Polaroid
Không bấm vùng phía trên kẻo mất tiền nhé!

Gió lạnh vẫn tiếp tực giằng xé tấm bạt họ dùng để căng lều, nhưng Delta-Một không hề để ý. Cả anh lẫn Delta-Ba đều chăm chú nhìn đồng đội của họ; Delta-Ba, đang điều khiển chiếc cần máy với sự khéo léo và chính xác của bác sĩ phẫu thuật. Màn hình máy tính trước mặt họ hiển thị những hình ảnh được truyền trực tiếp từ một chiếc camera nhỏ bằng đầu kim gắn trên con robot siêu nhỏ đang bay.
Đúng là thiết bị do thám tối tân! Delta-Một nghĩ. Mỗi lần kích hoạt con robot là mỗi lần anh lại thấy kinh ngạc. Gần đây, trong lĩnh vực công nghệ siêu nhỏ, thực tế đã vượt xa tưởng tượng của con người.
Những Hệ thống Robot siêu nhỏ (HRS) - vi robot - là thành quả mới nhất trong công nghệ do thám hiện đại. Họ đặt cho nó cái tên là "Công nghệ bay xuyên tường".
Một cái tên chính xác.
Với kích cỡ rất nhỏ bé, những con robot điều khiển từ xa kiểu này chẳng khác gì chuyện khoa học viễn tưởng. Chúng bắt đầu được chế tạo từ những năm 1990. Tháng 5 năm 1997, kênh truyền hình Discovery đã phát một loạt chương trình về những vi robot biết bay và biết bơi. Loại biết bơi, những chiếc tàu ngầm bé bằng hạt muối chế tạo bằng công nghệ nanô có thể được đưa vào mạch máu người, y như trong bộ phim Chuyến viễn du kỳ thú. Giờ đây công nghệ này đã được áp dụng để giúp các bác sĩ kiểm tra hệ thống tim mạch bằng thiết bị điều khiển từ xa, quan sát thực trạng bệnh nhân nhờ một camera truyền hình trực tiếp, xác định vị trí bị tắc nghẽn mà không cần dùng đến bất kỳ con dao mổ nào.
Khác với những gì ta tưởng, chế tạo một con vi robot biết bay còn dễ dàng hơn nhiều. Những công nghệ khí động học cần thiết để chế tạo máy bay đã được phát minh từ thời Kitty Hawk, vấn đề còn lại giờ đây chỉ là thu nhỏ kích cỡ của chúng lại. Vi robot biết bay đầu hên do NASA chế tạo để đưa lên thăm dò sao Hoả chỉ dài có vài inch. Đến thời điểm hiện nay, những tiến bộ trong công nghệ nano, những chất liệu có khả năng tích luỹ năng lượng, và công nghệ siêù nhỏ đã cho phép vi-robot-bay trở thành hiện thực.
Mô phỏng thiên nhiên mới chính là bước đột phá quan trọng nhất. Những con chuồn chuồn kim hoá ra lại là những mô hình lý tưởng nhất cho vi-robot-bay. Con robot PH2 mà Delta-Hai đang điều khiển có chiều dài chỉ một xăng ti mét, bằng một con muỗi. Hai đôi cánh màng silicon có khớp nối giúp nó trở nên cực kỳ nhanh nhạy và hiệu quả trong khi bay.
Bước đột phá thứ hai nằm trong cơ chế tái nạp năng lượng. Thế hệ vi-robot-bay đầu tiên chỉ có thể tái nạp năng lượng khi bay lượn giữa một luồng sáng cực mạnh, một đặc điểm không hề phù hợp với nhiệm vụ do thám ở những địa điểm có nguồn sáng yếu.
Thế hệ thứ hai này có thể nạp năng lượng bằng cách đậu cách một vật phát ra từ trường khoảng vài inch. Và trong đời sống hiện đại, những vật phát ra từ trường luôn có mặt nhan nhản khắp mọi nơi - cầu dao điện, máy vi tính, mô tơ điện, điện thoại di động, đài thu thanh - chuyện tìm một địa điểm kín đáo để nạp năng lượng chẳng có gì là khó. Một khi vi-robot-bay được đưa vào một khu vực nào đó, nó sẽ liên tục truyền về những tín hiệu hình ảnh và âm thanh.
Vi-robot-bay PH2 của lực lượng Delta đã hoạt động hơn một tuần nay mà chưa hề gặp bất kỳ trục trặc nào.
