nhặn, tiếng cười vang dội. Có những người Nga cao lớn và lực lưỡng bao quanh người Anh ấy.
Và một ngày, gần đến lễ Noel, một ít lâu sau khi Ned chính thức từ chức, một điện tín đánh đi từ La Havane cho biết, theo một nguồn tin từ Cu Ba, một người Anh bị biệt giâm tại một nhà lao chính trị gần Minsk, và người Anh ấy luôn miệng hát nhạc Jazz theo cách của Satchmo.
Barley biệt tăm biệt tích một thời gian dài cho đến khi một bức điện có quyền ưư tiên của người kế nhiệm Paddy báo rằng, một người Anh cao lớn, tóc nâu đã được thấy chơi kèn saxophone tại một câu lạc bộ ở Matxcơva, một năm, tính đúng từng ngày, sau khi Barley mất tích.
Ngày hôm sau, lại có một bức điện thứ hai, lần này của Merridew đánh đi từ Lisbonne. Tina, nữ quản gia của Barley mà Merridew vẫn giữ liên lạc, đã nhận được lệnh phải chuẩn bị nhà cửa để đón chủ nhân của bà ta về.
- Nhận được lệnh bằng cách nào? – Merridew hỏi.
- Bằng điện thoại, - Tina trả lời. – Ông Barley đã điện thoại cho tôi.
- Ông ta đã gọi điện thoại từ đâu? – Meridew lại hỏi.
Nhưng Tina đã không hỏi chi tiết, và Barley cũng không cho biết chi tiết. Vả lại, vì sao bà ta lại hỏi chủ của bà ở đâu, bởi vì ông ta sẽ đến Lisbonne trong nay mai mà thôi.
Merridew kinh hoàng, và ông ta không phải là người duy nhất bị cú sốc ấy làm cho choáng váng. Chúng tôi báo cho người Mỹ biết, nhưng Langley sửng sốt đến nỗi mọi người đều đột ngột mắc bệnh mất trí nhớ. Dường như họ hỏi chúng tôi: “Barley nào?” Thông thường người ta nghĩ rằng những cơ quan như cơ quan của chúng tôi trừng phạt đích đáng những điệp viên phản bôi, tiết lộ những bí mật cơ quan. Đôi khi cũng đúng như vậy. Nhưng trong trường hợp này, rõ ràng là ngay từ lúc đầu, không một ai, nhất là êkíp Langley, muốn đưa ra ánh sáng một người mà họ thiết muốn quên đi. Họ đã đông thanh tuyên bố: Tốt hơn hết là mua sự im lặng của Barley. Và để người Mỹ ra ngoài việc này.
o0o
Tôi bước chân lên cầu thang với sự lo ngại vô cớ. Tôi đã từ chối sự bảo vệ của Brock cũng như của Merridew. Cầu thang tối mờ, dốc đứng, không có vẻ gì là mời mọc và quá lặng lẽ. Lúc ấy đã xế chiều, và chúng tôi biết Barley đang có mặt ở nhà. Tôi bấm chuông nhưng không nghe tiếng chuông reo, tôi gõ cửa gỗ. Tôi nghe có tiếng chân ở bên trong, và lập tức tôi thụt lùi, không có lý do chính đáng, nếu đó không phải là một sự sợ hãi tự nhiên của những con thú dữ. Barley sẽ tấn công, giận dữ hay nồng nhiệt? Ông ta sẽ xô tôi xuống hay sẽ ôm tôi vào vòng tay của ông ta?
Tôi mang theo một cái cặp da, và tôi nhớ lúc đó tôi đã chuyển nó từ tay phải sang tay trái để sẵn sàng chống cự nếu cần. Mặc dù tôi không phải là một người hung dữ. Tôi ngửi thấy một mùi sơn còn mới. Vì không có lỗ để nhìn qua cửa gỗ đóng kín, Barley không biết ai là người đến thăm ông ta. Tôi nghe tiếng then cài cửa chuyển động và cánh cửa mở vào phía bên trong.
- Chào Harry, - Barley nói.
- Chào Barley, - tôi đáp lại, mong thấy ông ta mỉm cười khi trông thấy tôi mặc bộ comlê màu xanh sẫm thay vì màu xám.
Barley đã gầy nhiều, nhưng đứng thẳng, trông có vẻ cao hơn trước. Barley đã không còn có những cử chỉ vô trật tự, chắc là vì phải làm quen với những chỗ chật hẹp. Ông ta có vẻ nhanh nhẹn trong một cái quần Jean và một cái áo sơmi cũ mà ông đã xắn tay áo lên quá cùi chỏ. Cánh tay và trán ông có những vết sơn trắng. Sau lưng ông, tôi thấy có một cái thang và một bức tường mới sơn lại được một nửa. Ở giữa gian phòng, có những chồng sách và những đĩa hát cũ được che sơ với một tấm vải dầu.
