Lamborghini Huracán LP 610-4 t
Không bấm vùng phía trên kẻo mất tiền nhé!

ĐÊM CUỐI Ở MẠC TƯ KHOA:
Văn Bình đau nhói ở đan điền như vừa bị một tay cao thủ đánh vào huyệt đạo. Chàng đau nhói không phải vì nhìn thấy cô gái khả ái hồi nãy đã trở thành tội phạm của KGB, thân thể trần truồng, hai bàn tay xinh xắn bị còng tréo nằm tênh hênh trên mặt đất. Làn da trắng muốt của nàng in hằn những vạch dài ngoằn ngoèo như một đàn rắn đỏ, chứng tích của trận đòn tra tấn bằng roi gân bò.
Văn Bình đã biết rõ tác dụng của roi gân bò KGB. Loại roi này được ngâm nhiều giờ trong nước muối pha dấm thanh để giữ được tính chất vừa mềm vừa cứng. Chỉ vung roi lên là nghe tiếng vun vút ghê rợn, kẻ yếu bóng vía đã rụng rời tay chân, da thịt nổi gai ốc, chứ đừng nói là bị đánh nữa. Mỗi lằn roi quất lên thân thể là một vệt đỏ sưng vù, màu đỏ biến thành màu tím bồ quân rồi máu đen, nạn nhân đau đớn từ xương tủy ra đến bì phu, hàng tháng cũng chưa bình phục. Nhân viên KGB phụ trách việc xử dụng roi gân bò lại được huấn luyện thành thạo, họ không giáng xuống tận lực mà chỉ từ tốn quất vào những bộ phận yếu kém trên cơ thể, nơi có nhiều đầu dây thần kinh nhất.
Sở dĩ Văn Bình đau nhói ở đan điền là vì hình ảnh cô gái diễm lệ lõa lồ vừa nhắc chàng nhớ lại dĩ vãng. Phòng chàng tại khách sạn Metropole mang số 413, con số mà bất cứ điệp viên tây phương nào hoạt động bí mật ở Mạc tư khoa trong thời chiến hậu đều ghi khắc trong tâm khảm, vì 413 là số phòng của thiếu tá Kirilốp, sĩ quan KGB.
Năm 1940, Nôra, nữ vũ viên sô viết, liếc mắt đưa tình với một tùy viên sứ quán Anh quốc, nhân viên MI-6, tên là Murray, ngụ tại khách sạn Metropole. Nàng chinh phục Murray dễ dàng nhờ nàng có tấm thân khá đẹp. Nàng không phải là nhân viên mật vụ, song mật vụ đã bắt nàng phải chài Murray cho họ. Và kết cuộc là Murray vô tình trở nên một nguồi tin quý giá của mật vụ sô viết …
Văn Bình nhớ lại lúc cô gái bồi phòng nẩy nở run rẩy trong vòng tay của chàng trong căn phòng mang số định mạng 413. Nina có phải là tổ viên gián điệp của phe Penkốpky không? Hay nàng là nhân viên KGB đóng trò khổ nhục kế?
Đầu óc chàng rối beng. Chàng bỗng cảm thấy thương mến nàng vô hạn.
Bôrết dí mũi giầy vào bộ ngực căng cứng của Nina, giọng đểu cáng:
- Ngon như thế này mà chết thật uổng !
Nina nằm thiêm thiếp, hai mắt nhắm nghiền. Có lẽ nàng bị đánh đau quá nên ngất đi. Bộ ngực tròn trịa của nàng lên xuống phập phồng như mời mọc Văn Bình. Một vết roi nằm chặn lên núm vú bên trái, máu đỏ đang chảy ri rỉ. Niềm bất nhẫn dâng cao trong lòng Văn Bình, con người từng nổi tiếng có trái tim bằng đá.
Chàng vội hỏi Bôrết:
- Anh định giết nàng?
Bôrết cắn điếu xì-gà còn nguyên chưa đốt:
- Dĩ nhiên. Theo luật pháp sô viết, bọn gián điệp đều bị hành quyết bất luận là tội nặng hay nhẹ. Đồng lõa của chúng cũng bị hành quyết.
