Không bấm vùng phía trên kẻo mất tiền nhé!

Mọi người đều im lặng.
Cành cây vui vẻ cháy lách tách. Khói dựng thành cột vươn đến tận trời cao.
Các khách du lịch ngồi bên ngọn lửa và mỗi người theo đuổi những ý nghĩ của riêng mình.
Chẳng có việc gì phải vội cả.
Chừng nào sương mù còn chưa tan thì không thể di chuyển đi đâu được. Mà biết đi đâu, đi về hướng nào được? Ngọn hải đăng bây giờ ở đâu? Ở phía trước ư? Ở phía sau ư?
Giáo sư nói:
- Thôi tạm thời không có việc gì làm, ta hát một bài đi.
Nhăn mặt lại vì khói và lấy tay che mặt, Karik hướng về phía đống lửa đang bốc khói, vội vã hỏi giáo sư khi ông sắp sửa cất tiếng hát:
- Bác Ivan Germogenovich ơi, làm sao bác đoán được chuyện gì xảy ra với bọn cháu và làm sao bác tìm thấy bọn cháu?
Giáo sư nói:
- Rất dễ thôi cháu ạ. Các cháu đã uống hết của bác gần nửa cốc chất lỏng.. Tất nhiên bác nhận ra ngay điều đó…
- Nhưng mà…
Ivan Germogenovich bật cười:
- Thì bác cũng có một cái “nhưng mà”. Uống thì bọn cháu đã uống rồi, nhưng sau đó thì bọn cháu biến đi đâu?... Suốt một giờ đồng hồ bác bò lê la dưới sàn với chiếc kính lúp trong tay, nhưng… chẳng thấy gì cả… Các cháu có hiểu không? Không một dấu vết nào hết. Có nghĩa là…
Valia nói:
- Có nghĩa là chúng cháu đã bay đi!
Ivan Germogenovich ngăn cô bé lại:
- Đó là một kết luận quá vội vã.
Valia nói:
- Nhưng sự thực thì chúng cháu đã bay đi cơ mà?
- Tuy nhiên bác chưa có cơ sở để giả thiết như vậy trước khi con chó của bác thợ chụp ảnh Smith đáng kính tìm thấy đống quần cụt của bọn cháu và nhảy bổ lên bậu cửa sổ… Chính lúc này bác chợt nhớ rằng, khi bác vào phòng làm việc đã thấy có chú chuồn chuồn đậu trên bậu cửa sổ. Bác đoan chắc rằng nghe thấy cả giọng nói nhỏ như tiếng muỗi kêu : “Lại đây, chúng cháu ở đây!”.
- Vâng, vâng… Chính chúng cháu đã kêu lên như vậy.
- Lúc đầu bác tưởng rằng bác nghe nhầm, nhưng sau đó kết hợp các sự việc với nhau bác hiểu ra rằng con chuồn chuồn đã lôi mấy chú nghịch ngợm đi, và nếu như bác muốn cứu chúng thì phải chạy đến chỗ Đubki tới cái đầm mà người ta thường gọi là “đầm thối rữa”.
Karik hỏi:
- Nhưng sao bác tới đây? Vì chuồn chuồn cũng có thể lôi bọn cháu đếnr ừng hoặc cánh đồng.
Ivan Germogenovich mỉm cười độ lượng:
- Không, điều đó không thể xảy ra được. Chuồn chuồn sống ở gần nước. Nó đẻ trứng xuống nước. Ấu trùng của chúng nở ra, sống và lớn lên ở dưới nước. Nhưng đôi khi đuổi theo con mồi, chuồn chuồn có thể bay xa khỏi nơi kiếm mồi thường xuyên.
Valia nói:
- Xa đến thế kia ạ! Vì từ nhà chúng ta đến vùng Đubki có đến hơn 15 km.
