80s toys - Atari. I still have
Không bấm vùng phía trên kẻo mất tiền nhé!

Cuối cùng mọi việc đã sẵn sàng để leo xuống.
Ivan Germogenovich gom hết dây cáp lại thành một đống buộc một đầu dây vào chỗ mỏm nhọn của cái lu rồi lấy chân đá đống dây còn lại xuống dưới.
Đống dây nặng nề trượt giữa các cành cây lao xuống dưới. Trong khi rơi nó gỡ ra thành một sợi dây cáp dài có những nút buộc thắt.
Đầu dây treo trên cành thông ở dưới.
Ivan Germogenovich sắp xếp:
- Valia leo xuống đầu tiên!
- Tại sao lại là cháu ạ?
Giáo sư cau mày nói:
- Không phải lúc để tranh cãi bây giờ!
- Vâng thôi được ạ - Valia vội vã nói – cháu sẽ leo xuống đầu tiên. Bác đừng giận nữa nhé!
Cô bé dũng cảm nắm lấy dây cáp nhanh nhẹn tụt xuống dưới.
- Chúc lên đường may mắn! – Ivan Germogenovich vẫy tay - xuống đến nơi thì giữ đầu dây nhé.
- Cháu sẽ giữ! Valia kên lên vừa tụt xuống.
Giáo sư và Karik cúi xuống và lặng lẽ theo dõi người bạn nhỏ tụt xuống.
- Dũng cảm lên nhé! – Karik kêu lên.
- Nhất định rồi! - Tiếng nói yếu ớt của Valia vọng lên.
Cô bé bình tĩnh tụt theo dây cáp từ nút buộc này đến nút khác và đã đến được giữa sợi dây. Đột nhiên lúc này nổi gió lên.
Valia bị đung đưa như con lắc. Cô run rẩy bám chặt lấy nút buộc của sợi dây cáp, ngẩng đầu lên, bối rối tìm cặp mắt giáo sư.
- Cứ tụt xuống đi! – Giáo sư và Karik đồng thời kêu lên một lượt.
Gió lắc sợi dây mỗi lúc một mạnh hơn. Người Valia vẽ thành một vòng cung trên vực thẳm.
- Tụt xuống đi!
Valia nheo mắt và lại tụt xuống từng nấc một. Cuối cùng chân của cô chạm phải một vật gì rắn. Đó chính là cành thông ở dưới. Cành này to và rộng hơn những cành ở trên. Valia có thể đi dạo trên đó thoải mái như người ta đi trên đại lộ.
- Cháu đến nơi rồi! – Valia ngẩng đầu lên kêu.
Cái lu treo cao tít trên đầu cô. Trên miệng lu Ivan Germogenovich và Karik đang ngồi và kêu lên điều gì đó.
Valia lắng nghe.
- Giữ lấy đầu dây! – Karik kêu lên từ bên trên.
Valia túm lấy đầu dây. Sợi dây rung lên và căng ra. Karik và tiếp theo đó là giáo sư nhanh nhẹn tụt xuống dưới đứng bên cạnh Valia.
- Từ đây xuống đất cũng không còn xa lắm! – Ivan Germogenovich nhìn xuống dưới nói – Nào, ta hãy xem ngọn hải đăng của ta ở phía nào?
Ông ngóng nhìn bên phải, bên trái rồi đột nhiên kêu lên:
- Nó kia rồi!
- Đâu? Đâu hả bác? – Karik và Valia nghển cổ hỏi.
Xuyên qua đám gai thông các khách du lịch trông thấy cây sào với lá cờ đỏ ở phía chân trời xa.
Nhưng bây giờ sao nó xa vời đến thế! Trông nó nhỏ xíu như lá cờ trên đồ chơi tàu thuỷ.
Valia nheo mắt hết nhìn ngọn hải đăng lại nhìn Karik và giáo sư thở dài buồn bã:
- Chúng ta chả làm sao đến đó được – cô nói - Một năm cũng chẳng đi tới được! Chúng ta thì bé nhỏ thế còn ngọn hải đăng lại ở xa đến thế!