Lúc này, vi-robot-bay đang lặng lẽ bay lượn trong căn phòng chính của ngôi nhà, y hệt như lũ côn trùng bay lượn trong các hang hốc tự nhiên. Với tầm quan sát rộng như của loài chim, nó đang lặng lẽ lượn trên đầu những người làm việc trong căn phòng – các kỹ thuật viên, các nhà khoa học, các chuyên gia trong những lĩnh vực khác nhau. PH2 đã lượn thêm một vòng nữa, và Delta-Một chỉ vào hai người với khuôn mặt quen thuộc đang hào hứng nói chuyện. Giả sử đây là một cuộc nói chuyện bí mật. Anh bảo Delta-Hai cho máy sà thấp xuống để nghe câu chuyện của họ.
Dùng cần điều khiển. Delta-Hai bật bộ cảm biến âm của robot, điều chỉnh cái chảo thu hình parabol trên đầu nó, rồi ra lệnh cho nó hạ độ cao xuống còn cách đỉnh đầu hai nhà khoa học khoảng hơn một mét, âm thanh khá yếu, nhưng họ vẫn có thể nhận ra từng lời nói của hai người kia.
- Tôi vẫn chưa thể tin nổi điều đó. - Một nhà khoa học nói. Giọng nói cho thấy niềm phấn khích trong lòng ông ta chưa hề giảm chút nào mặc dù nhà khoa học này đã ở căn cứ được hai ngày trời.
Người đang nói chuyện với ông ta cũng thể hiện sự phấn khích không kém.
- Ông đã bao giờ nghĩ rằng sẽ được chứng kiến một sự kiện kiểu này không?
- Không bao giờ. - Nhà khoa học hào hứng đáp lời. - Quả là một giấc mơ kỳ diệu.
Delta-Một không cần nghe thêm nữa. Rõ ràng là bên trong toà nhà đó, tất cả đang diễn ra theo đúng kế hoạch. Delta- Hai điều khiển con robot về vị trí ẩn nấp. Anh lệnh cho nó hạ cánh xuống một cái ống khá kín đáo sau máy phát điện. Pin nhiên liệu của PH2 lập tức tái nạp năng lượng để sẵn sàng cho điệp vụ thứ hai.


Đầu óc Rachel Sexton như mụ đi vì những sự kiện dồn dập sáng hôm nay. Chiếc trực thăng đang xé đôi bầu trời, lao thẳng về phía vịnh Chesapeake, cô chợt nhận thấy mình đang bị đưa về một hướng hoàn toàn khác. Cảm giác mụ mị ngay lập tức nhường chỗ cho sự hoang mang lo lắng.
- Này! - Cô kêu lên thật to để gọi anh chàng phi công, - Anh đang làm cái gì thế hả? - Tiếng cánh quạt quay phần phật gần như át hẳn tiếng nói của Rachel. - Đáng nhẽ anh phải đưa tôi đến Nhà Trắng cơ mà!
Viên phi công lắc đầu.
- Xin lỗi quý cô, sáng nay Tổng thống không có mặt tại Nhà Trắng.
Rachel cố nhớ lại xem Pickering có trực tiếp nhắc đến Nhà Trắng không, hay đấy chỉ là do cô tự suy diễn ra thế. - Thế Tổng thống đang ở đâu?
- Cô sẽ gặp ông ấy ở nơi khác ạ.
Quái quỉ.
- Ở đâu?
- Sắp đến rồi đấy ạ.
- Tôi không hỏi anh chuyện ấy.
- Còn có 16 dặm nữa thôi,, thưa cô.
Rachel giận dữ nhìn anh ta. Gã này đáng ra phải làm chính trị gia mới đúng.
- Chắc anh tránh đạn cũng tài tình như tảng lờ câu hỏi của người khác đấy nhỉ!
Viên phi công không nói gì.
Sau không đầy bảy phút, chiếc phi cơ đã vượt qua vịnh Chesapheake. Đến gần bờ biển, viên phi công cho máy bay nghiêng cánh và men theo bờ một bán đảo nhỏ. Rachel thấy ở đó có khá nhiều đường băng và những toà nhà của quân đội. Viên phi công bắt đầu hạ độ cao, và cô bắt đầu nhận ra đó là nơi nào. Có tới sáu bệ phóng tên lửa, những quả rốc két cháy đen, và trên một mái nhà bằng tôn có sơn hàng chữ lớn: ĐẢO WALLOP.
