XtGem Forum catalog
Không bấm vùng phía trên kẻo mất tiền nhé!

ĐÊM ĐẦU Ở TIRANA:
Đó là khẩu Colt Agent, loại súng bỏ túi, rất nhẹ do Hoa kỳ chế tạo. Nòng trái khế của nó chưa được 6 viên cỡ trung bình, tầm bắn không xa song vô cùng chính xác. Nhân viên F.B.I mặc thường phục khi đi công tác chìm hay dùng loại súng này. Colt Agent bằng thép cũng chỉ nặng trên 300 gờ-ram, vậy mà khẩu này lại toàn bằng nhom, nòng được chế bằng một thứ kim khí cứng rắn mà nhẹ hơn thép.
Văn Bình tung hất khẩu súng lên lòng bàn tay, nó chỉ nặng độ 150 gờ-ram là cùng. Nó nằm gọn trong tay chàng, bỏ vào túi nó chỉ lớn bằng gói thuốc lá đầu lọc. Loại bằng thép được bán trên thị trường 71 đô-la, còn loại đặc biệt này phải đắt gấp ba, gấp bốn.
Một mảnh giấy nhỏ được đặt bên dưới khẩu côn. Bên trên có một hàng chữ nguệch ngoạc bằng bút chì:
“Cẩn thận, dường như bị lộ”
Văn Bình nhét khẩu súng vào cái túi nhỏ may sẵn trong vét-tông dưới nách. Chàng không tin công an và quan thuế Tirana bắt chàng lột bỏ quần áo để lục soát. Dầu sao chàng cũng là đồng chí của họ. Chuyến đi này chàng được chính phủ Anbani liệt vào hàng khách quý.
Tại sao Vêlana lại đưa súng cho chàng? Nếu cần, Bôrết đã đưa súng từ khi còn ở Mạc tư khoa. Tại sao Vêlana lại nói là “dường như bị lộ?” Có lẽ toán mật vụ Trung cộng trên phi cơ nghi ngờ chàng, và Vêlana đã may mắn nghe lỏm được môt vài mẩu chuyện. Bại lộ, chàng sẽ bị mật vụ Anbani bắt. Và chàng sẽ khai ra Vêlana. Phải chăng Vêlana đưa súng cho chàng để tự vệ? Phải chăng để chàng tự xử?
Văn Bình lắng lặng trở ra ngoài. Chàng bước một mạch qua chỗ Vêlana và bọn đầu trâu mặt ngựa của KGB. Tuy không nhìn sang bên, chàng vẫn thấy cặp mắt của Vêlana chăm chú nhìn theo nên chàng cảm thấy nhồn nhột ở gáy.
Phi cơ hạ thấp dần dần.
Và sau cùng là đáp xuống.
Như thường lệ. Văn Bình duyệt lại một lần tối hậu những chi tiết sử địa về quốc gia mà chàng sắp đến. Anbani, đồng minh mật thiết của Trung hoa cộng sản tại vùng ban-kăng, là một tiểu quốc đầy đồi núi, bắc và đông giáp Nam tư, nam giáp Hylạp, và về phía tây là biển Ađờriatít. Hai phần ba dân số theo đạo Hồi. Năm 1939, Anbani bị phe Trục xâm chiếm. Sau thế chiến thứ hai, vương quyền của vua Zog đệ nhất bị lật đổ, và lãnh tụ cộng sản Enver Hoxha lên làm bà chủ. Từ bấy đến nay, Hoxha vẫn tiếp tục ngự trị. Dân số vẻn vẹn 2 triệu lại ở mực sống thấp nhất châu Âu, mật vụ lại hoạt động tàn bạo ngoài sức tưởng tượng nên tình hình nội bộ được yên tĩnh. Nhưng về phương diện điệp báo, chư hầu bé nhỏ này lại đóng một vai trò quan trọng. Tình báo Anh-Mỹ thường dùng Anbani làm đầu cầu để ly gián Liên sô và Trung cộng. Lợi dụng địa hình hiểm trở, Tây phương đã thiết lập một đường dây giao liên qua lãnh thổ Anbani.
Con chim sắt khổng lồ rùng mình một cái thật mạnh trước khi đứng dừng hẳn.
Đã đến Tirana.