- Ừ! – Giáo sư nghiến răng nói – có lẽ đi bộ cũng phải hai hay thậm chí ba tháng.
- Ba tháng ư bác? Nhưng lúc đó sẽ là mùa đông… phải làm nhà mất thôi – Valia hỏi.
- Hừ… Cũng có thể… Nhưng sao chúng ta lại đứng đây thế này? Chúng ta hãy đi theo cành đến thân cây thông đi.
Giáo sư xem xét cẩn thận một lần nữa rồi vững bước đi phía trước.
Bọn trẻ theo sau.
Họ bò trên những lớp vỏ thông gồ ghề màu đỏ thẫm, nhảy qua những vệt nứt hẹp và sâu.
Cuối cùng các khách du lịch cũng đến được bức vách dựng thẳng đứng.
Đó là thân cây.
Những lớp vỏ nâu sẫm chồng chất lên nhau, giữa những tảng vỏ là các khe sâu. Ở một vài nơi các khe này mọc đầy lùm cây màu xám trắng.
- Nghỉ một chút đi các bạn! – Ivan Germogenovich nói và ngồi xuống – Sau đó chúng ta sẽ tụt xuống theo thân cây như những con kiến vẫn làm.
Bọn trẻ nhìn xuống dưới và bất giác lùi cả lại.
- Sợ lắm! – Valia nói.
- Nhưng dầu sao thì cũng phải xuống! – Ivan Germogenovich nói.
Valia tựa vào đám vỏ cây màu đỏ, gục đầu xuống.
- Không sao đâu, không sao đâu! – Giáo sư an ủi cô - Ở vùng Kavkaz và Pamir các nhà thể thao leo núi của chúng ta còn leo những dốc núi dựng đứng hơn nhiều. Rồi cũng tụt xuống nữa. Mà những dốc lên xuống đâu có dễ như ở đây! Họ còn gặp những băng hà. Gió làm chảy nước mắt. Và trời lạnh đến nỗi nước mắt đóng băng ngay trên má. Úi chà! Nghĩ đến cũng đủ sợ rồi. Còn ngọn Bạch Sơn bằng gỗ này của chúng ta tụt xuống đâu có nguy hiểm gì lắm.
- Thì cũng phải cố tụt xuống thôi! – Valia thở dài buồn bã.
- Dĩ nhiên là chúng ta sẽ tụt xuống đến nơi – Karik tiếp lời - Đằng nào thì cũng chẳng có đường khác xuống đất. Vậy thì phải tụt xuống theo thân cây.
Giáo sư gỡ thêm một phần bộ quần áo của mình, bện thành một sợi dây chắc chắn và đưa một đầu cho Valia.
Ông nói:
- Cháu lại đi đầu tiên. Hãy buộc dây quanh thắt lưng và giữ nó cho chắc. Theo sai là Karik. Bác sẽ đi sau cùng.
Ivan Germogenovich tết dây thành thòng lọng và quàng lên Karik.
- Cháu bỏ tay ra!... Như thế được rồi!
Karik giơ tay lên, hạ cái thòng lọng vào quanh thắt lưng và thắt nó chặt hơn.
- Thế là xong rồi! – Giáo sư nói.
Các khách du lịch leo xuống dưới.
Thoạt tiên họ giòng Valia xuống. Cô quờ quạng hai chân và mò thấy chỗ vỏ cây nhô ra. Valia kêu lên:
- Cháu đứng được rồi! Thả dây ra một chút!
Họ làm chúng sợi dây. Tiếp theo Valia là Karik. Ivan Germogenovich đợi ở phía trên, xoạc hai chân giữ chắc đầu dây bằng cả hai tay. Ông theo dõi từng bước của bọn trẻ.
Khi Valia và Karik vừa đứng vững trên bãi đất mới, Ivan Germogenovich ném cho chúng sợi dây, rồi bám chắc từng mố cây ông thận trọng tụt xuống.