- Đối với chuồn chuồn đó là khoảng cách không đáng kể. Nó có thể bay nhanh từ 70 đến 90 km một giờ. Vì vậy 15 cây số đối với nó chỉ là một cuộc dạo chơi nhỏ.
- Như vậy bác đã đi tới “đầm lầy thối rữa”…
Ivan Germogenovich vuốt râu:
- Phải, bác quyết định đi đến đầm lầy thối rữa vì biết rằng sớm muộn gì chuồn chuồn cũng trở về chỗ kếim mồi thường xuyên. May cho tất cả chúng ta, đó là cái đầm duy nhất ở gần thành phố. Thực ra còn có cái đầm nữa nhưng nó ở cách đây xa tới 300 km. Vì vậy bác biết chắc chắn rằng phải tìm bọn cháu ở đâu… Mọi chuyện chỉ có vậy thôi. Còn bây giờ - giáo sư hắng giọng – chúng ta hát nhé các bạn.
Valia kêu lên:
- Khoan đã bác!
- Sao cái gì thế? – Ivan Germogenovich lo lắng nhìn Valia.
Valia hỏi:
- Thế bác không muốn nghe chuyện gì đã xảy ra với chúng cháu hay sao?
- À phải… Tất nhiên rồi… Bác rất vui lòng nghe chuyện của bọn cháu – Ivan Germogenovich nói lúng búng – Nào, nào, các cháu hãy kể đi. Chuyện đó chắc phải lý thú lắm.
Ông quàng vai bọn trẻ và duỗi chân về phía ngọn lửa. Karik và Valia tranh nhau kể cho ông nghe chuyện gì đã xảy ra với chúng sau khi chúng uống phải chất lỏng kỳ diệu.
Giáo sư lắng nghe bọn trẻ, gật đầu thông cảm và luôn miệng nói:
- Đúng như vậy… Bác hiểu…
Cuối cùng Karik nói:
- Cháu cũng hiểu cả rồi, nhưng còn một chuyện cháu chưa hiểu được…
- Thế à? Chuyện gì vậy?
- Tại sao trong tổ của con nhện nước, lúc đầu chúng cháu thấy dễ thở, sau đó lại suýt chết ngạt?
Ivan Germogenovich đáp:
- Dễ hiểu thôi cháu ạ. Theo như cháu kể thì bác nghĩ rằng bọn cháu đã rơi vào tay loài nhện nước Argnironet… Argnironet có nghĩa là “bó sợi bạc”. Người ta còn gọi nó là “nhện bạc”… Nó làm tổ ở dưới nước. Tổ của nó cũng giống như cái chuông lặn. Trước kia những người thợ lặn chui vào những cái chuông lặn ấy để lặn xuống nước. Những cái chuông này thì chỉ bé bằng trái hồ đào… Nó không nổi lên là vì bề mặt quanh bị mạng nhện cột chặt vào các cây cỏ mọc dưới nước.
Karik nói:
- Úi chà, chúng cháu vất vả lắm mới chui qua được lớp mạng nhện đó.
- Nhện mang không khí vào chuông từ mặt đầm. Nó trồi lên trên và phơi ra ngoài cái bụng phệ phủ đầy lông tơ. Chính những lông tơ này đã hút không khí. Khi khoảng không gian giữa các lông tơ đã chứa đầy không khí, nhện bèn phủ lên bụng lớp mạng nhện và mang bình không khí như một bọc cuộn dưới vạt áo về nhà mình. Luôn tiện bác muốn nói là nhiều loại bọ nước cũng đi du lịch dưới nước với các va li đựng không khí.
- Thế không khí có đủ cho một thời gian lâu không bác?
Ivan Germogenovich đáp:
- Không, dự trữ đó không được lâu. Lúc đó căn nhà sẽ ngột ngạt… Các cháu có nhớ là đã bị ngạt thở thế nào chứ?
- Có ạ.