Ánh nắng bên ngoài tràn vào phi cơ. Phái đoàn địa chất Trung hoa được mời xuống trước. Thủ tục chiêu đãi của công ty hàng không cộng sản khác hẳn tây phương: khi mua vé, hành khách đều trả tiền ngang nhau, nhưng khi lên hoặc xuống máy bay hành khách phải tuân theo sự chỉ dẫn độc đoán của nữ tiếp viên Phái đoàn Trung hoa xuống trước vì bên dưới đã sắp sẵn một cuộc nghênh đón trọng thể.
Chu-Yao đi đầu. Bọn vệ sĩ kèm riết hai bên. Sau cùng mới đến Chu-Ling. Một vệ sĩ dạt sang bên, chìa tay mời nàng xuống trước song nàng lắc đầu từ chối. Thời xưa đàn bà Trung hoa phải đi sau đàn ông. Mời mọc như vậy đã là quá lịch sự rồi nên gã vệ sĩ thản nhiên đặt chân xuống cầu thang.
Văn Bình nhận thấy Chu-Ling bước chậm lại. Dường như nàng đang tìm cơ hội để quay lại nhìn chàng. Chàng nghển cổ nói:
- Chào cô Chu-Ling.
Nàng ngúc đầu chào trả. Trên làn môi trái tim tuyệt đẹp bừng nở một nụ cười tuyệt đẹp. Văn Bình ngây người như vừa uống xong một vò rượu nếp cẩm.
Tiếng quân nhạc từ dưới sân bay vọng lên. Thoạt đầu là quốc thiều Trung hoa nhân dân. Tiếp đến quốc thiều Anbani. Đợi ban nhạc trổi xong hai bản quốc thiều, toán hành khách còn lại mới được phép xuống. Thật ra trên máy bay cũng chẳng còn ai, ngoại từ Văn Bình, Vêlana, Khơrút và bọn điệp viên KGB.
Bọn Vêlana, Khơrút đến Tirana với tư cách gì? Tại sao chính phủ Anbani lại cho phép họ nhập cảnh? Trong một sao đồng hồ Văn Bình vừa khám phá ra một phần sự thật. Chính phủ Hoxha đã cương quyết từ chối nếu biết họ là nhân viên KGB. Như vậy có nghĩa rằng Vêlana cũng như Khơrút là những bộ mặt mới trong làng gián điệp sô viết.
Văn Bình thở phào một hơi thật dài khi xuống hết nấc thang cuối cùng, và đặt chân lên nền bê-tông thẳng băng. Thế là chàng đã đến Anbani bằng cửa trước! Chàng cảm thấy một bầu không khí quen thuộc đang bao trùm sân bay. Trong quá khứ, chàng đã nhiều lần nhập nội các quốc gia cộng sản bằng cửa trước. Lần từ Vọng các sang Hà nội chàng cũng từng được đón tiếp bằng quân nhạc, bằng hàng trăm người phục sức chỉnh tề dàn thành hàng ngang và nhất là bằng một đạo binh thiếu nhi quàng khăn đỏ, le te chạy đến mang vòng hoa quàng cổ.
Đám trẻ con từ 6 đến 10 tuổi mặc đồng phục xanh, quàng khăn đỏ chói lòa trên cổ tại sân bay Tirana cũng không khác đội thiếu nhi ở Gia lâm là bao. Chúng túa ra một lượt như ong vỡ tổ, miệng chào hỏi rối rít. Văn Bình lõm bõm được mấy tiếng Anbani nên thoáng hiểu là chúng chào chú, chào bác, chào cô. Văn Bình đinh ninh sau tấn trò tặng hoa là hội hè giải tán, nhưng chàng đã lầm.
Ngay sau đó là mục diễn thuyết. Phái đoàn Trung hoa được mời lên một cái bục gỗ khá cao, đứng trước máy vi âm. Nắng chiếu xuống thật nhiều song lại mát mẻ dễ chịu. Nhờ trời chàng thông thạo tiếng Tàu nên Chu-Yao nói gì chàng cũng hiểu Chu-Yao nói được một đoạn thì tạm ngừng để chờ phiên dịch.
Té ra thông dịch viên là kiều nữ Chu-Ling. Nàng nói tiếng Anbani nhanh như gió. Khi nói, miệng nàng cử động vô cùng duyên dáng.
