Lamborghini Huracán LP 610-4 t
Không bấm vùng phía trên kẻo mất tiền nhé!

Trưng cố ý gắn hoàn cảnh của ông ta và của Vũ, cả hai còn gia đình ở lại trong vùng Việt cộng, nhằm thanh minh trước hết với "Phụ tá cơ quan mật vụ" của Trần Kim Tuyến, duy trì cái thế chính trị của ông ta luôn trong sáng, nếu có kẻ xấu nào lợi dụng gây sự nghi ngờ thì chính Vũ trở thành nhân chứng của mình. Vũ hiểu tâm trạng của Trưng, ông già sáu mươi đang ở bực thang danh vọng trên cùng, nhưng tham vọng không phải dừng lại ở đó. Hiện nay, Trưng vừa làm ủy viên Trung ương Cần Lao, Trung ương Phong trào cách mạng quốc gia, dân biểu Quốc hội, vừa là thành viên trong ban tư vấn cận thần tin cậy bậc nhất của Diệm. Là một trong số sáng lập viên Đảng "Cần Lao Nhân Vị" ngang hàng với Tôn Thất Toại, Nguyễn Trác, Huỳnh Văn Chí, Lê Văn Nghiêm, Đỗ Mậu... sát cánh với Ngô Đình Cẩn bí mật hoạt động từ khi Diệm còn là con bài dự tính của Mỹ, nằm trong tu viện ở Hoa Kỳ. Công lao tạo uy tín, quy tụ thực lực, mở đường cho nhà chí sĩ cách mạng quốc gia về chấp chính, không phải là nhỏ. Đối với cá nhân Ngô Đình Diệm là vậy, nhưng với Nhu hiện nay là linh hồn của người anh ruột cầm quyền, ông ta không thể đùng những công thần nắm các chức vụ chủ chốt, ông ta cần loại có khả năng và dễ dạy. Từ đó sự ganh tị phát sinh ngay trong nội bộ. Trưng thấy rõ hơn ai hết, chỉ cần cái cớ liên hệ Việt cộng, vị trí tột đỉnh vinh quang của ông ta có còn giữ vững được không? Thanh minh đã chậm, ích gì!
Lúc đầu Võ Văn Trưng với lối thăm dò dè dặt rồi câu chuyện dẫn dắt đến chỗ thân tình, tin cậy, Trưng bắt đầu tâm sự:
- Ông Vũ nghĩ gì về buổi nói chuyện của ông Nhu trong hai buổi họp vừa rồi?
Vũ không trả lời ngay, anh hỏi ngược lại:
- Cụ quan tâm vấn đề gì qua lời huấn từ của ông Cố vấn chăng?
Trưng trầm ngâm giây lát, mạnh dạn:
- Không lẽ ông không chú ý đến điều mà hiện các vị trong Ban chấp hành Trung ương đảng ta thắc mắc sao? Ông Nhu nói rằng chế độ Việt Nam cộng hòa không dựa đảng phái, đảng Cần Lao Nhân Vị sẽ không ra công khai, có đảng Cần Lao hay không, mặc ai hiểu sao thì hiểu. Ông ta còn nhấn mạnh: "Chúng ta thuộc về một gia đình mà số phận gắn liền với vận mệnh quốc gia". Đó là điều mấu chốt khiến mọi người quan tâm đấy.
Trưng ngước mắt nhìn thẳng vào mặt Vũ, cặp mắt không còn vẻ trong sáng, có vằn đỏ, có hằn những nét chân chim ở phần đuôi, anh nhận rõ ánh mắt của ông ta ẩn hiện một sự giận hờn, một nỗi lo âu. Vũ với vẻ nghiêm túc, chậm rãi:
- Vâng thưa cụ, cũng như các vị có mặt, tôi có chú ý điều đó. Ông Nhu nói với chủ đích rõ ràng không phải do ngẫu hứng. Người ta có thể hiểu lầm, chế độ Việt Nam cộng hòa do một nhà, giống kiểu nhà Nguyễn trước chớ không phải đảng Cần Lao cầm quyền, trong khi hiến pháp dựa trên chủ thuyết nhân vị.
Trưng bật ngửa ra lưng ghế, cười gằn, làm Vũ ngừng lại. Anh lấy thuốc hút cố ý chờ đợi.
Ông quả là sâu sắc:
- Này nhé, chúng ta đã nhận được nhau là "người nhà" cứ nói thực với nhau nhé, ông Vũ?
Vũ nhẹ gật đầu, trả lời có dụng ý bị động:
- Thưa vâng, nếu được cụ cho phép.