Đảo Wallop là một trong nhiều bãi phóng tên lửa đầu tiên của NASA. Căn cứ này ít bị báo chí để mắt tới, và hiện được dùng làm bãi phóng vệ tinh nhân tạo, và làm nơi kiểm tra những mô hình phi cơ mới.
Tổng thống đang ở đảo Wallop? Thật khó hiểu.
Viên phi công cho máy bay lượn một vòng quanh ba đường băng chạy suốt chiều dài của bán đảo. Có lẽ họ sắp hạ cánh xuống cuối đường băng giữa. Anh ta bắt đầu giảm tốc độ.
- Cô sẽ gặp Tổng thống trong văn phòng!
Rachel quay lại, băn khoăn không biết anh chàng này đùa hay thật.
- Tổng thống Mỹ có một phòng làm việc trên đảo Wallop hay sao?
Trông anh ta rất nghiêm túc.
- Tổng thống của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ có văn phòng ở bất cứ nơi nào ông ấy muốn, thưa quý cô.
Anh ta chỉ về phía cuối đường băng. Hình thù to lớn của thân chiếc máy bay khiến tim Rachel gần như ngừng đập. Từ cách xa ba trăm thước, cô đã nhận ra chiếc phi cơ 747 màu lam nhạt được thiết kế riêng cho Tổng thống.
- Tôi sẽ gặp ông ấy ở…
- Vâng, thưa cô… ở trong ngôi nhà biết bay của ông ấy.
Rachel nhìn như bị hút hồn. Chiếc máy bay danh giá này đã được các công ty của Bộ Quốc phòng thiết kế. Số hiệu của nó là VC-25-A, và công chúng thường chỉ được biết cái tên thông thường của nó: Chuyên cơ số Một.
- Có vẻ như hôm nay cô sẽ lên chiếc phi cơ mới đấy. - Viên phi công chỉ tay về phía đuôi máy bay.
Rachel lơ đãng gật đầu. Rất ít người biết rằng Tổng thống Mỹ có hai Chuyên cơ số Một chứ không phải là một - giống hệt nhau, đều cùng loại 747-200-BS, một chiếc có số hiệu 28000, chiếc kia mang số 29000. Cả hai đều có tốc độ bay tối đa 600 dặm một giờ, đều có cơ chế tiếp xăng trên không, và đều có tầm bay không hạn chế.
Chiếc máy bay trực thăng của họ dừng bánh trên đường băng ngay cạnh Chuyên cơ số Một, và tầm vóc đồ sộ đáng kinh ngạc của nó khiến Rachel hiểu vì sao người ta vẫn ví chiếc máy bay này là ngôi nhà di động của Tổng thống.
Khi ra nước ngoài đàm phán với các nguyên thủ quốc gia, Tổng thống thường viện lí do an ninh để yêu cầu tố chức buổi gặp mặt ngay trên chiếc máy bay này. Dĩ nhiên lí do an ninh là có thật, nhưng chắc chắn động cơ chính của yêu sách ấy là để giành thế chủ động trước đối phương bằng cách gây ấn tượng mạnh. Chuyên cơ số Một rõ ràng là gây ấn tượng mạnh hơn Nhà Trắng. Hàng chữ lớn, nối bật dọc theo thân máy bay: "HỢP CHÚNG QUỐC HOA KỲ". Một nữ thành viên nội các đã từng cáo buộc Tổng thống Nixon vì đã phô phang cái đàn ông của mình trước mặt bà ta khi ông mời bà lên chiếc chuyên cơ này để họp. Và về sau, phi hành đoàn đã tếu táo đặt cho chiếc chuyên cơ này biệt danh "Của quý to".
- Chào cô Sexton! - Một nhân viên mật vụ xuất hiện bên ngoài chiếc máy bay và mở cửa cho cô. - Tổng thống đang đợi cô.
Rachel bước xuống khỏi trực thăng và nhìn những bậc cầu thang dẫn lên chiếc phi cơ đồ sộ. Trông như tượng "Linga" của những người thco chủ nghĩa phồn thực. Cô đã từng nghe người ta nói rằng Phòng Bầu dục bay có tổng diện tích lên tới những bốn ngàn foot vuông, có bốn phòng ngủ riêng, chỗ nghỉ cho đội bay hai mươi sáu người, và hai phòng bếp trên chuyên cơ có thể phục vụ tới 50 người.