20 phút trôi qua. Phái đoàn bác học ôm hôn đám trẻ con, bắt tay nhân viên tiếp đón một lần nữa rồi ra xe. Cha chả, Anbani là xứ xã hội chủ nghĩa, căm thù tư bản tây phương mà lại xài toàn Mercédès. Xin thưa, đây không phải là Mercédès loại 800, nghĩa là loại đắt nổ tròng con mắt, gần 10 ngàn đô-la một chiếc. Sai gòn là thủ đô của sự kiếm tiền và tiêu tiền như rác mà chưa ai dám chơi loại 300 (tác giả xin lưu ý là ngoại trừ điệp viên Z-28) chỉ có vài ba chiếc của Nhà nước song toàn là Mercédès cũ rích cũ rì.
Mercédès nghênh đón phái đoàn Trung hoa thuộc loại Pullman 600; đắt gấp đôi loại 300 thượng hạng, dài đúng 621 phân, nặng xấp xỉ 3 tấn, gồm 6 cửa, phía sau có thể mở ra bằng điện và ghế được nâng cao lên cho dân chúng hai bên đường có thể chiêm ngưỡng được đại quan ngự bên trong. Ngăn tài xế và ngăn chủ nhân ngồi có kiếng chắn, chủ nhân ra lệnh cho tài xế bằng điện thoại. Ngăn chủ nhân có hai hàng ghế đối diện, ghế rộng như xa-lông. Ở trong tầm tay chủ nhân có đầy đủ tiện nghi tân tiến, tủ lạnh đựng rượu và đá cục, máy hát đĩa, máy ghi âm, máy điện thoại, và vô tuyến siêu tần số. Tốc độ trên hai trăm cây số-giờ mà chủ nhân ngồi êm ru như nằm trên nệm mút.
Cả thảy có ba chiếc Mercédès dài ngoằng, sơn đen, bóng lộn nối đuôi nhau trên phi đạo.
Trong chớp mắt, đoàn xe thượng lưu đã biến dạng. Văn Bình không nghe tiếng máy nổ. Chàng liếm mép thèm thuồng. Thế nào chàng cũng phải tậu một chiếc chiến xa quý phái này để làm le với bà con Sài gòn chơi! Đường phố Sài gòn chật ních xe cộ, chiếc 600 của chàng sẽ khiến những cô gái mới lớn ngồi vắt vẻo trên xe gắn máy lác hai mắt. Và chàng sẽ còn gắn ống sắp-măng đặc biệt, phun ra một mùi thơm pha trộn tinh chất nước hoa hồng. Chàng sẽ không quên gắn ở sau se một cái bảng nhỏ đề địa chỉ của chàng, để các kiều nữ ghi chép vào sổ tay mà tìm tới. Băng sau của chiếc Pullman lại thích hợp với thú thưởng hoa bất tận và bất chấp kiểm tục của chàng. Chiều dài, chiều ngang nó đều vừa vặn, và sức êm của nó thì tuyệt. Dầu sao chàng cũng quá tuổi thành niên và sắp sửa mắc bệnh đau lưng nên hưởng thụ tình yêu phải có đầy đủ tiện nghi.
Chừng nào có chiếc Mercédès 600 Pullman chàng sẽ đùa dai, đùa thật dai với ông cò Quận Nhất của hòn ngọc Viễn đông. Một chiều thứ bẩy cuối tháng nào đó “vì cuối tháng thì thiên hạ mới đi chơi đông”, nhất là trời tạnh ráo, chàng sẽ bắt Lê Diệp đội kết làm tài-xế chở chàng dạo phố. Đến đại lộ Tự Do, gần khoảng đèn giao thông khách sạn Caravelle là chỗ đông nhất, và được ông cò quan tâm đến nhất thì đậu lại. Hàng ngàn cặp mắt sẽ trầm trồ khen ngợi, ai cũng muốn rờ thử một tí xem hơi hướng chiếc xe ra sao. Trai thanh gái lịch thèm hơi hướng của chiếc xe là chuyện dĩ nhiên, nhưng dĩ nhiên hơn nữa là hơi hướng thần tiên của một cô gái ngồi bên trong mặc đồ mỏng dính, và đặc biệt là chữ V trên ngực thật sâu, thật táo bạo.