- Ông Nhu đã lộ rõ nguyên hình độc tài không hơn không kém. ông ta đã sử dụng lực lượng của đảng Cần Lao như một công cụ làm cầu cho ông Diệm từ Hoa Kỳ về nước, làm thang cho ông Diệm bước lên vị trí nguyên thủ quốc gia. Bao nhiêu đảng viên tận tụy, hy sinh cho sự nghiệp chung, bảo vệ ông Diệm trước sự tấn công của các đảng phái, giáo phái, tay sai của Pháp, kể cả bọn thực dân Pháp, xây dựng uy tín, tập họp lực lượng, đưa ông ta lên tột đỉnh vinh quang. Vậy mà khi công thành danh toại, ông ta trao cho ông Nhu nắm toàn quyền quyết định. Rõ ràng anh em ông Diệm đã phủi công lao của đảng, bất cần đảng, có đảng hay không có đảng lúc này không cần thiết. Tất cả mọi người phụ thuộc vào một gia đình, chỉ có gia đình ông Diệm mới có số phận gắn liền với vận mệnh quốc gia. Hừ phong kiến, đi đúng vết xe nhà Nguyễn rồi, chết thật!
Với lối nói gay gắt, Trưng bộc lộ tâm trạng mình không dè dặt trước mặt Vũ. Con người bộc trực, nóng nảy, Vũ nhận xét. Không bỏ lỡ cơ hội, anh thăm dò sâu hơn:
- Từ lâu nghe nói tổng thống Diệm tín nhiệm và chịu nghe lời bàn bạc của bốn vị được coi là "Tứ trụ": Cụ Tôn Thất Toại, cụ Hà Huy Liêm, cụ và đại tá Đỗ Mậu. Nếu dư luận đúng, tôi thiết nghĩ các cụ cần phải trực tiếp gặp Tổng thống đề đạt lời khuyến cáo có thể sửa lại chỗ sai sót vừa rồi.
Trưng lắc đầu thở dài:
- Ồ! Thời gian đầu quả có thế. Đến giờ tình thế đã thay đổi. Trước đây ông Diệm thường mời chúng tôi đến hỏi ý kiến khi có sự việc khó khăn. Gần đây không những ông Diệm cố ý xa lánh chúng tôi, mỗi lần bọn tôi muốn tiếp kiến phải báo qua văn phòng ông cố vấn, vài ba lần được trả lời "Cụ bận", rõ ràng gặp được Tổng thống không còn là việc dễ. Chính đại tá Đỗ Mậu gặp trường hợp rắc rối này đã nóng nảy nói nặng vài lời, bị ông Nhu đẩy đi Pháp làm tùy viên quân sự cho tòa Đại sứ. Cả ba chúng tôi đã cố gắng vận động, gần một năm rồi ông Diệm mới nhận lời giải quyết. Hôm qua, trung tá Đinh Sơn Thung ở bên bộ Quốc phòng gọi điện báo tin cho chúng tôi hay, đã có quyết định triệu hồi ông Mậu về nước. Được tin ông Diệm dự tính cử đại tá Đỗ Mậu thế tướng Mai Hữu Xuân, giữ chức Tổng giám đốc An Ninh Quân Đội. Nhưng ông Nhu tỏ ra chưa chịu, trong khi ông Diệm cương quyết tự giải quyết. Đối với hàng tướng tá, không ai được ông Diệm tin cậy hơn đại tá Đỗ Mậu, vừa là đồng hương, vừa có ơn cứu giúp ông Diệm trong thời kỳ bị bãi chức Thượng Thư Bộ Lại. Cho đến sau này lại tích cực ủng hộ ông Diệm về chấp chính. Nhưng trớ trêu thay, ông Nhu không ưa đại tá Mậu. Nguyên nhân ông Mậu vốn trực tính, nghĩ sao nói vậy, vài ba lần to tiếng với ông Nhu, lần cuối cùng xây ra, ông Diệm phải dàn hòa, nhưng không cản được ông Nhu đẩy sang Pháp. Ngày rời Việt Nam đi, ông Mậu vào từ giã, ông Diệm tỏ vẻ bùi ngùi thương cảm, ông hứa: "Tạm qua đó chờ chú Nhu nguôi cơn giận, tôi sẽ kéo ông về giao trọng trách cao hơn". Ông Diệm giữ lời hứa, đã thực hiện.
Câu chuyện kéo dài đến trưa, bà Võ Văn Trưng tươi cười bước ra phòng khách, giọng Huế dịu dàng trách móc:
- Hai ông say chuyện quá hỉ? Không lẽ quên đói được ư? Đến giờ rồi, ông mời khách vào bàn thô i.
Trưng cười, ân cần mời Vũ:
- Hôm nay bà nhà tôi đãi chúng ta bữa cơm đặc biệt xứ Thanh, một bữa ăn gia đình để nhớ mãi ngày hội ngộ, ngày chúng ta nhận nhau không chỉ đồng hương mà là đồng chí.


Sáng nay, Lê Nguyên Vũ từ nhà riêng lái xe đến thẳng Huỳnh Văn Trọng. Tối qua Trọng gọi điện thoại cần gặp anh trước bảy giờ. Trọng chờ Vũ trước cổng:
- Cha Dưỡng mời anh em mình lại chơi, bàn với chú một số việc để mười giờ bay sang Mỹ.