Nhân viên mật vụ theo sát gót Rachel khi cô lên cầu thang, như thể muốn thúc giục cô đi nhanh hơn nữa. Phía trên, cánh cửa ca bin mở sẵn trông chẳng khác gì một vết xước bé nhỏ trên thân máy bay khổng lồ màu xám bạc. Gần đến lối vào mờ tối đó, Rachel cảm thấy sự tự tin trong cô bắt đầu tan dần.
- Bình tĩnh nào, Rachel, chỉ là một chiếc phi cơ thôi mà.
Lên đến nơi, nhân viên mật vụ lịch sự khoác tay Rachel và dẫn cô vào một hành lang rất hẹp. Họ rẽ phải, đi một đoạn ngắn, rồi bước vào căn phòng rộng rãi sang trọng. Rachel lập tức nhận ra căn phòng, nó đã được chụp ảnh rất nhiều lần.
- Cô hãy đợi ở đây. Nhân viên mật vụ biến mất.
Còn lại mình Rachel trong ca bin lát gỗ phía trước của Chuyên cơ số Một. Căn phòng này vốn được dùng để hội họp tiếp đãi những nhân vật quan trọng, và rõ ràng là để khiến cho những người chưa vào đây bao giờ phải cảm thấy choáng ngợp. Bề dài của căn phòng chiếm toàn bộ chiều ngang thân máy bay, và tấm thảm da màu nâu nhạt trải trên sàn cũng vậy. Đồ đạc bày trong phòng đều rất đẹp và đắt tiền - những chiếc ghế bành bọc da thuộc mềm được xếp quanh một chiếc bàn lớn hình bầu dục, những chiếc đèn sàn bằng đồng bóng loáng đặt sát một đi văng lớn, và những cái li có hoa văn chạm khắc thủ công được xếp ngăn nắp trên một quầy bar bằng gỗ gụ.
Rõ ràng là người thiết kế chiếc máy bay đã bài trí phòng ca bin trước một cách kỹ lưỡng để tạo ra cảm giác về sự ngăn nắp hài hoà với sự yên tĩnh. Tuy nhiên, yên tĩnh là cảm giác mà Rachel không tài nào cảm thấy vào giờ phút này. Ý nghĩ duy nhất có thể lọt vào đầu cô lúc này là không biết bao nhiêu nguyên thủ quốc gia đã từng ngồi trong chính căn phòng này, và đã đưa ra những quyết sách làm thay đổi cả thế giới.
Mọi thứ trong phòng đều toả ánh hào quang của quyền lực, từ chiếc hộp đựng thuốc lá thoảng hương trên bàn đến biểu tượng của Tổng thống trên tất cả đồ đạc. Hình Chú Chim đại bàng quắp những mũi tên bên cành liễu được thêu trên những chiếc gối dựa, khắc trên những chiếc khay đựng đá, thậm chí trên cả những tấm lót cốc bày trên quầy bar. Rachel nhấc một tấm lên xem.
- Đã bắt đầu ăn trộm đồ lưu niệm rồi? - Một giọng nói trầm trầm vang lên ngay cạnh Rachel.
Giật mình, cô quay lại, làm rơi tấm lót cốc xuống sàn, rồi vụng về cúi xuống nhặt lên. Chạm tay vào tấm lót cốc trên mặt sàn, cô quay lại nhìn, và thấy ngài Tổng thống đang cúi xuống nhìn mình với nụ cười láu lỉnh.
- Tôi không phải là thành viên Hoàng gia, thưa cô Sexton. Không cần phải quỳ gối đâu.


Thượng nghị sĩ Sedgewick Sexton thư thái ngả người trên lớp đệm ghế bọc da sang trọng khi chiếc xe Lincoln rất dài nhẹ nhàng lướt đi giữa dòng xe cộ buổi sáng ở Washington, đưa ông đến văn phòng. Cùng ngồi trong xe là Gabrriel Ashe, cô thư ký riêng mới 24 tuổi, đang đọc cho ông nghe lịch làm việc trong ngày. Sexton nghe một cách lơ đễnh.
Wasshington thật đáng yêu. Ông thầm nghĩ, mắt ngắm nhìn thân hình hoàn hảo của cô thư ký sau làn áo lụa cashmire. Chính trị là loại thuốc tình yêu công hiệu nhất… và nó đã kéo biết bao nhiêu cô gái xinh đẹp nhường này đến thủ đô.