Đợi cho công chúng bụ đen quanh xe, chàng mới ấn nút cho mọi riềm trong xe tự động kéo lại. Xe của Văn Bình biến thành cái hộp kín như bưng. Lê Diệp muốn nhìn ra sau cũng vô ích vì tấm kiếng ngăn cách cũng được che riềm dầy. Ở trong xe, chàng và nàng tâm sự, người đứng ngoài không thể nào nghe tiếng. Chàng không phải là nhà thơ ngu ngốc nên không biết tâm sự bằng ngòi bút. Mà là tâm sự bằng miệng, bằng tay và bằng tài nghệ thiên phú …
Trời đất ơi, còn gì thú bằng được … tâm sự chứa chan và trường kỳ với giai nhân ngay trên đại lộ Tự do giữa một rừng người chiêm ngưỡng. Thế nào cũng có kẻ khôn ngoan đoán biết thâm ý nghịch ngợm và ngạo nghễ của chàng. Họ sẽ tìm cách mở cửa. Vô ích. Vì chàng sẽ sắm loại Pullman đóng mở toàn bằng điện. Họ sẽ tìm cách đập vỡ kiếng xe. Uổng công. Vì chàng sẽ dặn hãng Mercédès cung cấp loại kiếng đạn đại liên bắn không xuy xuyển. Lê Diệp sẽ nóng mắt vội vã mở công-tắc cho xe chạy khỏi đám đông tò mò. Phí sức mà thôi. Vì chàng sẽ bí mật gắn một công-tắc thứ hai, khi nào chàng mở thì tài-sế mới mở được máy và mở được cửa. Lê Diệp chỉ còn nước kêu Trời như bọng và nhấc điện thoại lên để van vỉ, lạy lục chàng buông tha. Chàng sẽ nhấc ống nói đặt sát một bên để mời Lê Diệp nghe một số âm thanh độc đáo những âm thanh mà con trai, con gái kinh nghiệm trong tình yêu không thể không nhận ra …
Các ông cò sẽ giải tán đám đông. Khi ấy chàng mới rút riềm và mở cửa. Nhưng nửa giờ đã trôi qua …
Khoái chí Văn Bình cười rộ lên một tiếng.
- Ông Kêvin? Ông là Kêvin phải không?
Mải buông hồn theo suối mộng … đùa dai với ông cò Sài gòn Văn Bình quên bẵng chàng không còn ở Sài gòn mà đang đứng như bị trời trồng trên nền bê-tông cứng đét của một quốc gia cộng sản rất ghét những kẻ hay nghịch và rất thù những kẻ hành nghề gián điệp như chàng.
- Ông Kêvin?
Người lạ gióng tiếng hai lần Văn Bình mới nghe thấy. Chàng giật bắn người, quay lại:
- Vâng, tôi đây.
Trong thời gian qua, Văn Bình mắc một chứng bệnh mới, bệnh đãng trí. Chàng đã tự nhủ nhiều lần “mình là Kêvin, mình là Kêvin” thế mà vẫn quên, phải gọi hoài, gọi mãi chàng mới nhớ. Kể ra trong quá khứ Văn Bình cũng thường quên như vậy. Nhưng dạo này có vẻ chàng quên nhiều hơn. Có lẽ vì con ma rượu, và nhất là con ma tình ám ảnh. Nhưng cũng có lẽ vì chàng bắt đầu khinh địch một cách tắc trách.
Nhiệm vụ đầu tiên của điệp viên khi đặt chân xuống đất lạ, đặc biệt là đất thù là phải nhớ tên mượn, và nhớ kỹ tiểu sử. Nhưng bài học nhập môn trong trường điệp báo đều dạy điều đó. Trên thực tế, nhiều điệp viên tây phương đã mất mạng oan uổng vì quên tên. Một thiếu tá trong C.I.A. giả làm diễn viên sân khấu của một quốc gia cộng sản Trung-Âu đứng đợi xe điện ngầm ở Mạc tư khoa đã bị xích tay, chở về khám đường Lubiănka, lãnh một viên đạn vào gáy vì nhân viên KGB gọi tên ba lần ngay bên tai mà không thưa. Một thương gia Anh kiêm nhân viên MI-6 cũng bị giết chết trong trường hợp tượng tự tại Tirana: y làm tình với một cô gái Anbani, nhân viên chìm của sở Mật vụ Sigurimi trong cơn say sưa, cô gái gọi tên y, y chỉ hờ hữ nên vô tình tiết lộ là y đội tên giả.
Mật vụ Sigurimi khét tiếng trên thế giới về thủ đoạn gọi tên người lạ bất thình lình để khám phá điệp viên tây phương ngụy trang. Sự ngạc nhiên của Văn Bình có thể là một dấu hiệu khiến mật vụ nghi ngờ.