Trọng vừa báo tin vừa tự mở cửa xe vào ngồi cạnh Vũ.
- Đi Mỹ? Có việc gì vậy anh?
Xe quay lại hướng về phía chợ Bến Thành, Trọng chờ xe vào hàng ổn định mới trả lời:
- Đức Hồng y Spellmann mời cha Cao Văn Luận và cha Dưỡng sang gặp, chưa rõ chuyện chi. Đến đó cha sẽ nói rõ lý do thôi.
- Sau vụ ông Diệm bị giết hụt ở Ban-Mê-Thuột, bọn học trò anh có bàn tán gì không?
- Chung bọn học trò thì không. Nhưng chiều hôm kia đệ nhất tham vụ Cholorn tổ chức bữa ăn tối tại nhà riêng mời Colby phụ tá đại sứ Mỹ, trước khi y về nước nghỉ phép ba tháng. Cholorn mời tôi, thầy dạy mà, để tiện cho hắn ta chào tạm biệt...
Trong cuộc gặp gỡ, chúng có nói đến vụ ám sát ông Diệm. Đại ý có hai điểm, thứ nhất, sự kiện xảy ra giữa lúc Nhà Trắng đặt hy vọng vào ông Diệm khá cao, nên nhóm Mỹ ủng hộ ông Diệm ở đây lo sẽ có trở ngại về mặt viện trợ, khi số người không bằng lòng ông Diệm có cớ đánh giá lại con bài cưng nhất của CIA. Thứ hai, đại tá Lansdale, tích cực hơn ai hết, đã cùng với ông Nhu trực tiếp chỉ huy khai thác hung thủ, tìm bọn âm mưu là những ai trong số địch thủ của ông Diệm. Qua khai thác, chúng đã kết luận, đó là ý đồ của Pháp không phải Việt Cộng. Bằng cớ rõ ràng là trung tá Trần Đình Lan và đại úy Quách Sến cầm đầu Phòng 6 của Pháp trước đây, đã trốn khỏi Sài Gòn ngay sau vụ Ban-Mê-Thuột xảy ra. Ông Ngô Đình Nhu giận lắm, ông ta nghi giữa Trần Đình Lan và Mai Hữu Xuân có liên lạc với nhau trước đó nên quyết định cất chức Tổng giám đốc an ninh quân đội của Xuân, đuổi về Ban thanh tra Quốc phòng. Nếu có đủ chứng cứ, Xuân khó thoát chết với ông Nhu chuyến này. Cậu Cẩn ở ngoài Huế, có thể là được sự đồng ý của ông Nhu, quét một nhát mấy chục tay chân Pháp cũ Như Nguyễn Văn Yến quản lý khách sạn Morin của chánh mật thám Pháp, Trần Nguyên An nguyên thiếu tá chỉ huy trưởng lực lượng bổ sung Pháp mất tăm. Ngoài Khánh Hòa, ông Cẩn cho lính đập chết tay trưởng ty công an Nguyễn Văn Mạnh, kéo xác trên đường phố Nha Trang. Hành động quá mạnh của ông Cẩn khiến đại sứ Mỹ phải gặp ông Diệm can ngăn "tốp" bớt. Một số thân tín của Pháp còn đó sợ xanh mặt, kể cả số tướng tá bị ông Nhu đuổi khỏi các chức vụ trọng yếu. Đại tá Colby cho rằng, mọi công việc ông Nhu, cậu Cẩn làm vừa rồi, có sự đòng ý của đại tá Lansdale, một nhân vật trong số người Mỹ rất ghét Pháp.
Đến đây Trọng hỏi lại Vũ:
- Trong vụ này chú ở cạnh Tuyến chắc biết rõ hơn, vậy bọn nào ám sát ông Diệm?
Vũ suy nghĩ giây lát:
- Anh biết đấy, tuy danh nghĩa là phụ tá cho Tuyến, tôi chỉ được giao công tác bên Phong Trào thôi. Gần đây tôi có ghé lại chỗ Tuyến, được biết ông Cẩn cho ba người vào hợp tác với nhóm Tuyến khai thác hung thủ bắn ông Diệm. Hung thủ còn nhỏ tuổi, đâu chỉ ngoài hai mươi, gốc lính Cao Đài. Hắn thú nhận hết nhưng không hề biết tổ chức chủ mưu, chỉ có vài tên cũng là sĩ quan của ông Phạm Công Tắc sai làm. Anh Tuyến tin lời cung là đúng, vì chắc chắn bọn chủ mưu không dại gì lộ mặt trước một thanh niên nhỏ tuổi như vậy. Cứ vào hành động của hung thủ, họ suy luận cho là ý đồ của Pháp. Nếu là Việt cộng, khi họ đã làm thì ông Diệm khó mà thoát chết.