Họ đi như vậy vượt qua được gần nửa quãng đường nguy hiểm.
Mặt đất mỗi lúc một gần hơn. Đã có thể phân biệt được những thân cây sù sì của cánh rừng cỏ.
- Tuy vậy cũng còn xa lắm!- Ivan Germogenovich nói - Chắc cũng phải ít nhất hai tiếng đồng hồ nữa chúng ta mới tới nơi được.
Cả ba người đều rất mệt.
Vai và đầu gối của các khách du lịch đều xây xát thâm tím. Chân và tay run rẩy.
Đã đến lúc phải nghỉ một chút.
Đến một bãi rộng giáo sư và lũ trẻ dừng lại.
- Nghỉ chân ở đây thôi! – Giáo sư ra lệnh và mệt nhọc ngã xuống một bãi trống xù xì.
Bọn trẻ cũng ngồi xuống cạnh ông.
Ivan Germogenovich nằm thở dài nặng nhọc lấy tay chùi mặt ướt đẫm mồ hôi. Karik và Valia ngồi thõng chân xuống dưới vực.
Cả ba người đều im lặng.
Đột nhiên Valia nhảy phắt dậy hoa tay nói:
- Úi cha, hãy trông kìa. Con gì thế kia?
- Cái gì? Cái gì thế? – Ivan Germogenovich đứng lên hỏi.
Lúc này giáo sư đã trông thấy một cái đầu khổng lồ phủ đầy cả một rừng râu cứng rậm rạp. Những cái cẳng ngắn nhưng khoẻ mạnh bấu lấy bờ cạnh của cái bãi. Cuối cùng con vật đã bò trên bãi, uốn cái thân dài bù xù lông lá bò trên mô đất, chuyển động vô số chân của mình. Theo sau nó lại xuốt hệin một con khác cũng dài và xù xì lông lá như vậy, rồi lại tiếp thêm nhiều con nữa.
- Các cháu đừng sợ - Ivan Germogenovich nói và ngồi xuống mỏm vỏ cây – Đó chỉ là con sâu bướm thông thường, Chúng không đụng đến chúng ta đâu.
Valia thì thầm:
- Ôi, dầu sao thì cháu cũng sợ chúng lắm.
- Sao em nhát quá thế - Karik nói – Đã bảo với em là nó không động đến chúng ta, tức là nó sẽ không động tới… Nó ăn gì hả bác? - Cậu quay sang hỏi giáo sư.
- Nó ăn những lá kim xanh và các mầm thông non mềm mại – Ivan Germogenovich đáp.
- Đấy, thấy không, đó là loài sâu ăn chay. Thậm chí em có thể sờ tay vào nó.
Nhưng Valia vẫn lùi ra xa phòng mọi bất trắc. Giáo sư mỉm cười bước lại gần Valia vỗ vai cô và nói:
- Đừng sợ, cháu đừng sợ, cô bạn nhỏ ạ. Bây giờ chúng ta sẽ bò đi xa. Chúng đâu có cần đến chúng ta. Chúng bò đến lá và mầm thông non. Chính cái màu xanh này bị những con sâu ăn chay lông lá ấy ăn hết. Ồ, bác biết chúng rất rõ mà. Có một dạo bác thậm chí viết cả một cuốn sách về chúng.
- Một quyển sách về những con sâu ư? – Valia kinh ngạc.
- Có gì lạ đâu? – Ivan Germogenovich nhún vai - Những con sâu này là loài châu chấu rừng chính cống. Chúng tụ họp thành từng bầy đông đảo và tàn phá các rừng thông như châu chấu tàn phá lúa mì. Có một lần bác đã trông thấy khu rừng bị bướm thông đi qua. Bác đã đi hàng chục cây số mà không thấy một vệt nhỏ màu xanh nào, chỉ toàn là những cành trụi lá lăn lóc khắp nơi.
Nói đến đây giáo sư nhìn lên cao và bỗng mỉm cười như vừa trông thấy người bạn tốt nhất của mình.