Là thành viên của Hội Những người trồng thường xuân New York, Gabrielle ôm mộng trở thành Thượng nghị sĩ. Cô bé sẽ đạt được điều đó, ông nghĩ. Gabrielle có vẻ đẹp hiếm có và trí óc sắc sảo của một nghị sĩ. Quan trọng hơn cả là cô rất biết luật chơi.
Gabrielle mang dòng máu lai da đen, nhưng nước da nâu sáng cho thấy sự vượt trội của dòng máu da trắng trong huyết quản cô gái lai này. Thượng nghị sĩ Sexton biết những người đàn ông da trắng có thể thoả thuê yêu đường làn da màu gỗ quế kia mà không sợ mang tội phản bội giống nòi. Ông đã kể với một người bạn của mình rằng Gabrielle có vẻ đẹp của Halle Berry, cùng với bộ óc và tham vọng của Hillary Clinton. Nhưng đôi khi Thượng nghị sĩ cho rằng nói như vậy vẫn là quá khiêm tốn.
Kể từ khi được giao vị trí thư ký riêng của ông cách đây ba tháng. Gabrielle đã tỏ ra là món quà trời cho của Thượng nghị sĩ. Một chi tiết cũng không kém phần quan trọng là cô làm không lấy công.
Đổi lại mười sáu giờ làm việc cật lực một ngày, cô được học hỏi kinh nghiệm về luật chơi của một nghị sĩ dày dạn.
Dĩ nhiên, ông thầm nghĩ, mình đã thuyết phục để cô bé không chỉ giúp mình trong công việc đơn thuần. Sau khi bổ nhiệm Gabrielle làm thư ký, ông đã báo cô đến dự một cuộc họp định hướng rất khuya trong văn phòng. Y như phỏng đoán của ông, cô bé hăm hở đến, sốt sắng muốn làm hài lòng ngài Thượng nghị sĩ. Với sự kiên trì rèn luyện được sau nhiều thập niên, Sexton thể hiện vai diễn một cách điêu luyện…, chậm rãi gây dựng lòng tin đối với cô bé, gỡ bỏ từng chút một sự dè dặt trong lòng cô gái trẻ, dần dần chế ngự, rồi cuối cùng chiếm đoạt Gabrielle ngay trong văn phòng của ông.
Sexton tin chắc rằng đó là đêm ân ái tràn trề hoan lạc nhất trong đời cô bé, ấy thế mà ngay sáng hôm sau, Gabrielle đã tỏ ra rất hối hận về sự thiếu chín chắn của mình. Quá bối rối, cô bé thậm chí còn định xin bỏ việc. Sexton không đồng ý. Thế là Gabrielle vẫn giữ nguyên vị trí của mình, nhưng từ đó đến nay cô luôn thể hiện rõ quan điểm: mối quan hệ của họ thuần tuý chỉ là công việc.
Đôi môi gợi cảm của Gabrielle vẫn đang nói.
- Thượng nghị sĩ không nên tỏ ra đa cảm trong buổi phỏng vấn trên đài CNN chiều nay. Đến giờ, chúng ta vẫn chưa biết Nhà Trắng cử ai tới để tranh luận với ngài. Ngài hãy xem qua những điểm quan trọng tôi đã chuẩn bị sẵn ra đây. - Cô bé đưa cho ông một tập tài liệu.
Sexton với lấy tập tài liệu, nhân thể tận hưởng mùi nước hoa toả ra từ cô bé quyền lẫn với mùi da bọc của những chiếc ghế sang trọng.
- Hình như ngài không đế ý nghe thì phải? - Cô gái nói.
- Tôi đang nghe đây mà. - ông ta cười nhăn nhở. - Không cần phải lo lắng về cuộc tranh luận trên đài CNN. Trường hợp xấu nhất là Nhà Trắng chơi tôi bằng cách phái một nhân vật tầm thấp đến. Tình huống đẹp nhất là họ cử một nhân vật quan trọng đến, và dĩ nhiên tôi sẽ xẻ thịt ông ta để nấu bữa trưa.
Gabrielle nhíu mày:
- Thế thì tốt. Tôi đã liệt kê ra đây những đề tài gai góc nhất rồi.
- Vẫn như mọi khi chứ gì?