- Cũng chỉ là suy luận thôi sao?
- Thì chứng cớ đâu? Hung thủ còn nguyên đó, làm được gì hơn mà chẳng phải đoán mò.
Chắc chắn họ cũng tìm thấy số chứng cớ nào đó, nên ngay Colby, một sĩ quan CIA ngang hàng với Lansdale, cũng xác định là ý đồ của người Pháp nhưng thực hiện là do số người Việt tay chân cũ. Ông Ngô Đình Nhu ngay sau sự việc xảy ra đã ra lệnh bắt Trung tá Lan, nhưng hắn đã biến mất. Có tin Lan đã qua Nam Vang trước đó một ngày.
Câu chuyện ngừng lại, Vũ cho xe chạy vào cổng sau khu vực Bộ Tổng tham mưu. Từ ngày gặp nhau ở Sài Gòn, cả ba trở thành bạn tâm giao, họ thường gặp nhau, lúc tâm sự, khi bàn chính tình thời sự. Đã thành thân quen nên cha Dưỡng bỏ hẳn kiểu lễ nghi khách khí, nói với Vũ:
- Đức Hồng y Spellmann gửi cho cha Luận và tôi bức điện ngắn, mời chúng tôi qua Mỹ kịp dự lễ Phục Sinh. Nhưng cái chính là để bàn việc tiến hành mở trường Đại học Đà Lạt đã được đại học Michigan đỡ đầu. Cuối bức điện, Ngài nhấn mạnh, muốn chúng tôi tường trình để Ngài hiểu cự thể về tình hình chính phủ ông Diệm, sau vụ mưu sát vừa rồi. Có thể là bên đó có cái gì đưa đến sự bất lợi cho ông Diệm, mà Ngài là người ủng hộ rất mực Tổng thống Việt Nam Cộng hòa (nên ngài) phải quan tâm. Mười giờ chúng tôi ra sân bay, tất nhiên là đi việc riêng không liên quan đến việc chính phủ. Tôi muốn thầy góp cho vài ý để tôi có thể trình bày với Đức Hồng y đầy đủ hơn. Tôi nhờ ông Trọng mời thầy đến gấp là vậy.
Vũ chậm rãi nhấp tách cà phê lấy cớ để suy nghĩ. Đúng vậy, vụ ám sát Diệm là tiếng chuông báo động. Chính phủ Sài Gòn chưa hẳn đã vững vàng như nhà cầm quyền Mỹ vội vàng rêu rao, đánh giá. Mối quan tâm của Spellmann cũng là mối quan tâm của Nhà Trắng. Vũ nói với chủ ý của anh:
- Thưa Cha, sau vụ Ban-Mê-Thuột ông Cố vấn tỏ ra hằn học, mạnh tay. Tuần rồi, ông đã ra lệnh đóng cửa tờ báo "Đường sống", tờ báo duy nhất của công giáo di cư, rút giấy phép vĩnh viễn, truy tố cha Vũ Đình Trác ra tòa. Bà con cho ông Nhu quả là cạn tàu, ráo máng.
Hàng vạn giáo dân vốn sống nơi ruộng chiêm Ninh Bình quen thuộc bị đẩy lên ở rải dọc đường 20, vùng rừng núi, đất đá hoang vu. Hàng vạn người đang dở sống dở chết với vài mảnh rẫy khoai mì, chưa cách gì giải quyết nổi. Giáo phận Phát Diệm di cư hầu hết vào trong này, mà Đức Giám Mục Từ cùng các Cha phải nằm tạm ở rẻo đất chua phèn trước đây của nhóm Bình Xuyên, chưa được phân vùng định cư cho toàn giáo phận. Cha Trác viết báo kêu gào mấy tháng liền không kết quả, cuối cùng Cha báo động bằng bài xã luận: "Các khu tạm cư, bà con giáo dân đang cầu nguyện cho ông Diệm lấy lại uy tín ban đầu", có nghĩa là Tổng thống đã mất uy tín với tập thể giáo dân di cư. Thái độ của ông Nhu tỏ ra thách đố. Theo tôi, ông đã đổ thêm dầu vào lửa. Vì người Pháp sẽ không bỏ lỡ cơ hội trước sự tức giận của gần nửa triệu giáo dân Bùi Phát bi bạc đãi mà không khoét sâu thêm mâu thuẫn. Không chỉ riêng ông Cố vấn ở đây, cả ngoài cậu Cẩn, đã mở chiến dịch thanh toán những người trước đây làm việc trung thành với quân đội Pháp, chụp cho họ cái mũ gián điệp bất kể đúng sai, hành động thiếu suy tính lợi hại, khi thực dân Pháp ở miền Nam này chưa phải đã yếu. Đây là vấn đề thứ nhất, tôi xin góp ý để Cha nghiên cứu.