Giọng Văn Bình run run:
- Nghĩa là …
- Nghĩa là anh cũng sẽ bị hành quyết. Vì anh là đồng lõa của con bé Nina.
- Nàng khai ra tôi?
- Thành thật là chưa. Nhưng lát nữa, khi tỉnh dậy nàng sẽ khai. Phiên tòa sẽ nhóm xử trong tuần tới. Anh như toán quân bị vây hãm bốn bề, tiến cũng chết mà thoái cũng chết. Tuy nhiên, tôi sẵn sàng xóa hết tội lỗi cho anh, miễn hồ …
- Tôi đã nhắc đi nhắc lại mấy lần rồi. Tôi sẵn sàng hợp tác với các anh. Còn về số phận Nina …
- Nina không dính dáng đến vụ này. Nàng là công dân sô viết. Tòa án sô viết không thể gượng nhẹ với nàng. Nàng phải bị xét xử. Nàng sẽ bị lôi ra pháp trường đền tội để làm gương cho kẻ khác. Cái chết của nàng sẽ làm dư đảng Penkốpky thụt vòi.
- Tội nghiệp cho nàng quá !
- Kể ra tôi cũng tội nghiệp cho nàng. Song luật pháp là luật pháp, tôi không thể vị tình riêng mà …
- Tôi van anh, tôi lạy anh … anh hãy tỏ lòng khoan hồng mà tha cho nàng.
- Không được đâu. Tôi chưa phải là thủ lãnh an ninh cao cấp ở Mạc tư khoa. Trên tôi còn có nhiều người quan trọng hơn nữa.
- Anh sẽ trình bày lý do trả tự do cho thượng cấp hiểu.
- Ồ, anh đã sống trong nghề tình báo chắc không lạ gì vấn đề đổi chác. Tôi chỉ có thể yêu cầu thượng cấp tha mạng sống cho Nina nếu anh nhận hết các điều kiện của tôi …
- Trời ơi !
- Anh đừng lo. Điều kiện của tôi không đến nỗi hóc búa lắm đâu. Trước anh, nhiều nhân viên gián điệp tây phương cũng đã nhận. Chúng tôi đối xử với nhân viên ngoại quốc rất hậu. Thế nào anh bằng lòng hay từ chối?
Văn Bình nín lặng. Bôrết nói tiếp:
- Tục ngữ Nga có câu “im lặng là bằng lòng”. Vả lại, bất cứ ai ở địa vị anh trong lúc này cũng bằng lòng. Công việc xong, anh xẽ được tự do về Mỹ, ngoài ra, anh còn được thưởng một số tiền lớn.
- Còn bản khế ước với bộ Ngoại thương?
- Sáng mai, anh ký cũng chưa muộn. Bản khế ước này sẽ giúp anh đi về nhiều lần không sợ bị nghi ngờ. Nếu tôi tính không lầm thì sau khi khấn trừ các phí tổn quảng cáo trên báo chí, truyền thanh và truyền hình, công ty Maxman còn lời chừng 50.000 đô-la.
- Anh tính rất đúng.
- Trong số 50.000 đô-la, công ty sẽ chia cho anh 20%, nghĩa là 10.000. Chúng tôi quyết định thưởng anh 50.000 riêng nữa ; vị chi chuyến này anh hốt được cả thảy 60.000 đô-la. Với món tiền này anh có thể tậu được một biệt thự lớn. Trong tương lai, anh còn được lãnh nhiều món tiền khác nữa. Thành thật mà nói, tôi có đủ áp lực bắt anh phải làm theo ý muốn ; riêng một vụ ân ái với Vêlana ngay tại văn phòng Sở Phát triển Ngoại thương đã đủ, phương chi còn có lời khai của Nina trong điệp vụ Bống Ma do C.I.A. bố trí với dư đảng Penkốpky nữa … Vậy mà tôi vẫn nghĩ đến thưởng tiền, thưởng thật nhiều tiền. Sự biệt đãi này cần được anh ghi nhớ. Thử hỏi có bao giờ C.I.A. thưởng cho anh 60.000 đô-la cho một công tác không?