- Harry, ông đến để chơi với tôi một ván cờ, phải không?
- Thay vì đánh cờ, chúng ta nói chuyện với nhau một chút, được không?
- Một cách chính thức à?
- Đúng.
Barley nhìn tôi đăm đăm, tôi tưởng tượng như thể ông ta quan sát những bạn tù bị giam chung một phòng kín với ông ta.
Tôi không thấy trong nét nhìn ấy có gì là ngượng nghịu, xấu hổ, là ngạo mạn, là dễ bị kích động, mà trái lại nét nhìn ấy có vẻ sáng ngời trong ký ức của tôi, nét nhìn ấy hướng mãi tới những chân trời xa xăm, nơi đó ông ta thỉnh thoảng tìm cách giải sầu trong quá khứ.
- Tôi có một ly rượu vang đỏ đây, xin mời ông dùng với tôi một ly.
Mắt vẫn đăm đăm nhìn tôi, Barley đứng tránh ra để tôi bước vào, trước khi đóng cửa và cài then lại.
Ông ta vẫn không mỉm cười. Khó mà biết tâm trạng của ông ta. Tôi cảm thấy tôi không thể hiểu được ông ta, nếu ông ta không chịu bộc lộ với tôi.
Ông ta rút các áo phủ trên ghế salông ra và gấp lại cẩn thận.
- Ông muốn nói gì với tôi? – Ông ta vừa hỏi vừa rót cho chúng tôi mỗi người một ly rượu.
- Người ta giao cho tôi thanh lý hợp đồng với ông. Ông hãy cho chúng tôi những câu trả lời và những sự bảo đảm. Đổi lại, chúng tôi cũng cho ông những điều như thế.
- Tôi đã mất thói quen về việc thương lượng điều đình công việc thuộc loại ấy rồi.
- Chúng tôi có thể giúp đỡ ông. Có lẽ ông cũng cần điều gì đó. Chúng ta cũng có thể thoả thuận với nhau về con đường phải theo, về tương lai v.v...
- Cám ơn, tôi đã có tất cả những sự bảo đẩm mà tôi cần có rồi. – Barley trả lời một cách lễ phép, nhấn mạnh hai chữ “bảo đảm” là mấy chữ duy nhất trong câu nói của tôi mà ông ta đã chú ý. - Họ sẽ làm những công việc theo nhịp độ của họ. Còn tôi, tôi đã hứa không nói gì hết.
Cuối cùng ông ta đã mỉm cười và nói tiếp:
- Harry, tôi đã theo lời khuyên của ông. Cũng như ông, tôi đã trở thành một tình nhân yêu người tình của mình từ xa.
- Tôi đã đi đến Matxcơva. Tôi đã gõ tất cả các cửa có thể gõ được. Tôi đã gặp tất cả những người có thể gặp được. Tôi đã dùng tên thật của tôi.
- Tên gì? Barley hỏi, giọng vẫn luôn luôn nhã nhặn.
- Palfrey, - tôi đáp.
Barley lại mỉm cười với vẻ thân thiện và tán thưởng.
- Cơ quan đã phái tôi sang bên ấy để tìm kiếm ông. Một cách bán chính thức. Tôi đã hỏi người Nga về vấn đề của ông. Dàn xếp công việc đôi chút. Chúng tôi nghĩ rằng đã đến lúc khám phá những gì đã xảy ra với ông. Để xem chúng tôi có thể giúp đỡ ông được những gì. Và để xem đối phương có theo đúng nguyên tắc của cuộc chơi không. Để xem họ có thể áp dụng những biện pháp trả đũa không.
- Tôi đã nói với các ông những gì đã xảy đến cho tôi rồi mà.
- Ông muốn nói những gì ông đã viết trong các bức thư gửi ch o Wicklow, cho Henziger và cho các người khác, phải không?
- Phải.
- Nếu thế thì lẽ đương nhiên là chúng tôi cho rằng họ bắt buộc ông phải viết các bức thư ấy, hoặc là họ đã nguỵ tạo các bức thư ấy. Tương tự như bức thư của Goethe gởi cho Katia do Igor trao cho bà ta.
- Các bức thư của tôi là do đích thân tôi viết và không có ai ép buộc tôi cả.
Tôi cố đi đến mục đích của mình là thuyết phục Barley ký văn bản mà tôi đã để sẵn trong cặp da của tôi.
- Chúng tôi công nhận ông đã hành động với một tinh thần trọng danh dự cao – tôi vừa nới vừa lấy ra một hồ sơ và mở ra trên đầu gối của tôi. - Cuối cùng rồi tất cả mọi người phải khai khi bị tra tấn, và ông đã không là ngoại lệ. Chúng tôi biết ơn ông về những gì ông đã làm cho chúng tôi. Chúng tôi biết cái giá ông phải trả về phương diện nghề nghiệp và về phương diện cá nhân. Chúng tôi thiết tha mong ông nhận được tối đa những sự đền bù. Lẽ dĩ nhiên là có những điều kiện.