Linh mục Dưỡng tỏ ra chăm chú nghe và đôi lúc gật đầu đồng tình, cuối cùng khi Vũ ngừng lại đốt thuốc, Cha ngước mắt nhìn anh:
- Còn vấn đề thứ hai?
- Vâng, vấn đề thứ hai là mối bận tâm nhất của anh em ông Diệm, lại thuộc về phía Mỹ. Thái độ của những người Mỹ ở đây, phải chăng là chủ trương của Hoa-Thịnh-Đốn? Ngay từ ngày Tổng thống về chấp chính, Hoa-Thịnh-Đốn gợi ý với Tổng thống đưa ông Phan Quang Đán vào chức vụ Phó tổng thống. Lên nắm chính quyền, Tổng thống nghe lời ông Nhu, cương quyết không chịu mời ông Đán cộng tác. Cho đến lúc này, ông Đán trở thành đối thủ, một đối thủ mạnh, được một phần người Mỹ ủng hộ, và phần còn lại không hề phản ứng, kể cả đại tá Lansdale. Ông Đán đã quy tụ được nhiều chính khách đương thời, số từ Bắc vào như Nghiêm Xuân Thiện, Đinh Xuân Quảng, miền Trung có Trần Văn Lý, Nguyễn Mạnh Huyền và nam phần thì toàn bộ nhóm "Tinh thần Caravelle" do Trần Văn Hương, Phan Khắc Sửu cầm đầu. Hiện nay tờ báo "Thời Luận" do Nghiêm Xuân Thiện đứng tên trở thành cơ quan ngôn luận của "khối Dân Chủ" mà ông Đán là đại diện, đang tấn công Tổng thống khá mạnh. Ông Nhu bất bình về Đán, nhưng mới đây đại tá Lansdale biết rõ ý định của ông Nhu, đã khuyến cáo không được dùng bạo lực. Khoảng ít tuần nữa, ông Lansdale sẽ rời Sài Gòn về nhận nhiệm vụ mới trong hàng chỉ huy cơ quan CIA tại Mỹ, đại tá Colby sau kỳ nghỉ phép sẽ qua Sài Gòn thay thế. Ông Lansdale đã thông báo với Tổng thống, và nhác nhở rằng Colby trước đây đã tán thành chế độ lưỡng đảng cầm quyền ở đây giống như Hoa Kỳ, và sẵn sàng ủng hộ ông Đán. Vì vậy ông Nhu đã không yên tâm trước thái độ của Hoa-Thịnh-Đốn, vừa trợ giúp tổng thống Diệm vừa đặt sẵn cái thòng lọng, không rõ lúc nào sẽ thòng vào cổ. Ông Nhu không võ đoán, nhận định của ông có cơ sở khi nhìn thấy sớm hơn hoàn cảnh của tổng thống Phi Magsaysay với con bài Marcos, bên cạnh tổng thống Đại Hàn Lý Thừa Vãn với nhân vật họ Pắc sau lưng. Đó là mối uy hiếp thứ hai đối với tổng thống Diệm. Xin cha lưu ý Đức Hồng y cũng là cách thăm dò, để qua đó Cha hiểu được có phải là sách lược của chính phủ Hoa Kỳ hay chỉ là ý đồ của nhóm người Mỹ ở đây thôi.
Linh mục Dưỡng không giấu giếm ý nghĩ của mình:
- Nếu không được thầy phân tích rõ ràng những sự việc rắc rối phức tạp, tôi quả không hiểu nổi mô tê chi. Đúng là những mối đe dọa đang đối đầu với ông Diệm. Ngoài hai vấn đề trên, tôi cần phải báo trình thêm gì nữa với đức Ngài để có lợi cho Tổng thống chúng ta?
- Thưa còn một vấn đề thứ ba, sự rạn nứt ngay trong nội bộ không kém phần nguy hiểm cho tổng thống. Điều này tùy Cha định liệu, có nên báo trình hay không? Lúc này chỉ có Đức Hồng y mới đủ sức nặng khuyến cáo được Tổng thống. Kể từ sau ngày Tổng thống nắm quyền nguyên thủ quốc gia, chính sách "gia đình trị" mà báo Thời Luận của nhóm ông Đán suốt sáu tháng liên tiếp vạch ra, đã thành sự thật. Ông Cẩn như một tổng thống ở miền Trung với những gia nhân nắm hết vai trò chủ chốt. Ông Nhu ở đây toàn quyền quyết định cả về mặt Chính phủ lẫn Quốc hội. Quanh ông toàn là "người thân quyến hoặc đàn em tin cậy. Hai ông bà Nhu đều lo cho thế lực của riêng mình, xây dựng quyền uy cá nhân bên ngoài ảnh hưởng của đảng Cần Lao, giành quyền độc chiếm thị trường dược phẩm ở toàn miền Nam, tổ chức mua bán ngoại tệ, kim cương, chiếm lại thi trường buôn thuốc phiện của Salvani trước đây. Cha nghĩ coi, đến một lúc nào đó, dù bí mật đến đâu cũng bị người ta phát hiện mà thôi. Vấn đề tự nó sẽ tác động vào thế lực đối đầu ngay từ bên trong. Không lâu, mối nguy hiểm sẽ đến với Tổng thống. Vụ mưu sát vừa qua chẳng đã báo hiệu rồi đó sao?