- Thông thường con Arguironet hung ác phải ngoi lên mặt đầm vài lần để lấy không khí mới… Nếu chịu khó kiên nhẫn ngồi im lặng trên bờ đầm có thể thấy được con Argnironet – “bó sợi bạc” lấy không khí dự trữ như thế nào.
Valia hỏi:
- Làm sao nhận ra chúng được hả bác?
Ivan Germogenovich đáp:
- Những con nhện bạc này giống như những viên bi thuỷ ngân có những chấm đen… Thường chúng hay nổi lên cạnh những bụi cây nước… Chúng giơ bụng lên phía trên, còn đầu chúi xuống dưới. Chúng ở trên mặt nước một vài giây, rồi từ từ lặn xuống nước… Nhìn thoáng qua dễ tưởng những con nhện này là những sinh vật hiền lành vô hại. Nhưng thực ra Argnironet là loài vật độc ác… Nó không tha bất kỳ ai dù ở dưới đáy hay trên mặt nước.
Valia hỏi:
- Thế sao nó không ăn bọn cháu mà lại treo lên trên trần?
Karik nói:
- Chính thế, cháu cũng muốn biết điều này.
Ivan Germogenovich đáp:
- May cho bọn cháu là con Argnironet đang no. Vì vậy nó treo bọn cháu lên trần để dành… Phải nói là loài cáo, sóc, con người cũng hành động như vậy, điều này chẳng có gì lạ cả… Nó đã ăn thịt bọn cháu ngay ngày hôm đó, nếu như trời lạnh quá hoặc nóng quá làm các con mồi của nó chạy tản đi mất.
Valia nói:
- À, cháu hiểu rồi. Con nhện của bọn cháu đang no. Còn con nhện hàng xóm của nó chắc đang thiếu thức ăn nên bò sang tính ăn thịt bọn cháu.
Ivan Germogenovich nói:
- Ồ, không phải đâu… Mà cháu có biết con gì đến với con nhện của bọn cháu không?
Karik bật kêu lên:
- Cháu biết rồi! Đó là kẻ thù của nó.
Ivan Germogenovich mỉm cười:
- Không phải đâu! Chính là.. chàng rể đã đến với nó.
Bọn trẻ kinh ngạc:
- Chàng rể ư? Làm sao bác biết?
Giáo sư nói:
- Những con nhện này bao giờ cũng xây nhà dưới nước sát cạnh nhau: nhện đực làm nhà dựa vào nhà của nhện cái. Sau đó con nhện đực cắn thủng tường và vào thăm…
Karik tiếp lời:
- Cuộc thăm viếng còn gọi là cuộc ẩu đả.
- Phải rồi, đôi khi cô dâu bực mình chuyện gì đó xông tới ăn thịt chàng rể. Cũng có đôi khi chàng rể thắng thế ăn thịt được cô dâu. Tuy nhiên thông thường cô dâu tiếp đón chàng rể với thiện cảm và chúng bắt đầu sống rất hòa thuận.
Giáo sư đứng dậy:
- Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải chuẩn bị lên đường thôi – ông nói – Thôi nào chuẩn bị khăn gói đi thôi.
Ông lần tay vào trong bụi cây và lôi ra một cái ba lô bằng da tuyệt đẹp.
Valia trố mắt nhìn:
- Ối chà! Bác mua cái này ở đâu thế?
Ivan Germogenovich mỉm cười:
- Không phải bác mua mà đây là quà tặng của một bạn chậm chân quen biết… Trong khi các cháu còn ngủ bác đã rạch đôi cái bị này. Các cháu thấy đấy các ba lô tự tạo cũng tuyệt đấy chứ.
Karik gật đầu:
- À, vậy là một chú chậm chân nào đó đã tấn công bác. Bác giết nó và lột da chứ gì?
Ivan Germogenovich nói:
- Hoàn toàn không phải thế. Chú chậm chân không thể nào tấn công bác được. Đó là một con vật nhỏ xíu, không hơn một mi-li-mét. Cả bác cũng không tấn công chậm chân.