- Thưa anh không. Không bao giờ.
- Dĩ nhiên. Hạng nhân viên giao liên như anh chỉ được trả lương tháng 1.000 đô-la là nhiều nhất. Nhân viên tân nhập lãnh chừng 3 đến 500 đô-la. Còn ăn lương từng vụ thì chuyến đi sang Mạc tư này anh chỉ có thể lãnh từ 2.000 đến 3.000 đô-la. Bị bắt, hoặc bị đưa ra tòa, hoặc bị chết, anh phải ráng chịu, vì số tiền 3.000 đô-la thâu gồm cả phụ cấp nguy hiểm và bồi thường sinh mạng. Cuộc sống con người đã bị C.I.A. đánh giá tối đa là 3.000 đô-la … Theo anh nhận xét, cơ quan nào hậu hĩ đối với nhân viên, KGB hay CI.A.?
Văn Bình lại nín lặng. Bôrết đã nói đúng phần nào. Độc giả của các bộ truyện gián điệp nổi tiếng thường nghĩ rằng nhân viên do thám tây-phương lãnh lương lớn hơn lương tổng thống Mỹ, nhưng sự thật lại khác hoàn toàn. Họ cũng ăn lương, lương tháng hoặc lương khoán, như mọi nhân viên chức chính quyền khác. Lương họ dĩ nhiên nhiều hơn lương của giới “sớm vác ô đi tối vác về” lại được kèm thêm một số phụ cấp đặc biệt, nhưng chỉ nhiều gấp đôi, gấp ba là cùng. Mang số lương gấp đôi, gấp ba ấy so sánh với tính mạng con người ai cũng thấy là quá rẻ.
Hàng ngàn, hàng vạn nhân viên điệp báo trên thế giới đã chấp nhận số tiền quá rẻ ấy, trong số có Văn Bình. Nếu chàng tiêu xài phung phí, ăn chơi đế vương, đó không phải là do tiền lương mà ra. Mà là những món tiền “trời ơi đất hỡi” do các sở điệp báo bạn trả công.
So sánh tiền lương giữa nhân viên điệp báo tây-phương và cộng sản thì nhân viên cộng sản lãnh nhiều hơn. Song đó chỉ là đặc quyền của một thiểu số. Các cơ quan điệp báo cộng sản như KGB, Smerch, và tình báo Sở thường ăn quỵt tiền thưởng đã hứa.
Bôrết tiến đến trước mặt Văn Bình, và thân mật vỗ vai chàng.
- 60.000 đô-la ! Anh làm việc cả đời như tôi mọi ở Hạ uy di cũng không dành dụm được số tiền khổng lồ ấy. À anh đến An-ba-ni để làm gì nhỉ?
- Cũng như ở Mạc tư khoa. Tôi đến thủ đô An-ba-ni để thương lượng về việc tổ chức một cuộc triển lãm lưu động trên khắp nước Mỹ. Công ty Maxman đòi 300.000 đô-la. Sứ quán An-ba-ni tại Hoa thịnh Đốn chê đắt, họ lại không có quyền định đoạt nên tôi phải đích thân đi Tirana.
- Nghĩa là anh sẽ lưu lại Tirana nhiều ngày?
- Vâng. Chính phủ Anbani rất dễ dãi đối với du khách Mỹ. Họ có cảm tình sẵn với công ty quảng cáo Maxman nên còn dễ dãi với tôi hơn nữa.
- Ngược lại chính phủ Anbani lại coi người Nga như những kẻ phong cùi. Vì, như anh đã biết, họ là đồng minh chặt chẽ của Trung quốc. Tuy mối bang giao với Liên Sô chưa bị gián đoạn trên nguyên tắc nhưng sự gián đoạn đã xảy ra trên thực tế. Họ không ưa gì Mỹ, song họ cần hòa dịu để đáp ứng lại chính sách mới của Mỹ đối với Trung quốc. Từ nhiều năm nay các nhân viên tình báo sô viết không thể hoạt động công khai được nữa.
- Tôi hiểu rồi. Anh muốn nhờ tôi đến Tirana để làm công việc giao liên.