- A, các chú Microgasternemorum đây rồi! – Ivan Germogenovich nói – Xin nhiệt liệt chào mừng.
- Ở đâu? Bác vừa nhìn thấy con gì thế?
- Chẳng lẽ các cháu không thấy hay sao?
Trong những làn sóng không khí, ngay trên những con bướm thông có những con vật khổng lồ mình hẹp cánh dài và trong suốt bay liệng không một tiếng động.
- Những con muỗi! – Valia kêu lên.
- Microgasternemorum! – Ivan Germogenovich nhắc lại - Những chàng kỵ sỹ! Những người bạn của cánh đồng và rừng cây. Các cháu hãy xem chuyện gì xảy ra. Nhiều nhà bác học cũng phải ghen tị với các cháu bây giờ! Một chú rồi! – Giáo sư đếm - Một rồi nhé! Rồi! Hai chú! Tuyệt lắm! Rồi! Ba chú! Giỏi thiệt! Các cháu trông kìa!
Các chàng kỵ sỹ có cánh từ trên lao xuống những con sâu giống như diều hâu bắt mồi và cưỡi lên lưng của chúng.
- Chúng cưỡi kìa! Chúng cưỡi kìa! – Valia cười ầm ĩ – Đúng là những chàng kỵ sỹ thực thụ.
Quang cảnh xảy ra giống như một màn xiếc ngộ nghĩnh, trong đó những con chó cưỡi ngựa hay những con chuột sợ run đang phi trên lưng những con mèo.
Bọn trẻ vỗ tay reo hò. Nhưng bỗng Valia ngừng tay, nhìn giáo sư, bối rối hỏi:
- Những con… Micry… gì ấy đang làm gì thế bác?
Cô bé trông thấy những chàng kỵ sỹ giơ bụng lên cao và dùng lưỡi gươm nhọn ở cuối bụng vung lên đâm thẳng vào lưng những con sâu.
Đâm xong rồi, chúng lập tức bay lên.
- Đánh nhau! – Valia nói – Chúng đánh nhau chứ không phải cưỡi ngựa!
- Không phải là đánh nhau mà cũng không phải là cưỡi ngựa! – Ivan Germogenovich đáp - Những chàng kỵ sỹ đâm vòi, đặt trứng của mình vào da con sâu và đẻ trứng dưới làn da của sâu. Qua một thời gian những ấu trùng kỵ sỹ chui ra khỏi trứng và sẽ tiêu diệt những con sâu… Bác cho rằng chúng sẽ ăn thịt sâu trước khi những con này biến thành bướm… Các bạn ạ, giả thử như không có những chàng kỵ sỹ này thì sâu bướm thông đã ăn trụi cả các cánh rừng. Nhưng những con Microgaster không cho chúng sinh sản, vì vậy chúng ta có thể gọi Microgaster là người canh rừng tốt nhất.
- Thế có thể nuôi chúng bằng cách nhân tạo không bác? – Karik hỏi.
- Những con Microgaster ấy ư?... Có thể đấy! Giáo sư nói.
- Thế sao người ta không làm như vậy hả bác?
- Người ta có làm thử, nhưng không phải lúc nào những thí nghiệm ấy cũng thành công – Ivan Germogenovich đáp - Tiếc thay, ấu trùng của các kỵ sỹ ấy cũng bị những kỵ sỹ khác đặt trứng của mình vào. Thực ra thì những kỵ sỹ ấy rất nhỏ nhưng trứng của chúng cũng đủ giết chết các con microgaster.
- Thật là lũ ăn bám! Chẳng lẽ không thể tiêu diệt lũ nhãi nhép ấy hay sao?
- Có thể chứ! Bọn kỵ sỹ tí hon này cũng có kẻ thù, và cũng là những chàng kỵ sỹ. Chúng bé tí xíu.
- Ấy đó! – Karik nói – nhưng con này thì cần phải nuôi.