- Thế còn cái túi bằng da?
- Cái túi à… Các bạn có thấy không, chú chậm chân đẻ ra nhiều trứng và để cho trứng khỏi bị con vật khác ăn mất, và nó lột da của mình và đẻ trứng vào đó như vào một cái va li.
Valia hỏi:
- Còn nó thì chết phải không bác?
- Không đâu!
Karik nói:
- Giống như rắn, chúng cũng lột da.
Ivan Germogenovich gật đầu:
- Phải rồi, chỉ có điều con rắn vứt bỏ da cũ của mình, còn con chậm chân dùng da của mình để che mưa nắng, gió lạnh cho con cháu.
- Bác đã vứt trứng của chúng đi rồi phải không?
- Tất nhiên rồi, tiếc thay, trứng đó không ăn được.
Giáo sư mở túi ra và đặt vào đó cái xoong bằng vỏ trứng cùng với món trứng ăn thừa mà ông đã cẩn thận gói vào cánh hoa.
*
* *
Gió mát thổi.
Sương mù tan dần.
Gió đưa sương đi tựa như làn khói trên những cánh đồng và dồn chúng xuống phía dưới vào những khe lạch.
Giáo sư lấp phủ đất vào đống lửa.
- Nào, có lẽ đi được rồi đấy – Ông nói - Chuẩn bị đi các bạn.
Valia nhảy lên:
- Chúng cháu đã sẵn sàng rồi mà.
- Hừ, - Ivan Germogenovich hấm hứ, hết nhìn Valia lại nhìn Karik suy nghĩ một lát ông nói: - Có lẽ các cháu phải thay quần áo thôi.
- Thay bằng gì hở bác? – Valia hỏi vừa ngắm cái váy bằng cánh hoa lưu li của mình. Qua một đêm chiếc váy đã nhàu nát rách lan ra từng mảnh.
Ivan Germogenovich nói:
- Thay bằng bộ quần áo như của bác đây này.
Ông cởi chiếc áo mưa màu xanh dương đã nhàu nát ra và còn lại trong mình bộ quần áo màu bạc bằng mạng nhện.
Bọn trẻ bây giờ mới chợt nhớ ra rằng ngày hôm qua Ivan Germogenovich lúc tới mặc bộ quần áo màu bạc lạ lùng. Nhưng khi đó chúng đã không để ý đến. Còn bây giờ chúng ngắm nghía bộ quần áo của giáo sư tựa như mới thấy lần đầu.
- Ôi, đẹp quá! Bằng gì thế hả bác? – Valia hỏi.
- Bằng mạng nhện.
- Cháu cũng muốn một bộ thế này. – Karik nói.
- Cả cháu nữa! Valia kêu lên.
- Ra đằng này đi – Karik nói - Từ hôm qua cháu đã thấy một đám nhện ở gần đây.
Ivan Germogenovich bật cười:
- Không đâu, lấy mạng nhện trước mắt con nhện chắc bác không dám đâu. Và các cháu cũng đừng làm thế… Bộ quần áo cho các cháu bác sẽ lấy ở cửa hiệu khác. Hãy đi theo bác. Và giáo sư bước về phía nhà của con bọ suối.
Ánh sáng buổi sáng yếu ớt soi lờ mờ căn nhà của con bọ suối. Nhưng bây giờ đã có thể nhận ra rằng cả tường lẫn sàn và trần đều phủ bằng lớp mạng nhện dày đặc.
- Đó, bộ quần áo của các cháu đấy – Ivan Germogenovich nói.
Ông lại gần một bức tường bấu cả hai tay vào nó.
- Dô ta nào! – Giáo sư kêu và kéo tấm mạng nhện về phía mình. Bức tường kêu răng rắc.
- Dô ta nào! – Ivan Germogenovich kêu lớn hơn.