- Chúng tôi không cần anh làm giao liên. Vì hệ thống bí mật của chúng tôi vẫn tiếp tục hoạt động hữu hiệu. Tôi muốn giao cho anh một công việc khác hơn.
- Nguy hiểm?
- Dĩ nhiên. Hoạt động trên đất lạ không có công việc nào là không nguy hiểm. Anh là công dân Mỹ, hoạt động ở Pháp-Anh là những quốc gia đồng minh mà còn nguy hiểm, huống hồ hoạt động ở Anbani, một quốc gia thù nghịch.
- Tôi đến Tirana hoàn toàn với mục đích thương mãi, C.I.A. không yêu cầu tôi liên lạc tình báo ở đó.
- Ấy, tôi chỉ đưa ra một thí dụ. Mật vụ Anbani sẽ không tiếp đón anh một cách nồng hậu nếu họ khám phá ra anh là nhân viên chìm của C.I.A. Nhân tiện, tôi cần báo anh biết là mật vụ Anbani rất tàn nhẫn, còn tàn nhẫn gấp chục lần KGB. Họ không còng tay anh, áp giải ra phi trường, tống xuất anh lên chuyến máy bay sớm nhất đâu. Họ sẽ giam giữ anh hàng tuần, hàng tháng dưới hầm để tra tấn. Họ bắt anh khai sự thật, song khi anh khai sự thật họ lại cho là anh láo, và cuối cùng là họ mang anh ra pháp trường để lăng trì. Mật vụ Anbani họ được nhiều phương pháp tra tấn của Tình báo Sở Trung quốc, nên rất thạo về môn lăng trì. Anh có biết lăng trì là gì không?
Hừ, người Mỹ các anh là một dân tộc văn minh chắc không biết đâu. Để tôi giảng anh nghe. Lăng trì, nghĩa là tùng sẻo, hình phạt kinh khủng nhất của nước Tàu cổ xưa. Nạn nhân bị cắt từng miếng thịt cho đến chết. Trong khám đường của mật vụ Anbani có một khu riêng về lăng trì, dưới sự chỉ dẫn của một cố vấn Trung quốc.
Nạn nhân bị nhốt trong một cái lồng thép mắt cáo như cái áo giáp, lồng thép được xiếp lại thật chặt, làm cho da thịt nạn nhân lồi lên từng cục. Người ta lấy lưỡi dao bén cắt những cục thịt này ra khỏi thân thể, mỗi ngày một cục. Mật vụ Anbani tổ chức những cuộc lăng trì đúng theo truyền thống Trung quốc của thế kỷ thứ 14. Có 4 hình thức lăng trì, từ nặng đến nhẹ, nặng thì bị xẻo 120 miếng thịt, nhẹ hơn thì 72, nhẹ hơn nữa thì 36; nhẹ nhất là 24 miếng. Cuộc tùng xẻo diễn ra theo thứ tự như sau: 1 và 2 là cắt mí mắt; 3 và 4 là xẻo thịt vai; 5 và 6 là xẻo vú; 7 và 8 là xẻo thịt cánh tay; 9 và 10 là xẻo thịt nách; 11 và 12 là xẻo thịt mông đít; 13 và 14 là xẻo bắp chân; 15 và 16 là xẻo gót chân; 17 và 18 là chặt bàn tay …
Văn Bình ngắt lời, sốt ruột:
- Tôi hiểu rồi. Tôi sẽ phải làm những gì ở Tirana?
Bôrết chắt lưỡi:
- Anh không thích nghe thì thôi. Tuy nhiên, anh cũng nên biết thêm là thủ tục lăng trì của Mật vụ Anbani còn chứa đựng nhiều chi tiết thật thú vị. Họ không tuần tự đi từ xẻo mí mắt đến chặt tay chân đâu mà tùng xẻo theo lối xổ số. 24 hoặc 36 con dao được bỏ chung vào một cái hộp lớn, mỗi con dán một mảnh giấy ghi từng bộ phận của cơ thể, nhân viên mật vụ vớ được con dao ghi bộ phận nào thì cắt bộ phận đó. Ôi chao, riêng cái việc lăng trì này cũng kiếm được khối tiền. Muốn được chết ngay, nạn nhân phải hối lộ để con dao thứ nhất rút ra khỏi hộp được mang chử “tim”. Chỉ cần đâm một phát trúng tim là khỏe ru …
Văn Bình dằn nắm tay xuống bàn giấy rầm rầm:
- Nói đi … nói đi … tôi sẽ phải làm những gì ở Tirana?