- Phải rồi, điều này cố nhiên là hợp lý – giáo sư đồng ý. Nhưng khổ thay có những chàng kỵ sỹ khác đặt trứng của mình vào ấu trùng của những con vật tí hon có ích ấy.
Karik bối rối giang tay nói:
- Giống như là… chuyện cổ tích về con bò trắng. Đoạn mở đầu thì có mà kết cục thì không.
- Chính thế đấy cháu ạ - Giáo sư tiếp lời – Đôi khi tưởng rằng mình tìm thấy chỗ kết thúc và hiểu được tất cả về con vật này hay con vật khác. Nhưng chỉ cần đào sâu một chút và nghiêm túc hơn đi sâu vào thực chất của vấn đề thì lại thấy rằng trong tay mình không phải là đoạn kết mà chỉ là đoạn mở đầu của một chương nghiên cứu mới và hấp dẫn.
Giáo sư quên mất là mình đang ngồi trên một mẩu vỏ cây, ông nhỏm dậy và bắt đầu say sưa kể rằng các nhà bác học cũng tựa như Christophe Colomb (1) đi du lịch hàng ngày trong những đất nước chưa ai biết và họ đã phát hiện ta liên tiếp các đại lục mới như thế nào.
Những con sâu bướm thông bò ngược lên theo vỏ cây tựa như theo một đường làng rộng rãi.
Những con bọ dừa khổng lồ bò xuống gặp chúng. Trên những nẻo đường cây thông nhộn nhịp những con vật có cánh.
Những con sâu bướm thông không nể nang xô đẩy giáo sư, bận rộn bò lên phía trên. Một con bọ dừa đen khổng lồ suýt nữa quật ông ngã nhưng ông vẫn tiếp tục nói hoài, nói mãi…
Chưa biết Ivan Germogenovich còn đứng trên mẩu vỏ cây như trên mục giảng bao lâu nữa. Có thể cuộc nói chuyện còn kéo dài đến chiều tối. Nhưng bất ngờ một con vật có cánh nào đó phá ngang vào.
Nó rơi như một viên đá xuống cạnh giáo sư, cánh đập vào làm ông văng ra một phía. Sau đó giơ cao cái bụng có mũi giáo ngọn dài, sắc, con vật đâm mạnh vào vỏ cây ngay sát đầu giáo sư.
Mũi giáo nhọn đâm sâu vào vỏ cây.
Bọn trẻ chưa kịp kêu thì con vật đã rút mũi giáo ra và biến mất trong hcớp mắt, cũng nhanh như khi nó xuất hiện.
Karik và Valia nép sát vào tảng đá màu đỏ. Chúng thở nặng nhọc, tái người vì sợ hãi.
Ivan Germogenovich rời vỏ cây đứng dậy.
- Thế đấy, hình như bác ba hoa hơi dài một chút! Chúng ta còn phải tụt xuống đất trước khi trời tối.
Ông ngước nhìn Karik và Valia rồi nói:
- Không có gì nguy hiểm đâu! Đó chỉ là con Talessa bình thường, hoặc nói giản dị cũng là một chú kỵ sỹ.
- Nó đặt trứng vào vỏ cây ư bác?
- Sao lại vào vỏ cây? – giáo sư nói – Nó đặt trứng vào ấu trùng của sâu phá hoại cây thông.
- Vào ấu trùng ư? – Karik ngơ nágc - Thế ấu trùng ở đâu hả bác?
- Ở dưới lớp vỏ cây!
- Bác làm sao mà nhìn thấy được?
- Bác không nhìn thấy nó, nhưng bây giờ thì bác sẵn sàng đánh cuộc gì cũng được là dưới lớp vỏ cây đang ngọ nguậy ấu trùng của một chú bọ rệp có râu nào đó.
- Vậy nghĩa là chàng kỵ sỹ nhìn xuyên qua được lớp vỏ cây ư bác?