Mạng nhện tróc ra từng mảng tựa như những giấy bồi tường bị bong ra.
Giáo sư vứt vài mảnh cho Karik và Valia.
- Các cháu hãy gỡ những tấm mạng nhện này ra, gột cho sạch lớp hồ dán.
Bọn trẻ bắt đầu lấy tay vò mạng nhện. Lớp hồ dán đã bị khô vỡ ra và rơi xuống từng mảnh. Karik tìm thấy đầu mối và bắt đầu gỡ ra.
Những sợi tơ nhện cuốn từng vòng đều đặn và chẳng bao lâu dưới chân Karik và Valia xếp đầy một đống màu bạc tơ nhện đã được gỡ ra.
- Dài quá đi thôi! – Karik nói, vừa gỡ sợi tơ nhện tưởng như dài vô tận.
Ivan Germogenovich cười mũi:
- Có thứ tơ còn dài hơn nữa kia! Tơ của con tằm chẳng hạn, có thể kéo dài tới cả 3 km.
Giáo sư cúi xuống cầm một đầu sợi chỉ bạc và đưa cho Valia.
- Cháu hãy mặc vào!
- Mặc sợi chỉ vào ư? – Làm sao cháu mặc được hở bác?
- Như thế này này…
Ivan Germogenovich cuốn sợi chỉ thành một cái thòng lọng quàng lên Valia, rồi nắm lấy hai vai cô bé quay vòng người cô về một chiều.
Sợi chỉ run lên và chạy thật nhanh, cuốn vòng quanh Valia như cuốn một cái lõi cuộn chỉ.
Ivan Germogenovich ngắm nghía Valia rồi nói:
- Tuyệt diệu!... Đẹp tuyệt trần! Bền chắc ấm áp và thuận tiện. Nào bây giờ thì đến cháu, Karik ạ.
Nhưng Karik đã tự buộc một đầu tơ nhện quanh thắt lưng và quay tít thân mình như một con quay.
Chưa đến năm phút bọn trẻ đã mặc xong cho mình những chiếc áo len dài tay màu bạc.
Ivan Germogenovich nói:
- Thế là xong! Bây giờ các cháu hãy dạo quanh ngôi nhà, trong khi bác cũng sẽ thay quần áo.
Bọn trẻ bước ra.
Sương mù đã tan hết.
Xung quanh là khu rừng ẩm ướt. Những giọt nước khổng lồ nằm trên các cây cỏ hệt như những quả cầu pha lê.
Khi Karik và Valia vừa mới bước qua ngưỡng cửa thì những tia nắng ban mai đầu tiên mới ló trên các đỉnh cao.
Và đột nhiên bỗng khắp nơi bừng lên nắng chiếu cháy sáng như muôn ngàn ánh lửa nhiều màu sắc.
Sự việc xảy ra đột ngột đến nỗi bọn trẻ phải nheo mắt và bất giác bước lui lại.
Mấy phút liền chúng lặng lẽ đứng nheo mắt ngắm nghía khu rừng kỳ lạ treo đầy những quả cầu lóng lánh.
Cuối cùng Valia nói:
- Giá được chỉ cho mẹ thấy cảnh này nhỉ?
Karik thở dài:
- Lúc này chắc mẹ đang đun cà phê.
Valia buồn bã nói:
- Và chị bán sữa chắc cũng đến rồi đấy!
Karik lắc đầu:
- Không, hãy còn sớm. Chị bán sữa bây giờ mới tới.
- Thế bây giờ mấy giờ rồi?
- Anh không biết.
- Thôi, mấy giờ cũng vậy thôi… Anh Karik à, chúng mình trèo lên cây này đi, xem thử có bò xanh ở đây không?
- Nào thì trèo!
Bọn trẻ chạy đến một cây trông giống như cây bao bắp và bắt đầu trèo lên ngọn. Nhưng lúc đó Ivan Germogenovich ló đầu ra khỏi hang và kêu lên:
- Các bạn ơi, uổng công vô ích thôi!