Bôrết không tỏ vẻ tức giận. Trái lại, hắn còn nhoẻn miệng cười, vui vẻ:
- Tốt lắm, anh cứ tiếp tục đập bàn nữa đi. Cữ chỉ vừa rồi của anh đã chứng tỏ là anh quá sợ. Thần kinh anh đang căng thẳng đến cực độ, nếu tôi kể tiếp về hình phạt lăng trì anh sẽ đứng tim mà chết. Như vậy cũng đã đủ rồi, phải không anh? Nào, bây giờ chúng ta bắt tay vào việc …
Bôrết bấm chuông. Hai vệ sĩ bước vào phòng bằng hai cửa hông đối điện.
Bôrết hất hàm:
- Mang cô gái này ra ngoài, lấy quần áo cho mặc, săn sóc thuốc men và cho ăn uống tử tế, nghe không? À, bưng ghế vào đây … cái ghế dựa thật êm ấy …
Một phút sau, hai gã vệ sĩ đặt một cái ghế dựa lớn bọc da đen trước bàn. Bôrết chìa tay, giọng thân mật:
- Anh ngồi xuống cho đỡ mỏi chân. Tôi sơ ý quá, từ nãy đến giờ bắt anh đứng mãi.
Văn Bình cười thầm. Chàng thừa biết là Bôrết không hề sơ ý. Bắt nạn nhân đứng trong khi hỏi cung là một trong các mánh khóe sơ đẳng của Công an khoa học. Bôrết đánh phủ đầu chàng bằng sự hâm dọa. Giờ đây đến sự mua chuộc.
Bôrết dặn vệ sĩ:
- Ô kìa, tụi mày đứng đó làm gì? Lấy chai vốt-ka ngon nhất của tao ra đây và cả đồ nhắm ngon nhất nữa.
Đoạn quay sang Văn Bình:
- Anh uống rồi sẽ thấy. Khách sạn Metropole là nơi có nhiều thứ rượu vốt-ka thượng hảo hạng. Nhưng họ chỉ có được thứ Cô-sắc mà thôi. Thứ rượu mà Nina bưng lên phòng cho anh (Văn Bình giả vờ nhìn Bôrết bằng cặp mắt sửng sốt pha lẫn sợ hãi). Rượu của tôi là rượu đặc biệt từ Uy-cờ-ren chở tới. Như anh đã hiểu, Uy-cờ-ren là quê hương, là thiên đường của vốt-ka ; trên đất Nga chưa có vùng nào mà rượu vốt-ka đậm đà, hấp dẫn bằng ở vùng Uy-cờ-ren. Chủ tịch đoàn Tối cao Sô viết lập riêng một nhà máy tại Uy-cờ-ren, tuyển lựa nguyên liệu tốt nhất và công nhân khéo nhất để nấu vốt-ka đặt biệt. Chỉ có các đồng chí lãnh đạo trong điện Cẩm Linh mới được uống. Hôm qua, đại tướng Sê-rốp tặng tôi một chai. Lệ thường, tôi phải để dành đến một dịp trang trọng mới khui rượu. Anh là thượng khách của tôi hôm nay đấy …
Văn Bình khép nép:
- Xin cám ơn anh.
Bôrết rót rượu vào những cái ly nhỏ xíu xếp thành hàng dài trên cái khay vàng tây. Loại ly này bằng pha lê đắt tiền do Pháp chế tạo. Cái khay vàng cũng phát xuất từ một nhà kim hoàn danh tiếng ở kinh đô ánh sáng Ba lê.