- Không. Nó không nhìn thấy ấu trùng, nhưng cảm giác thấy nó… Mà chúng ta không hiểu được điều đó đâu. Chúng ta còn biết rất ít về lối sống của các côn trùng. Nhiều cái trong đời sống của những sinh vật đặc biệt này chúng ta còn chưa biết thật rõ, thí dụ như râu của chúng để làm gì? – Ivan Germogenovich nói.
Ông đứng dậy thong thả cuộn đầu dây vào tay.
- Thôi nào, - Ivan Germogenovich nói - đứng dậy thôi các bạn! Chúng ta đi tiếp nào.
Lại bắt đầu công việc leo xuống vất vả và nguy hiểm theo các tầng vỏ cây.
Thỉnh thoảng giáo sư và bọn trẻ sau khi chọn những bãi nghỉ lặng lẽ nằm xuống những tảng đá màu đỏ. Duỗi tay chân đã tê cứng, họ xem xét dây có còn lành nguyên không, có nút nào bị rối không để rồi lại lên đường, nhảy từ tảng đá này sang tảng đá khác.
Tại một trạm nghỉ các khách du lịch buộc phải ngồi khá lâu.
Chỗ đó không còn xa mặt đất bao nhiêu.
Giáo sư và bọn trẻ sau khi nghỉ một chút đang chuẩn bị leo xuống tiếp thì bỗng nhiên trên đầu họ ầm ầm tiếng cánh vỗ.
Ivan Germogenovich nhìn lên và tái mặt đi. Ông vội vàng kéo tay bọn trẻ lẩn vào một khe hẹp.
- Ngồi im! – Giáo sư thì thầm.
Một con vật vằn, eo thon và dài bay qua. Thân hình dài ngoẵng của nó phủ những vằn vàng và đen như da hổ.
Lướt đôi cánh qua lớp không khí và ép chặt vào bụng con vật gì ngọ nguậy như con rắn nó bay vụt qua thật nhanh.
Giáo sư thì thầm:
- Con ong vò vẽ Evmena!
Con ong vò vẽ bay lại gần cái lu mà Ivan Germogenovich cùng bọn trẻ vừa mới thoát ra, ném con mồi của mình vào đó rồi chui vào trong lu.
- Chính nó bắt chúng ta phải không bác? – Valia hỏi.
- Chính nó đấy – Ivan Germogenovich gật đầu – Các cháu ạ, bác nghĩ rằng con ong nhầm chúng ta với những con sâu. Nhưng các cháu hãy xem nó đang làm gì thế kia?
Con ong vò vẽ chui ra khỏi lu bay vụt xuống đất rồi lập tức bay lên.
Quạt một làn gió vào các khách du lịch nó bay qua họ như một cơn lốc theo đường vòng cung rồi đậu xuống chiếc lu. Tất tả bò quanh cái lỗ, con ong vẽ nghí ngoáy những cái chân vừa gõ đầu vào mép lu.
Sau đó nó bay đi.
Các khách du lịch nhìn thấy lỗ ra vào của cái lu đã bị lấp bởi cái gì đó màu xám. Ở chính giữa gồ lên một viên đá nhọn và to như cái nút chai.
- Các cháu thấy không – Ivan Germogenovich nói – Con ong vẽ đã bịt kín cái lu của mình thế nào. Giả sử bác cháu mình không kịp thời chui ra khỏi đó thì chúng ta có thể chết đói ở đấy.
- Thế không thể đập tường ra ư bác?
- Không được! Con ong vẽ trộn các hạt bụi với nước miếng của nó thành một thứ xi măng thật chắc, đến nỗi những người lớn bình thường cũng không dễ gì dập vỡ được.
- Dầu sao cháu cũng không hiểu được – Karik nói – Nó bắt chúng ta, rồi tống chúng ta vào trong lu… nhưng để làm gì? Tại sao nó không ăn thịt chúng ta ngay?
- Nó đâu có định ăn thịt chúng ta – Ivan Germogenovich đáp – con ong vẽ ăn mật hoa, còn những con sâu nó bắt là để dành cho con cái… Các cháu có nhận thấy không, nó không giết con mồi. Nó chỉ châm nọc ru ngủ những con giun… biến chúng thành đồ hộp… thành những đồ hộp sống.