- Thêm một đề tài mới ạ. Tôi cho là ngài có thể bị soi mói vì câu nói sơ hở về cộng đồng người đồng tính trong lần phỏng vấn của Larry King. - Sexton nhún vai lơ đễnh.
- Đúng rồi, vẫn đề tài hôn nhân đồng tính.
Gabrielle nhìn ông vẻ không đồng tình.
- Thượng nghị sĩ đã công kích họ khá gay gắt đấy ạ.
Hôn nhân đồng tính, Sexton chợt cảm thấy kinh tởm. Nếu mình mà có quyền quyết định thì lũ quỷ đồng dâm đó còn không được quyền đi bầu cử ấy chứ.
- Được rồi, tôi sẽ cố mềm mỏng hơn.
- Thế thì tốt. Dạo này ngài đã thành công trong việc thu hút sự chú ý vào một số vấn đề nóng. Nhưng không được tỏ ra tự phụ. Công chúng có thể thay đổi ý kiến bất kỳ lúc nào. Ngài đang thắng thế, và đang trên đà thuận lợi. Nên cố gắng duy trì. Hôm nay nên cố gắng tập trung vào điểm đó. Phải sứ dụng triệt để những vấn đề này.
- Có tin gì từ Nhà Trắng không?
Gabrielle có vẻ hơi bối rối.
- Vẫn im hơi lặng tlếng. Tình hình đã rõ. Đối thủ của ngài đã trở thành Người Vô Hình rồi.
Sexton không thể tưởng tượng là mình lại may mắn đến thế.
Suốt nhiều tháng ròng, Tổng thống đã đầu tư công sức cho chiến dịch tranh cử. Thế rồi cách đây một tuần, ông ta bắt đầu tự giam mình trong phòng bầu dục, và suốt từ đó không ai nghe tin hay nhìn thấy ông ta đâu cả. Như thế Tổng thống không thể chịu đựng được khi thấy số phiếu dành cho Sexton tăng lên từng ngày.
Gabrielle đưa tay vuốt mái tóc đen mượt mà:
- Nghe nói uỷ ban tranh cử của Nhà Trắng cũng sững sờ chẳng khác gì chúng ta. Tổng thống không chịu giải thích vì sao ông ta lại xử sự như vậy, và tất cả đều đang rất tức tối.
- Cô có giả thuyết gì không?
Gabrielle ngước cặp kính rất trí thức lên nhìn ông.
- Sáng nay tôi được một người quen trong Nhà Trắng thông báo một tin rất thú vị, thưa Thượng nghị sĩ.
Sexton hiểu ánh mắt ấy. Gabrielle Ashe lại moi được tin từ một nguồn trong Nhà Trắng. Không hiểu cô gái này có quan hệ kiểu trăng gió với một gã nào đó trong đội quân vận động tranh cử của Tổng thống không. Ông không can biết, miễn là có được thông tin.
- Có tin đồn rằng - trợ lý của ông hạ giọng - Tổng thống bắt đầu xử sự kỳ quặc kiểu đó sau một cuộc nói chuyện riêng chớp nhoáng với một quan chức cao cấp của NASA. Sau cuộc gặp đó trông ông ấy có vẻ hơi choáng váng. Ngay sau đó ông ta huỷ bỏ mọi cuộc gặp khác và từ hôm ấy chỉ tiếp xúc với mỗi NASA thôi.
Sexton dĩ nhiên là rất thích điều này.
- Liệu có phải NASA lại có thêm tin xấu gì không nhỉ?
Đó là cách giải thích hợp lí nhất. - Gabrielle nói đầy hi vọng.
- Tin tức đó phải quan trọng lắm thì Tổng thống mới vứt bỏ mọi thứ khác như thế.