- Tại sao hả bác?
- Hôm nay vào giữa ban ngày bọn cháu sẽ chẳng tìm thấy các chú bò xanh đâu.
Karik ngạc nhiên:
- Thế chúng ở đâu hả bác? Hôm qua bác chả nói là ở cây nào cũng có bọ rệp là gì?
Ivan Germogenovich đáp:
- À, đấy là ngày hôm qua, hôm qua lúc ban ngày, còn buổi chiều đã có mưa và tất nhiên mưa đã làm trôi sạch hết tất cả bọ rệp… Bác đã xong rồi. Chúng ta đi thôi!
Bọn trẻ quay về phía giáo sư. Vừa ngước nhìn ông, bọn chúng bỗng phá ra cười.
Ivan Germogenovich ngượng ngùng tự ngắm nhìn mình và hỏi:
- Sao thế các cháu?
- Ôi!... Bác thật là…
- Bác mặc áo thật là… - Bọn trẻ cười ngất.
Ivan Germogenovich đứng đó, khắp người cuốn đầy sợi tơ từ cổ đến gót. Tất cả đám mạng nhện lấy được ở trong nhà của con bọ suối, ông đem cuốn hết lên bụng, lên vai, lên cổ.
Valia cố nén cười nói:
- Bác giống hệt như một cái kén!
Giáo sư mỉm cười:
- Còn chính cháu, cháu tưởng giống con bướm ư? Cả cháu và Karik bây giờ giống hệt con sâu.. Nào các bạn, chúng ta đi thôi.
Karik ngó qua ngó lại hỏi:
- Mà đi đâu cơ hở bác?
Qua một đêm, nước dâng lên đầy khắp xung quanh. Chỉ có thể đi được một phía. Từ căn nhà của con bọ suối có một dải đất hẹp chạy dài, phủ đầy những bụi cây xanh rậm rạp.
Giáo sư ném cái túi lên vai và nói:
- Hiển nhiên trước hết phải ra khỏi cái đầm lầy này đã, còn sau đó làm gì sẽ tính sau. Tiến lên nào!
Giáo sư vung tay lên và cất tiếng hát:
Tiến lên, kèn đang gọi lên đường.
Hỡi các bạn trẻ dũng cảm!
Hãy ngẩng cao đầu và đi đều bước.
Như chim đại bàng cánh lướt trời cao.
*
* *
Những lùm cây rậm rạp của rừng cỏ im ắng. Nhưng quả cầu nước nặng nề treo sát trên đầu những khách du lịch - Phải đi hết sức thận trọng để khỏi ngã vì những giọt nước rơi.
Trong khu rừng vắng và âm vang, những quả cầu nước rơi gây nên tiếng động như bom nổ. Một giọt nước rơi trúng ngay các khách du lịch.
- Úi chà! – Valia ngã lăn kêu thất thanh.
- Ối! – Karik bị bắn về một phía la lên.
- Không sao, không sao! Tắm mát buổi sáng cũng rất tốt – Ivan Germogenovich cười vang, vừa lồm cồm đứng dậy.
Nhưng bây giờ thì mặt trời đã lên cao trên cánh rừng. Những tia nắng nóng bỏng tựa như đốt cháy mặt đất. Đất bốc hơi mù mịt phủ đầy khu rừng cỏ, không khí trở nên ngột ngạt như trong phòng tắm nước nóng.
Đến buổi trưa các khách du lịch đã bước tới bìa rừng.
Ờ phiá trước, xuyên qua những khe sáng hiếm hoi của cây cối, thấp thoáng những ngọn đồi màu vàng.
Một ngọn đồi nhô cao cái đỉnh nhọn giống như một cái đầu căng đường mà người ta đã mạ vàng một cách phung phí.
Ivan Germogenovich nói:
- Đó từ cái đỉnh này chúng ta sẽ coi xem ngọn hải đăng của chúng ta ở đâu?