- Thế sao chúng không ru ngủ chúng ta? – Valia hỏi.
- Bác cũng không biết nữa! – Giáo sư nhún vai – Bác không hiểu gì cả… Cũng có thể nọc độc không xuyên qua được lần áo mạng nhện của chúng ta, và cũng có thể nó không có tác dụng với chúng ta. Bác cũng không biết nữa. Nói chung mọi chuyện thật kỳ lạ… Thực ra, bác không hiểu sao nó có thể lẫn chúng ta với những con sâu… Thông thường, những con ong không nhầm lẫn như vậy… Đối với khoa học đó là một trường hợp b1i ẩn hoàn toàn.
- Thế ai làm cái lu cho nó? – Valia hỏi.
- Tự nó làm đấy – Ivan Germogenovich đáp - bằng loại xi măng của nó. Ở trong những bức tường chắc chắn ấy ấu trùng của ong có thể lớn lên mà không sợ bị con khác ăn thịt hoặc đè bẹp. Thức ăn chuẩn bị vừa đủ cho nó… Khi con ấu trùng chui ra từ quả trứng, nó theo sợi dây tơ bò xuống dưới, rơi lên mình con sâu và bắt đầu ăn thịt chúng. Mà các cháu có biết chúng ăn như thế nào không? Chúng nhấm nháp con mồi hàng tuần lễ, nhưng đến ngày cuối cùng con sâu vẫn sống và thịt vẫn tươi… Sau đó con ấu trùng kéo kén và một thời gian sau con ong đực hay con ong cái bay ra từ cái kén… Từ trong cái lu của chúng ta đáng lẽ con ong đực sẽ bay ra, nhưng bây giờ…
- Sao bác biết chắc là con ong đực?
- Bác biết chứ! – Ivan Germogenovich đáp – Con ong bỏ vào trong lu ba chúng ta rồi lại đem thêm một con sâu nữa. Bốn con sâu - đó là dự trữ cho con đực. Còn nếu là trứng ong cái thì nó sẽ để mười con sâu. Điều này hoàn toàn dễ hiểu. Con ong cái to hơn con ong đực vì vậy cần để thức ăn cho nó nhiều hơn.
- Như vậy có nghĩa là con ong biết đếm đến mười hả bác? – Valia hỏi.
- Bác không nghĩ là nó biết đếm thậm chí cho đến hai – Ivan Germogenovich mỉm cười đáp – Cháu có nhớ không, con ong đã bò vào trong lu sau khi chúng ta đi khỏi đó. Đúng không nào?
- Vâng, thì nó đã chui vào!
- Nó chui vào là đẻ trứng. Như vậy nó đã trông thấy ở trong lu chỉ có một con sâu chứ không phải bốn. Vậy mà nó cứ lấp lu lại, không biết đem thêm ba con sâu nữa. Bây giờ cố nhiên ấu trùng sẽ chết.
Giáo sư bước ra khỏi khe núi, nhìn phải nhìn trái và nói:
- Nó bay rồi, bây giờ chúng ta có thể yên tâm mà đi.
Đến mặt đất không còn xa và chẳng bao lâu các khách du lịch đã xuống tới nơi bình an.
Trước mặt họ là sa mạc đá.
Bên trái là khu rừng cỏ xanh xa xôi. Trên cánh rừng nhô lên cây sào hải đăng với lá cờ đỏ nhỏ xíu.
Các khách du lịch lên đường.
Suốt ngày họ đi trên cát qua nhiều rừng núi, lội qua nhiều suối lạch.
Đến chiều tối, mệt mỏi và đói mềm, họ dừng lại bên bờ một con sông cuộn sóng. Bọn trẻ không còn sức bơi qua sông, Valia nằm dài bên bờ và nói:
- Cháu không sao đi nổi nữa!
