Không bấm vùng phía trên kẻo mất tiền nhé!

Cụ Lực khẽ gật đầu, nói tiếp:
- Cám ơn hai vị. Đây là kế hoạch được toàn thể anh em chúng tôi đánh giá cao. Nhưng muốn thành công phải giữ được bí mật đến phút chót mới tạo được cú bất ngờ. Bằng không, nếu đối thủ phát hiện, không chỉ thất bại, mà tính mạng của nhiều người chắc là khó bảo toàn được. Như lần trước ra Qui Nhơn, đại tá đã tiếp xúc với các ông Nguyễn Xuân Chữ, Vũ Ngọc Các, Phan Xứng, Nguyễn Quốc Sủng, Phan Thành Giang, Trần Ngọc Ninh, Tạ Nguyên Minh, Nguyễn Mậu. Sau đó anh em đã bắt tay vào công cuộc vận động tập hợp lực lượng. Kết quả thật ngoài dự kiến của chúng tôi, đa số nhân sĩ trí thức miền Trung đều hăng hái hợp tác, vì không ai không căm hờn Ngô Đình Cẩn. Điều đáng mừng là các vị lãnh đạo Hội Phật Học Việt Nam cùng giới tăng ni phật tử, ở Huế, Nha Trang rất mạnh, đều tình nguyện hợp đồng hành động. Tại Huế, hai hòa thượng Thích Đôn Hậu chùa Diệu Đế, Thích Tịnh Khiết chùa Từ Đàm, các thượng tọa tên tuổi như Mật Nguyện chùa Linh Quang, Thích Thiện Siêu, Thích Trí Quang, Thích Thiện Minh là những thượng tọa trẻ đầy nhiệt huyết. Thượng tọa Thích Trí Thủ, hội trưởng Phật học Khánh Hòa có cả ngàn học trò trong tỉnh và rải khắp số tỉnh phía nam Trung Việt. Nói đến chống gia đình họ Ngô tàn bạo, tất cả hứa tham gia. Lực lượng chính trị, quần chúng đã khá mạnh. Chúng tôi còn đi vận động số con em là sĩ quan binh sĩ, đặt làm các đầu mối trong các đơn vị quân lực. Hy vọng có số đơn vị tình nguyện tham gia hành động.
Chúng tôi tin chắc, ít ra khi tình hình diễn biến thuận lợi, sẽ có những đơn vị cấp tiểu đoàn, cả trung đoàn án binh bất động, và khi thấy chiều hướng chúng ta thắng, họ theo ngay...
Căn phòng im ắng, chỉ nghe tiếng quạt máy rất nhỏ khi cụ Lực ngừng nói. Đỗ Mậu nâng tách trà nóng trao cho vị chính khách mà vẻ nồng nhiệt còn rạng rỡ trên gương mặt. Chỉ hớp một hớp nhỏ, cụ Lực đặt tách xuống, nhìn Đỗ Mậu:
- Còn tình hình trong Nam, lần trước đại tá thông báo đang mạnh dần theo thời gian, đặc biệt là lực lượng quân sự. Trước thắng lợi đó, chính tôi mạnh dạn dự tính sớm có một kế hoạch hành động quyết định. Con trai tôi, trung úy phi công Nguyễn Văn Cử, với vài người bạn phi công tâm huyết sẽ lợi dụng cơ hội đi oanh tạc vùng địch, bất ngờ chuyển hướng tấn công dinh Độc Lập, chỉ một phi đoàn đủ sức vùi hai anh em Diệm dưới làn bom. Lòng dân đã căm thù Ngô triều, và sẽ không còn ai tiếp tay bọn tôi tớ họ Ngô ngăn cản chúng ta dành quyền lãnh đạo quốc gia. Chúng ta sẽ lập một chính quyền quy tụ đủ nhân tài, chế độ sẽ đủ mạnh đập tan bọn Việt cộng ở trong Nam, tiến tới giải phóng miền Bắc, điều này chẳng khó khăn gì khi có Mỹ tận tình viện trợ.