- Chạy đi nào! – Valia kêu lên và leo lên phía trước.
- Cháu sẽ gọi cái đỉnh này là “Vêzuvi (1) vàng”.
Giáo sư và Karik chạy theo Valia.
Tuy nhiên đến được đỉnh “Vêzuvi vàng” cũng không phải gần như thoạt tưởng. Những khách du lịch chạy được đến nơi thở hồng hộc, lấy tay vuốt mồ hôi trên mặt.
Karik dè bỉu:
- Thề mà cũng gọi là “Vêzuvi vàng”.
Đó là một trái núi bình thường bằng đá màu vàng. Còn những viên đá kỳ lạ lóng lánh như vàng chẳng qua chỉ là những hạt cát thường gặp.
Bám tay vào các viên đá - hạt cát, các khách du lịch bắt dầu leo lên ngọn Vêzuvi vàng.
Mặt trời đã ở trên cao.
Những làn sóng oi bức nóng bỏng chạy lan trên mặt đất tựa như những dòng sông không khí vô hình.
Những viên đá vàng bị nung nóng làm bỏng chân.
Ivan Germogenovich, gần như mỗi bước mỗi vấp ngã. Dưới chân ông là dòng đá nóng bỏng lăn xuống kêu rít.
Karik và Valia đuổi kịp giáo sư và đi cùng hàng với ông.
Dốc lên càng ngày càng dựng đứng.
Những nhà leo núi bé nhỏ buộc phải bò, tay bấu lấy từng mỏm đá nhô ra.
Giáo sư vừa thở ì ạch vừa nói:
- Mệt như leo lên đỉnh núi Everest (2).
Cả Karik lẫn Valia đều chưa bao giờ được nghe nói về Everest, nhưng cả hai đều đoán ngay được Everest chắc cũng là ngọn núi lửa như chúng đang leo hiện nay.
Thế là đã tới đỉnh rồi.
Giáo sư và bọn trẻ vuốt mồ hôi bước lên đỉnh ngọn núi.
Ivan Germogenovich đứng thẳng người, khum bàn tay che mắt quay đầu nhìn khắp nơi.
- Nào, nào! – Giáo sư lẩm bẩm - thử xem ngọn hải đăng của ta ở đâu, thử…
Ông chưa kịp nói hết câu. Đất dưới chân ông bỗng thụt xuống. Giáo sư bị lún xuống đến tận thắt lưng. Bọn trẻ chạy bổ đến cứu. Nhưng quả đồi dưới chân rung chuyển và bỗng chẻ đôi thành một hố sâu. Giáo sư cùng bọn trẻ theo nhau rơi tuột xuống dưới qua một cái ống hẹp. Đất đá lăn theo ầm ầm.
Valia kêu thất thanh. Karik rơi lên mình giáo sư và với sức mạnh kinh khủng họ thụt sâu vào một cái đáy lầy ướt át.
Người đầu tiên định thần lại được là giáo sư. Vừa xuýt xoa rên rỉ, lội ra khỏi đám lầy đặc sệt, vừa xoa thắt lưng buồn bã pha trò:
- Một cuộc nhảy dù không có dù. Cho phép tôi chúc mừng các bạn đã tới mặt đất an toàn. Đứng lên nào các bạn ơi.
Ông chùi tay vào bộ quần áo, ân cần nhìn bọn trẻ đang vùng vẫy trong đống bùn và hỏi:
- Mọi chuyện ổn thỏa cả chứ? Valia, cháu thế nào? Không bị thương chứ?



***Xem trang:
[1][2][3][4][5][6][7][8][9][10][11][12][13][14][15][16][17][18][19][20][21][22][23][24][25][26]

TOP WAP WORLDWIDE


mobiV trang ch

© GIAITRI102.TK
Thanks to XTGEM

XtGem Forum catalog