Sexton cân nhắc. Hiển nhiên là mọi thứ liên quan đến NASA đều là tin xấu. Nếu không thì Tổng thống đã ném thẳng tin tốt đầu tiên ông ấy nhận được vào giữa mặt mình. Gần đây ông đã công kích Tổng thống một cách gay gắt vì vấn đề ngân sách cho NASA. Rất có khả năng những thất bại liên tiếp cùng với những khoản bội chi của cơ quan này sẽ trở thành điểm then chốt trong chiến dịch tuyên truyền của ông về hiệu quả làm việc thấp và quản lý ngân sách yếu kém của Chính phủ. Phải thừa nhận rằng không ai dám tin là việc chĩa mũi dùi vào NASA, niềm tự hào của người Mỹ, lại có thể giúp bất kỳ chính trị gia nào ghi điểm. Nhưng Sexton có một thứ vũ khí mà không một chính trị gia nào khác có được, đó chính là Gabrielle Ashe với những linh cảm tuyệt vời. Cô gái hiểu biết này đã thu hút sự chú ý của Sexton khi đang làm cộng tác viên cho văn phòng vận động tranh cử của Sexton ở Washington. Đúng vào lúc Sexton đang ì ạch nhích từng điểm một trong các kỳ thăm dò tín nhiệm, khi chẳng ai buồn để ý đến luận điểm của ông về thâm hụt ngân sách, Gabrielle đã gửi thư cho ông và đề xuất một ý tưởng rất mới cho chiến dịch tranh cử của ông. Cô thuyết phục Thượng nghị sĩ rằng ông nên công kích vào những khoản bội chi khổng lồ của NASA và coi những duyệt chi bổ sung của Chính phủ như một bằng chứng cho cung cách chi tiêu luộm thuộm của Tổng thống Herney.
"NASA ngốn một khoản tiền khổng lồ" - Gabrielle đã viết như vậy và cô gửi kèm trong thư một danh sách, những khoản chi, những thất bại và những khoản duyệt chi bổ sung. – "Các cử tri không hề biết. Và họ sẽ cảm thấy kinh hãi. Tôi cho rằng Thượng nghị sĩ nên biến NASA thành một vấn đề chính trị".
Thượng nghị sĩ Sexton rên lên khi đọc ý tưởng đó. "Làm thế thì có khác gì công kích người ta chỉ vì họ hát Quốc ca trước khi chơi bóng chày cơ chứ".
Trong những tuần tiếp theo, Gabrielle tiếp tục gửi cho ông những tài liệu liên quan đến NASA. Càng đọc nhiều tài liệu, ông càng nhận thấy Gabrielle có lí. Dù có dựa trên tiêu chuẩn của một cơ quan chính phủ đi nữa thì NASA vẫn là một cỗ máy ngốn tiền khổng lồ: tốn kém, không hiệu quả, và trong những năm gần đây thì lãng phí tràn lan.
Một hôm, trong buổi phỏng vấn truyền hình, ông bị phóng viên gạn hỏi về việc sẽ lấy tiền đâu ra để để trang trải cho việc sửa chữa các trường học theo như lời ông hứa. Ông quyết định dùng lý lẽ của Gabrielle về NASA để đáp lại nửa đùa nửa thật.
- Tiền cho giáo dục à? - ông nói. - Có thể tôi sẽ cắt giảm một nửa số chương trình vũ trụ của NASA. Tôi tính rằng nếu NASA có thể chi mười lăm tỉ đô la một năm trong vũ trụ thì tôi cũng có thể chi bảy tỉ rưỡi vào những khoản phục vụ lũ trẻ ngay trên mặt đất này.
Trong trường quay, người phụ trách chiến dịch tranh cử của Sexton thở dốc khi nghe thấy lời nhận xét bất cẩn đó. Toàn bộ chiến dịch có thể thành xôi hỏng bỏng không chỉ vì một phát đạn bắn bừa vào NASA. Ngay lập tức, các đường dây nóng của chương trình bắt đầu đổ chuông. Các trợ lí tranh cử của ông co rúm lại, tưởng những kẻ say mê vũ trụ bắt đầu bủa vây.
Nhưng một điều bất ngờ đã xảy ra.
- Mười lăm tỉ một năm cơ à? - Người đầu tiên gọi đến có vẻ rất ngạc nhiên.
- Đúng là tiền tỉ chứ? Có phải Thượng nghị sĩ vừa nói rằng lớp học toán của con trai tôi bị lèn chặt cứng vì nhà trường không đủ tiền thuê giáo viên giỏi, trong khi NASA chi mười lăm tỉ một năm chỉ để chụp ảnh mấy đám bụi trong vũ trụ không?
- Sự thật, đúng là như vậy! - Sexton thận trọng đáp.
- Thật ngớ ngẩn! Thế Tổng thống có quyền can thiệp vào chuyện đó không?
- Dĩ nhiên là có. - Ông đáp, lấy lại vẻ tự tin. - Tổng thống có quyền không thông qua dự toán ngân sách cho những cơ quan chính phủ mà ông ấy cho là chi tiêu quá mức cần thiết.