Nguyễn Văn Lực nói một mạch không dứt. Sự quyết liệt thể hiện trên nét mặt ửng đỏ, sợi gân máu nổi rõ trên vừng trán, trên cần cổ còn chắc nịch. Ông, dưới đôi mắt tinh tường không mang kính, nhìn đại tá Mậu, rồi Vũ. Đón lấy ly cà phê nóng do Mậu kính trọng trao tận tay, ông nhấp một ngụm rồi tiếp:
- Thằng trung úy Cử con trai tôi đã từng học ở Mỹ, nay là phi công tổ trưởng một phi đội oanh tạc cơ vẫn thường đi thả bom vùng khu bốn Việt cộng. Có lần nó hỏi tôi, nếu có một phi vụ như thế, nó sẽ lợi dụng đổi hướng quay lại đổ hết bom xuống dinh Độc Lập thì có thanh toán được các ông Diệm, Nhu chăng? Tôi nghĩ ngay đó là giải pháp tốt nhất, nhanh nhất để cứu nguy cho chính thể cộng hòa. Đại tá, ông phụ tá nghĩ thế nào, bởi tôi không thông thạo việc quân sự, nên không dám nói chỉ một phi đội oanh tạc cơ của con tôi và bạn bè nó đủ để loại trừ anh em Diệm Nhu chưa? Bọn con tôi cũng có sẵn quyết tâm như tôi, và nếu cần hy sinh cho đại cuộc, chúng sẵn sàng. Đại tá có tin rằng chúng ta thành công được không?
Vũ cảm thấy hơi áy náy trước cách đặt vấn đề bộc trực, thẳng thắn, cụ thể đạt tới mục đích giết chết hai anh em Nhu Diệm, không chần chừ, không khoan nhượng, của vị chính khách già Nguyễn Văn Lực. Bởi vì lâu nay dù rất bất bình, đại tá Đỗ Mậu thường nhấc chuyện "trung quân" và không giấu giếm thái độ ân tình với cá nhân ông Diệm. Nếu như cụ Lực chỉ tính chuyện diệt Nhu và Cẩn thì có thể đoán chắc phản ứng thuận của ông Mậu. Nhưng đằng này kế hoạch ông Lực đưa ra đã không tha, tính sổ luôn cả ông Diệm...
Vũ liếc nhìn Đỗ Mậu, nét mặt khắc khổ và cương nghị của ông vẫn không để lộ chút phản ứng. Vũ thầm suy đoán, hay là Đỗ Mậu chỉ ân tình với Diệm khi quyền lực của Tổng thống còn gắn chặt với sự nghiệp chính trị của ông ta, đáng cho ông sống chết tận trung với ông Diệm. Còn nay sau bao nhiêu biến đổi, điều ấy đã trở thành xa lạ rồi.
Đại tá Mậu tỉnh táo im lặng, lát sau ông mới trả lời câu hỏi của ông Lực bằng một giọng sắc, gọn:
- Tôi tin, thưa cụ. Kế hoạch này có đủ điều kiện để tính đến. Một tấn bom cho mỗi phi đội, dinh Độc Lập tuổi tác gần 100 năm, xuống cấp vì già nua, phải sụp đổ thôi, có nhiều khả năng chôn vùi theo những người ở đó, thoát hiểm chỉ là việc hy hữu. Nhưng vấn đề thực hiện lại lệ thuộc vào những yếu tố khách quan không hoàn toàn chủ động được. Mà đã thiếu chủ động thì hiệu quả của kế hoạch lại dựa vào may rủi quá nhiều.
Dường như cảm thấy đại tá Mậu không mấy tin tưởng, Nguyễn Văn Lực nóng nẩy cắt lời:
- Xin đại tá phân giải cho nghe thế nào là may rủi quá nhiều?
- Dạ, theo tôi thì kế hoạch này phải hội đủ các yếu tố. Ví dụ: đột xuất có lệnh không tập căn cứ đích không trùng thời điểm có mặt ông Diệm, ông Nhu ở dinh. Phi đội oanh tạc dinh lúc đó chỉ tổ mua lấy tai họa. Ngoài ra phải tính toán đến mặt thông tin kỹ thuật, chẳng hạn nếu phòng tác chiến nhận ra phi đội chuyển hướng bay, tức khắc báo động, thì hệ thống phòng không túc trực 24/24 sẽ hoạt động... Có thể là nhờ yếu tố bất ngờ chiếc phi cơ đầu hành động kịp, nhưng loạt bom thả sau có chắc chắn đạt hiệu quả không? Chỉ vài trái bom trúng được mục tiêu, dinh Độc Lập không hề hấn gì nhiều, tính mạng anh em ông Diệm vô hại. Ngoài ra chúng ta còn phải bảo vệ an toàn cho các phi công đã làm tròn nhiệm vụ, và cuối cùng là kế hoạch đảo chánh phải kịp thời điểm, cũng phải bất ngờ mới mong giành được chính quyền, ổn định nhanh tình hình, như vậy người Mỹ ở đây mới chấp nhận được.