Văn Bình vội che giấu sự sửng sốt bằng một nụ cười thật tươi. Cũng may sự biến đổi của chàng chỉ thoáng qua nên không bị để ý.
Kẻ gọi tên chàng là một người trung niên hơi lùn, nếu đối chiếu với tiêu chuẩn tây phương. Không những thấp, hắn còn mập nữa. Từ đầu xuống chân hắn chỉ là một khối thịt bèo nhèo, cái sọ dừa tròn như hòn bi ve đặt trên cái cổ cũng tròn, và dính vào tấm thân tròn lẳn. Chàng có cảm tưởng là hắn không có cổ. Nếu hắn không chìa ra bắt thì Văn Bình có ấn tượng hắn không có cả tay nữa.
Bất giác Văn Bình liên tưởng đến Bôrết, đến gã mật vụ đón chàng tại phi trường Mạc tư khoa, đến những nhân viên Nhà nước nghênh tiếp chàng tại phía sau bức màn sắt. Toàn thể đều giống như giọt nước. Giống nhau ở bộ y phục đen thùng thình ống quần rộng đã đành, áo vét-tông cũng rộng như thể áo mượn, thậm chí lưng quần còn rộng thêm hàng chục phân nữa. Nhưng giống nhau nhất là bề cao và bề ngang. Hầu hết đều không cao. Hầu hết đều to ngang. Và dường như họ chỉ ăn toàn thịt, toàn mỡ nên người nào cũng béo như cái chum. Và dường như họ trừ hao còn béo thêm nữa nên người nào cũng may áo rộng thêm hai, ba cỡ …
Nghĩ vậy Văn Bình mỉm cười.
Gã béo cũng cười theo. Hắn lắc bàn tay chàng thật mạnh rồi hỏi:
- Ông nghĩ đến ngày vui ở Mạc tư khoa phải không?
Văn Bình đáp:
- Vâng, vui lắm. Chỉ tiếc là tôi lưu lại có 24 tiếng đồng hồ ngắn ngủi.
- Ông là người Mỹ mà có óc trào lộng ghê. Chắc ông giận họ lắm!
- Ồ, ông cũng biết tin tôi bị chính phủ Liên sô làm khó dễ ư?
- Biết rất rõ. Cái gì chúng tôi chẳng biết. Chúng tôi thành thật khen ngợi ông. Trong thời gian ở đây ông sẽ thấy một sự đối xử hoàn toàn khác. Ông sẽ thấy chính quyền dân chủ nhân dân Anbani hoàn toàn khác bọn xét lại sô viết.
Phi đạo đã bắt đầu vắng. Sau khi đoàn công-voa mercédès biến dạng, đám đông nghênh tiếp cũng giải tán. Hàng trăm người với đủ nhạc khí cồng kềnh, với bọn thiếu nhi quàng khăn đỏ, hai tay nặng chĩu vòng hoa, đã biến đâu mất như có phép quỷ thuật.
Văn Bình cũng không nhìn thấy Vêlana và Khơrút đâu cả. Gã béo vỗ vai chàng:
- Mời ông ra xe.
Giờ đây chàng mới có thời giờ quan sát hắn. Mặt mũi hắn không đến nỗi hãm tài mặc dầu chỉ nhìn phớt qua ai cũng biết hắn là cớm thứ thiệt. Hắn đã lấy cái mũ dạ cầm tay, nhưng cái lối bẻ vành vũ hơi cong của hắn chứng tỏ hắn là mật vụ viên chuyên nghiệp. Mắt hắn hơi nhỏ, bất lợi khi nhìn xa, nhưng bù lại hắn có lỗ mũi lớn quá khổ, có thể đánh hơi mùi vị trong đường kính trăm thước. Tai hắn vểnh lên như tai chó bẹt-giê và cũng dài, cũng nhọn như thế. Dĩ nhiên hắn phải là người thính tai.
Chàng chỉ hơi phàn nàn cái miệng. Miệng đã nhỏ lại luôn luôn mím chặt, làn môi vừa mỏng lét vừa thâm sì. Mỏng môi là hạng người ăn gian nói dối. Mùi bạc hà từ răng hắn xông ra làm Văn Bình cười thầm. Ngậm kẹo bạc hà để đi đón khách ngoại quốc, hắn đã tỏ ra thận trọng và lịch sự hết mực. Hắn đã cứu chàng khỏi chết ngạt.