Linh mục Dưỡng lắng nghe đến xuất thần, cuối cùng lắc đầu thở dài:
- Đó là chúng ta chưa bàn đến hiểm họa cộng sản đã kề sát nách mình. Nếu không được thầy nói rõ cho biết, tôi mãi tin cái ảo tưởng này đến lúc nào. - Ông cao giọng hơn - Không đâu? Với Đức Hồng y, tôi không thể giấu ngài, đó là luật đạo. Tôi phải nói hết để ngài biết. Vậy theo ý thầy, sau những điều báo trình, tôi có nên xin ngài một sự giúp đỡ cụ thể nào không?
Vũ đặt tách cà phê sữa, vừa lau miệng vừa suy nghĩ giây lát mới trả lời:
- Có thể không nên yêu cầu cụ thể Cha ạ! Chủ yếu là chờ đợi Ngài tự ban cho ý kiến thì đúng hơn. Tôi nghĩ, thế nào Ngài cũng chỉ dạy chúng ta phải làm gì trước những phức tạp đó và cách thức giải quyết ra sao. Điều chủ yếu tôi đề nghị với Cha, trong chuyến đi này, là Cha hết sức chú ý thăm dò qua Đức Hồng Y để hiểu cho được chủ trương của Chính phủ Hoa Kỳ đối với Tổng thống nói riêng và miền Nam nói chung, nhờ đó chúng ta sẽ có phương hướng giúp cho Tổng thống giải quyết phần nào những khó khăn đang đối đầu.
- Tôi sẽ cố gắng. Nhờ thầy Vũ góp ý, tôi yên tâm có thể báo trình nhiều điều quan trọng lên Đức Hồng Y và tôi nhớ sẽ tìm hiểu cho được chủ trương của Hoa Kỳ như điều thầy nhắc nhở.
Linh mục đứng lên:
- Không dám làm mất nhiều thì giờ của hai vị. Phần tôi cũng phải thu xếp vài công việc trước khi ra sân bay, hẹn tái ngộ.
Họ cùng đi bên nhau ra tới hiên ngoài và chia tay.

2.
Từ buổi nhận nhau là đồng hương, Võ Văn Trưng tự coi mình có mối quan hệ bà con với Lê Nguyên Vũ, hàng tuần đích thân đến nhà, tâm sự. Sau đó, thường xuyên đưa Vũ đến giới thiệu với một số nhân vật trọng yếu trong Ban chấp hành Trung ương đảng Cần Lao, những đồng chí tâm huyết của Trưng, đã cùng nhau hoạt động từ thời kỳ bí mật mở đường cho Diệm về chấp chính. Nhân vật đầu tiên Vũ gặp là Hà Huy Liêm, giáo sư triết Đông phương trường đại học Sài Gòn. Hà Huy Liêm cùng với Võ Văn Trưng đứng tên chủ bút, chủ nhiệm tuần san Sinh Lực không phải là tờ báo chính thức của đảng Cần Lao nhưng có trên mười ủy viên Trung ương đảng, hạng tầm cỡ, kể cả Tổng bí thư Trần Chánh Thành, đứng ra chủ trương xuất bản. Chính đó là yếu tố mà Vũ quan tâm, nên chỉ qua lời mời của Võ Văn Trưng anh đã viết bài cộng tác. Liên tiếp năm bài của Vũ gửi đến, tòa soạn xếp in ở phần đầu trang trọng. Hà Huy Liêm người vốn có tính tự cao, cũng đã trực tiếp tìm gặp Vũ, hết lời tán thưởng và cùng với Trưng, cả hai năn nỉ anh cộng tác, phụ trách trưởng ban biên tập cho tờ báo. Với chủ ý tạo thời cơ từ trước, Vũ không khách khí, nhận lời.
Qua nhiều lần thăm dò Võ Văn Trưng, Vũ thấy khá rõ triệu chứng tan rã của đảng Cần Lao Nhân Vị do mâu thuẫn quyền hạn giữa anh em Nhu - Cẩn và Ban chấp hành Trung ương mà nhóm Trần Chánh Thành, Võ Văn Trưng là đại diện. Tuy nhiên, anh nghĩ cần phải nghiên cứu sâu sát hơn để đánh giá chính xác thực lực khả năng của họ hếu có đủ sức đối đầu với Nhu - Cẩn? Ý định ấy buộc anh phải gần gũi từng cá nhân trong bọn họ, nhằm tác động trong tập thể này, khoét sâu mâu thuẫn từ gốc chế độ tay sai của đế quốc Mỹ, tên thực dân kiểu mới. Tất nhiên Vũ đã tính đến trường hợp thất bại có thể gây khó khăn không ít cho vị trí của anh đã tạo được, nhưng không nguy hiểm đến an toàn chính trị vì anh chỉ cộng tác với số nhân vật lãnh đạo của đảng Cần Lao, mỗi người đều có thành tích chống cộng sản tích cực nhất, và chống đến hơi thở cuối cùng?