Nghe đại tá Mậu phân tích, Nguyễn Văn Lực đã vơi nhiều náo nức lúc đầu, ông ta im lặng hồi lâu rồi thở dài:
- Như vậy kế hoạch không thể sử dụng được?
Đại tá Mậu trầm ngâm giây lát, ông nhấp cà phê, và vẫn với giọng tỉnh táo:
- Kế hoạch vẫn sử dụng được thưa cụ, nhưng phải tính toán lại thật kỹ. Tôi có thể sẽ bàn với trung tá Nguyễn Cao Kỳ, và sau đó phải gặp trung úy Cử rồi chúng ta sẽ có quyết định sau.
Nét mặt cụ Lực lại ánh lên vẻ vui mừng, giọng nói có phần tươi vui:
- Vậy vẫn còn hy vọng. Thì ra ông Kỳ cũng là người thân tín của đại tá, hay quá?
- Hy vọng chứ thưa cụ. Chính vì chúng ta đã lôi kéo được trung tá Kỳ nên tôi rất tâm đắc về kế hoạch cụ gợi ý. Tinh thần vì nghĩa cử của cụ và các anh con trai anh dũng của cụ, chúng tôi rất khâm phục. Trong khi chờ đợi tiến hành kế hoạch, xin cụ cứ trở về ngoài ấy thông báo với các vị khác luôn sẵn sàng. Đích thân tôi sẽ liên lạc lại đại tá Trinquier đã trở về Paris chỉ sau năm ngày lưu lại Sài Gòn, thay vì một tuần như dự tính.
*
Phù Ninh Đa vui mừng nói với Vũ:
- Em đã thoát thêm một tai nạn!
Nhưng không vì vậy mà Ninh Đa chịu rời nhà anh nuôi trở lại Chợ Lớn.
- Em nhất định tị nạn ở đây cho đủ một tuần.
Nàng nhìn Vũ, cười lí lắc nhưng ánh mắt đượm buồn. Vũ không từ chối, anh nghĩ, có thể Ninh Đa chưa hết hồi hộp vụ Trinquier sang Sài Gòn tìm nàng. Cuộc đời thiếu nữ của nàng đã trải qua đắng cay lặng lẽ trong vòng tay của hai sĩ quan tình báo Trinquier, rồi Conein. Đến với Vũ, nàng có cảm giác được che chở, cảm thông, không phải run sợ trước một tương lai mơ hồ, bất định. Ninh Đa nhớ hoài lời Vũ khuyên giải nàng: "..Cả đến kẻ quyền cao chức trọng, những mệnh phụ phu nhân giàu sang thế lực, còn tự nguyện phục vụ hết mình cho Pháp, rồi nay cho Mỹ mà không thấy sỉ nhục, thì trách chi em? Một em gái nông thôn như em, suy nghĩ nông cạn, ngây thơ chưa hiểu việc đời, hoàn cảnh lại đẩy đưa bắt buộc..." Nhận Vũ làm anh nuôi, Ninh Đa học được bao điều mới lạ ở Vũ, nàng trở nên tự tin, khôn ngoan, bản lĩnh trước Conein và cả Trinquier, khiến cả hai không thể tiếp tục cư xử với nàng như một thứ trò chơi. Nhất là Trinquier, trước kia từng coi nàng như gái hầu phòng, sai vặt, khi cần để mua vui, nay hắn nhận ra Ninh Đa đã khác xưa nhiều, buộc hắn giữ chừng mực của người biết liêm sỉ.
Ninh Đa không hề quan tâm Trinquier thành thực hay chỉ xã giao, khi hắn khuyên nàng xuất cảnh sang Pháp định cư. Hắn giải thích, bọn tai to mặt lớn giàu sang ở đây còn muốn chạy vạy lo lót tìm đường xuất ngoại, họ có đủ mà vẫn bỏ hết để đi. Phần Ninh Đa chẳng có gì vướng mắc, Trinquier hứa bảo lãnh, giúp cho ăn học thêm, kiếm cho việc làm, tương lai chắc chắn. Ninh Đa lắc đầu hắn huơ tay nói nàng cứ nghĩ đã. Nàng đành nói lời chối từ dứt khoát, cũng không quên cám ơn về sự quan tâm của hắn. Trinquier tỏ ra rất ngạc nhiên. Hắn nói với Ninh Đa, là mới hai ngày trước đây hắn đã từ chối bảo lãnh xuất ngoại cho một gia đình cộng sự viên cũ từng ân huệ với nhau sang định cư ở Pháp. Thế mà Ninh Đa... Trinquier nhìn nàng, khẽ lắc đầu với vẻ chấp nhận, tự hiểu là không thể buộc nàng thay đổi ý kiến. Chiều hôm đó, Trinquier mời Ninh Đa, cả trung tá Conein dự một bữa tiệc chia tay tại nhà hàng Continental cạnh trụ sở quốc hội.