Hắn không tự giới thiệu, Văn Bình cũng không muốn hỏi tên hắn làm gì. Vì hỏi vô ích. Nếu bị hỏi dồn hắn sẽ khai tên láo. Và biết đâu hắn lại thắc mắc về tính tò mò của chàng. Hoạt động ở sau bức màn sắt phải biết kềm hãm tính tò mò.
Hắn bước về phía một chiếc xe hơi sơn đen đậu bên ngoài phi đạo. Anbani là đồng minh ruột thịt của Trung cộng có khác, xe hơi cũng từ Bắc kinh gởi sang, mặc dầu Âu châu là lò sản xuất hàng triệu xe hơi hàng năm.
Nhìn qua Văn Bình biết là xe Fan Hoan. Nghĩa là Phượng hoàng. Tên là phượng hoàng mà nó chẳng có mảy may đức tính của chim phượng hoàng, nghĩa là hình thù đẹp đẽ và tốc lực phi thường. Về mã ngoài, có chỉ là sự cóp nhặt quê kệch và vụng về của chiếc mercédès 15 năm trước, kiếng chắn gió vuông vức, phẳng lì không cong tròn như các kiểu xe hơi thời thượng, cẳng nó lại cao lên nghiêu, còn cao hơn cả xe Rolls nữa. Văn Bình chưa được ngồi trên xe Fan Hoan vì mỗi năm kỹ nghệ Hoa lục chỉ sản xuất được vẻn vẹn 500 chiếc tại nhà máy Thượng hải cũng như 50 chiếc Hongshi sang trọng sản xuất tại Mãn châu hàng năm, và chỉ dành riêng cho các quan to.
Nệm xe được bọc bằng vải kaki vàng khiến bộ mã của nó đã ảm đạm càng ảm đạm thêm. Gã béo mới đặt đít, nệm xe đã lún xuống. Ông nhún và lốp xe có vẻ không đủ sức để chịu đựng khối thịt nặng nề của hắn. Hắn choán gần phân nửa băng sau, Văn Bình đành nép một bên.
Miệng hắn bô bô:
- Ông đã có dịp đi xe Fan Hoan này chưa? Tốt dáo để. Tốc lực của nó có thể tới 150 cây số-giờ.
Văn Bình gật gù:
- Chưa. Đây là lần thứ nhất. Thật là hân hạnh cho tôi. Máy nó nổ êm ghê!
Gã béo híp mắt:
- Tôi sẽ dành riêng cho ông một chiếc Fan Hoan để đi thăm danh lam thắng cảnh trong thành phố. Ông mới đến Tirana lần thứ nhất chứ?
- Vâng, lần thứ nhất.
- Ồ, chắc ông sẽ mất nhiều thời giờ cho các danh lam thắng cảnh. Ông đừng ngại chúng tôi có bổn phận săn sóc ông được chu đáo.
Văn Bình lên tiếng cám ơn. Chàng đã biết thế nào là “bổn phận săn sóc” của mật vụ Sigurimi.
Xe đã chạy ra khỏi phi trường.
Gã béo nói đúng thật! Fan Hoan là xe hơi “tốt đáo để”. Chưa ra khỏi phi trường tài xế đã xả hết tốc độ. Chàng liếc nhìn đồng hồ tốc độ: 130 cây số. Đối với xe hơi tây phương thì trên xa lộ chạy 130 là thường. Nhiều lần Văn Bình đã chạy trên 200. Nhưng đối với chiếc Fan Hoan thì 130 cây số giờ đã là một thành tích ghê gớm, vì bốn bánh nó chồm lên, lạng sang trái, sang phải, vỏ xe kêu ầm ầm như bị xút hết đinh ốc và long hết mối hàn. Văn Bình phải nắm lấy cái tay cầm trên cửa để khỏi bị lúc lắc.
Có lẽ muốn khoe khoang kỹ thuật ráp xe hơi của đồng minh Trung hoa nên tài xế đã không ngần ngại đùa với tử thần. Nhưng nghĩ kỹ thì con đường từ trường bay về trung tâm thành phố, tuy không tốt lắm, cũng có thể chạy trên 200 cây-số giờ một cách dễ dàng.