Hoàng hôn đã buông xuống. Bầu trời thẫm dần. Những áng mây ráng đỏ trên cánh rừng. Trên đầu tiếng chim xào xạc gọi bầy.
- Biết làm sao – Ivan Germogenovich nói - buộc phải ngủ đêm lại đây thôi.
- Ở trên bờ ư bác?
- Thử cố tìm một hang núi hay hang gấu nào đó.
Sau một hồi tìm kiếm Karik gặp một tảng đá màu nâu giống như một đống cỏ khô. Ở bên hông có một cái lỗ đen tròn xuyên qua bức tường dày.
Karik ngó vào trong và kêu lên:
- Lại đây đi! Có lẽ cháu tìm được một căn nhà nào đó.
Giáo sư bước lại gần, xem xét kỹ tảng đá, ngẫm nghĩ rồi nói:
- Một quả hồ đào rỗng. Căn nhà của một ấu trùng loài mọt bọ dừa. Chui vào đi các cháu. Một khách sạn dùng được.
Trời đã tối. Mệt mỏi quá bọn trẻ díp mắt lại. Chân đau ê ẩm. Karik và Valia nhanh nhẹn lẩn vào trong cái lỗ của quả hồ đào, nhào lăn xuống sàn đất xù xì, và lập tức ngủ say như chết.
Trong lúc đó giáo sư đi quanh quả hồ đào thở dài thườn thượt. Lỗ ra vào hẹp quá nên Ivan Germogenovich chỉ có thể thò được cái đầu vào, còn vai thì không lọt.
- Bực thật! – Giáo sư làu bàu.
Giận dữ càu nhàu, ông ngó vào quả hồ đào một lần nữa, lắng nghe tiếng thở đều đều trong mơ của bọn trẻ rồi đi tìm chỗ ngủ khác cho mình.
Không xa quả hồ đào ông tìm thấy một vỏ ốc trong hố và xem xét nó. Vỏ ốc rỗng không. Ông cằn nhằn rồi chui vào trong đó.
Sàn vỏ ốc tuy nhẵn nhụi nhưng cứng và lạnh. Giáo sư mệt mỏi sau chặng đường dài nên không để ý đến điều đó.
Kê tay gối đầu lên ông nằm duỗi thẳng và ngủ ngay tức khắc.
Gần nửa đêm trong không trung có tiếng gầm rít. Giáo sư mơ hồ nghe thấy trong giấc ngủ say. Chắc là trời nổi gió.
Trời lạnh làm ông tỉnh giấc và mở mắt ra.
Bầu trời phủ đầy mây đen. Mặt trăng ngụp lặn trong những đám mây. Giáo sư co ro nằm thu mình lại rồi thiếp đi trong giấc ngủ chập chờn.
Trong khi đó ở bên ngoài vỏ ốc, từng cơn gió lạnh thổi giật mạnh như điên khùng làm những cành hoa, lá cỏ và bụi bốc lên khắp mặt đất.
Sức ép của gió làm quả hồ đào lung lay. Cuối cùng, sau khi rung rinh lắc lư một hồi nó bị cuốn theo làn gió lăn xuống sông.
Một cơn gió mới xô quả hồ đào xuống nước. Nó nhảy múa trên sóng rồi trôi theo dòng chảy.
Trong giấc ngủ say bọn trẻ mơ hồ cảm thấy bị lắc như trong nôi trẻ con.
Chúng nép sát vào nhau vừa ngủ vừa mỉm cười trong giấc mơ. Trong khi đó dòng sông cuốn quả hồ đào đưa bọn trẻ đi mỗi lúc một xa giáo sư hơn.
(1) Christophe Colomb – nhà thám hiểm đi nhiều nơi trên thế giới và được coi là người phát hiện ra Châu Mỹ (ND).



***Xem trang:
[1][2][3][4][5][6][7][8][9][10][11][12][13][14][15][16][17][18][19][20][21][22][23][24][25][26]

TOP WAP WORLDWIDE


mobiV trang ch

© GIAITRI102.TK
Thanks to XTGEM