Ba người ngồi quanh bàn ăn trải khăn tráng muốt, dưới ánh nến lung linh, giữa một không khí đầy vẻ quí tộc kiểu Pháp. Nhạc valse cổ điển dìu dặt. Conein vẫn đầy vẻ kính nể vị chỉ huy cũ, tuy vậy tình bạn thắm thiết của hơn 20 năm chung sống cạnh nhau ở Việt Nam, cả hai trong quân đội Pháp, từ thời kỳ Đồng Minh chống phát xít Nhật tại Đông Dương, đem lại cho họ thái độ cởi mở, bình đẳng. Họ chuyện trò tự nhiên không có vẻ gì dè dặt cả với Ninh Đa. Trinquier cố ý giải thích chuyến thăm lại Việt Nam, nhấn mạnh đến tình cảm lưu luyến và không nói gì công việc mà chiều hôm qua hắn đã lỡ lời nói với Ninh Đa. Hắn nhắc những người Pháp, bạn của hắn đã từng có phân nửa cuộc đời ở Việt Nam, riêng cha con Trinquier cộng được đủ năm mươi năm phục vụ ở Việt Nam.
Bao nhiêu là kỷ niệm gắn liền với đất nước đáng yêu này. Có lúc thở dài, vẻ buồn bã thực sự, hắn nhìn vào mắt Ninh Đa:
- Nhưng không còn ai quan tâm, cần sự có mặt của tôi, xa lạ tất cả rồi? Kể cả những người quen thân cũ của tôi như Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, Mai Hữu Xuân... đều là những sĩ quan do Pháp đào tạo nay Mỹ hóa hết. Các nhân vật chính trị cũng đã từng là cộng sự của Pháp như Nguyễn Ngọc Huy, Trần Văn Tuyên, Hoàng Cơ Bình... đã thay đổi nhiều không phải về tuổi tác mà về chính kiến.
Rồi Trinquier kể, đã đến vấn an các giám mục Công giáo Lê Hữu Từ, Phạm Ngọc Chi... Giới quân sự giới chính trị, rồi tôn giáo đều nói lên một điều chế độ Việt Nam Cộng hòa đang suy yếu dần, vì chính phủ ông Diệm độc tài gia đình trị, đàn áp mọi thế lực đối lập rất tàn bạo, diệt những người đã có công chống cộng sản, thực hiện chính sách chuyên chế còn hơn Cộng sản Hà Nội. Anh em ông Diệm đã đánh mất lòng tin trong dân chúng, Việt cộng dành lại dân, hoạt động mạnh khắp nơi, miền Nam bất ổn không lẽ người Mỹ không nhận ra chính quyền Diệm đang suy yếu? Mới đây tổng thống Kennedy lại tiếp tục khen ngợi chính quyền Sài Gòn chống cộng hữu hiệu, được lòng dân, đề cao uy tín cá nhân tổng thống Diệm, tăng thêm viện trợ. Trong khi dư luận bên ngoài mong muốn có một giải pháp hòa bình cho Việt Nam, một điểm nóng, đang báo hiệu sẽ bùng nổ chiến tranh khu vực. Tổng thống De Gaulle từng gợi ý với tổng thống Mỹ, nhưng Mỹ chỉ chấp nhận giải pháp hòa bình trong thế mạnh. Không lẽ bằng thế mạnh của chính nước Mỹ? Chứ còn chính quyền miền Nam này mạnh hay yếu Trinquier, Conein đã thấy rõ rồi. Hay chờ? Đến bao giờ, đến khi chiến tranh nổ ra chăng? Conein nhắc lại việc cũ, thời kỳ còn dưới quyền Trinquier phục vụ trong đoàn quân viễn chinh của Pháp ở Đông Dương, chính Conein đã có lần hỏi Trinquier tương tự như vậy, với chính phủ Bảo Đại bất lực, không được lòng dân, được giải thích tìm được người tin cậy là khó, thay đổi sớm chiều càng khó hơn nhiều, đối phương chỉ chờ có vậy để quật ngã. Tổng thống Kennedy duy trì tình trạng trong cái thế cần giải quyết tình hình Cuba, Lào nên không muốn xáo trộn ở Việt Nam. Giai đoạn đó anh em Diệm lún sâu vào sai lầm. Conein xác nhận, Diệm đã mất sự ủng hộ của quân đội, đẩy các thế lực chính trị, đảng phái, cả tôn giáo vào thế chống đối, anh em ông Diệm quay hướng đối đầu với phe đối lập, cơ hội cho Việt Cộng dành dân mở rộng kiểm soát nông thôn. Conein xác nhận những gì Trinquier đã biết là đúng. Nhưng Conein phân tích, sức mạnh của quân đội Sài Gòn còn đó, đảng phái chính trị, tôn giáo, quyết tâm chống Cộng, tất cả tin vào thiện chí của Mỹ, bảo vệ miền Nam Việt Nam. Hà Nội chưa làm gì được. Trinquier tỏ ra không nghi ngờ, nhưng biết rằng, anh em Ngô Đình Diệm không còn thực quyền, không còn là con chủ bài của Mỹ nữa.