Võ Văn Trưng đã giúp Vũ hiểu rõ lý lịch, tâm tư của từng nhân vật trước khi đưa Vũ đến giới thiệu với những người tâm huyết của ông ta theo yêu cầu của anh.
Đã thông cảm nhau qua những bài đăng báo Sinh Lực, Vũ dễ dàng tạo được tình cảm thân mật ngay buổi tiếp xúc đầu tiên với từng nhân vật trong nhóm mà số đông vẫn đang nắm quyền trong tay, đặc biệt bộ trưởng Quốc phòng Trần Trung Dung, ủy viên thường vụ Trung ương Đảng. Ngoài ba mươi tuổi, Dung đã làm tri huyện Yên Mô thuộc tỉnh Ninh Bình. Dung vốn là bạn chơi bời của Nhu trong thời Pháp thuộc, hồi Nhu chỉ là viên chức bình thường của thư viện Hà Nội. Vào Sài Gòn, để đạt được vị trí bộ trưởng Quốc phòng, Dung đành xâm mình làm cháu rể của anh bạn năm xưa. Trong hoàn cảnh trớ trêu, Dung cam tâm làm gia nhân cho dòng họ Ngô Đình, vẫn không tránh nổi sự tủi nhục của một bộ trưởng Quốc phòng chỉ biết cúi đầu vâng lời chú, bác. Trước thái độ khinh khi của mọi người, Dung trở nên bất mãn thống Nhu, oán Diệm. Cơ hội giúp Trần Chánh Thành kéo Dung vè phía mình, khi chính Thành cũng không chịu đựng nổi cảnh quỳ gối tế sống bà mẹ Nhu ở Huế vừa rồi.
Cũng là một tri huyện cuối triều Bảo Đại, một trí thức đương thời, ít nhiều cũng đã từng sống bên cạnh những nhà chính trị cách mạng chân chính trong phong trào kháng chiến chống Pháp, Trần Chánh Thành lại càng thấm thía hơn. Hắn không chịu Ngô Đình Nhu ngay từ buổi đầu hợp tác, lại càng khinh Ngô Đình Cẩn quê mùa, ngu dốt. Chỉ vì Ngô Đình Diệm, Thành nhận làm một thành viên trong hàng lãnh đạo của đảng Cần Lao Nhân Vị, được đa số đề cử giữ chức Tổng bí thư. Với chủ trương đảng cầm quyền, Thành đã năng nổ hơn ai hết, củng cố tổ chức, phát triển đảng, tập họp lực lượng.
Chi trong vòng hai năm, đảng Cần Lao với gần một triệu đảng viên đã hậu thuẫn cho Diệm về chấp chính. Thành đã tự hào về công trạng của mình, tự hào về đảng Cần Lao, một đảng lớn mạnh đủ uy lực chế ngự hàng chục đảng chính trị quốc gia chống cộng ở miền Nam, đã giúp Diệm lật đổ Bảo Đại, giữ vững cái ghế thủ tướng trong giai đoạn bấp bênh nghiêng ngả, rồi đưa Diệm lên vi trí nguyên thủ quốc gia "hứa hẹn một tương lai vững chắc", như lời tuyên bố của hắn trong buổi họp nội bộ đảng ngày nào. Tham vọng của Trần Chánh Thành không che giấu được Nhu. Ý đồ lấy đảng cầm quyền đã bị Ngô Đình Nhu gạt bỏ. Sau khi ban hành hiến pháp, quyền hạn thu gọn vào tay một tồng thống, đảng Cần Lao chỉ còn là đồ trang trí. Nhu quẳng cho Thành chức Tổng bí thư đảng và bộ trưởng Thông tin, đặt hắn vào quỹ đạo của mình. Thành chỉ còn là thành viên trong nội các, chịu trách nhiệm trước thủ tướng. Với tới tổng thống và cố vấn tổng thống, con đường quá xa. Hết hy vọng dùng danh nghĩa đảng, chi phối anh em Nhu - Diệm. Thành oán hận, âm thầm quay về với số đồng chí tâm huyết của mình, mưu đồ chống Nhu..