Barley lại nhìn tôi đăm đăm với vẻ thản nhiên, không chút xúc động.
Tôi đọc các điều kiện, giống như các điều kiện đã áp đặt cho Landau, nhưng đảo lại: cư trú ở ngoài nước Anh và chỉ được về nước Anh nếu được chúng tôi chấp thuận trước. Đây là sự dàn xếp tối hậu và dứt khoát, về sau không được khiếu nại gì nữa. Cam kết giữ im lặng vĩnh viễn. Ký vào đây và nhận được rất nhiều tiền.
Barley không ký. Ông ta đã tỏ vẻ bực mình khi nghe tôi đọc các điều kiện. Ông ta gạt cây bút máy đẹp đẽ của tôi ra và nói:
- Sự thật các ông đã làm gì với Walt? Tôi có mua cho ông ta một cái mũ. Nhưng tôi đã không thể trao tận tay cho ông ấy.
- Ông hãy giao cho tôi. Tôi sẽ sắp xếp để chuyển tiếp cho ông ấy.
Nghe giọng tôi nói, Barley mỉm cười một cách buồn bã.
- Tội nghiệp cho già Walt. Họ đã nghiêm trị ông ta, đã thải hồi ông ta, phải không?
- Người ta không bao giờ ở lại lâu trong cái nghề này, - tôi đáp, nhưng không thể chịu đựng nổi ánh mắt của Barley, tôi chuyển nhanh sang đề tài khác.- Này Barley, tôi tin là ông đã được biết tin các bà cô của ông đã bán lại nhà xuất bản cho Lupus Books?
Barley phá lên cười, không phải tiếng cười vang dội như xưa, nhưng dù sao cũng là tiếng cười của một con người tự do.
- Thằng khả ố Jumbo! Thằng quỷ sứ ấy đã chơi khăm bà cô tôi.
Rồi ông ta nói qua chuyện khác.
- Katia sắp đến đây, - ông ta vừa nói vừa nhìn ra hải cảng. - Họ đã hứa với tôi rằng họ sẽ cho cô ấy đến đây. Không phải ngay lập tức. Ngày giờ sẽ do họ định, chứ không phải tôi. Có thể trong năm nay, có thể trong năm sau. Nhưng chắc chắn cô ấy sẽ đến. Vì họ không bao giờ không giữ lời hứa danh dự.
Đứng trước một sự tín cẩn như vậy, tôi im lạng vì nghĩ rằng có nói gì trong lúc này cũng không đúng lúc.
Tôi mời Barley đi ăn tối với tôi, nhưng hình như ông ta không nghe tôi nói. Ông đứng trước cửa kính nhìn các ánh đèn của hải cảng, còn tôi thì nhìn vào lưng ông ta. Đột nhiên tôi tưởng tượng ông ta nói cho tôi biết: Ông ta đã thấy chiếc tàu từ Leningrad tới. Ông đã thấy Katia và hai đứa con của nàng đi xuống cầu thang và chạy tới phía ông ta. Ông ta đã thấy mình ngồi với Matvei dưới gốc cây to bóng mát trong vườn trước nhà ông ta. Ông ta đã nghe Katia dịch chuyện kể của Matvei về các thành tích anh hùng của ông ấy.
Để cho tôi khỏi trở về tay không. Barley cương quyết tặng cho tôi câu chuyện của ông ta. Ông ta đưa tôi về căn nhà của ông, năn nỉ tôi uống với ông một ly rượu cuối cùng, và khẳng định với tôi rằng trong việc này tôi không có lỗi gì hết.
Và Barley kể cho tôi nghe. Cho chính ông ta nghe. Ông ta kể, kể mãi. Ông ta kể như tôi đã cố gắng kể lại đây để hầu quý vị độc giả. Ông ta kể cho đến bình minh, và khi tôi từ giã ông ta vào lúc năm giờ sáng, ông ta còn tự hỏi hay là ông ta nên sơn cho xong bức tường trước khi đi ngủ. Ông ta giải thích với tôi rằng còn biết bao việc phải làm, sửa soạn cho xong để chuẩn bị đón nàng. Nào nệm, nào giường, nào màn, nào tủ, kệ...
- Harry, tất cả sẽ tốt đẹp thôi, - Barley tuyên bố với tôi khi tiễn tôi ra cửa. – Hãy nói với tất cả mọi người.
Hoạt động gián điệp là chờ đợi.


HẾT



***Xem trang:
[1][2][3][4][5][6][7][8][9][10][11][12][13][14][15][16][17][18][19][20]
[21][22][23][24][25][26][27][28][29][30]

TOP WAP WORLDWIDE


mobiV trang ch

© GIAITRI102.TK
Thanks to XTGEM