Vì lẽ chiếc Fan Hoan gần như là chiếc xe duy nhất. Chốc chốc mới có một chiếc xe chạy ngược chiều. Không một chiếc nào bóp kèn điếc tai sau lưng, cũng không một chiếc nào vù vù qua mặt. Bỗng dưng Văn Bình nẩy ra ý muốn ở lại Tirana. Chàng vốn thích lái xe nhanh, thật nhanh nhưng chưa có dịp. Trên thị trường xe đua quốc tế đã có những chiếc chạy được 300 cây số-giờ trở lên. Mỗi khi cơn ghền tốc độ nổi dậy trong lòng, Văn Bình đành phải dằn xuống vì đường xá ớ Á châu, và ngay cả ở Mỹ châu cũng không cho phép phóng đến 300. Năm thì mười họa Văn Bình mới được diễm phúc nhìn cây kim đỏ vượt qua con số 300. Những lần ấy là ở Âu châu, trên những đoạn đường ngắn dành cho cua-rơ xe hơi, hoặc là xa lộ riêng do các công ty xe hơi thiết trí để thí nghiệm thần mã cơ khí.
Được ở Tirana, chàng sẽ tha hồ chơi xe. Nếu cần, chàng sẽ yêu cầu nhà cầm quyền cấm lưu thông trên vài ba trăm cây số để cho chàng trổ tài.
Gã béo hét vào tai chàng:
- Núi Dajti đấy, ông thấy không?
Văn Bình bừng tỉnh mộng. Qua những cánh đồng và nhà máy dọc hai bên xa lộ, xe bắt đầu chạy vào ngoại ô thủ đô Tirana. Thành phố Tirana nằm phía trước rặng núi Dajti tuyệt đẹp.
Tài xế đã lái vào thành phố. Cũng như khi ở xa lộ, tài xế không phải bóp kèn. Tuy nhiên, hắn cũng giảm tốc độ. Văn Bình đâm ra thương hại và khâm phục giới tài xế Sài gòn. Trời nóng như thiêu như đốt, từ sáng đến trưa ngồi sau vô-lăng, chưa được ăn cơm, chưa được uống nước, bụi đường bay tối mù, mùi ét-xăng từ hàng ngàn ống sáp-măng xông ra nghẹt mũi, nhức đầu mà còn phải bóp kèn lia lịa, càng bóp lại càng thấy xe hai bánh hiện ra lúc nhúc, càng thấy thiên hạ phớt tỉnh, không thèm nghe … Tài xế Tirana cũng như của các thủ đô cộng sản sẽ thất nghiệp nếu bị đưa qua Sài gòn làm nghề … tài xế. Nếu không thất nghiệp thì họ sẽ vào khám Chí hòa về tội gây tai nạn lưu thông …
Xe lướt qua tòa nhà Quốc hội. Sau cùng đến một đại lộ rộng thênh thang. Cuối đại lộ là công trường Scanderbeg. Cũng như quảng trường Ba Đình ở Hà nội, đây là một trục lưu thông bát ngát được dùng làm địa điểm mét-tinh hoan hô và đả đảo. Văn Bình nhận thấy các thủ đô cộng sản có nhiều nét giống nhau. Thủ đô nào cũng có một quảng trường mênh mông ở trung tâm, đủ rộng để chứa hàng nửa triệu người. Và ở quảng trường này chắc chắn phải có một bức tường đại lãnh tụ.
Sừng sững trước mắt Văn Bình là bức tường đặt trên bệ cẩm thạch đồ sộ của Sít ta Lin. Nhà độc tài sô viết án ngữ một khoảng đất lớn của quảng trường. Trong khi mọi bức tường và chân dung của họ Sít bị tháo gỡ tại Liên sô thì chính phủ Anbani lại tiếp tục tôn sùng.
Văn Bình có thể không nhìn thấy tượng Sít ta Lin, nhưng không thể không nhìn thấy chân dung Enver Hoxha, lãnh tụ “vĩ đại” của cộng hòa dân chủ nhân dân Anbani. Hàng chục bức hình của Hoxha được đặt hoặc treo chễm chệ trên khắp quảng trường, ở đâu cũng có, trước mặt, sau lưng, bên phải, bên trái Văn Bình nhìn phía nào, quay mặt ra phía nào cũng thấy, và có cảm tưởng là Hoxha đang giương cặp mắt thao láo theo dõi mọi phản ứng của chàng.



***Xem trang:
[1][2][3][4][5][6][7][8][9][10][11][12][13][14][15][16][17][18][19][20][21][22][23]

TOP WAP WORLDWIDE


mobiV trang ch

© GIAITRI102.TK
Thanks to XTGEM