Sau bữa ăn, đến lúc chia tay, Trinquier mới đề nghị Ninh Đa sáng mai tới đón đưa ra phi trường Tân Sơn Nhất. Nàng phải vui vẻ nhận lời, vì quá bất chợt không tìm ra cớ gì từ chối.
*
Nghe Ninh Đa thuật lại đầy đủ câu chuyện trao đổi giữa Trinquier và Conein trong bữa
ăn tối, Vũ cảm thấy vui vì Ninh Đa thoát được khỏi Trinquier và vì những tin tức mới. Tuy nhiên, Vũ khuyên nàng nên đi tiễn Trinquier. Sáng hôm sau, đúng hẹn, Ninh Đa đã lái xe đón Trinquier tại khách sạn. Trên đường ra sân bay Tân Sơn Nhất, nàng phải dừng xe cả gần 10 phút tại ngã tư đầu đường Ngô Đình Khôi - Võ Tánh nhường đoàn xe quân đội gần chục chiếc chở thương binh từ hướng Tây Ninh về. Nàng nghe trong đám đông chờ đợi có tiếng bàn tán: "Đêm qua Việt Cộng tràn ngập căn cứ một trung đoàn quốc gia ở Dầu Tiếng". Trinquier tỏ ra chú ý lắng nghe. Khi xe chạy tiếp, Trinquier bỗng nói, như nói với chính mình: "Diệm Nhu bây giờ không còn quyền tự quyết". Ninh Đa nghe rõ, nhưng không hiểu hết ý, im lặng. Mãi lúc cùng ngồi trong phòng đợi, Ninh Đa mới hỏi lại. Trinquier không dè dặt, giải thích:
- Anh qua Việt Nam cốt để xác minh một việc có liên hệ đến chính phủ Sài Gòn. Cố vấn Ngô Đình Nhu yêu cầu Pháp đứng trung gian giúp cho Sài Gòn thương lượng với Hà Nội nhằm tiến tới giải pháp hòa bình theo tinh thần hiệp định Genève 1954. Nếu chỉ có thế Pháp không mấy quan tâm, lần này Nhu đơn phương cam kết sẵn sàng bắt tay Hà Nội chống Mỹ can thiệp, Pháp đã chú ý. Nhưng chỉ trong mấy ngày nghiên cứu tình hình, anh nhận thấy chính quyền của ông Diệm không còn đủ quyền quyết định vận mệnh của chế độ, chế độ đó đã nằm trong tay Mỹ. Qua cách nói của Conein, em hiểu chứ, người Mỹ không cho phép anh em ông Diệm lộng hành như vậy.
Trinquier cắt ngang. Hắn nhắc lại lời khuyên Ninh Đa đi Pháp định cư và tỏ hy vọng nếu đối ý nàng sớm biên thư báo tin, hắn bảo lãnh, giúp đỡ hết lòng. Cuối cùng, trước phút chia tay, Trinquier nói với thêm Ninh Đa cần cẩn trọng vì tình hình miền Nam không lâu sẽ biến động, bất ổn, và lặp lại lời khuyên với giọng da diết:
- Bất cứ khi nào Ninh Đa quyết định xuất cảnh, viết thư báo với tôi.



Xem trang:
[1][2][3][4][5][6][7][8][9][10][11][12][13][14][15][16][17][18][19][20]
[21][22][23][24][25][26][27][28][29][30][31][32][33][34][35][36][37][38][39][40]
[41][42][43][44][45][46][47][48][49][50][51][52][53][54][55][56][57][58][59][60]

TOP WAP WORLDWIDE


mobiV trang ch

© GIAITRI102.TK
Thanks to XTGEM

Pair of Vintage Old School Fru