Văn Bình đếm được cả thảy 12 cái ly, dung tích mỗi cái bằng hai chén hạt mít của Việt nam. Nhận thấy vẻ mặt Văn Bình băn khoăn (hắn không thể biết được rằng Văn Bình đã băn khoăn một cách giả tạo), Bôrết bèn cắt nghĩa:
- Anh chưa hiểu tại sao chỉ có hai người uống mà phải dùng đến 12 cái ly phải không? Đây là một lối uống vốt-ka phong nhã và thượng lưu. Vốt-ka cũng như cỏ-nhát của Pháp chỉ nên uống nguyên, không pha sôđa hoặc chêm đá lạnh. Và chỉ nên uống trong ly nhỏ, và uống luôn một hơi …
Uống vốt-ka đúng lề lối nhất là đợi khách quý đến nhà mới bỏ chai rượu vào trong tủ lạnh, cùng với bộ ly. Khi nào bộ ly mát rợi là chai rượu có thể uống được. Vốt-ka rót vào ly lớn như huýt-ky hoặc la-ve thì chẳng thú vị gì cả. Nhưng nếu rót vào ly nhỏ, uống đến đâu rót đến đấy thì cũng dở không kém. Vì thế, hai người uống phải sắm một bộ song ẩm gồm 12 cái ly. Anh thử nhìn màu rượu xem? Anh có thấy nó trong vắt như pha lê không?
Đưa lên mũi sẽ không ngửi thấy mùi vị, nhưng uống vào thì, trời đất ơi, ruột gan đang lạnh bỗng ấm lại, trời đổ tuyết bên ngoài, hàn thử biểu dưới không độ mà người ta có cảm giác như mùa hè trên bãi biển …
Vệ sĩ bưng ra một đĩa chả nướng thơm phức. Bôrết xăm cho Văn Bình một miếng rồi nói:
- Đây là món koulebiaka, món ruột của người Nga. Nó được làm bằng thịt hoặc cá, uống vốt-ka mà thiếu chả koulebiaka thì cũng như nằm trên giường nệm bông trong phòng có lò sưởi mà không có đàn bà đẹp một bên …
Bôrết cụng ly với Văn Bình, vẻ mặt hân hoan. Hắn uống một hơi 6 ly vốt-ka. Hắn cầm cái ly cuối cùng, đưa lên khỏi đầu rồi ném mạnh xuống đất. Cái ly vỡ nát ra thành nhiều mảnh, Bôrết cười nói:
- Uống rượu vốt-ka thường phải đập bể ly như vậy mới đúng điệu … Ơ kìa, anh uống đi … Sợ say hả? Chẳng sao đâu. Chúng tôi có một loại thuốc đặc biệt, mỗi viên chỉ nhỏ bằng hạt đậu, đang say bi tỉ chiêu vào một viên là trong vòng 10 phút sẽ giã rượu, tỉnh lại như chưa hề uống rượu … Chúc anh ngày mai lên phi cơ với phái đoàn khoa học gia Trung quốc được thượng lộ bình an.
- Tôi sẽ đi Tirana với một phái đoàn khoa học gia Trung quốc?
- Phải.
- Họ ghé lại Mạc tư khoa?
- Phải.
- Nêu tôi không lầm, từ nhiều tháng nay các viên chức Bắc kinh không được cấp chiếu khán đến Mạc tư khoa. Và Bắc kinh cũng ra lệnh cho mọi phái đoàn xuất ngoại sang Đông Âu của họ tránh xa Mạc tư khoa.
- Nhưng lần này lại khác. Giữa Liên sô và Trung quốc đang có sự thương thuyết tại Đông Bá linh về các vụ xung đột biên giới. Nên chúng tôi đã cho phép họ ghé lại. Mặt khác, phái đoàn từ Trung – Á bay đến, không thể không dừng tạm tại Mạc tư khoa để cho phi cơ tiếp tế nhiên liệu. Phái đoàn gồm 3 khoa học gia nổi tiếng và một số cộng sự viên thân cận.
- Họ chuyên về những bộ môn khoa học nào?



***Xem trang:
[1][2][3][4][5][6][7][8][9][10][11][12][13][14][15][16][17][18][19][20][21][22][23]

TOP WAP WORLDWIDE


mobiV trang ch

© GIAITRI102.TK
Thanks to XTGEM