Vũ còn chú ý nghiên cứu bọn quân nhân có chân trong nhóm như trung tá Nguyễn Văn Châu, giám đốc Nha nhân viên Quốc phòng, đều là tay chân thân tín của Trần Trung Dung, trung tá Nguyễn Ngọc Triệu bạn rất thân của đại tá Đỗ Mậu từ ngày còn hoạt động ở Trung phần, được tổng thống Diệm tin cậy giao chức chỉ huy trưởng lữ đoàn phòng vệ, quân số gồm hai trung đoàn đủ. Không riêng Đỗ Mậu, cả nhóm trông cậy vào thực lực này. Thiếu tướng Lê Văn Nghiêm, cùng với Mậu xuất thân từ binh chủng khố xanh của thực dân Pháp. Cả hai kết bạn suốt hai mươi năm cùng trong quân ngũ, coi nhau như ruột thịt, tâm đầu ý hợp, cùng hoạt động và theo phò Diệm thời kỳ bí mật. Ngày về nhận chức thủ tướng, Diệm phong quân hàm thiếu tướng cho Nghiêm, giao chỉ huy quân lực toàn Trung phần, sau này theo kế hoạch chia vùng, Nghiêm được cử làm Tư lệnh vùng I. Tuy được tổng thống Diệm tin cậy, nhưng không được lòng Cẩn, vì viên tướng này trước kia là đệ tứ ruột của Hòa thượng Thích Đôn Hậu, nhà sư già có uy tín đang nắm Hội Phật học tại Huế, lực lượng đối đầu với công giáo. Cẩn đẩy Nghiêm ra khỏi chức vị, trả về bộ Quốc phòng cùng với thư riêng viết cho Nhu. Trần Trung Dung đang tìm cách đỡ Nghiêm, nhưng Nhu đã kịp thời đưa ông ta làm chỉ huy trưởng quân trường Thủ đức.
Thân phận của các ủy viên chấp hành Trung ương là vậy. Nhưng Vũ tự hỏi, trên bảy chục đảng viên Cần Lao nắm quyền lãnh đạo đảng, một phần trong số họ còn nắm chức quyền, kể cả quân đội, tại sao lại nhẫn nhục vâng lời Nhu, Cẩn đến nỗi bảo gì làm nấy, không một ai phản đối? Chỉ riêng Đỗ Mậu, một lần dám to tiếng với Nhu? Võ Văn Trưng đã to nhỏ giải đáp điều anh thắc mắc: "Chỉ vì dám yêu cầu Tổng bí thư triệu tập đại hội toàn Đảng lần thứ hai, vận động đưa Nhu - Cẩn ra khỏi chính quyền mà năm ủy viên Trung ương đã nhận cái chết bất thường, bị tai nạn? Trừ Đỗ Mậu thoát khỏi. Hầu hết xanh mặt khiếp sợ!"
Gần đây đại tá Đỗ Mậu đã trở về Sài Gòn theo lệnh triệu hồi của tổng thống Diệm. Trên danh nghĩa, ông ta vẫn là ủy viên thường vụ Ban chấp hành Trung ương đảng Cần Lao dù đã bi đưa qua Pháp làm tùy viên quân sự sứ quán. Bề ngoài, một viên đại tá tùy viên sứ quán không là gì cả đối với hàng tướng tá, hàng bộ trưởng trong chính phủ Diệm đương thời. Chỉ riêng với nhóm "Tâm huyết" của Võ Văn Trưng, tin Mậu về là nguồn phấn khởi, là một thắng lợi đối với mọi người. Ngay cả Tổng bí thư Trần Chánh Thành hôm Mậu về nước cũng bỏ hết công việc, đích thân ra tận trường bay Tân Sơn Nhất đón người đồng chí thân thiết. Rõ ràng Mậu có uy tín cao trong tập đoàn Trung ương Cần Lao. Theo lời Võ Văn Trưng tâm sự với Vũ ngay sau ngày Mậu ra đi, người ta thấy rõ Ban chấp hành Trung ương đảng đã thành bốn cánh. Cánh ở Trung phần, cấp tốc bám chân Ngô Đình Cẩn tại Huế, hai cánh trong này bám Nhu, theo Thục. Cánh của Trưng, Thành còn lại không quá mười người, từng được tôn xưng sáng lập viên của đảng, có công mở đường cho Tổng thống về nắm chính quyền, tất cả nhất mực chỉ giữ lòng trung với Diệm, thề không luồn cúi trước Nhu, Cẩn. Nhưng thật đáng buồn, khi Diệm bị Nhu đặt trong lồng kính cách ly, nếu không chịu nhục cúi đầu trước Nhu, không còn đường nào đến gần được Diệm. Vì vậy, Mậu về đây đem theo về cho bọn họ một niềm hy vọng.



Xem trang:
[1][2][3][4][5][6][7][8][9][10][11][12][13][14][15][16][17][18][19][20]
[21][22][23][24][25][26][27][28][29][30][31][32][33][34][35][36][37][38][39][40]
[41][42][43][44][45][46][47][48][49][50][51][52][53][54][55][56][57][58][59][60]

TOP WAP WORLDWIDE


mobiV trang ch

© GIAITRI102.TK
Thanks to XTGEM