- Thưa Thượng nghị sĩ Sexton, tôi sẽ bỏ phiếu cho ngài. Mười lăm tỉ để nghiên cứu vũ trụ, trong khi con cái chúng ta không có đủ giáo viên. Thật phi lí. Xin chúc Thượng nghị sĩ may mắn. Hi vọng ngài sẽ là người chiến thắng.
Người thứ hai gọi đến.
- Thưa Thượng nghị sĩ, tôi nghe nói sân bay Vũ trụ quốc tế NASA đang chi nhiều hơn ngân sách được cấp, và Tổng thống đang xem xét duyệt chi bổ sung khẩn cấp để duy trì dự án đó. Có đúng thế không ạ?
Sexton chớp ngay lấy cơ hội.
- Hoàn toàn đúng! - Ông giải thích rằng dự án này lúc đầu là một liên doanh trong đó 12 chính phủ sẽ cùng nhau chi tiền. Nhưng khi bắt đầu triển khai xây dựng, các khoản chi tăng vọt không kiểm soát được, và nhiều quốc gia đã phải bỏ cuộc. Thay vì huỷ bỏ dự án, Tổng thống quyết định chi nốt phần của những quốc gia khác ông tuyên bố: "Từ mức dự tính ban đầu là tám tỉ đô la, chi phí cho dự án ISS đã lên đến một trăm tỉ!"
Người đang đối thoại với ông có vẻ tức giận.
- Thế tại sao Tổng thống không huỷ bỏ dự án đó?
Sexton ao ước được ôm hôn anh ta.
- Câu hỏi cực hay. Chẳng may là một phần ba lượng vật liệu cần thiết đã được chở lên vũ trụ rồi, và Tổng thống đã dùng tiền thuế của quý vị để chuyên chở chúng lên đó, nên việc huỷ bỏ dự án cũng có nghĩa là ông ấy đã sai lầm một cách ngớ ngẩn và lãng phí tiền thuế của quý vị.
Thêm nhiều người nữa gọi đến. Lần đầu tiên người Mỹ nhận ra rằng NASA không phải là cái nghiễm nhiên buộc phải tồn tại, rằng chính họ có quyền lựa chọn.
Ngoại trừ một số cuộc gọi cá biệt muốn bảo vệ NASA nêu lên những ý tưởng lãng mạn về nhu cầu hiểu biết vô hạn của loài người, còn đa số mọi người đều thống nhất quan điểm. Đến cuối chương trình thì chiến dịch tranh cử của Sexton đã bước vào một giai đoạn mới đầy thuận lợi với một điểm nhấn mới nóng hổi - một vấn đề chưa có ai nhắc đến bao giờ, một vấn đề gây ấn tượng mạnh với cử tri.
Trong những tuần tiếp theo, Sexton thắng đậm các đối thủ của mình trong cả năm hội nghị tuyển lựa ứng cử viên của đảng. Ông tuyên bố Gabrielle Ashe là trợ lý riêng của mình trong chiến dịch tranh cử, và ngợi khen cô vì đã có công đưa vấn để NASA đến với cử tri. Chỉ một cử chỉ đơn giản đó của ngài Thượng nghị sĩ đã biến cô gái gốc Phi trẻ trung thành một ngôi sao mới trên chính trường, và quá khứ phân biệt chủng tộc cũng như kỳ thị giới tính của ông biến mất trong chốc lát.
Giờ đây, đi cùng cô gái trên một chiếc xe, Sexton biết rằng Gabrielle lại một lần nữa chứng tỏ giá trị của mình. Thông tin mà cô thu thập được về cuộc gặp bí mật giữa Giám đốc NASA và Tổng thống dĩ nhiên cho thấy NASA lại đang có vấn đề - biết đâu một quốc gia nữa lại vừa tỏ ý muốn rút khỏi dự án sân bay vũ trụ.
Chiếc xe lướt qua tượng đài Washington, và Thượng nghị sĩ Sexton cảm thấy chiếc ghế Tổng thống chắc chắn không thể vuột khỏi tay ông.



***Xem trang:
[1][2][3][4][5][6][7][8][9][10][11][12][13][14][15][16][17][18][19][20]
[21][22][23][24][25][26][27][28][29][30][31][32][33][34][35][36][37][38][39][40][41][42][43]

TOP WAP WORLDWIDE


mobiV trang ch

© GIAITRI102.TK
Thanks to XTGEM